Chuyên gia: Bắc Kinh đang cố đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông

Duy Nghĩa

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gặp người đồng cấp từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Abdullah bin Zayed Al-Nahyan vào tuần trước. (Ảnh: chụp màn hình của SCMP)

Trong một bài bình luận gần đây trên tờ SCMP, nhà báo kỳ cựu Sử Giang Đào đã phân tích về mưu đồ của Bắc Kinh sử dụng viện trợ kinh tế và vắc-xin để lôi kéo các nước Trung Đông, nhằm thay thế ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực này.

Từng là nhà ngoại giao và làm phóng viên cho tờ Post trong hơn một thập kỷ, chuyên nghiên cứu về sự phát triển chính trị, xã hội và môi trường ở Trung Quốc, ông Sử cho rằng Trung Quốc đã tự thể hiện mình là một giải pháp thay thế Mỹ trong việc tập hợp các nước Trung Đông, nhằm giúp chống lại những chỉ trích quốc tế, đặc biệt là về nhân quyền ở Tân Cương.

Theo ông Sử, chuyến công du của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tới khu vực Trung Đông, với những cam kết mới về viện trợ kinh tế và vắc-xin viêm phổi Vũ Hán, là cơ hội để Bắc Kinh tăng cường sự ủng hộ về các vấn đề nhân quyền, ở cả các quốc gia liên minh với Washington, nhằm giảm thiểu phản ứng dữ dội toàn cầu đối với những vi phạm quyền con người ở Tân Cương.

Cuộc vận động ở Trung Đông diễn ra sau khi các nhà ngoại giao Trung Quốc bao gồm ông Vương Nghị, xung đột với những người đồng cấp Mỹ trong hội nghị thượng đỉnh ở Alaska vào tháng trước. Washington đã tăng cường nỗ lực liên kết với các đồng minh của mình và cùng với Liên minh châu u, Anh và Canada, đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và tổ chức Trung Quốc vì cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương.

Ông Sử Giang Đào lưu ý, “trong chuyến công du tới Ả Rập Xê Út, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và 3 quốc gia vùng Vịnh khác, kết thúc vào tuần trước, ông Vương Nghị liên tục tìm cách thuyết phục sự ủng hộ của các nước Hồi giáo đối với chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương và Hồng Kông”.

Tại phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trước chuyến công du Trung Đông của mình, Vương Nghị cho biết có 21 quốc gia Ả Rập đã ký một tuyên bố, thay mặt cho 64 quốc gia bảo vệ lập trường của Trung Quốc về việc tập trung hàng loạt người Hồi giáo ở Tân Cương. Tuy nhiên, cũng giống như các phiên họp năm trước, Bắc Kinh không nêu tên cụ thể các quốc gia tán thành tuyên bố của mình.

Giống như Trung Quốc, một số quốc gia Trung Đông, vốn là đồng minh của Mỹ trong một thời gian dài, nhưng chuyển đổi sang chế độ độc tài trong những năm gần đây, đã quay sang ủng hộ các hành vi bị lên án của Bắc Kinh.

Sự ủng hộ này “đã có tác động làm giảm bớt phản ứng dữ dội trên toàn thế giới đối với Trung Quốc”, theo bà Lucille Greer, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc và Trung Đông tại Viện Kissinger của Trung tâm Wilson.

Bà Greer nhận xét: “Trung Quốc không muốn đối địch hoặc thay thế Hoa Kỳ trong khu vực; Họ không có ý chí chính trị và khả năng quân sự để làm như vậy. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể coi mình như một giải pháp thay thế Mỹ, đó là một thông điệp hấp dẫn trong khu vực. Một phần yêu cầu của Trung Quốc ở Trung Đông là thái độ của họ đối với nhân quyền”.

Theo ông Sử, “khi nói đến Tân Cương, sự tán thành hoặc im lặng ngầm từ các nước Trung Đông, là một trong những thành tựu của chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong khu vực”.

Về vấn đề này, ông George Magnus, một học giả nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford cho rằng “là đối tác thương mại và người mua năng lượng lớn nhất của khu vực, đòn bẩy kinh tế của Trung Quốc đã đóng một vai trò lớn trong nỗ lực của [Bắc Kinh] khiến cho các quốc gia Hồi giáo ủng hộ các vấn đề nhân quyền”.

