Vì sao em khóc? Tamar Lê

Trong những năm đầu tiên dạy học tại University of Tasmania, cứ vào cuối năm, khoảng 150 sinh viên năm thứ 4 trong phân khoa sư phạm tập họp trong giảng đường để nghe xem mình sẽ được bổ đi dạy ở đâu vào năm tới. Ai ai cũng lo lắng, vì không biết mình sẽ bắt đầu con đường tương lai ra sao? Lên núi hay xuống biển, được ở ngay thành phố hay bị đưa đến một vùng hẻo lánh, ở đó ngay cả khỉ cũng không muốn ho và gà cũng buồn không muốn gáy.

Khi tôi rời văn phòng đi ăn trưa, tôi thấy một cô bé từ trong giảng đường cấp tốc chạy ra, cúi mặt với nhiều thất vọng, yes, vừa đi vừa khóc. Tôi vội gọi tên cô bé, nhưng cô cứ mặc tôi gọi; cuối cùng tôi chạy đến gần thì cô bé dừng lại, gục đầu vào vai tôi thổn thức, và tôi nhẹ nhàng hỏi “Vì sao em khóc?”

Tôi đợi cho Katherine ‘khóc cho vơi nỗi sầu,’ rồi sau đó bắt đầu chuyện trò. Cô bé ‘bị’ bổ đi dạy ở một nơi thật xa, trên một hòn đảo nhỏ ở phía bắc Tasmania. Tôi rất ngạc nhiên vì Katherine học rất giỏi, thuộc hàng đầu, có lần cha mẹ Katherine dự định cho qua học tiếp ở Oxford University. Tôi an ủi và khuyến khích Katherine: “Em cứ đi qua dạy ở đó một năm xem sao, biết đâu hòn đảo này mang đến động lực sáng tạo và hướng đi mới cho tương lai em sau này.”

Hồi còn là sinh viên ở Saigon, tôi cũng đã hằng mơ được đi thật xa và dạy học ở một trong những thành phố lớn như New York, Paris hay London. Thế mà sau này tôi lại được qua Tasmania dạy học. Đây là một hòn đảo nằm dưới lục địa Úc, và xuống nữa là Nam Cực lạnh giá, cô đơn và chắc chắn là ‘thiếu bóng đàn bà.’ Lúc còn ở Saigon tôi không biết Tasmania là nơi đâu, nhưng khi đã đến nơi này, tôi say đắm cuộc sống hiền hòa và cảnh đẹp của thiên nhiên, nên sống ở đây gần nửa thế kỷ. Bây giờ, cũng tương tự như hoàn cảnh của tôi, Katherine ‘shocked’ vì phải ‘bị’ ra đảo vắng dạy học, nơi mà trong tiềm thức của mình, không có một ký ức nào cả.

Rồi thời gian trôi qua, hai mươi năm sau, một hôm ngồi uống café bên dòng sông Tamar, tôi bàng hoàng nhận ra Kate, ‘cô bé ngày xưa’, đang được đài ABC phỏng vấn về sự đóng góp lớn lao của cô cho văn chương ở Úc và trên thế giới. Katherine đã xuất bản mấy chục cuốn tiểu thuyết như Make Me An IdolThe Rain Queen and The Stone Angel. Những sácn này được xem là ‘international best sellers’, bán cả triệu cuốn, và được dịch ra nhiều thứ tiếng như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, ý, Thụy Điển v.v… Katherine còn nhận được nhiều giải thưởng văn chương giá trị trong và ngoài nước, và đã tham gia thảo luận trên nhiều diễn đàn văn chương và báo chí uy tín trên thế giới.

Từ đó tôi và ‘cô học trò bé nhỏ ngày xưa’ có cơ hội được liên lạc lại và thường xuyên thảo luận về văn học và đời sống, nhất là những kỷ niệm ở Tasmania.

Gần đây, tôi vào một thư viện và tình cờ thấy một cuốn tiểu thuyết khác của Katherine mà tôi chưa đọc. Đó là ‘Người Vợ Hoàn Hảo’  (The Perfect Wife), 480 trang, Katherine Scholes viết và xuất bản vào vào năm 2014. Cuốn tiểu thuyết này phản ảnh kinh nghiệm đậm đà của tác giả đã từng sống ở Africa. Thật vậy, Katherine được sinh ra ở Tanzania, East Africa, nên tôi không ngạc nhiên nhiều tiểu thuyết của Katherine viết về khung cảnh thiên nhiên, và đời sống của mảnh đất này. Ba của cô là bác sĩ và mẹ cô là họa sĩ gốc người Anh Quốc. Họ quyết định qua Phi Châu để có cơ hội giúp nhiều người nghèo bản xứ, sau đó trở lại Anh, và cuối cùng thì qua Tasmania, Úc Châu sống.

Mỗi lần liên lạc với Katherine, tôi còn nghe được dư âm với tiếng nói nhỏ nhẹ năm xưa khi Katherine gục đầu vào vai mình: “Em cứ đi qua dạy ở đó một năm xem sao, biết đâu hòn đảo này mang đến động lực sáng tạo và hướng đi mới cho tương lai sau này.”

Related posts