Biển Đông: Một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc có thể diễn ra như thế nào?

Trọng Nghĩa

image.png
Ảnh minh họa: Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz phối hợp hành động trên Biển Đông ngày 09/02/2021. USS Nimitz (CVN 68) – Petty Officer 3rd Class Elliot S

Trong thời gian gần đây, tình hình Biển Đông và vùng eo biển Đài Loan không ngừng nóng lên, với Quân Đội Trung Quốc liên tục thị uy, đe dọa các láng giềng, kéo theo phản ứng của Hoa Kỳ, thường xuyên cho tàu chiến và máy bay vào phô trương thanh thế trong khu vực. Các diễn biến đó làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc, và ngày càng có nhiều kịch bản về một cuộc chiến Mỹ-Trung được đưa ra.

Trang mạng Bloomberg của Mỹ ngày 25/04/2021 đã đăng ý kiến của một người có thể gọi là “trong cuộc”, cựu đô đốc Hải Quân Mỹ James Stavridis, từng là tư lệnh tối cao của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO.

Là người đã phục vụ nhiều năm trong Hải Quân Mỹ ở miền Tây Thái Bình Dương, đã theo dõi đà vươn lên của Hải Quân Trung Quốc, trong bài “Bốn cách thức mà một cuộc chiến tranh trên biển Mỹ-Trung có thể diễn ra – Four Ways a China-U.S. War at Sea Could Play Out”, cựu đô đốc Stavridis đã cho rằng điểm nóng dễ có khả năng bùng nổ nhất là Đài Loan, nhưng xung đột cũng có thể xảy ra ở Biển Hoa Đông, Biển Đông hoặc Ấn Độ Dương.  

Hải Quân Trung Quốc giờ đây đã trở thành đáng ngại

Mở đầu bài viết của mình, cựu đô đốc Mỹ trước hết ghi nhận đà vươn lên đáng ngại của Quân Đội, và đặc biệt là Hải Quân Trung Quốc, từ một lực lượng không có gì đáng nói vào những năm 1970, đã trở thành một “đối thủ ngang hàng” với Hoa Kỳ, ít ra là trên các vùng biển bao quanh Trung Quốc.

Tác giả ghi nhận: “Vào giữa những năm 1970, tôi ra khơi với tư cách là một người lính trẻ, lần đầu tiên xuất quân sau khi tốt nghiệp Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ. Từ San Diego (bang California), chúng tôi đi về phía tây trên một khu trục hạm lớp Spruance hoàn toàn mới. Là một thủy thủ thời Chiến Tranh Lạnh, tôi vô cùng thất vọng khi tàu của tôi không đi vào vùng biển phía bắc Đại Tây Dương để thách thức hạm đội Liên Xô rất nổi tiếng. Thay vào đó, hành trình kéo dài sáu tháng của chúng tôi tập trung vào vùng biển phía tây Thái Bình Dương, những khu vực ngoài khơi miền bắc nước Úc, Singapore, Hồng Kông và Đài Loan.

Trong ký ức của chúng tôi vào thời xa xưa ấy là một mối đe dọa nghiêm trọng từ phía Trung Cộng (theo cách gọi của chúng tôi lúc đó). Vào khi ấy, Trung Quốc có một lực lượng hải quân ven biển có năng lực, nhưng chiến hạm hay chiến đấu cơ của lực lượng mang một cái tên kỳ lạ là Hải Quân Giải Phóng Quân Nhân Dân không hề là một đối thủ đáng kể.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi đáng kể. Trong suốt sự nghiệp hải quân của mình, tôi đã theo dõi Trung Quốc cải thiện một cách từ từ, tỉ mỉ và khôn khéo mọi khía cạnh của lực lượng hải quân của họ. Đà cải thiện đã gia tăng tốc đáng kể trong thập kỷ qua, khi Trung Quốc gia tăng số lượng tàu chiến tối tân, triển khai đội tàu này ra khắp khu vực và xây dựng các đảo nhân tạo để làm căn cứ quân sự ở Biển Đông.

Trung Quốc hiện là một đối thủ ngang hàng của Hoa Kỳ ở những vùng biển đó, và điều này hàm chứa những rủi ro thực sự”.

Tác giả ghi nhận bốn “điểm nóng” trên biển riêng biệt, nơi hải quân Trung Quốc có thể mở một cuộc tấn công quân sự nhắm vào Hoa Kỳ và các đồng minh và đối tác của Mỹ: Eo biển Đài Loan; Nhật Bản và Biển Hoa Đông; Biển Đông; và các vùng biển xa hơn xung quanh các nước láng giềng khác của Trung Quốc, bao gồm Indonesia, Singapore, Úc và Ấn Độ.

Biển Đông: Hải Quân nhiều nước chen chúc bên nhau

Về hiện trạng Biển Đông, cựu đô đốc Stavridis ghi nhận sự hiện diện đông đảo của chiến hạm các nước bên cạnh đám đông tàu cá, tàu buôn, tàu dầu, giàn khoan dầu khí trong một tuyến đường thủy bận rộn, vận chuyển gần 40% lượng hàng gởi bằng đường biển của thế giới.

