Khủng hoảng Miến Điện: Thỏa thuận của ASEAN không đủ để mang lại lối thoát

Trọng Thành

image.png
Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại cuộc họp báo ở Jakarta (Indonesia), ngày 24/04/2021 sau khi kết thúc hội nghi đặc biệt của ASEAN bàn về Miến Điện. AP – Muchlis Jr

Gần 4 tháng từ khi Quân Đội Miến Điện lật đổ chính phủ dân sự, cuối cùng khối ASEAN đã có một hội nghị đặc biệt về khủng hoảng Miến Điện. ASEAN ra « Đồng thuận 5 điểm » tìm giải pháp cho khủng hoảng. Kế hoạch được đánh giá là một thành công của ASEAN, vốn theo nguyên tắc không can thiệp vào nội bộ quốc gia thành viên. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng thỏa thuận này sẽ không mang lại gì đáng kể giúp tìm ra lối thoát cho Miến Điện.

Trong một bài phân tích trên Asialyst, trang mạng chuyên về thời sự châu Á (ngày 26/04/2021), nhà báo Pháp Francis Christophe nhấn mạnh đến các khiếm khuyết lớn của « Đồng thuận 5 điểm » ngày 24/04/2021 này. Đó là thỏa thuận của ASEAN về khủng hoảng Miến Điện (liên quan đến việc chấm dứt bạo lực, đối thoại giữa các bên với sự hỗ trợ của đặc phái viên của ASEAN, trợ giúp nhân đạo…) đã không hề đưa ra lịch trình hành động, cũng không bao gồm các trừng phạt, trong trường hợp tập đoàn quân sự không tuân thủ các điểm đồng thuận đã được đề ra, cụ thể là tiếp tục các đàn áp nhắm vào phong trào chống đảo chính.

Thỏa thuận nói trên cũng đặt giới tướng lãnh đảo chính Miến Điện « ngang hàng » với những nạn nhân của đàn áp đẫm máu từ phía Quân Đội. Bản Đồng thuận chỉ kêu gọi chung chung các bên tại Miến Điện « kiềm chế », cứ như thể là những người phản đối chính quyền quân sự phải chịu cùng trách nhiệm với Quân Đội, về cái chết của ít nhất 750 thường dân thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương và mất tích, trong những tháng qua.

Không lộ trình hành động, không đòi hỏi trả tù chính trị

Không có gì trong bản Đồng thuận 5 điểm này cho thấy là chính quyền quân sự Miến Điện sẽ chấp nhận đàm phán với các lãnh đạo phong trào phản kháng, hiện đang bị Quân Đội truy nã vì tội « phản bội ». Nói tóm lại, không gì trong thỏa thuận của ASEAN cho thấy là Hiệp hội này có thể buộc tập đoàn quân sự nỗ lực để khôi phục hòa bình, tái lập dân chủ tại Miến Điện.

Giới quan sát cũng đặc biệt chú ý đến việc nội dung kêu gọi trả tự do cho tù nhân chính trị, vốn có mặt trong bản dự thảo thỏa thuận về Miến Điện của ASEAN, một ngày trước phiên họp chính thức, rút cục đã bị rút khỏi văn bản một cách bí ẩn, theo Reuters. Yêu cầu trả tự do cho tù chính trị là chủ trương rõ ràng của Singapore, Malaysia, và Indonesia, quốc gia có nhiều nỗ lực nhất để vận động tìm giải pháp hòa bình cho khủng hoảng Miến Điện.

Mà việc trả tự do cho tù nhân chính trị, trong đó có nguyên lãnh đạo chính quyền dân sự, bà Aung San Suu Kyi, được nhiều nhà tranh đấu Miến Điện coi là điều kiện tiên quyết để tình hình trở lại bình thường. Nhà báo Sebastian Strangio chuyên về khu vực Đông Nam Á, trong một phân tích trên trang mạng Nhật Bản The Diplomat ngày 27/04/2021 (bài « Đánh giá về các kết quả của hội nghị đặc biệt của ASEAN về Miến Điện »), cũng coi việc không có yêu cầu trả tự do cho tù chính trị là điểm khiếm khuyết đầu tiên, rõ ràng nhất của « Đồng thuận 5 điểm ».

