Trần Kiên
Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đạt được thỏa thuận cung cấp vắc-xin Trung Quốc cho những người tham gia Thế vận hội Tokyo năm nay và Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2020. Về vấn đề này, các học giả Nhật Bản cho biết, Bắc Kinh đã mượn lời Chủ tịch IOC để nói thay cho mình, theo Epochtimes.
Học giả Nhật Bản: IOC hợp tác với chính sách ngoại giao vắc-xin
Cho đến nay, Nhật Bản, Australia và Đài Loan rõ ràng là đã từ chối tham gia vào thỏa thuận vắc-xin nói trên giữa IOC và ĐCSTQ.
Ông Dương Hải Anh (Yang Haiying), giáo sư người Mông Cổ tại Đại học Shizuoka, Nhật Bản, nói với Đài Á Châu Tự do rằng, xã hội Nhật Bản nói chung không tin tưởng vào chất lượng vắc-xin sản xuất tại Trung Quốc và nhiều người đã đề xuất tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.
Ông cho biết “Không chừng Bắc Kinh mướn lời của [Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế] Bach nói như vậy. Bắc Kinh không thể tự mình hô hào, dự đoán rằng [nếu] để IOC nói thì sẽ gây ra làn sóng tẩy chay nhỏ hơn. Bach có ý thức chính trị rất nhạy cảm, và ông ta phải xu nịnh Bắc Kinh để tái đắc cử.”
Ông Thomas Bach vừa tái đắc cử nhiệm kỳ 4 năm Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế tại kỳ họp thứ 137 của Ủy ban Olympic quốc tế diễn ra hôm 10-12/3.
Trong tuyên bố chính thức, cơ quan này đã nêu rõ: “Ủy ban Olympic Quốc tế bác bỏ việc vận động hành lang của bất kỳ nhóm chính trị nào”.
Tuy nhiên, ông Dương phân tích, ông Bach đã tự vả vào miệng mình vì chính sách “ngoại giao vắc-xin” của Bắc Kinh chính là một hoạt động chính trị. Giáo sư cho rằng không loại trừ khả năng “màn trình diễn chính trị” này do ĐCSTQ và Ủy ban Olympic Quốc tế cùng dàn dựng, chủ yếu là để loại bỏ làn sóng tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 .
Ông Ngô Nhĩ Khai Hy (Wuer Kaixi), cựu lãnh đạo Phong trào Sinh viên năm 1989 và là Phó Tổng thư ký Hiệp hội Thúc đẩy Nhân quyền của Bộ Lập pháp Đài Loan, nói: “Rõ ràng là [Đảng Cộng sản] Trung Quốc phải sử dụng vắc-xin của chính mình để làm “vắc-xin ngoại giao” và rũ bỏ trách nhiệm của mình đối với virus corona. ĐCSTQ đã cố gắng mua chuộc các tổ chức quốc tế, và sau đó để các tổ chức quốc tế này nói chuyện thay cho họ. Tôi kêu gọi thế giới công khai từ chối chính sách “ngoại giao vắc-xin” của chính phủ Trung Quốc. Ban Tổ chức Thế vận hội không nên là con tốt của chính phủ Trung Quốc hay người đánh trống thổi kèn trong tuyên truyền đối ngoại của ĐCSTQ.”
Ông Quan Nghiêu (Guan Yao), người sáng lập Liên minh chống Độc tài toàn trị Trung Quốc, cho biết: “ĐCSTQ sử dụng vắc xin như một công cụ ngoại giao và tuyên truyền. Và bây giờ họ sử -dụng Ủy ban Olympic quốc tế để thúc đẩy rao hàng ra thế giới. IOC là một tổ chức quốc tế có thẩm quyền. Trong tình huống ở Trung Quốc tồn tại tranh cãi về hiệu quả và tính an toàn của vắc-xin mà vẫn theo quy định này, tôi nghĩ Ủy ban Olympic Quốc tế hiện tại đã trở thành công cụ tuyên truyền cho ĐCSTQ. “
“Chương trình vắc-xin Olympic” của ĐCSTQ không được đón nhận
Ngày 12/3, bộ trưởng Olympic Nhật Bản Tamayo Marukawa cho biết, Ủy ban Olympic quốc tế đã không trao đổi với Nhật Bản về vấn đề vắc-xin của Trung Quốc. Nhật Bản chưa chấp thuận vắc-xin Trung Quốc và các vận động viên Nhật Bản sẽ không được tiêm vắc-xin nước ngoài khi chưa được phê duyệt.
“Chúng tôi đang đề ra các biện pháp chống lây nhiễm đầy đủ, kể cả quản lý các hoạt động và kiểm tra để mọi người có thể yên tâm tham gia Thế vận hội Tokyo, ngay cả khi không tiêm ngừa Covid-19″, bà cho biết.
Ngày 13/3, Ủy ban Olympic Australia tuyên bố không xem xét vắc-xin do Trung Quốc sản xuất. Cơ quan này sẽ tiếp tục hợp tác với chính quyền liên bang và tiểu bang Australia để chuẩn bị cho các vận động viên nước này tham dự Thế vận hội Tokyo. Họ cho biết các vận động viên Úc sẽ được tiêm chủng trước khi đến Tokyo.
Cùng ngày, ông Trần Thời Trung (Chen Shizhong), chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy Phòng dịch Đài Loan, cũng cho biết, các cầu thủ Đài Loan đã được đưa vào mục tiêu tiêm chủng ưu tiên của chính phủ nước này và sẽ được tiêm phòng tại Đài Loan trước khi sang địa phương thi đấu.
Ngoài ra, ngày 12/3, các nguyên thủ quốc gia của Bộ tứ Kim cương (Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) đã đồng ý cung cấp một tỷ liều vắc-xin cho hầu hết các khu vực châu Á vào cuối năm 2022 để đối phó với chính sách ngoại giao vắc-xin của Trung Quốc
Chỉ vài ngày trước khi IOC công bố tin tức về vắc-xin Trung Quốc, truyền thông Peru tiết lộ rằng thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III của Peru đối với vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc cho thấy tỷ lệ hiệu quả của vắc-xin này chỉ đạt mức 11,5%, thấp hơn so với ngưỡng kiểm định 50% của Tổ chức Y tế Thế giới.
Trong vòng 9 ngày sau khi chính quyền Hồng Kồng cưỡng chế tiêm vắc-xin Kexing của Trung Quốc vào ngày 26/2 đã có 3 trường hợp tử vong, tính đến ngày 14/3 đã có 6 trường hợp tử vong sau khi được tiêm chủng.