‘Chưa giàu đã già’: Trung Quốc mộng sẽ sớm lụi tàn?

Văn Nhược

Một trong những niềm tự hào lớn lao của Trung Quốc (TQ) là dân số. Chiếm 1/5 dân số toàn cầu, TQ có nhiều lợi thế về lực lượng lao động, thị trường nội địa. Đôi khi chính quyền TQ còn lấy dân số khổng lồ của mình ra làm mồi nhử trong khi đàm phán về lợi ích với các quốc gia khác…

Tuy nhiên, ngày vui ngắn chẳng tày gang, tốc độ già hóa dân số khủng khiếp của TQ thời gian qua đang trở thành một trong những thách thức nội địa lớn nhất đối với quốc gia giàu tham vọng này.

Mức sinh thấp và già hóa dân số 

“Chưa giàu đã già” là khái niệm đề cập đến một trạng thái đặc biệt. Dân số bắt đầu già hóa đúng lúc kinh tế và tầng lớp doanh nhân trung lưu đang trong giai đoạn bắt đầu đà tăng trưởng. “Già trước khi giàu” mang lại một gánh nặng xã hội vô cùng lớn trong khi xã hội chưa có đủ tích lũy cần thiết để trang trải. Trong 40 năm qua, TQ luôn giữ mức tăng trưởng bình quân 10%/năm. Những câu chuyện ngoạn mục đó sắp kết thúc bởi một trong những bi kịch nan giải nhất: lực lượng lao động. 

Dân số luôn là “đại sự” đối với bất kỳ quốc gia nào. Với đất nước có số dân đông nhất thế giới như Trung Quốc, điều này càng trở nên quan trọng. Theo số liệu tổng điều tra dân số mà nước này vừa công bố, sau 10 năm, dân số TQ đã tăng hơn 72 triệu người và hiện đang ở mức 1,41 tỷ dân. Nhưng đây vẫn là mức tăng thấp nhất được ghi nhận kể từ khi chính phủ TQ tiến hành cuộc điều tra dân số đầu tiên vào năm 1953. Điều đáng lo ngại hơn là tốc độ tăng ngày càng giảm rõ rệt. Năm 2020, TQ chỉ ghi nhận 12 triệu ca sinh, đánh dấu mức giảm năm thứ tư liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ năm 1961.

Theo các chuyên gia, nếu số ca sinh của nước này tiếp tục giảm thấp hơn 10 triệu mỗi năm (tức thấp hơn số người chết) trong thời gian tới, dân số Trung Quốc sẽ tăng trưởng âm. Đây thực sự sẽ là bi kịch cho quốc gia đông dân nhất thế giới. Đây không phải chuyện tương lai xa xôi, TQ đã có 6 tỉnh có dân số tăng trưởng âm, nơi giảm sâu nhất lên tới gần -17%. 

Tỷ lệ sinh giảm khiến tốc độ già hoá dân số của Trung Quốc tăng mạnh (Ảnh: Shutterstock).

Hiện tỷ lệ sinh của nước này cũng đã giảm xuống còn 1,3 trẻ em trên 1 phụ nữ. Quốc gia nào có tỷ lệ này dưới 1,5 và duy trì trong một khoảng thời gian nhất định thì sẽ bị coi là rơi vào “bẫy tỷ lệ sinh thấp”. Chưa hết, trong 10 năm tới, số phụ nữ từ 22 đến 35 tuổi đang trong thời kỳ sinh đẻ của TQ sẽ giảm hơn 30% so với hiện tại. Quả thực là hoạ vô đơn chí! 

Trong khi số trẻ được sinh ra ngày càng ít đi, thì số người già ở TQ lại tăng nhanh. Tổng số dân trên 60 tuổi ở Trung Quốc hiện đã lên tới trên 264 triệu người, chiếm 18,7% dân số. Con số này sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới đây. 

Già hoá dân số là cơn ác mộng với bất cứ quốc gia nào. Tác động của nó có thể nhìn thấy rõ trên nhiều phương diện. Dễ thấy nhất là lực lượng lao động sẽ suy giảm khi người trẻ ngày càng ít đi. Nền kinh tế TQ dựa vào nguồn cung lao động giá rẻ, dồi dào nên càng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn nữa. Hàng thập kỷ tăng trưởng hai con số của họ chính là dựa vào cái gọi là “lợi tức dân số”. 

Khi tỷ lệ dân số ở mức lý tưởng, nền kinh tế ấy có thể tạo ra của cải dồi dào. Ngược lại, dân số già hoá sẽ kéo theo sự trì trệ của xã hội. Bởi năng suất lao động của những người cao tuổi sẽ thấp hơn năng suất của các nhóm tuổi trẻ hơn. Dân số già cũng sẽ làm tăng gánh nặng tài chính cho lương hưu và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Chi phí y tế và phúc lợi xã hội cho người già cũng tăng lên, dẫn tới thu nhập của nền kinh tế và các hộ gia đình sẽ chịu ảnh hưởng. Bi quan hơn, có những dự báo cho rằng, TQ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. 