Ông Magnus giải thích, “người ta cho rằng lý do [ủng hộ là để không gây nguy hiểm cho các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Họ nhận thức rõ ràng về sự nhạy cảm của Trung Quốc đối với những lời chỉ trích và khuynh hướng trừng phạt đối với những người không ủng hộ Bắc Kinh”.

Ông Gal Luft, đồng giám đốc Viện Phân tích về An ninh Toàn cầu có trụ sở tại Washington, cũng cho rằng: “Mặc dù thỏa thuận kinh tế và an ninh kéo dài 25 năm của Trung Quốc với kẻ thù không đội trời chung của Mỹ là Iran, đã thu hút được nhiều sự chú ý, nhưng chuyến thăm của ông Vương Nghị tới Thổ Nhĩ Kỳ có thể có ý nghĩa lớn hơn đối với Bắc Kinh”.

Là quốc gia có mối liên hệ về sắc tộc nhiều nhất với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, với mối liên kết sâu sắc về tôn giáo và văn hóa, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi giáo duy nhất bày tỏ lo ngại về cách đối xử của Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ tại cuộc họp Liên hợp quốc năm 2019. Nhưng sau chuyến công du Bắc Kinh của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn giữ im lặng về vấn đề Tân Cương và Hồng Kông.

Theo ông Luft, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là quốc gia thành viên duy nhất của NATO không cấm công ty Huawei của Trung Quốc tham gia mạng viễn thông, và cũng là một trong những quốc gia đầu tiên sử dụng vắc xin Covid-19 của Trung Quốc.

“Chuyến thăm của ông Vương Nghị diễn ra vào thời điểm đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi tự do và nền kinh tế của nước này đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Vài ngày sau chuyến thăm, có thông tin cho rằng Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã cho Ngân hàng Ziraat thuộc sở hữu nhà nước của Thổ Nhĩ Kỳ, vay 400 triệu USD”, ông Luft cho biết.

Ông Luft kết luận: “Các nước trong khu vực hiện đang quan tâm đến hai thứ, tiền và vắc xin. Ở mức độ mà Bắc Kinh có thể cung cấp sự giúp đỡ về hai nhu cầu cấp thiết đó, nó có thể đảm bảo tình bạn lâu dài trong khu vực”.

Ông Hoa Lê Minh, cựu đại sứ Trung Quốc tại Iran, nhận định, “mặc dù Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố ông đã nêu vấn đề Tân Cương trong cuộc gặp với ông Vương Nghị, trong bối cảnh hàng trăm người Duy Ngô Nhĩ phản đối, nhưng chuyến thăm của ông Vương Nghị phần lớn đã thành công”.

Tuy nhiên theo ông Hoa, “lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ về Tân Cương là trở ngại chính giữa Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đóng vai trò quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường. Nhưng Trung Quốc phải cẩn thận để không thúc đẩy quá mạnh, bởi vì ông Erdogan phải đối mặt với chủ nghĩa dân tộc ngày càng tăng ở quê nhà, với một số lượng lớn người dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Thổ Nhĩ Kỳ”.

Bà Yun Sun, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Stimson ở Washington, cảnh báo Bắc Kinh cần thận trọng khi chơi lá bài Iran trong căng thẳng với Washington. “Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta thấy Trung Quốc và Iran tăng cường hợp tác. Tôi rất tò mò muốn biết cuối cùng rốt cuộc những dự án cụ thể hiện tại nào sẽ diễn ra”, bà Yun Sun nhận xét, đồng thời lưu ý rằng “cuộc bầu cử của Iran vào tháng 6 có thể mang lại những bất ổn, trước sự phản đối trong nước và sự phản đối kịch liệt của công chúng đối với thỏa thuận với Trung Quốc”.

“Rõ ràng là sau [cuộc họp ở] Alaska, Trung Quốc đang cố gắng tăng cường quan hệ đối tác trên toàn cầu để giảm thiểu sự cô lập. Nhưng người ta phải tự hỏi điều gì đã thay đổi cơ bản trong mối quan hệ của Trung Quốc với các nước này. [Những khía cạnh nào của các mối quan hệ đó] đã được cải thiện ngoài sự cấp bách do các vấn đề của mỗi quốc gia gây ra với Mỹ?”, bà Yun Sun nhấn mạnh.

Related posts