Lăng Kính…

Phan

image.png

Mọi sự vật đều có hình dáng, phẩm chất riêng của nó, sự việc có tính chất riêng của sự việc. Đơn cử cây dừa không thể nào giống cây xoài được, con ngựa không thể nào giống con bò được cả. Nhưng có người nói: sao cây dừa nhà tôi xum xuê như cây xoài; người khác lại nói: con ngựa bên nhà hàng xóm của tôi nhìn như con bò… Nên ngoài xã hội, người nói cứ nói nhưng có ai tin không thì phải xem lại. 

Một vụ trộm xe xảy ra không có gì ngoài sự việc chính xác là một người bị mất xe và một kẻ trộm xe, nhưng cũng có người nói rằng: lái xe mắc tiền, hào nhoáng quá làm chi cho động lòng ghen tỵ, lòng tham người khác mà thành một vụ trộm cắp xe. Chắc chắn ý kiến trái chiều pháp luật này không được công nhận vì xe là tài sản riêng của người chủ xe, người kia có quyền ganh tỵ, quyền ham muốn và lòng tham – ai cũng có, nhưng tuyệt nhiên không được trộm xe người khác vì luật pháp quy định rõ: Không được chiếm hữu tài sản của người khác. 

Một vụ hiếp dâm càng nghiêm trọng hơn trộm xe vì nó trực tiếp xâm hại đến con người, nhưng vẫn có dư luận chối bỏ tính chất cốt lõi của sự việc phạm pháp nghiêm trọng với lý giải: phụ nữ bây giờ ăn mặc hở hang quá nên mới sinh ra chuyện bị hiếp dâm… Có thể việc ăn mặc hở hang, khêu gợi là một lý do cho dâm tặc ra tay, nhưng dâm tặc hoàn toàn phạm pháp vì luật pháp quy định không được cưỡng dân người khác.

Nếu một người giấu kín trong túi quần vài ngàn đô la tiền mặt trên đường ra phi trường để về thăm quê hương thì chả sao cả – vì không ai biết. Nhưng giả sử người ấy xoè mấy ngàn tiền mặt như xoè bài, xoè quạt giấy; rồi miệng cứ ong óng lên: than trời nóng quá lúc đi ngang Dallas downtown để ra phi trường… thì người ấy có chín phần thấy ông bà ngay trong downtown, khỏi đau lưng ngồi máy bay đường dài về quê cũ trong mùa dịch. Nhưng luật pháp không cấm người ta xoè tiền nơi cộng cộng hay nơi nguy hiểm, luật pháp chỉ cấm không được cướp đoạt tiền bạc, tài sản của người khác…

Chuyện đời thường là vậy, nhưng chuyện nhà Phật thì sao? Hai thầy trò ông sư nọ đi đến bờ sông, gặp hôm không đò nên vén áo cà sa lội qua thôi chứ làm sao. Kẹt một nữ thí chủ có việc phải qua sông nhưng không biết bơi. Nữ thí chủ nói với thầy trò thầy tu nọ. Xin sư phụ và sư thầy giúp tôi qua sông, tôi có việc khẩn cấp nhưng không biết bơi… Vị sư trẻ nói với thí chủ: Xin lỗi nữ thí chủ. Thầy trò tôi là người tu hành, không được đụng đến nữ giới vì đó là điều cấm kỵ. Xin nữ thí chủ thứ lỗi cho… Nhìn lại, thấy sư phụ đã khom lưng. Ngài cõng nữ thí chủ và lội qua sông. Thầy trò còn đi tiếp tới mặt trời lặn mới về tới chùa. Vị sư trẻ hỏi: Thưa thầy… Vị sư già trả lời: Ta đã quên cô ấy từ khi thả cô ấy trên lưng ta xuống. Sao ngươi còn đem cô ấy về tận chùa?

