Cổ Nhuế
Do sáng kiến của nguyên thủ tướng Nhật Shinzo Abe, vào năm 2007 bốn nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Úc bắt đầu trao đổi tin tức tình báo cho nhau. Bốn nước này gộp chung thành một diễn đàn gọi là The Quadrilateral Security Dialogue. Diễn đàn này thường gọi tắt thành Quad. Báo chữ Việt khi dịch là ‘tứ giác’, khi dịch là ‘tứ giác kim cương’. Bài thời sự này xin góp thêm một lối dịch (bậy) khác: tạm gọi là ‘tứ cường’ cho… oai.
Câu lạc bộ nói chuyện phiếm
Thoạt đầu tổ chức Tứ Cường chỉ là chỗ nói chuyện cho vui vì không có tổ chức rành mạch. Cho đến hôm qua, loa tuyên truyền của Bắc Kinh vẫn còn gọi Tứ Cường là ‘câu lạc bộ nói chuyện phiếm, empty talk club’.
Về sau, khi Trung Cộng ngày càng hung hăng hơn ở Biển Đông cũng như ở biên giới phía Tây giáp giới Ấn Độ thì Tứ Cường nói rõ ra mình ngồi lại với nhau nhằm giữ cho vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương (Indo-Pacific) được ‘tự do, cởi mở và thịnh vượng, free, open and prosperous’ mà không bị nước nào khác đe doạ. Không nhắc tên ai – nhưng ai cũng hiểu là Trung Cộng.
Mãi cho tới tháng 11.2020, hải quân Tứ Cường tập trận tại Ấn Độ dương. Lúc đó Trung Cộng lên tiếng nhận xét: tàu chiến Tứ Cường chả nhằm nhò gì so với sức mạnh đang lên của sáng kiến Nhất Đái Nhất Lộ đang bừng bừng. Nhận xét này cho thấy Trung Cộng bắt đầu nhột trước xuất hiện của một lực lượng đối đầu với Nhất Đái Nhất Lộ (Belt and Road Initiative). Lý do là trong khi Nhất Đái Nhất Lộ chỉ tổ dùng nợ nần để siết các nước nghèo vào một vòng đai một con đường thì Tứ Cường được coi là khởi đầu cho một liên minh phương Tây ngăn chận Trung Cộng bành trướng.
Tứ Cường có đó nhưng chưa động tỉnh gì. Mãi đến thứ Sáu tuần qua (12.3.2021) Tứ Cường mới có phiên họp chính thức đầu tiên giữa bốn tổng thống / thủ tướng: Joe Biden, Narendra Modi, Yoshihide Suga và Scott Morrison.
Úc: tỉnh lẻ của Trung Cộng (!)
Một trong những người ra mặt chống lại Tứ Cường là giáo sư Kishore Mahbubani – đang được báo chí tại Việt Nam trích dẫn nhiều. Theo ông, Tứ Cường chả làm nên trò trống gì trước giòng lịch sử ở châu Á. Bởi lẽ hiện nay ở châu Á người ta không chơi chính trị mà là kinh tế. Học giả người Singapore, 72 tuổi, cho rằng Tứ Cường không những chơi một trò ‘trật đường rầy’ ở châu Á đã đành; mà chính bốn nước ấy lại có những quyền lợi và chỗ yếu khác nhau.
Theo ông cựu đại diện Singapore tại Liên Hiệp Quốc, trong Tứ Cường yếu nhất là Úc. Dưới con mắt của nhà ngoại giao kiêm học giả người Singapore này, trải qua ba thập niên gần đây kinh tế Úc luôn luôn phát triển mà không hề bị suy thoái. Tại sao Úc làm ăn khấm khá đến thế? Viết trên tạp chí Foreign Policy, ông Kishore Mahbubani trả lời: trong thực tế, Úc chỉ được vậy chỉ vì đứng về phía kinh tế mà nói — Úc chỉ là một tỉnh của Trung Cộng (That happened only because Australia became, functionally, an economic province of China)!
Tiến tới một Tứ Cường mở rộng
Dù tổ chức Tứ Cường trông lỏng lẻo nhưng không phải không có nước tìm đến dựa đầu. Khi Trung Cộng bành trướng ra các lâng bang — tất nhiên các nước liên hệ tìm cách kháng cự. Đã thấy Việt Nam, Nam Hàn và New Zealand tìm đến Tứ Cường khi chống lại hoành hành của con Corona. Nếu Bắc Kinh cũng hoành hành như thế về mặt chính trị, quân sự và kinh tế thì các nước trong vùng càng thêm lý do đến với Tứ Cường. Nước đầu tiên đã ngỏ ý là Nam Hàn.
