Vũ Dương
Dư luận viên Trung Quốc là nhân tố trực tiếp kích động làn sóng tẩy chay các thương hiệu nổi tiếng như H&M, Nike, Adidas. Họ cũng đang ép các ngôi sao Hoa ngữ về cùng chiến tuyến với họ, khiến những nhân vật này đứng trước nguy cơ mất cả “chì lẫn chài”, theo Vision Times.
Nổi bật trong số các sao Hoa ngữ bị thiết hại phải kể đến nam ca sĩ Hồng Kông Trần Dịch Tấn, người đã hợp tác với Adidas từ năm 2011, có thể phải đối mặt với khoản tiền bồi thường thiệt hại 60 triệu đô-la Hồng Kông (khoảng 7,72 triệu USD) trong tương lai.
Trần Dịch Tấn đã hợp tác với Tập đoàn Adidas vào năm 2011 và trở thành người đại diện hình ảnh toàn cầu của thương hiệu này. Không ngờ mấy ngày gần đây vì ảnh hưởng của sóng gió “bông Tân Cương”, nam ca sĩ này đã đăng bài viết trên Weibo, “kiên quyết tẩy chay mọi hành vi bôi nhọ Trung Quốc”, đơn phương tuyên bố chấm dứt mọi hợp tác với Adidas đã hợp tác hơn 10 năm.
Trước đây, một luật sư đã chỉ ra rằng giới nghệ sĩ có thể căn cứ theo Điều 132 của Bộ luật Dân sự Trung Quốc, “Pháp nhân dân sự không được lạm dụng quyền công dân của mình để làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích chung của xã hội hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Chấm dứt hợp đồng mà không phải chịu trách nhiệm bồi thường, do vậy rất nhiều nghệ sĩ Trung Quốc và Hồng Kông đã mượn cớ các doanh nghiệp ngoài nước có hành vi “bôi nhọ đất nước [Trung Quốc]” để làm “bùa hộ mệnh”, hết lần này đến lần khác đơn phương chấm dứt hợp đồng với các thương hiệu, họ dường như hoàn toàn không phải lo lắng nhiều về hậu quả của việc tự ý chấm dứt hợp đồng.
Không ít cư dân mạng tỏ ra nghi ngờ liệu lần này lượng lớn người nổi tiếng đơn phương chấm dứt hợp đồng với các thương hiệu lớn có phải bồi thường vì đã làm trái hợp đồng hay không?
Có kênh truyền thông Trung Quốc dẫn lời nhà quản lý của giới nghệ sĩ cho biết: “Kể từ năm 2019, Versace, Coach và các thương hiệu quốc tế khác đã gây ra tranh cãi vì họ không đóng dấu Đài Loan trên bản đồ của Trung Quốc. Trong hợp đồng của các nghệ sĩ Trung Quốc liên quan đến các thương hiệu quốc tế đã bao gồm điều khoản bắt buộc [các doanh nghiệp nước ngoài] phải tôn trọng lịch sử, văn hóa và không can thiệp các vấn đề chính trị của Trung Quốc. Trong trường hợp phát sinh sự cố liên quan, người nghệ sĩ có thể đơn phương đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần phải bồi thường. Tuy nhiên, nếu nghệ sĩ dính vào các vụ bê bối như mại dâm, lạm dụng ma túy, bên phía thương hiệu cũng có thể làm điều tương tự”.
Tuy nhiên, cách nói này liệu có đáng tin?
Có phương tiện truyền thông Hồng Kông chỉ ra rằng, hợp đồng giữa Trần Dịch Tấn và Adidas là “người phát ngôn toàn cầu”, chứ không phải “người phát ngôn Trung Quốc” như các nghệ sĩ Hoa ngữ khác, nội dung hợp đồng có thể còn liên quan đến các điều khoản khác nữa. Do đó, nam ca sĩ Hồng Kông bởi sóng gió “bông Tân Cương” mà đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với Adidas, có thể phải đối mặt với khoản bồi thường lên tới 60 triệu đô-la Hồng Kông (khoảng 7,72 triệu USD) vì đã làm trái hợp đồng.
