Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn luôn liệt các chất bán dẫn tiên tiến là một trong những công nghệ cốt lõi dễ bị Hoa Kỳ đàn áp nhất. Nếu không có công nghệ của Mỹ, đặc biệt là các thiết bị sản xuất chip và phần mềm thiết kế, Trung Quốc không thể sản xuất ra loại chip với tính năng cao nhất. Có chuyên gia cho rằng việc không bán công nghệ cho Trung Quốc đã khiến chip Trung Quốc tụt hậu so với Mỹ từ 10-15 năm, theo Epoch Times.
Về trình độ nghiên cứu và phát triển chip hiện nay của Trung Quốc và Hoa Kỳ, các chuyên gia Hoa Kỳ nhất trí rằng Hoa Kỳ vẫn đi trước Trung Quốc về chất bán dẫn. Tuy nhiên, về việc đối phó với những thách thức của ĐCSTQ như thế nào, các chuyên gia Hoa Kỳ vẫn tồn tại những cách nhìn nhận khác nhau.
Ông James Lewis, giám đốc Dự án Khoa học và Công nghệ Chiến lược của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn của Washington và là cựu quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ gần đây rằng sau khi chính quyền cựu Tổng thống Trump áp đặt các lệnh đối với công nghệ bán dẫn của Trung Quốc, Trung Quốc đã đi chệch hướng và bắt đầu tụt lại phía sau bởi không thể tiếp cận được công nghệ của phương Tây.
“Không chỉ Hoa Kỳ, mà cả Nhật Bản, một số nước châu Âu, quyết định không bán chip cho Trung Quốc thực sự khiến [trình độ chip] của Trung Quốc bị tụt hậu. Các chuyên gia Trung Quốc nói với tôi rằng phải mất 10-15 năm nữa Trung Quốc mới bắt kịp được (Hoa Kỳ). Vì vậy, tôi nghĩ rằng trong ngắn hạn, Hoa Kỳ sẽ làm được rất tốt”, cựu quan chức cho biết.
Nhưng ông cũng chỉ ra rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với những vấn đề khó khăn trong lĩnh vực chất bán dẫn.
Ông nói rằng chất bán dẫn là một lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu, đòi hỏi rất nhiều công việc nghiên cứu và phát triển. Chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) sẵn sàng chi hàng tỷ USD để xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn. Ngoài ra, Trung Quốc hiện là thị trường chính của các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn và máy móc chế tạo chip của Mỹ, điều này sẽ ảnh hưởng to lớn đến tương lai của các công ty tư nhân ở Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản.
Bởi nghiên cứu chất bán dẫn cần kinh phí, nên các công ty nước ngoài một khi không nhận được sự hỗ trợ từ phía chính phủ thì họ bắt buộc phải bán chip cho thị trường Trung Quốc để có thu nhập cho việc tái đầu tư. Tuy nhiên, ông cho rằng đầu tư là một bài toán có thể giải quyết được.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Tư (31/3) đã công bố kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 2 nghìn tỷ USD bao gồm đầu tư 50 tỷ USD vào lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn.
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo mới đây cũng cho biết rằng kế hoạch cơ sở hạ tầng của Tòa Bạch Ốc sẽ đặt Hoa Kỳ ngang hàng hơn với Trung Quốc vì kế hoạch này sẽ hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn của Hoa Kỳ.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, bà nói: “Đó là việc đánh bại Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh. Nếu chúng ta hành động ngay bây giờ … chúng ta có thời gian để làm điều này, để xây dựng lại, đặc biệt là xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn, nhưng chúng ta phải bắt tay làm điều đó”.
Tuần trước, Quốc hội Hoa Kỳ, các công ty và người lao động đã đạt được sự đồng thuận trong một phiên điều trần tại Thượng viện rằng luật thuế cần được cập nhật để kích thích sản xuất trong nước và đổi mới, giúp các nhà sản xuất Hoa Kỳ có năng lực cạnh tranh trên toàn cầu và giảm sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào nhập khẩu các sản phẩm đóng vai trò then chốt như chất bán dẫn.
Mô hình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc khiến thế giới lo ngại
ĐCSTQ luôn liệt kê các chất bán dẫn tiên tiến là một trong những công nghệ cốt lõi dễ bị đàn áp nhất. Nếu không có công nghệ của Mỹ, đặc biệt là về thiết bị sản xuất và phần mềm thiết kế chip, Trung Quốc không thể sản xuất loại chip có tính năng cao nhất.
Do đó, ngoài việc đầu tư mạnh vào ngành bán dẫn, ĐCSTQ còn miễn giảm thuế cho các công ty bán dẫn. Chính sách mới nhất được đưa ra vào cuối tháng 3 năm nay cũng cho phép các nhà sản xuất chip nhập khẩu máy móc và nguyên liệu miễn thuế trước năm 2030.
Vào năm 2020, hơn 50.000 công ty mới liên quan đến chất bán dẫn ở Trung Quốc đã được đăng ký, nhiều gấp hơn 3 lần so với năm 2015.
Ông Lewis chỉ ra rằng điều khó khăn hơn vào lúc này là làm thế nào để đối phó với mô hình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của ĐCSTQ, liệu nó có giống với gã khổng lồ Huawei trong quá khứ hay không.
“Khi Huawei tham gia thị trường, có khoảng hơn chục nhà cung cấp thiết bị viễn thông trên khắp thế giới. Các hoạt động gián điệp của Trung Quốc (ĐCSTQ) cộng thêm sự trợ giá và sự hỗ trợ của chính phủ đã cho phép Huawei loại bỏ tất cả các nhà cung cấp, ngoại trừ hai nhà cung cấp nước ngoài, khỏi thị trường. Làm sao chúng ta biết rằng Trung Quốc sẽ không làm điều tương tự với chất bán dẫn?”.
Cựu quan chức Hoa Kỳ lo ngại nếu cho phép Trung Quốc phát triển ngành công nghiệp của riêng mình và lấn át các công ty khác, thì cũng tồn tại rủi ro giống như vậy.
Nhu cầu toàn cầu về chất bán dẫn đã tăng mạnh và dự kiến sẽ tăng 5% mỗi năm vào năm 2030. Hiện tại, 80% hoạt động sản xuất chất bán dẫn toàn cầu tập trung ở châu Á, bao gồm Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc; 12% hoạt động sản xuất chất bán dẫn là ở Hoa Kỳ, trong đó chỉ 9% đến từ các công ty Mỹ.
Bà Ainikki Riikonen, trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm Công nghệ An ninh Mỹ mới (CNAS) và Chương trình An ninh Quốc gia, nói rằng Hoa Kỳ đã có một vị trí dẫn đầu rất mạnh trong lĩnh vực bán dẫn.
“Mặc dù nhiều khâu chế tạo được gia công bên ngoài Hoa Kỳ, nhưng phần thiết kế trong chuỗi cung ứng là rất quan trọng, bởi không có thiết kế thì không có sản xuất. Nếu Trung Quốc muốn thành công, vẫn còn một chặng đường rất dài ở phía trước, đặc biệt là trong Hoa Kỳ và các quốc gia có cùng chí hướng khác đã đang nỗ lực để đẩy nhanh sự đổi mới và đi trước xu hướng”, bà nói.
Bà tin rằng chuỗi cung ứng chất bán dẫn rất dài và phức tạp, và các biện pháp hạn chế hoặc trả đũa đột ngột của bất kỳ bên nào có thể mang lại tổn thất lớn cho cả hai bên.