Thu Hằng
Từ hai năm nay, Pháp từng bước thay đổi chiến lược đối phó với Trung Quốc, một « đối thủ toàn diện » của khối 27 nước và được ngầm nêu trong « Chiến lược hợp tác của Liên Hiệp Châu Âu tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương » công bố hôm 19/04/2021. Paris nhận thấy chủ quyền, lợi ích của Pháp trong vùng biển rộng lớn này bị tham vọng bá quyền của Bắc Kinh đe dọa.
Trước Hạ Viện Pháp ngày 19/02, bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly không vòng vo lên án Trung Quốc « coi thường luật lệ về tự do lưu thông trên biển », « đầu tư ồ ạt vào vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương », nơi Pháp có 13 tỉnh, vùng và 1,5 triệu công dân sinh sống. Cụ thể hơn, « cứ bốn năm, Trung Quốc lại xây dựng lực lượng tương đương với Hải Quân Pháp, có nghĩa là mức tăng trưởng theo cấp số nhân. Rõ ràng là sự hiện diện và vũ khí trang bị có thể gây ra mối đe dọa », theo nhận định của chuẩn đô đốc Jean Mathieu Rey, chỉ huy vùng Thái Bình Dương của Hải Quân Pháp, trên đài RFI ngày 09/05.
Thắt chặt hợp tác ngoại giao
Chiến lược của Pháp được điều chỉnh trên hai mặt, ngoại giao và quân sự. Về mặt ngoại giao, lần đầu tiên Pháp họp cấp bộ trưởng với Ấn Độ và Úc (hai nước trong Bộ Tứ – QUAD) ngày 13/04 đề cập đến những lợi ích chung : bảo đảm tự do lưu thông hàng hải trong vùng Ấn Độ Thái Bình Dương nơi chiếm đến 60% GDP toàn cầu.
Ngoại trưởng ba nước còn ký chung một diễn đàn, bên lề hội nghị G7 tại Luân Đôn, về những cẳng thẳng trong khu vực rộng lớn này do « những tham vọng bành trướng ngày càng lớn, vi phạm luật pháp quốc tế và sự ổn định trật tự thế giới », đồng thời khẳng định đóng góp tiềm lực vững chắc để bảo vệ những lợi ích chung. Dù không nêu đích danh nhưng rõ ràng Trung Quốc là một bên được nhắc đến.
Còn đối với Nhật Bản, một thành viên khác của QUAD, « Pháp chia sẻ tầm nhìn về vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở », theo phát biểu của bộ trưởng Quốc Phòng Nobuo Kishi vào tháng Tư, khi thông báo tổ chức tập trận bốn bên. Cổ vũ và bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải thông qua luật biển quốc tế cũng được tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh khi điện đàm với chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ngày 11/05.
Mở rộng đối tác và hợp tác
Trên thực địa, lần đầu tiên tầu sân bay duy nhất của Pháp Charles-de-Gaulle đến Thái Bình Dương năm 2019. Cũng là lần đầu tiên chiến dịch Marianne triển khai tầu ngầm hạt nhân Emeraude vào tháng 02/2021 ở Biển Đông. Không Quân Pháp tiến hành ba chuyến công tác trong vòng 3 năm cũng là điều chưa từng có.
Đến tháng Năm, lần đầu tiên, Pháp tham gia tập trận với Nhật, Mỹ và Úc trong vòng một tuần từ ngày 11/05 trên đảo Kyushu ở biển Hoa Đông. Phía Pháp điều tầu sân bay trực thăng Tonnerre và chiến hạm Surcouf nằm trong khuôn khổ Chiến dịch đào tạo tác chiến Jeanne d’Arc. Theo Paris, cuộc tập trận nhằm « phát triển hợp tác đa phương về quốc phòng » và « tăng cường khả năng tương tác của quân đội ».
Chiến dịch đào tạo Jeanne d’Arc vẫn thường xuyên đến tập huấn trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương (2015, 2017, 2018, 2021) và ghé cảng giao lưu với một số nước Đông Nam Á, như Việt Nam. Ngoài ra, tầu sân bay Charles-de-Gaulle cũng thăm Singapore, trong khi nhiều đơn vị khác giao lưu với Brunei, Indonesia, Philippines… Theo đô đốc Jean Mathieu Rey, đó là chiến lược để « có được nhiều đối tác trên toàn khu vực mà chúng ta có thể trông cậy » cho những đợt triển khai tầu chiến hay chiến đấu cơ, vì vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương vô cùng lớn. Ngoài ra cần lưu ý đến chi tiết từ hai năm nay, Paris điều thẳng lực lượng từ Pháp đến khu vực để hỗ trợ cho khoảng 7.000 quân nhân đồn trú rải rác từ đảo Réunion (Ấn Độ Dương) đến Papeete (Thái Bình Dương).
Trong cuộc họp thượng đỉnh tại Washington, tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định hai nước sẽ phản đối mọi « ý đồ » của Trung Quốc nhằm « thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hay hăm dọa ở Biển Đông và biển Hoa Đông ». Hai thành viên của QUAD có thể trông cậy vào sự hỗ trợ của một số nước châu Âu khác, ít nhất hiện giờ là từ Pháp và Anh.