Trong thực tế, từng lân bang với Trung Cộng đang được ít nhất một trong Tứ Cường chống lưng. Mã Lai bị Trung Cộng uýnh ư? Kuala Lumpur sẽ mở thoả thuận quốc phòng với ngũ cường. Thoả thuận năm 1971 có tên ‘the 1971 Five Power Defence Arrangement’ gồm có Anh quốc, Úc, New Zealand, Singapore, và Mã Lai sẽ bảo vệ khi bị xâm lăng. Rủi Úc hay New Zealand, bị ai đó tràn ngập thì Canberra và Wellington sẽ dùng hiệp ước ANZUS (năm 1951) để kêu cứu. Còn Hà Nội sẽ đi đâu để tìm đồng minh, nếu không phải Tứ Cường hay một thứ Tứ Cường mở rộng?
Dường như một Tứ Cường mở rộng đang nhem nhúm khi năm nước Anh, Pháp, Đức, Hoà Lan và Canada trong tháng Hai đã đồng loạt đưa chiến hạm vào Biển Đông. Anh quốc báo tin: chừng tháng Tư cho đến tháng Sáu, hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth sẽ tiến vào vùng biển đang bị Trung Cộng khoanh một cái lưỡi bò tổ bố. Hộ tống cho hàng không mẫu hạm Anh, còn thêm một chiến hạm Hoà lan. Pháp đã gởi tàu ngầm FS Emeraude – chạy bằng nhiên liệu nguyên tử; và sẽ gởi tiếp soái hạm FS Tonnere và một tuần dương hạm khác vào đây để khẳng định quyền tự do hàng hải. Tin cho biết soái hạm FS Tonnere đã rời cảng Toulon đi Biển Đông. Tổng trưởng quốc phòng Pháp Florence Parly tuyên bố: Pháp muốn khẳng định chỉ có công pháp quốc tế mới là luật hợp pháp duy nhất. Canada di chuyển tuần dương hạm Winnipeg băng qua eo biển Đài Loan để chứng tỏ ‘vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương là tự do và cởi mở’. Ngược lại, Trung Cộng ra lệnh cho tàu hải cảnh của mình ‘nổ súng’ vào tàu bè xâm nhập lãnh hải Bắc Kinh đang nhận vơ chủ quyền. Dù Bắc Kinh lên giây cót hung hăng, Hoa Kỳ vẫn cho khu trục hạm USS Curtis Wilbur vào khu vực Bắc Kinh treo bảng ‘Cấm vào. Binh sỹ sẽ nổ súng’!
Trung Cộng nổ súng vào Đài Loan
Mặc dầu Biển Đông đang nhộn nhịp tàu chiến, nhưng có lẽ súng nổ không phải ở đây cho bằng tại eo biển Đài Loan. Theo tường trình hàng năm có tên ‘Preventive Priorities Survey’ do Council on Foreign Relations tại Hoa Kỳ công bố, trong năm 2021 nguy hiểm nhất vẫn là xung đột với Bắc Hàn. Đồng thời, lần đầu tiên kể từ 13 năm tường trình cho biết trong năm nay có thể chính quyền Joe Biden phải đối đầu với Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan. Ngược lại, vẫn theo tường trình ‘Preventive Priorities Survey’ năm nay nguy hiểm xảy ra xung đột ở Biển Đông đã giảm so với năm ngoái.
Từ năm 1949, Đài Loan khởi đầu như hòn đảo của người trốn chế độ Cộng Sản. Đài Loan phát triển thành một nước đại diện chính thức cho Trung Hoa và được ngồi trong hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc… cho đến khi bị đuổi (năm 1971). Hiện nay, ở Đài Loan có hai khuynh hướng: Một nhắm tới một nước Cộng Hoà Trung Hoa (Republic of China); Hai ngả về đất mẹ. Trong lúc người Đài Loan tự do đưa chính kiến của mình thì bên kia eo biển, Tập Cận Bình thẳng thừng cho biết: Bắc Kinh sẽ dùng võ lực nếu Đài Loan tuyên bố độc lập.
Trong mấy tháng gần đây, chiến đấu cơ Trung Cộng nhiều lần bay vào không phận Đài Loan. Chỉ cần một tai nạn nào đó, Bắc Kinh dám vin cớ để tràn ngập Đài Loan. Làm thế, Bắc Kinh nhổ cái gai đâm bên hông vào chủ nghĩa Cộng Sản và tự ái dân tộc. Dường như sau Hongkong, Tập Cận Bình có thể thanh toán Đài Loan để làm quà kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Hoa.
Câu hỏi rất khó trả lời là: khi Trung Cộng nổ súng vào Đài Loan thì Hoa Kỳ (và các nước tự do) có nhúc nhích gì không?
Tháng vừa rồi, Hoa Kỳ vội vàng giải mật hồ sơ lẻ ra chỉ cho công chúng biết vào năm 2034. Hồ sơ này có tên ‘US Strategic Framework for the Indo-Pacific’. Theo đó, Hoa Kỳ sẽ không để Bắc Kinh yên nếu Bắc Kinh tấn công Đài Loan. Vì lẽ này, chỉ hai ngày sau khi nhậm chức, tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố chuyện Hoa Kỳ cam kết với Đài Loan là ‘vững như bàn thạch, rock solid’.
Cổ Nhuế