HỜ HỮNG…

Phan

image.png

Lời nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh công Sơn đã được nhiều người xem như một triết lý sống cho cuộc đời ngắn ngủi là: đời có bao lâu mà hững hờ… Nếu nhớ lại thì thỉnh thoảng chúng ta lại nghe ai đó nói câu đó, và khi trong lòng không vui, nội tâm phiền muộn, tự mỗi bản thân biết câu đó càng thấm thía triết lý của ông Trịnh, “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ” để khơi đống tro tàn, để tự vươn lên từ đổ nát, thôi oán người phụ ta, cũng là buông bỏ cho mình vì đời người ngắn ngủi mà cứ chìm đắm trong oán hờn thì nạn nhân đáng thương nhất là bản thân. 

Cũng có triết lý cho rằng, “quên được quá khứ là hạnh phúc lớn nhất của đời người.” Điều này thật khó vì dường như bản chất con người luôn luyến tiếc quá khứ như một một triết gia khác từng nói, “người ta luôn luyến tiếc quá khứ, bất mãn hiện tại và mong chờ một tương lai khá hơn. Nhưng rồi tương lai ấy đến cũng như trăm ngàn hiện tại đã qua, người ta lại bất mãn hiện tại, luyến tiếc quá khứ…”

Qua vài nhận định ta thấy, quá khứ không dễ gì buông bỏ, càng không dễ gì quên, nhưng ta cứ ôm ấp trong lòng những hờn oán để mình không được vui, người cũng không được vui, cộng với thời gian làm cho mòn mỏi cả hai cuộc đời vốn đã ngắn ngủi.

Tôi chia tay người bạn gái vào thời người đi kẻ ở biết chừng nào gặp lại nên cả hai buồn như nhau. Rồi mẹ tôi, mẹ cô ấy đều là những người mẹ thương con trong thời thế tuyệt vọng cũng đã đi xa theo tuổi tác thì nỗi buồn đọng lại cho chúng tôi thêm nhức nhối với hai phương trời cách biệt. Thời gian thấm thoát mấy chục năm qua đi như chưa hề xảy ra một chuyện đau lòng còn mới nguyên trong lòng hai đứa trẻ đã có tóc bạc. Hôm gặp lại nhau rất bùi ngùi, ngàn vạn lời muốn nói với nhau trong mấy mươi năm xa cách đã hoá thạch thành hòn câm chận họng nên không nói nên lời, đành chia tay lần nữa mà cả hai đều biết là lần cuối trong đời. Cả hai đều biết đời có bao lâu mà hững hờ nhưng cũng đành để thời gian hờ hững đi qua đời nhau, đành cúi đầu trước định mệnh. Từ đó, mỗi năm tôi gởi đi cái tin nhắn chúc mừng sinh nhật. Sau khi bấm nút “gửi”, tôi thấy lòng thanh an, niềm hạnh phúc như xưa mới đưa nhau về sau buổi học vì đã không còn hờ hững với mình nữa là đủ rồi. Nếu gọi là hạnh phúc thì hơi quá lời, nhưng lòng thấy vui vui cũng mãn nguyện lắm.

Đó là tôi làm theo ý kiến của một vị linh mục có cùng hoàn cảnh và ngài đã phải tự tìm lấy thanh an như tìm que diêm nhỏ trong đêm tối lòng người. Ngài nhỏ tuổi hơn tôi, nhưng là bạn trong xóm, trong trường trung học. Khi tôi ra trường là trôi nổi theo định mệnh riêng nên không gặp lại bạn bè. Ngài ra trường sau tôi vài năm, phải lúc chiến trường tây bắc với Trung cộng, tây nam với Pon Pot đang hồi quyết liệt nên ngài bị bắt buộc đi nghĩa vụ quân sự. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về ngài trở thành miếng vỏ chanh đã bị vắt hết nước vì lý lịch gia đình nên ngài đi vượt biên vì còn chọn lựa nào khác được. Hành trang bỏ nước ra đi của ngài chỉ đáng giá nhất là cái áo sơ mi trắng của người yêu mua tặng trong lần cuối cùng dạo phố Sài gòn bên nhau.

Ngài qua Mỹ như bao người Việt vượt biển khác nên mấy năm đầu phải vừa đi làm vừa đi học tiếng Anh để có thể trở lại trường học. Nhưng khi cầm được mảnh bằng kỹ sư trong tay thì người yêu còn ở lại quê nhà đã sang ngang. Thiệp hồng báo tin cũng là ngày ngài linh mục tương lai xếp lại tàn y giữ mùi hương, xếp lại cái áo sơ mi trắng kỷ niệm để đi trường dòng. Bảy năm sau ngài thụ phong linh mục. Cuộc đời từ đây hướng đạo, nhưng cái áo sơ mi vẫn ẩn thân trong ngăn tủ cá nhân của ngài để cuộc tình ngày nào đóng bụi thời gian trong một ngăn tim khổ hạnh.

