Belarus và hình thức ‘không tặc’ mới

Ngô Nhân Dụng

Câu chuyện giống như trong phim gián điệp. Chuyến bay của hãng hàng không Ái Nhĩ Lan Ryanair chở 126 hành khách cất cánh từ Athens, Hy Lạp để tới Vilnius, thủ đô nước Lithuania. Sau hơn ba giờ bay, gần tới Vilnius, bỗng một chiến đấu cơ MiG-29 xuất hiện bay kèm sát. Chính phủ Belarus báo động trên máy bay có đặt bom! Thay vì bay thẳng tới Vilnius để gỡ bom, chiếc MiG-29 ra lệnh cho phi công quay vòng lại rồi bay tới phi trường Minsk, thủ đô xứ Belarus. Phi công chiếc máy bay làm theo, nhưng chỉ nói với hành khách rằng có trục trặc kỹ thuật phải đổi phi trường.
Trước khi bay tới Minsk, một hành khách, ông Roman Protasevich đã nói với bạn đồng hành: Chúng nó sẽ bắt tôi. Chắc là tôi sẽ chết.
Tại phi trường Minsk, Protasevich bị bắt. Hành khách ra ngoài cho an ninh lên kiểm soát tìm bom. Nhưng họ vẫn đứng tụ tập ngay chung quanh chiếc Boeing 737-800; không ai bảo họ phải tránh xa đề phòng bom nổ.

Một vụ cướp máy bay do chính quyền một nước tổ chức, đó là một hình thức“không tặc” mới. Mục đích của tổng thống Belarus, ông Aleksandr G. Lukashenko, là bắt ký giả Protasevich, người đã biểu tình phản đối từ năm ngoái khi ông ta cố bám giữ chức tổng thống, dù đã thua phiếu bà Svetlana Tikhanovskaya.
Tại sao Lukashenko phải cướp máy bay để bắt một ký giả 26 tuổi đang tị nạn chính trị tại Lithuania, cũng như bà Tikhanovskaya, một cô giáo bất đắc dĩ phải ra tranh cử sau khi ông chồng ứng cử viên tổng thống bị bắt.
Ký giả Protasevich đã chống chính quyền độc tài do Tổng thống Nga Vladimir V. Putin nuôi dưỡng và tận tình giúp đỡ. Alexander Lukashenko cầm quyền từ năm 1994, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ và đế quốc Liên Xô tan rã. Năm 2011, Protasevich đã bị đuổi khỏi đại học, khi mới 17 tuổi. Ông sống lưu vong từ năm 2019, hiện đang chủ trương đài NEXTA, có một triệu rưỡi khán giả ghi tên yểm trợ (trong dân số Belarus 9,5 triệu). Mạng thông tin Telegram của ông, với khẩu hiệu “Belarus có trí óc” được 250,000 người theo dõi hàng ngày.

Khi máy bay Ryanair được phép bay tiếp, tới phi trường Vilnius, chỉ có 121 trong số 126 người bước ra. Năm người đã ở lại Minsk, có Protasevich và cô bạn gái, ba người kia chắc là người của Mật vụ Belarus hiện vẫn mang tên KGB, dù cơ quan này ở Nga, lò đào tạo ra Vladimir Putin, đã đổi tên.
Sau cuộc bầu cử gian lận trâng tráo của Lukashenko, năm ngoái dân Belarus đã biểu tình hầu như mỗi ngày, trên toàn quốc. Nhưng nhà đôc tài được đồng chí Putin ủng hộ vẫn dùng mọi thủ đoạn đàn áp. Hệ thống truyền thông ở Belarus hiện nằm trong tay chính phủ sau khi các báo đài độc lập bị đóng cửa. Tuần trước, cảnh sát đã tấn công tòa báo Tut.by, là mạng thông tin tự do lớn nhất tại Belarus. Hơn 32,000 người dân đã bị bắt, bốn người bị giết, hàng trăm người bị tra tấn trong tù. Các quốc gia tiến bộ trên thế giới đều phản đối và cấm không cho giới lãnh đạo xứ Belarus được tới nước họ hoặc được sử dụng hệ thống ngân hàng quốc tế. Vụ “cướp máy bay” cho thấy Lukashenko không lùi bước mà còn liều lĩnh hơn. Không bắt được dưới đất thì bắt ngay trên trời!

