Covid-19: Châu Á, từ đi đầu chống dịch thành “vô địch chậm trễ”

Minh Anh

image.png
Tại một điểm tiêm chủng ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản, ngày 24/05/2021. Nhật Bản là nước có đủ tiềm lực và phương tiện như triển khia tiêm chủng cho dân rất chậm chạp. AP – Carl Court

Thế Vận Hội Olympic Tokyo lẽ ra phải là lễ mừng chiến thắng. Cựu lãnh đạo Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, Katsutoshi Kawano từng tuyên bố, đó là « bằng chứng cho thấy thế giới đã chiến thắng virus corona ». Rủi thay, khi còn có vài tuần nữa là đến kỳ thi đấu, thì chỉ có phần thế giới là chiến thắng Covid-19. Trang mạng Bloomberg đặt câu hỏi : « Làm thế nào các nước châu Á – Thái Bình Dương lại thua một cuộc chiến mà họ đã từng thắng ? »

Nhìn lại hơn một năm đại dịch người ta không khỏi có cảm giác cuộc đọ sức giữa nhân loại với virus corona giống như một trận đấu gồm hai hiệp. Hiệp đầu tiên diễn ra năm 2020, châu Á dẫn đầu khi kềm hãm được đà lây nhiễm, hạn chế được số thương vong, phương Tây (châu Âu và Mỹ) gần như bị virus corona đánh cho « tơi tả », số người chết tăng thê thảm, gần như rơi vào hoảng loạn.

Một năm sau, trong hiệp hai này, mọi sự đều đảo ngược. Vào lúc virus corona dần bị đẩy lùi, châu Âu và Mỹ bắt đầu mở cửa, gỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế, thì tại châu Á, các nước lần lượt lại « lockdown » (đóng cửa, phong tỏa), áp đặt giãn cách xã hội, khiến các hoạt động kinh tế trì trệ trở lại.

Theo Bloomberg, nguyên nhân chính là do thiếu vac-xin nên nhiều nước châu Á chậm trễ trong việc triển khai tiêm ngừa. Tỷ lệ người dân được tiêm chủng rất thấp, từ 1% đến trên 2%. Ví dụ tại Nhật Bản, tỷ lệ này chỉ ở mức có 2,3% trong khi ở Mỹ và châu Âu, số người dân đã được tiêm đầy đủ lần lượt là trên 50% và 30%.

Tính kỷ luật và sự gắn kết xã hội, cũng như việc chấp nhận các biện pháp giám sát chặt chẽ bằng các phương tiện công nghệ cao – những biện pháp từng làm nên thành công cho chiến lược « Covid Zero », lần này đã không giúp các nước châu Á, kể cả những quốc gia từng được ví là hình mẫu như Việt Nam, Đài Loan… kháng cự được với các biến thể, gây ra một làn sóng dịch bệnh dữ dội hiện nay.

Nỗi sợ vac-xin cao hơn virus corona

Làm thế nào mà tình cảnh này lại có thể xảy ra ? Vì sao châu Á từ vị thế đi đầu chống dịch lại trở thành « vô địch chậm trễ » ? Bloomberg đưa ra nhiều lý do để giải thích.

Đầu tiên, đó là vì châu Á đang trở thành nạn nhân của chính sự thành công của mình.

Việc nỗ lực bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân trong những đợt dịch năm 2020 đã khiến nhiều nước gần như « ngủ quên trên chiến thắng », thiếu động lực « tranh giành » nguồn cung cấp vac-xin khan hiếm. Nhiều nước còn có thái độ thụ động « chờ thời », lo sợ trước những rủi ro từ những loại vac-xin mang tính cách mạng như Pfizer/BioNtech và Moderna, hay những hiệu ứng phụ từ AstraZeneca.

Có thể nói, nỗi sợ vac-xin của người dân châu Á còn lớn hơn cả sợ con virus corona, mặc dù có nhiều bằng chứng cho thấy mức độ an toàn của những loại vac-xin đó là cao, một hiện tượng cũng đang làm chậm lại các chiến dịch tiêm ngừa ở phương Tây.

Tiếp đến là bản thân người dân châu Á, dường như thiếu cảm giác nhu cầu phải khẩn cấp tiêm ngừa như người dân ở Milano (Ý) hay New York (Mỹ), những nơi chứng kiến hàng chục nghìn người thiệt mạng trong những tháng đầu tiên của trận dịch.

Chỉ có điều nỗi sợ những rủi ro này buộc các chính phủ tại châu Á phải đứng trước nhiều tình huống khó xử : Tiếp tục các chính sách kiểm soát dịch bệnh không khoan nhượng, truy tầm mọi ca nhiễm bệnh cho đến khi loại bỏ hẳn virus corona hay là phải chấp nhận dịch Covid-19 như bao dịch bệnh khác và sẽ phải sống chung với chúng ở một mức độ lây nhiễm nào đó như là các nước phương Tây đang làm ?

Hãng tin Bloomberg lưu ý, một cách tiếp cận cứng nhắc có thể sẽ có gây ra những hệ quả đối với việc khôi phục nền kinh tế. Việc đóng rồi mở tạm thời kéo dài trong nhiều tháng sẽ là một chiến lược tốn kém, nhất là đối với nhiều trung tâm tài chính lớn như Singapore và Hồng Kông. Những nền kinh tế thịnh vượng được là nhờ vào các hoạt động giao thương và du lịch.

Related posts