Ngoài chiến hạm của Mỹ và Trung Quốc, còn có tàu thuyền của các nước trong khu vực như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan và Singapore. Các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương khác, bao gồm Úc, New Zealand, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc cũng duy trì sự hiện diện quân sự, chưa kể đến chiến hạm đến từ Pháp, Đức, Anh – cũng thường xuyên triển khai ở đó.

Tình hình Biển Đông đã trở thành căng thẳng do các yêu sách chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và các quốc gia ven biển.

Bắc Kinh là bên đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông. Dựa vào các chuyến đi của đô đốc Trịnh Hòa từ những năm 1600, Trung Quốc ngay từ những năm 1940 đã vạch ra cái mà họ gọi là “Đường Chín Đoạn”, một ranh giới trên biển mà họ dùng để “duy trì sự hư cấu về chủ quyền”. Yêu sách đó đã bị hầu hết các quốc gia khác trong khu vực tranh chấp (nhiều nước trong số này còn có yêu sách chồng chéo và cạnh tranh không chỉ với Trung Quốc, mà còn cả với nhau). Một tòa án quốc tế đã bác bỏ phần lớn yêu sách của Trung Quốc vào năm 2016.

Bắc Kinh đòi trọn Biển Đông, Mỹ công khai thách thức

Với chiến lược lâu dài là củng cố quyền kiểm soát trên Biển Đông, Trung Quốc đã cho bồi đắp các đảo nhân tạo, chủ yếu nằm ở các khu vực có các mỏ dầu khí đầy hứa hẹn ở vùng phía nam Biển Đông và xung quanh quần đảo Trường Sa, vốn đang bị tranh chấp giữa một số quốc gia.

Có bảy hòn đảo nhân tạo đã hoàn thành, tất cả đều được quân sự hóa, một số có sân bay, và không ai nghĩ Bắc Kinh sẽ dừng lại ở đó.

Đối với Hoa Kỳ, ở những vùng biển Châu Á, trong đó có Biển Đông, giá trị tối quan trọng cần bảo vệ là quyền tự do hàng hải. Trung Quốc tin chắc rằng theo thời gian, Mỹ sẽ nhân nhượng thay vì đối đầu, nhưng Hoa Kỳ đã cho thấy rõ ý định khi càng lúc càng tăng số lượng các cuộc tuần tra “tự do hàng hải”.

Trung Quốc đã phản đối các hoạt động của Hoa Kỳ và đôi khi cử tàu của họ ra thách thức chiến hạm Mỹ. Cho đến nay, hai bên vẫn giữ bình tĩnh và không có sự cố lớn nào xảy ra. Thế nhưng cả hai nước đều có các kế hoạch chiến tranh được diễn tập kỹ lưỡng trong trường hợp có xung đột thực sự nổ ra trên Biển Đông.

Trung Quốc dùng 3 mũi giáp công, Mỹ tiền pháo hậu xung

Trong kịch bản này, Trung Quốc sẽ có ba mũi tấn công: Trên biển, họ sẽ tung các chiến hạm mạnh (tàu khu trục, tàu hộ tống…) tràn ngập khu vực, sử dụng đến các loại tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel và điện; từ các căn cứ trên đất liền họ sẽ bắn tên lửa hành trình siêu thanh và tên lửa đạn đạo vào các đội tàu Mỹ; và sẽ cố gắng vô hiệu hóa các vệ tinh cũng như các hệ thống chỉ huy và kiểm soát hàng hải của Mỹ bằng các cuộc tấn công mạng.

Về phía Hoa Kỳ, tương tự như những gì mà họ có thể làm trong một cuộc xung đột về Đài Loan hoặc trên Biển Hoa Đông, Mỹ sẽ đáp trả bằng lực lượng không quân tầm xa xuất phát từ đảo Guam, Nhật Bản và Hàn Quốc, được trang bị tên lửa hành trình và bom dẫn đường chính xác. Các mục tiêu chính sẽ là tàu chiến Trung Quốc và các căn cứ trên đảo nhân tạo của họ.

Sau khi các máy bay này hoàn tất việc làm tiêu hao khả năng tấn công của Trung Quốc, các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ sẽ thận trọng tiến vào Biển Đông, sử dụng càng nhiều không gian biển càng tốt để nằm ngoài tầm bắn của các hệ thống tên lửa và phòng không trên đất liền của Trung Quốc.

Cả hai bên tuy nhiên sẽ cố gắng tránh leo thang chiến tranh quá đà, vì lẽ một cuộc tấn công kết thúc bằng việc phá hủy các căn cứ và cơ sở hạ tầng trên đất liền của Trung Quốc sẽ gây nên một phản ứng dữ dội. Điều đó thậm chí có thể khiến Trung Quốc trả đũa Hoa Kỳ.

Related posts