Nói về góc nhìn, hay nhìn qua lăng kính nào đều là sự phản ứng thụ động, nhưng sự thụ động ấy đôi khi bóp méo, bẻ cong được cả đường chân trời ngược lại, làm núi thành sông… Bởi người ta có hơn hai loại người chiếm số đông là loại người suy nghĩ theo lý trí, và loại người suy nghĩ theo cảm tính. Nói đơn giản hơn là mỗi người có suy nghĩ khác nhau về cùng một sự vật hay sự việc. Lý giải không khó vì suy nghĩ riêng của mỗi người là kết quả học tập, kinh nghiệm sống, hoàn cảnh gia đình và môi trường xã hội người ấy sống, lớn lên khác nhau, luôn cả tuổi tác, giới tính của mỗi người cũng không giống nhau nên mỗi người có cái nhìn khác nhau về cùng một sự vật, sự việc. Rồi lại còn bản tính (trời sinh) của mỗi người cũng không giống nhau nên cùng sự việc mà mỗi người mỗi ý khác nhau đến có thể lớn tiếng, không nhìn mặt nhau như câu chuyện cụ thể về hai cô sinh viên ở đại học North Carolina xảy ra đã lâu nhưng bạn bè tôi còn giận nhau tới bây giờ vì không đồng thuận được. Tôi về suy nghĩ cách hàn gắn lại mấy người bạn già ở địa phương – chỉ ngày một ít đi chứ đâu có thêm bạn mới đâu mà có mới nới cũ. Không ngờ tôi phái hiện ra cái lăng kính quá độc đáo của ông quan toà, cách nhìn nhận sự việc của người thi hành pháp luật có khác. Tóm tắt câu chuyện của hai cô gái là họ cùng nhau chạy bộ thể dục trong khuôn viên trường vào buổi trưa. Chuyện tập thể dục không có gì lạ, thậm chí được khuyến khích, nhưng hai cô gái này làm nên chuyện lạ vì hai cô không mặc quần áo gì hết. Rồi ai gọi báo cảnh sát thì không biết, người ta chỉ biết hai cô bị cảnh sát bắt, sau đó phải ra toà. Nhưng hai cô gái vô danh bỗng trở nên nổi tiếng cả nước vì hai cô được trắng án sau khi ông quan toà hỏi viên cảnh sát, 

“Anh đã bắt hai cô gái này vì tội gì?”

Viên cảnh sát trả lời, “Thưa quan toà, hai cô gái này đã phạm luật: Không được phơi bày bộ phận sinh dục của mình nơi công cộng.”

Quan toà hỏi tiếp, “Vậy anh có thấy bộ phận sinh dục của hai cô gái này không?”

Viên cảnh sát thưa quan toà, “Thưa ngài, tôi không tận mắt thấy, nhưng có người gọi báo cảnh sát và tôi xác nhận là hai cô này đã không mảnh vải che thân nơi công cộng…”

“Thế thì họ vô tội, anh không thấy bộ phận sinh dục của họ được phơi bày nơi công cộng mà bắt họ là anh bắt người không đúng luật.”

 …

Có vậy thôi mà hai ông bạn già của tôi không nhìn mặt nhau đã mấy năm vì vụ ấy cũng lâu lâu rồi. Đơn giản là một ông tôn tụng ông quan toà xét xử đúng luật, chính xác. Ông còn lại thì nguyền rủa ông quan toà là tên xỏ lá, xúi hết con gái ở truồng chạy nhông nhông ngoài đường chơi hay sao? Tôi thì chỉ thích sự đáo để của ông quan toà, cảm ơn ông trong lặng lẽ đã chỉ dạy cho tôi một cách nhìn nhận sự việc phải hết sức tỉnh táo để luật không kềm hãm được ngẫu hứng – là sự khác biệt quan trọng của con người với vạn vật.

***

Qua những ví dụ và dẫn chứng kể trên, chúng ta đều nhìn ra ranh giới giữa đúng và sai trong xã hội là bộ luật hình sự ở mỗi quốc gia, cái gì vượt quá luật cho phép là sai, là có tội; cái gì không vượt quá luật thì được làm, nhưng nếu hai cô sinh viên ấy làm lại lần thứ hai thì chưa chắc gặp được ông quan toà… có một không hai! Từ đó chúng ta thấy đúng hay sai do luật pháp quy định thì có bộ luật cụ thể, rõ ràng từ chính phủ sở tại của mỗi nước. Nhưng đúng hay sai qua lăng kính, qua cách nhìn nhận sự vật, sự việc của mỗi người lại không có luật chung, hoàn toàn riêng theo lăng kính mỗi người vì sự học tập, kinh nghiệm sống, môi trường sống, con người ấy thiên về lý trí hay cảm xúc; rồi tuổi đời của mỗi người cũng đã khác suy nghĩ của chính họ trước đó nên bàn luận về lăng kính là điều không nên bao giờ vì không có bên thắng mà hai bên sẽ cùng thua, dẫn tới giận hờn, xa hơn là đố kỵ với nhau từ đó… 