Ngài không có lý do để về lại Sài gòn vì gia đình đã đi định cư hết bên Mỹ, là linh mục nên cũng không có gia đình bên vợ còn ở Việt nam để về thăm, nhưng một sự thôi thúc vô hình trong lòng người linh mục, hay ý Chúa muốn thế khi ngài đặt chân xuống mảnh đất Sài gòn sau ba mươi năm xa cách. Cuộc thăm viếng người xưa không còn những rạo rực đời thường như sắp được nắm tay người mình yêu, nhìn sâu trong mắt nhau thay lời thề nguyền, hay, hay gì hơn nữa thì phần đời của ngài linh mục đã nguội lạnh theo thời gian xa nhau, nay tắt thở êm đềm sau buổi gặp lại người xưa với chiếc áo sơ mi kỷ niệm trên người ngài, ngài đã khoác ba mươi năm ân tình chôn giấu trong tim để về gặp lại nhau một lần.

Nhưng người xưa có còn nhìn ra, có còn nhớ chiếc áo ấy hay không… mà hững hờ?

Đêm đã khuya lắm rồi, ngoài trời se lạnh, hai người ngồi nhậu mà nghe được tiếng lá rơi bên thềm mới biết đời lãng phí thời gian tranh luận tới ngu si. Trong gian nhà nhỏ của tôi, ngài nói với tôi những lời tôi muốn nghe từ khi gặp lại đã hai hôm trước – sau ba mươi năm không gặp, “cảm ơn anh hai hôm nay cứ gọi em là cha, nhưng giờ đây chỉ còn hai anh em mình chưa đi ngủ. Vậy thì uống với nhau một bữa cho thật giống ngày xưa…, và đúng là chúng tôi đã uống một bữa giống ngày xưa khi cả hai còn là những thanh niên mất phương hướng trước thời cuộc.

Từ khi tôi không gọi bạn là cha nữa, tôi có cảm giác trẻ lại mấy mươi năm để thấm thía nỗi đau khổ của một thời tuổi trẻ của chúng tôi, thời kỳ đen tối nhất lịch quê nhà nên từng phận người đương thời cũng u ám mãi về sau. Tôi hiểu tâm sự đêm khuya của cha, hiểu tấm lòng vị tha của người tu đạo; biết cha không hờn trách, không oán giận người xưa đã ít nhiều là nguyên cớ đẩy đưa cuộc đời cha sang một hướng khác với dự tính chung của hai người là cha học song, có bằng cấp, có việc làm, sau đó về quê tính chuyện trăm năm… Tôi hiểu cha kính Chúa nên an lòng trong chiếc áo linh mục, nhưng mảnh tình xưa cũ như vết thương lòng theo thời gian không nguôi vì trót khôn nguôi là có thật! Tôi hiểu cha buồn vì người xưa đã hờ hững quá, tôi cũng hiểu tôi đã đắc tội với một linh mục, với người bạn xưa khi tôi cho rằng cô ấy không có lý do không nhận ra chiếc áo sơ mi năm xưa vì kiểu dáng của nó thuộc vào cuối thập niên bảy mươi là thời kỳ quái đản ở quê nhà nên chẳng có cái gì giống ai hết, chất liệu vải thời ấy cũng may không còn nữa vì nó rất tệ do những nhà máy dệt quốc doanh sản xuất. Nói cho cùng sự hờ hững của cô có chủ đích, mang thông điệp: Hãy để ngày ấy lụi tàn khi một người đã yên bề gia thất, một người đã khoác áo linh mục, khơi lại đống tro tàn năm xưa chỉ làm tồn thương nhau hơn là sưởi ấm lòng nhau…

Cha vẫn uống rượu với tửu lượng gấp đôi tôi từ khi còn trẻ, không biết đêm ấy cha uống tới trời sáng hay tới hết đêm thu hoài niệm. Nhưng đã mấy năm rồi, tôi vẫn không chắc được là người yêu của linh mục quá hững hờ hay hờ hững là thông điệp mà tôi đã lừa cha để cha bớt khổ đau. Mấy năm thời gian qua đi đâu có nhiều nhõi gì, không biết bây giờ cha đã thật sự nguôi ngoai hờ hững xưa? Nhưng cứ theo tin nhận được thì cha lên chức lên tước, tôi mừng cho cha đã toàn tâm phụng sự Chúa.

Tựu trung là một thời đen tối ở quê nhà đã qua nhưng những con người của thời đại ấy thì không giống hậu thế bây giờ. Người ta yêu nhau như cây rừng đến lúc ra hoa kết trái, gặp hạn thì choắt cheo, mưa thuận gió hoà thì xum xuê hoa trái.  Nhưng mới đây tôi đã đọc một truyện ngắn của tác giả trong nước. Câu chuyện cuốn hút tôi vì nội dung truyện gợi nhớ lại một thời đã qua y như tuổi trẻ của chúng tôi là học xong ra trường, đi nhận công tác ở miền xa heo hút vì không có ô dù che thân để ở lại thành phố. Rồi quen biết người địa phương để khoả lấp khoảng trống trong tâm hồn, trong đời sống người thị thành bỗng dưng bị xa phố thị, rồi phải lòng một cô gái quê có diện mạo, có cá tính… nhưng vài năm công tác xa thì được về thành vì có đàn em tấn lên vác cây thập tự lý lịch đen của đàn anh. Cuộc tình dang dở thêm xa mặt cách lòng, ngày tháng phôi phai theo thơ đi thơ về thưa thớt tới mất liên lạc… nhưng dung mạo, cá tính người ấy, giọng nói, nụ cười, ánh mắt thân quen luôn phảng phất trong phần đời còn lại của người thị thành. Khi lòng trắc ẩn hiện thân vào một lúc nào đó trong đời phiêu phưởng, lòng lãng tử cũng bồi hồi không ít, còn gì cho nhau ngoài lời nguyện cầu cho người xưa được bình an…