Việc thiếu một lộ trình hành động cụ thể để thực thi các khuyến nghị của Đồng thuận 5 điểm dẫn đến một hệ quả là để cho tập đoàn quân sự Miến Điện hoàn toàn ở thế thượng phong. Phản ứng chính thức đầu tiên của chính quyền quân sự Miến Điện về Đồng thuận 5 điểm của ASEAN được đưa ra hôm nay, 27/04, cho thấy rõ điều này.

Trong một thông báo trên trang mạng Global New Light of Myanmar, của chính quyền, tập đoàn quân sự khẳng định « sẽ xem xét kỹ lưỡng các gợi ý mang tính xây dựng do các lãnh đạo ASEAN đề xuất, một khi tình hình ổn định trở lại ». Chính quyền quân sự Miến Điện cũng cho biết thêm là các đề xuất của ASEAN cũng cần phù hợp với lộ trình hành động « 5 giai đoạn » của chính quyền quân sự. Điều đó có nghĩa là khối ASEAN sẽ còn phải chờ đợi dài.

Tập đoàn quân sự có thể lợi dụng lập trường của ASEAN để câu giờ

Nhà nghiên cứu Joshua Kurlantzick, viện tư vấn Council on Foreign Relations, trong một phân tích hôm qua, mang tựa đề « How the ASEAN Summit on Myanmar Might—or Might Not—Impact the Situation in Myanmar », nhận xét : Tuyên bố chung của ASEAN trên thực tế sẽ chỉ khiến cho khủng hoảng hiện nay tại Miến Điện tiếp tục kéo dài, và bên có lợi chính là tập đoàn quân sự. Trong một bài trả lời phỏng vấn Le Monde (đăng hôm 25/05), người phát ngôn của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc chống tập đoàn quân sự Miến Điện, bác sĩ Sasa, cũng tỏ ra hết sức dè dặt về triển vọng ra khỏi khủng hoảng sau Đồng thuận 5 điểm của ASEAN, cho dù khẳng định nỗ lực của nhiều lãnh đạo ASEAN nhằm tìm lối thoát cho khủng hoảng là đáng ghi nhận.

Xét cho cùng, để ra khỏi khủng hoảng bằng con đường hòa bình, bước đi cần thiết đầu tiên là hai bên xung đột cần chấp nhận đàm phán. Tuy nhiên, đây là điều hoàn toàn không tồn tại ở Miến Điện trong giai đoạn hiện nay. Và Đồng thuận 5 điểm của ASEAN cũng chưa hề có nội dung nào làm rõ chuyện này, khẳng định chính thức đối lập chống tập đoàn quân sự là một đối tác không thể thiếu.

« Đồng thuận » ASEAN về Miến Điện để ngỏ một số cơ hội

Tuy nhiên, có vì những khiếm khuyết rất lớn nói trên mà phủ nhận hoàn toàn ý nghĩa của Đồng thuận ASEAN tìm lối thoát cho khủng hoảng Miến Điện hay không ? Lịch sử tồn tại của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á cho thấy ASEAN không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên, mà hơn một nửa số thành viên không phải là các chế độ dân chủ đa đảng. Việc ASEAN đạt được một thỏa thuận chung về Miến Điện lần này quả là một thay đổi vượt bậc, sẽ không thể có được nếu không có vai trò đặc biệt của Indonesia, quốc gia đăng cai tổ chức hội nghị. Chính quyền Indonesia thể hiện thái độ rõ rệt với tập đoàn quân sự Miến Điện, khi không chấp nhận đón tiếp tướng Min Aung Hlaing như nguyên thủ quốc gia, để ngỏ khả năng cho lập trường có thể sẽ cứng rắn hơn với chính quyền quân sự, nếu khủng hoảng tiếp diễn.

Một thái độ đúng mức với tình hình Miến Điện có lẽ là điều cần có. Theo chuyên gia Ben Bland, viện tư vấn Úc Lowy Institute, « thay vì ca ngợi quá mức ASEAN hay chê trách khối này – các phản ứng nhìn chung là sai lầm của nhiều nhà bình luận bên ngoài -, phần còn lại của thế giới cũng cần suy nghĩ xem có thể làm được gì để hỗ trợ các nỗ lực của ASEAN để mang lại hòa bình và ổn định cho Miến Điện ». Bởi Miến Điện không chỉ là vấn đề của ASEAN. ASEAN cũng là cộng đồng mà nhiều quốc gia, nhiều đối tác chiến lược coi là « kiến trúc an ninh » quan trọng của khu vực, của Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Related posts