Chính sách một con của chính quyền TQ đã gây nên nhiều câu chuyện dở khóc dở cười. Do ảnh hưởng từ chính sách một con, nhiều gia đình khá giả ở các thành phố lớn tại TQ mong muốn tìm người chấp nhận ở rể để phụng dưỡng mình lúc về già. Những gia đình khá giả nhưng chỉ có một con gái thường có xu hướng kiếm một chàng rể nghèo, ngoan ngoãn. Tất nhiên, điều kiện đặt ra là chàng trai phải ở rể và chấp nhận rằng đứa con của anh sẽ mang họ mẹ.

Năm 2015, chính sách một con đã bị bãi bỏ. Các gia đình hoàn toàn có thể sinh 2 con. Song áp lực của cuộc sống hiện đại lại khiến nhiều người không còn mấy mặn mà với việc sinh thêm con. Ở TQ, chắc chắn những tác động của chính sách một con vẫn sẽ còn kéo dài vài thế hệ. 

Chưa thể giải quyết trong ngắn hạn

Vùng Đông Bắc của TQ là nơi có mức tăng trưởng âm liên tục trong suốt 5 năm trở lại đây. Đây là dấu hiệu cảnh báo cho một tương lai ảm đạm của dân số TQ. Nước này thậm chí đã đề xuất việc nới lỏng hoàn toàn chính sách dân số ở khu vực Đông Bắc. Song mọi thứ không dễ như Bắc Kinh nghĩ. 

Nới lỏng chính sách dân số đồng nghĩa với việc TQ phải chấp nhận rủi ro. Dù tỷ lệ sinh giảm và dân số đang ở mức “già hoá vừa phải” song TQ vẫn là quốc gia đông dân nhất thế giới. Họ phải chịu nhiều áp lực về việc làm, tài nguyên, mức thu nhập… Nếu nới lỏng hoàn toàn chính sách dân số, cái được chưa chắc đã bõ cho cái mất. 

Nhưng dù sao đi nữa, có một sự thật không thể chối cãi là lực lượng lao động của TQ đang dần hao hụt. Trong 1 thập kỷ qua, họ đã mất 5 triệu người trong độ tuổi lao động. Con số sẽ không dừng ở đó. Việc có nhiều người già hơn thanh niên đang khiến TQ đối mặt với tình trạng “già trước khi giàu” như đã nói ở phần trước. Số cư dân già hoá này chưa có được sự giàu có tương ứng. Trong khi đó, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc mới đạt chừng 10 nghìn Mỹ kim. Điều này không chỉ khiến Trung Quốc thua xa các nước phát triển, mà còn khiến họ tụt lại sau một số nước có dân số trẻ hơn.  

Năm 1978, khi Trung Quốc thực hiện chính sách 1 con, Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ đã tuyên bố rằng: “Trong 30 năm, khi tình trạng tăng trưởng dân số cực kỳ căng thẳng này giảm bớt, có thể sẽ áp dụng một chính sách dân số khác”. Nhưng câu hỏi đặt ra là: vì sao sau đó 30 năm, tức là năm 2008, TQ vẫn chưa huỷ bỏ chính sách tàn bạo này? Đó là bởi ĐCSTQ tự đặt ra cho mình một mục tiêu mà họ tự gọi là ‘cao cả’ hơn: xoá đói giảm nghèo. Mà muốn xoá đói giảm nghèo thì phải giảm tốc độ tăng dân số. Một lý do khác là TQ không muốn các dân tộc thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ tăng lên quá nhanh, tạo ra mối đe doạ cho an ninh và sự thống nhất trong một chế độ độc tài toàn trị. 

Chính sách 1 con của chính quyền TQ đã gây nên nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế Trung Quốc (Ảnh: Shutterstock).

Chính quyền TQ cần “nghèo đói” như là một cái cớ hợp lý để tiếp tục chính sách một con tàn bạo. Tất cả các đời lãnh tụ của TQ kể từ Mao Trạch Đông về sau đều tin rằng “xoá đói giảm nghèo” chính là động lực cho cải cách ở TQ. Sâu xa hơn, đó cũng là lý do để ĐCSTQ có được tính chính danh của mình tại Đại lục. Chính quyền TQ thà chấp nhận dân số bị già hoá còn hơn là việc để chính sách xoá đói giảm nghèo của mình chịu ảnh hưởng. Bất cứ lãnh đạo nào của TQ cũng không dám mạo hiểm chơi canh bạc đổi chác đầy rủi ro này. Thất bại trong chính sách xoá đói giảm nghèo sẽ là một sự đả kích lớn cho sự thống trị và quyền lực của ĐCSTQ, có ảnh hưởng lập tức đến sự an nguy của chế độ này.

Related posts