Nhưng sao bây giờ người ta hờ hững thế, chàng phố thị đi công tác xa vài năm như chúng tôi ngày xưa, anh cũng trở về phố thị sau khi hoàn thành công tác xa. Tình cờ gặp lại người xưa trên phố cũng đã theo chồng về phố thị làm ăn, bây giờ nhà họ chỉ còn cách nhau có bảy cây số trong phố thị tỉnh lẻ thì như người đầu phố kẻ cuối phố, nhưng hai con người đã từng… như đoạn trích dưới đây, sao bây giờ trái tim của họ…

“Ngoài đường, một đôi trai gái che chung dù đi chậm dưới mưa. Cái dù xanh. Cô gái trang phục toàn xanh, từ quần áo đến cái xách tay. Tuổi trẻ. Một hình ảnh đẹp, như tôi đã từng xem trong một phim nào đó… Đêm ấy về, nghĩ lại, tôi thấy nổi lên một điểm: suốt buổi gặp mặt không lúc nào tôi nhớ ra là mình đã từng ôm con người thơm tho này trong tay, nựng nịu như nựng mèo con, hôn hít hàng trăm lần.”

Cũng là lời nhạc của nhạc sĩ Từ Công Phụng, “người đi qua đời tôi, có nhớ gì không người” Thế hệ của những người cầm súng nhưng bắn giết là chuyện vận nước nổi trôi, trong tim họ khác, nhân bản và nhân văn của họ mang tính người. Sao hoà bình đã gần nửa thế kỷ qua, những thế sinh ra, lớn lên trong hoà bình lại vô tình đến lạ, đến từng ôm ấp, hôn hít hằng trăm lần một con người thơm tho mà quên được, quên đến mức không lúc nào…  “suốt buổi gặp mặt không lúc nào tôi nhớ ra là mình đã từng ôm con người người thơm tho này trong tay, nựng nịu như nựng mèo con, hôn hít hàng trăm lần.”

Còn cô gái khi tình cờ gặp lại người xưa trên phố sau vài năm xa cách, cô cũng không hề trách khứ như lời nhạc tôi đã quên tên nhạc sĩ, chỉ nhớ lời nhạc, “sao anh nỡ đành quên những lời tha thiết ân tình…” Cô chỉ đề nghị người xưa mau đi chợ mua gà vịt, về nhà làm tiệc sẵn đi để mừng gặp lại…”

Tôi không có kết luận nào hơn là trở lại với triết gia, “quên được quá khứ là hạnh phúc lớn nhất đời người.” Vậy nên hay không nên tạ ơn bác và đảng đã đem đến hạnh phúc quên được quá khứ cho những thế hệ sau tôi ở quê nhà. Nhưng khốn thay cho đầu óc nhớ toàn chuyện nên quên. Chợt nhớ người bạn học cũ đã bị mang tội vì bài thơ của anh ta, “tôi đã từng hôn một người con gái/ mà tôi không nhớ không thương không gì hết cả/ tôi hôn như hôn một người xa lạ/ rồi qua đi như gió thoảng qua đường/ một nụ hôn là chuyện rất bình thường/ trong cuộc sống còn muôn điều trăn trở…”

Những người bạn hiểu anh muốn phản kháng thời thế, chế độ can thiệp vào cả chuyện tình cảm riêng tư của sinh viên vì đoàn viên đoàn thanh niên cộng sản thì không thể yêu kẻ không vô đoàn  là chưa quán triệt tư tưởng đảng nên tình yêu tuổi trẻ sau hoà bình , sau nửa thế kỷ đã thành công với hai người trẻ trong hiện tại đã yêu nhau như bạn tôi tiên đoán từ sau khi mới hoà bình, họ hôn nhau như hôn một người xa lạ… rồi qua đi như gió thoảng qua đường.

Văn hoá và giáo dục được ví như trăm năm trồng người thì năm mươi năm đã đạt chỉ tiêu nhà nước với lớp trẻ hậu sinh có tình cảm và tâm tư mới. Rất tiếc nhà văn là đàn anh tôi, trong nghề dạy học thì tôi phải gọi ông là sư huynh. Không biết ông có thâm ý như người bạn học cũ của tôi xưa hay không, nhưng đọc đoạn văn ông viết, tôi buồn.

Mong là tôi hiểu sai…

Phan

Related posts