Thanh Hải
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton mới đây đã tuyên bố rằng nước này sẽ không từ bỏ chủ quyền để xoa dịu Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh tức giận vì Canberra huỷ bỏ thoả thuận thuận Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) với bang Victoria.
Bình luận của Bộ trưởng Dutton được đưa ra sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đe dọa sẽ trả đũa nếu Úc không thu hồi quyết định của mình, theo Epochtimes.
Ông Dutton tuyên bố hôm 23/4: “Chúng tôi sẽ không để các giá trị của mình bị xâm phạm. Chúng tôi sẽ không từ bỏ chủ quyền của mình.”
Ông nói thêm: “Chúng tôi đang đứng lên vì người dân của chúng tôi. Chúng tôi có quan hệ ngoại giao rất quan trọng với nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, nhưng chúng tôi sẽ không bị tổn hại bởi các nguyên tắc của Bắc Kinh”.
Bộ trưởng Dutton cũng nhắm vào chế độ Trung Quốc vì họ đã xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông và thực hiện các cuộc tấn công mạng nhằm vào Úc.
“Tất cả những điều đó không phải là hành động của một người bạn,” ông tuyên bố: “Chúng tôi cần bảo đảm rằng, chúng tôi có một mối quan hệ thương mại quan trọng, nhưng Trung Quốc và những nước khác cần hiểu rằng Úc sẽ không bị bắt nạt”.
Vào tối 21/4, Ngoại trưởng Úc Marise Payne đã tuyên bố hủy bỏ bốn thỏa thuận đã ký giữa bang Victoria và các quốc gia khác bao gồm Iran, Syria và Trung Quốc trong đó có Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Bà Payne nói: “Tôi cho rằng bốn thỏa thuận này không phù hợp với chính sách đối ngoại của Australia hoặc có hại cho quan hệ đối ngoại của chúng tôi.”
Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra đã chỉ trích động thái này, cho rằng hành động này là “vô lý và khiêu khích”. Trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân kêu gọi Úc “thu hồi” quyết định này nếu không Bắc Kinh sẽ “kiên quyết thực hiện các hành động mạnh mẽ”.
BRI là quỹ cơ sở hạ tầng toàn cầu trị giá hàng nghìn tỷ đô la của Bắc Kinh đã bị cáo buộc là phương tiện để ĐCSTQ bành trướng bá quyền toàn cầu.
Một số nước đang phát triển đã phải vật lộn để trả các khoản vay theo BRI, và trong một số trường hợp, họ buộc phải giao quyền kiểm soát các tài sản và cơ sở hạ tầng quan trọng cho Bắc Kinh.
Vào đầu tháng 4, Ủy ban châu Âu tuyên bố sẽ không hỗ trợ Montenegro trả Bắc Kinh khoản vay trị giá 1 tỷ USD mà họ đã vay để xây dựng đường cao tốc Bar-Boljare.