Nói tóm lại đã là người phàm thì cũng không cần chống đối ai khác với suy nghĩ của mình, nhưng cũng không buộc mình phải suy nghĩ cho giống ai, dù người đó là thần thánh, là học giả hay học thật. Điều quan trọng là làm đúng theo luật pháp để giữ gìn trật tự xã hội cho bản thân và mọi người; những gì không có trong luật pháp như quy định y phục phụ nữ chỉ được hở phần nào, hay phải che da thịt bao nhiêu phần trăm; người nào đi xe mắc tiền thì phải mướn người coi xe 24/24… chẳng hạn. Vậy còn những gì luật pháp bó tay, hay chưa mày mò tới được thì phàm dân, phàm nhân làm đúng theo cách không thẹn với lòng là được cho những việc không có luật quy định. Giả như khi nghe ai nói nếu đói bụng quá mà không có gì ăn khi bị lạc trong rừng thì ăn lá cây cũng sống qua ngày được. Vậy việc ăn lá cây cũng sống qua ngày được nhưng là được mấy ngày? Người nghe chưa từng bị lạc trong rừng, thậm chí người nói cũng thế, vậy thì cãi nhau tốt hơn hay giành thời gian rảnh để tìm đọc, nghiên cứu những trường hợp bị lạc trong rừng, người ta có thể ăn gì cho đỡ đói? Chắc chắn kiến thức của người bỏ công tìm hiểu sẽ tăng lên, ít nhất cũng biết được lá có vị đắng, hay chua thì ăn được vì vị đắng và vị chua trong lá là vị thuốc; nếu không phải thuốc cần thiết thì cũng no bụng được một lúc, không bị chết đói. Nhưng tuyệt đối không ăn lá có vị ngọt trong rừng vì lá ngọt thường có thuốc độc, nhưng cũng chỉ là thường thôi vì “thường” không có nghĩa là lá nào ngọt cũng chứa thuốc độc.

Ấy cũng là một loại lăng kính có thể tránh được sự cãi vả vô bổ mà lại tăng thêm được phần kiến thức bản thân. Từ đó hiểu xa hơn quan hệ con người với con người, (ai cũng muốn mình là đúng nên tất cả đều sai), hiểu ra thế giới xung quanh rất thú vị như cây cỏ nào chả cần đất tốt, nước đủ để cây phát triển mạnh, ra hoa kết trái. Nhưng thử cắm một nhánh xương rồng xuống chỗ rau đắng mọc sau hè xanh um thì xương rồng sẽ chết thảm, ngược lại đem rau đắng ra sa mạc khô cằn sỏi đá mà trồng thì rau đắng chết khô sau nửa buổi chứ không được tới một ngày. Rõ ràng thiên đàng của rau đắng là vũng lầy vì trên bờ dưới mé thì rau đắng xanh um, nhưng thiên đàng của xương rồng là khô cằn sỏi đá, sương rồng vẫn xanh tươi và ra hoa rất đẹp.

Tự thiên nhiên đã không phân biệt hoàn cảnh tốt hay xấu, rau đắng hay xương rồng đều tồn tại bởi sự lựa chọn phù hợp với mình. Cuộc sống vui hay buồn thì hoàn cảnh cũng chỉ là một lý do, quan trọng ở góc độ nhìn nhận bản thân và hoàn cảnh để đạt đến cảnh giới do tự tìm tòi chứ không phải, không thể nghe theo ai được. Một người mãi đi tìm sự hoàn mỹ sẽ chết trong thất vọng nếu không hiểu ra được sự hoàn mỹ nhất là những khiếm khuyết trên sự vật, trong sự việc.

Tôi cũng như ai, đi tìm hạnh phúc cho đời mình là điều nên làm mà, nhưng tìm mãi cũng chỉ thấy hạnh phúc ở bên kia bờ ảo vọng. Bờ thực bến đời toàn người vong ơn bội nghĩa, nhưng không ngờ hạnh phúc lại ở đó vì tôi chưa đủ khổ đau, chưa biết chọn góc nhìn bằng lý trí đích thực, com tim thoả đáng như quan toà anh minh xét xử hai cô sinh viên, như Alfred De Musset đã tỉnh táo lúc lân chung nói rằng, “người đàn ông nào cũng đều bất thường, giả dối, điêu ngoa, kiêu căng, khiếp nhược, đáng khinh, hiếu sắc. Người đàn bà nào cũng đều tò mò, tọc mạch, hời hợt bề ngoài, đạo đức giả… Tuy nhiên, ở đời có một việc hết sức lạ lùng và vô lý là có một sự kết hợp hai trạng thái ấy mà người ta lại gọi là hạnh phúc.”

Điều ai cũng đi tìm, cuối cùng nằm trong những gì đời người thường xem nhẹ, bỏ qua vì chọn góc nhìn, lăng kính không phù hợp…

Phan

Related posts