Thần tượng thơ ca và chiếc “bánh vẽ”

Nguyễn Anh Tuấn

Trước hết cần nói ngay, đó là thần tượng của riêng tôi, nhà thơ Chế Lan Viên. Từ hồi sinh viên, chỉ vì mấy câu thơ này mà sau khi tốt nghiệp, tôi đã tình nguyện lên Tây Bắc công tác:

Con tàu này lên Tây Bắc anh đi chăng

Bạn bè đi xa anh giữ trời Hà Nội

Anh có nghe gió ngàn rú gọi

Ngoài cửa ô tàu đói những vầng trăng…

Những ai đã từng sống ở Tây Bắc mới có thể thấm hết những câu thơ sau:

Nhớ đỉnh sương giăng, nhớ đèo mây phủ

Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn…

Ai đang yêu mà không rung động với xúc cảm này:

Anh nhớ em khi đông về nhớ rét

Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng

Như xuân đến chim rừng lông trở biếc

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương…

Gần đây nhất, khi đi cùng các nhà giáo Thái Bình về ngôi trường mang tên Nguyễn Du ở huyện Kiến Xương để quay phim, trên xe, tôi đã bất giác ngâm nga cho các bạn mới nghe những câu thơ của CLV :

Em đi về Kiến Xương

Mùa này mưa bão lắm

Phòng anh mờ hơi sương

Thiếu em như thiếu nắng…

Tôi thuộc thơ CLV nhiều hơn thơ Tố Hữu – mặc dù Tố Hữu cũng có nhiều bài rất hay, hơn nữa lại là chất liệu giảng dạy chủ yếu ở chương trình ngữ văn PT trong nhiều thập niên. Tôi tôi thường xuyên đọc lại thơ ông – nhất là phần Di cảo thơ, có nhiều bài tôi thích, như bài:

AI? TÔI!

Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng

Chỉ một đêm, còn sống có 30

Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?

Tôi!

Tôi – người viết những câu thơ cổ võ

Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong.

Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm

Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ

Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ,

Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!

Ai chịu trách nhiệm vậy?

Lại chính là tôi!

Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời,

Tôi ú ớ

Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong

Mà tôi xấu hổ

Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay

Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ

Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười

Hoặc bài:

KỊCH

Như nhà đóng kịch, đóng trăm vai bây giờ chán kịch

Về cuối đời chơi con rối ngu ngơ

Không tin vào cái thông minh của mình mà tin vào con rối dại khờ

Nó gật đầu ư, hồn mình gật theo

Nó chớp mắt, lòng ta chớp với

Như nhân loại đã nghìn vạn năm nhân loại

Bây giờ muốn đóng đứa trẻ thơ một tuổi

Xưa tôi làm thơ, giờ thử để Thơ làm

              1987

Nhưng, có một bài trong đó khiến tôi băn khoăn ngẫm nghĩ nhiều, thậm chí bực bội với nhà thơ tôi yêu thích – đó là bài:

BÁNH VẼ

Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ

Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn

Cầm lên nhấm nháp.

Chả là nếu anh từ chối

Chúng sẽ bảo anh phá rối

Ðêm vui

Bảo anh không còn có khả năng nhai

Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc…

Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?

Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn

Như không có gì xảy ra hết

Và những người khác thấy anh ngồi,

Họ cũng ngồi thôi

Nhai ngồm ngoàm…

                Tháng 8 năm 1991

Tôi có tâm sự điều này với nhà văn Hoàng Quốc Hải. Ông gật đầu, và bảo: “Anh rất khó chịu với bài thơ «Bánh vẽ», nó cho anh thấy một con người rất khác – nói đúng hơn là bản chất thực của CLV… Anh nhất định sẽ viết về bài thơ này một cách thích đáng, em cứ đợi đấy!”

Trong khi chờ đợi nhà văn lão tướng viết một cách công bằng về bài thơ trên, cùng suy nghĩ của ông với tư cách là một nhà văn hóa có uy tín về nhân cách thực sự của một nhà thơ vốn là “thần tượng” của tôi, tôi xin được nói đôi dòng cảm nghĩ của bản thân…

Bài thơ cho thấy ngay rằng tác giả là một người “lõi đời”, từng trải, đã từng bị “nếm đòn” bởi cái án văn tự vu vơ, và chẳng có gì qua mắt được ông nữa: “Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ”. Ông đã khái quát sự giả dối, lừa bịp, những lời đẹp đẽ bay bổng che dấu sự thối tha bẩn thỉu, những hứa hẹn to tát sặc sỡ màu mè nhằm “đánh lận con đen”… bằng hình ảnh giản dị ai cũng cảm nhận được: Bánh vẽ.