Có cư dân mạng nhìn nhận, Trần Dịch Tấn “quỳ gối” trước ĐCSTQ, cái lợi trước mắt vẫn chưa thấy, chỉ thấy giờ đã mất đi đối tác làm ăn hơn chục năm, chữ tín mất sạch, đã vậy còn phải bồi thường khoản tiền hợp đồng khổng lồ cho người ta, có thể nói là “mất cả chì lẫn chài”.
Thiện ác đúng sai, lịch sử đều sẽ ghi chép
Luật sư nổi tiếng Đài Loan Lữ Thu Viễn (Lu Qiuyuan) cũng lên tiếng trên Facebook rằng: “Trên thực tế, cho dù là Trương Quân Ninh, Bành Vu Yến, Hứa Quang Hán, hầu hết các nghệ sĩ đều không có hứng thú với chính trị. Đối với họ mà nói, chính trị là chủ đề tốt nhất không nên động chạm đến”.
“Họ không muốn hiểu và cũng không cho rằng điều đó quan trọng. Đừng nghĩ rằng những nghệ sĩ này trông rất có hiểu biết liền cho rằng họ chắc hẳn sẽ hiểu rõ về các vấn đề nhân quyền hoặc chính trị. Hình ảnh trong phim ảnh rất quan trọng để kiếm tiền, nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc sống hàng ngày và đầu óc của họ chính là như vậy.
Rất nhiều nghệ sĩ cũng không phải họ ủng hộ chủ nghĩa toàn trị, mà là họ không biết và cũng không quan tâm đến chủ nghĩa toàn trị là gì. Vậy nên, chúng ta không cần phải thất vọng với những người này, bởi công ty môi giới của họ chỉ đưa ra lựa chọn theo yêu cầu của chính quyền Trung Quốc. Nếu bạn không quá đặt nặng kỳ vọng vào những người đó, thì lấy đâu ra thất vọng?”.
Luật sư Lữ nói thêm, “Những nghệ sĩ này vốn không đói đến mức chỉ có thể dựa vào thị trường Trung Quốc mới có miếng cơm. Ngoài Trung Quốc ra, Đài Loan, các xã hội người Hoa khác và thậm chí cả thế giới, lẽ nào không có nơi dành cho họ biểu diễn? Sao cứ nhất định phải dẫm lên thảm kịch của người Duy Ngô Nhĩ để đi về phía trước?
Nike, Adidas, H&M và Uniqlo trước lợi ích to lớn ở Trung Quốc như vậy, nhưng các tập đoàn này lại có thể từ chối sử dụng bông máu Tân Cương [để phản đối hành vi đàn áp dân chủ của Bắc Kinh]. Vậy điều gì sẽ xảy ra với các tập đoàn này nếu họ mất đi thị trường Trung Quốc. Tại sao các công ty môi giới [của giới nghệ sĩ] lại vội vàng cắt đứt với những thương hiệu này để tỏ lòng trung thành với ĐCSTQ?
Quả thực rất khó để chống lại một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng khi những cuộc đàn áp nhân quyền ngay bên cạnh chúng ta, người dân Đài Loan luôn phải chịu đựng sự đàn áp và đe dọa của ĐCSTQ, thân là một người Đài Loan, sao họ có thể cùng một giuộc với cái chính quyền lưu manh tà ác này?”.
Luật sư Lữ tin rằng, “Sự chia rẽ sẽ khiến kẻ xấu được như ý, bởi vì kẻ xấu có thể đánh bại khi chúng ta đứng riêng lẻ, vì vậy, tôi không thể chấp nhận rằng lý luận chỉ có kiếm tiền là quan trọng, và có thể ngoảnh mặt làm ngơ trước ‘địa ngục trần gian’ của những người xung quanh mình. Những điều này, lịch sử cuối cùng đều sẽ ghi chép lại”.