Một ngày sau khi Protasevich bị bắt, đài truyền hình Belarus cho chiếu đoạn phim dài nửa phút với hình ảnh của anh, anh công nhận mình đã sách động các cuộc biểu tình chống chính phủ, kèm theo lời tuyên bố xác nhận mình được đối đãi tử tế. Nhưng trên trán anh người ta thấy có vết bầm tím. Protasevich có thể đã “nhận tội” mình gây những cuộc biểu tình chống đối, vì tội đó sẽ chỉ bị kết án 12 năm tù. Nếu bị truy tố về “tội khủng bố” như nhà nước muốn, thì họ có thể xử tử hình anh.
Vụ “cướp máy bay” bị cả thế giới lên án, trừ nước Nga và các nước cộng sản cũ mới. Các nước Lithuania, Hy Lạp và Ái Nhĩ Lan phẫn nộ kết án Belarus tổ chức “không tặc do nhà nước;” cả ba đều là thành viên Cộng đồng Âu châu (EU) mà Belarus thì không. Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế ICAO ở Montréal kết án Belarus đã vi phạm Công Ước 1944. Nhiều nước Âu châu và Mỹ đã ra lệnh các hãng máy bay thương mại không bay qua lãnh tổ Belarus và chắc chắn không cho máy bay Belarus bay vào nước mình. Các chính phủ sẽ tăng gia các biện pháp trừng phạt kinh tế nhưng chắc không gây được ảnh hưởng nào đáng kể ngoài việc có thể cứu mạng Protasevich.
Riêng trong nước Nga thì những người thân cận của ông Putin đã hoan nghênh việc bắt được ký giả Protasevich; có người khen Lukashenko “chơi quá đẹp” hoặc “công tác đặc biệt tuyệt vời!”

Một điều đáng lo, là nếu chính phủ một nước không bị trừng phạt đích đáng sau khi tổ chức cướp máy bay để bắt người đối lập thì không biết đến lúc nào những ông Vladimir Putin, hoặc Kim Jong Un sẽ cho diễn lại tấn tuồng đó?
Họ Kim ở Bắc Hàn đã từng cho gián điệp đặt chất nổ giết một phái đoàn Nam Hàn đang thăm viếng Myanmar. Năm 2014 chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines đã bị bắn rớt ở miền Đông nước Ukraine, 289 người thiệt mạng. Thủ phạm là binh lính Nga cùng đám quân ly khai được Vladimir Putin nuôi dưỡng, cung cấp hỏa tiễn. Putin đã cho người đi ám sát một nhân vật đối lập ở London, nước Anh. Kim Jong Un đã gửi sát thủ đi giết anh ruột mình tại Macau. Năm 2018, ông hoàng Mohammed bin Salman đã sai mật vụ bắt cóc nhà báo Jamal Khashoggi, đưa tới tòa lãnh sự nước Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, cắt cổ rồi cưa xẻ thi hài đóng va li đem về nước theo quy chế ngoại giao không bị khám xét. Bao giờ Tập Cận Bình sẽ ép một chiếc máy bay quốc tế, bắt đáp xuống Hồng Kông hay Thượng Hải, để bắt giữ một người Uyghur đối lập nổi tiếng?
Mối lo trước mắt là nếu vụ không tặc như thế xảy ra một lần nữa thì các phi công sẽ phải phản ứng ra sao. Các hãng hàng không quốc tế sẽ phải quyết định ngay bây giờ! Nếu các phi công chuyến bay Ryanair 4978 từ chối nghe lệnh chiến đấu cơ MiG-29 của Belarus thì chuyện gì sẽ xảy ra? Họ có bắn hạ hay không? Lần sau khi được chính phủ một nước báo tin trên máy bay có bom thì các phi công có tin tưởng và làm theo hay không?
Không phải chỉ có các hãng hàng không và chính phủ các nước lo lắng mà tất cả các hành khách trên các đường bay quốc tế đều sẽ lo ngại khi máy bay chở họ tới gần những quốc gia còn nằm dưới những chế độ độc tài cộng sản như Belarus, Bắc Hàn, Venezuela!

Related posts