Điều đáng nói hơn cái bản lĩnh “tinh mắt, thính tai, tỉnh táo” về đời sống và chính trị này, là nhà thơ đã bình thản đến rợn người chấp nhận sự giả dối kinh khủng đó: “Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn/ Cầm lên nhấm nháp”.

Rồi nhà thơ tỉnh queo giải thích cái hành động đó, như một kiểu thanh minh khi bị “bóc mẽ”, tạo cho hành động của bản thân chấp nhận sự đồng tình với cái giả dối một cơ sở “hợp lý hợp tình” – đúng hơn là hợp với lẽ đời hiển nhiên đã/ đang trở thành lẽ sống của đông đảo người Việt qua nhiều thế hệ:

Chả là nếu anh từ chối

Chúng sẽ bảo anh phá rối

Ðêm vui

Bảo anh không còn có khả năng nhai

Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc…

Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?

Đọc hết đoạn này, thú thực là tôi thấy gai gai người, bởi cái quần thể người được gọi là “chúng” kia được nhà thơ phác thảo có vài chữ thôi mà hiển hiện ra như một đám đông thô tục nhưng khôn lõi đời, những kẻ đặt triết lý đớp hít hưởng thụ lên hàng đầu, chăm chăm tìm cách lấy lòng cấp trên, sẵn sàng hạ thủ đồng chí thân thiết nếu bị ngáng đường, và lấy đó làm thước đo phẩm cách người khác, làm tiêu chuẩn lựa chọn đồng bọn. Nhà thơ như “đi guốc” vào bụng họ, có thể đọc vanh vách ra những toan tính thủ đoạn của họ, cả những tội ác của họ đã gây ra với đồng chí đồng bào sau khi hưởng thụ chán chê thành quả của “bên thắng cuộc”… Thế nhưng, buồn thay, đau thay, nhà thơ yêu quý của tôi đã hiện ra như một người tự coi là người cùng một duộc với họ, bằng vai phải lứa với lũ phàm phu tục tử đã/ đang có xu hướng trở thành tội đồ của dân tộc… Tuy nhà thơ có hé lộ sự mỉa mai, chua chát, xót xa, nhưng cái ý muốn cần phải ở lại “bàn tiệc” để có dịp “nhai thứ thiệt” đã mạnh hơn tư chất kẻ sĩ mà ông mang sẵn trong máu mình! Và thế là sự “bán linh hồn” cho qủy dữ tầm cỡ chẳng kém Faust trước mặc cả của Mephisto đã diễn ra:

Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn

Như không có gì xảy ra hết

Và những người khác thấy anh ngồi,

Họ cũng ngồi thôi

Nhai ngồm ngoàm…

Đọc hết bài thơ này, tôi đã bất giác chảy nước mắt xót xa, đau đớn, giận nhà thơ, để rồi thương cho thân phận của những người cầm bút cỡ như CLV, NĐT, HTT, ĐTM… phải hạ mình xuống tận đáy, trước những tín điều xa lạ với lý tưởng thẩm mỹ sâu thẳm của họ và trước những kẻ mà tài năng lẫn phẩm cách thua xa họ… Cũng chỉ vì mưu sinh, vì cái nghiệp của họ, và cái chính là để bảo về nồi cơm và sinh mạng chính trị của bản thân, của gia đình (thậm chí cả tính mệnh nữa!).

Song, giá như nhà thơ yêu quý của tôi biết khéo léo từ chối “bữa tiệc”, không buộc miễn cưỡng “phải ngồi vào bàn/ Như không có gì xảy ra hết” và kéo theo những người ngây thơ vô tội nhiều ảo tưởng cũng ngồi vào để “Nhai ngồm ngoàm” dù trong tiếng cười đắc thắng hay trong tiếng khóc thầm của máu mắt thì cũng đều là tấn bi kịch của những người cầm bút “đầu thai lầm thế kỷ”…

Nguyễn Anh Tuấn

Related posts