Miến Điện: Phong trào chống đảo chính kêu gọi tiếp tục chiến dịch “bất tuân dân sự”

Trọng Thành

image.png
Tiếp tục biểu tình chống đảo chính Miến Điện tại Tarmwe, ngoại ô Rangoon. Ảnh ngày 26/04/2021. STR AFP

Giới đấu tranh dân chủ và bảo vệ nhân quyền Miến Điện dường như không mấy tin tưởng vào kết quả của hội nghị cấp cao ASEAN tìm lối thoát cho khủng hoảng Miến Điện, với bản kế hoạch 5 điểm, mà nhiều người cho là một thành công ngoại giao đáng kể. Một ngày sau cuộc họp của ASEAN, hôm nay, 26/04/2021, nhiều nhà hoạt động chống đảo chính đã kêu gọi dân chúng tiếp tục phong trào « bất tuân dân sự ».

Theo Reuters, dân chúng được kêu gọi « ngừng thanh toán hóa đơn tiền điện và các khoản vay nông nghiệp, đồng thời cho con cái nghỉ học », bất chấp việc lãnh đạo tập đoàn quân sự, tướng Min Aung Hlaing, vừa đạt được với lãnh đạo các nước ASEAN về một thỏa thuận 5 điểm, nhằm tháo gỡ khủng hoảng chính trị tại Miến Điện, bùng lên sau khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử.

Trong một phát biểu hôm qua, 25/04/2021, tại thành phố miền trung Monywa, nhà hoạt động Khant Wai Phyo cho biết : « Tất cả chúng ta, người dân ở các thành phố, thị trấn, phường xã, khu vực và bang phải đoàn kết cùng nhau thực hiện thành công phong trào tẩy chay chống chính quyền quân sự… Chúng ta không tham gia vào hệ thống của họ, không hợp tác với họ ».

Reuters đã liên lạc với một phát ngôn viên của Quân Đội, nhưng không nhận được hồi đáp về diễn biến mới nói trên của phong trào bất tuân dân sự.

Đầu tháng 2/2021, phong trào Bất Tuân Dân Sự (Civil Disobedience Movement, gọi tắt là CDM) chống đảo chính lan rộng ra khắp xã hội. Xuất phát từ phong trào đình công của giới y tế, phong trào đã lôi cuốn hàng triệu người tham gia, với các cuộc biểu tình trên đường phố, khuyến khích tẩy chay các doanh nghiệp của quân đội hay có vốn của quân đội, và đặc biệt là kêu gọi nhân dân từ chối tuân thủ các mệnh lệnh của quân đội.

Một ngày sau khi tướng Min Aung Hlaing đạt được thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Indonesia hôm thứ Bảy 25/04/2021, biểu tình lại tiếp tục diễn ra rải rác tại một số thành phố lớn của Miến Điện hôm Chủ Nhật. Theo Reuters, việc ASEAN ra một kế hoạch 5 điểm nhằm chấm dứt bạo lực tại Miến Điện, bắt đầu đối thoại giữa các bên, nhưng không bao gồm việc kêu gọi chính quyền quân sự trả tự do cho các tù chính trị, gây bất bình trong giới tranh đấu. Nhiều nhà hoạt động đã chỉ trích các lãnh đạo ASEAN quá nhân nhượng tập đoàn quân sự.

Dự thảo kế hoạch về khủng hoảng Miến Điện đã kêu gọi trả tự do cho tù chính trị
Reuters hôm nay tiết lộ thêm thông tin, cho thấy nội bộ ASEAN đã có nhiều bất đồng xung quanh yêu cầu kêu gọi trả tự do cho các tù chính trị, theo đề xuất của một số quốc gia, như Indonesia hay Singapore. Ba nguồn tin gần gũi với hồ sơ này cho biết, trong một văn bản dự thảo kế hoạch tìm giải pháp cho khủng hoảng Miến Điện, xuất hiện một ngày trước thượng đỉnh 24/04, đã có nội dung yêu cầu trả tự do cho các tù chính trị. Tuy nhiên, trong văn bản cuối cùng, nội dung này đã không được nêu ra.

Hai nguồn tin giấu tên cho Reuters biết là họ rất ngạc nhiên khi thấy nội dung này sau đó đã bị bỏ đi, nhưng không biết vì sao kế hoạch ban đầu đã bị thay đổi. Hiện tại Brunei, quốc gia chủ tịch luân phiên ASEAN, chưa đưa ra bình luận về vấn đề này. Nhiều người cũng hoài nghi về khả năng thực thi bản kế hoạch của ASEAN, do thiếu lộ trình cụ thể.

Luật sư vẫn chưa được gặp Aung San Suu Kyi
Việc kế hoạch 5 điểm tìm lối thoát cho khủng hoảng Miến Điện không bao gồm kêu gọi trả tự do cho các tù chính trị có nguy cơ khiến kế hoạch môi giới tìm giải pháp của ASEAN khó thành công. Theo ông Phil Robertson, phó giám đốc Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW, việc trả tự do cho các tù nhân chính trị « phải là một bộ phận của bất kỳ giải pháp thương lượng nào cho cuộc khủng hoảng ».

Theo một số nguồn tin, có ít nhất 3.389 nhà tranh đấu hiện đang bị Quân Đội Miến Điện giam giữ, kể từ cuộc đảo chính 01/02/2021. Hôm nay, các luật sư của lãnh đạo chính phủ Aung San Suu Kyi cho biết vẫn chưa được Quân Đội cho phép gặp gỡ thân chủ. Bà Aung San Suu Kyi bị giam giữ tại một nơi bí mật, kể từ cuộc đảo chính.

Related posts