Thanh Hải
Vào ngày 11/6, Hội nghị Thượng đỉnh của bảy nước công nghiệp lớn G7 đã chính thức ra mắt tại Vương quốc Anh. Quyết định và phương hướng của nhóm này được cho là có ảnh hưởng đáng kể đến cộng đồng quốc tế. Theo học giả Đường Hạo, một nhà bình luận chính trị của kênh NTDTV, thì Hội nghị Thượng đỉnh năm nay được thiết lập nhằm mục đích liên kết các quốc gia phản công, đối đầu với đe doạ của ĐCSTQ.
Học giả Đường Hạo nhìn nhận, đối đầu lần này sẽ có 5 cấp độ chính:
Thứ nhất: Đây là cuộc đối đầu giữa dân chủ tự do và chủ nghĩa độc tài toàn trị
Thứ hai: Đây là cuộc đọ sức để truy tìm nguồn gốc của virus corona
Thứ ba: Chạy đua về vaccine để cạnh tranh vị trí lãnh đạo quốc tế.
Thứ tư: Đối đầu về địa chính trị: Cạnh tranh trong vấn đề Châu Âu, Nga và Đài Loan.
Thứ năm: Đọ sức về công nghệ trong kỷ nguyên mới của nền kinh tế.
Đầu tiên, Đây là cuộc đối đầu giữa dân chủ tự do và chủ nghĩa độc tài toàn trị
Bảy nước công nghiệp lớn bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản đều là những nền dân chủ tự do đề cao các giá trị phổ quát, nhưng họ không chỉ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, mà còn bị khiêu khích và đe dọa nghiêm trọng bởi “chính sách Ngoại giao chiến lang” của ĐCSTQ.
Trước khi tới Anh quốc tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đăng một bài báo trên tờ The Washington Post, nhấn mạnh, Hội nghị nhằm triệu tập đồng minh các nước dân chủ đoàn kết và cùng hành động để chống lại “các mối đe dọa của kỷ nguyên mới”. “Mối đe dọa thời đại mới” mà ông Biden nói đến là ĐCSTQ và Nga.
Bảy nước công nghiệp phát triển có hệ thống dân chủ và tự do. Họ ủng hộ các giá trị phổ quát như tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền, đồng thời là những giá trị phù hợp và tôn trọng quyền con người. Trái ngược, ĐCSTQ luôn phản đối và phá hoại các giá trị phổ quát, bởi vì chế độ này không cho phép tự do, nhân quyền tồn tại, vì lo sợ sẽ ảnh hưởng đến sự cai trị của họ. Do đó Hội nghị thượng đỉnh năm nay được cho là sẽ đưa cuộc đối đầu giữa dân chủ và độc tài lên một cấp độ mới.
Thứ hai: Cuộc đọ sức để truy tìm nguồn gốc của Covid-19, yêu cầu Trung Quốc minh bạch
Cộng đồng quốc tế vẫn chưa đưa ra kết luận về nguồn gốc của dịch bệnh, tuy nhiên, nhiều quốc gia rất nghi ngờ rằng ĐCSTQ sẽ không chỉ che đậy sự thật sau khi bùng phát, mà còn che đậy nguồn gốc thực sự của virus.
Do đó, vào cuối tháng 5, ông Biden đã ra lệnh cho tình báo truy tìm nguồn gốc của virus để làm rõ, liệu virus có liên quan đến việc rò rỉ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán Trung Quốc hay không. Sau đó, cộng đồng tình báo Anh cũng nhận định rằng virus có thể đã bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Vào một ngày trước hội nghị thượng đỉnh, ông Biden đã ký Hiến chương Đại Tây Dương với Thủ tướng Anh Johnson, để thiết lập một hệ thống giám sát dịch bệnh toàn cầu, và khởi động một cuộc điều tra về nguồn vi rút ở Trung Quốc. Liên minh châu Âu cũng ngay lập tức bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc điều tra này, Liên minh châu Âu cho rằng “thế giới có quyền biết những gì đã xảy ra và rút kinh nghiệm”.
Trước các động thái của Âu-Mỹ, ĐCSTQ chính thức phủ nhận đến cùng và cho rằng các nước Âu Mỹ đang “bôi nhọ Trung Quốc”, gọi đây là một “vi-rút chính trị”. Tuy nhiên, vào ngày 11/6, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken đã có cuộc điện đàm với Dương Khiết Trì, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc. Ông Blinken một lần nữa nhấn mạnh với Dương Khiết Trì rằng, để điều tra nguồn gốc của virus, cần tiếp tục cử các chuyên gia của WHO sang Trung Quốc để nghiên cứu.
Qua đó có thể thấy, ĐCSTQ có khả năng lo lắng rằng sẽ không thể ngăn cộng đồng quốc tế yêu cầu giải trình, vì vậy cách đây vài ngày, Bắc Kinh đã thông qua Luật Chống trừng phạt nước ngoài. Thực tế chế độ này muốn đe dọa các nước Châu Âu và Mỹ. Nếu nguồn gốc hoặc vấn đề liên quan đến virus bị áp đặt các biện pháp trừng phạt, ĐCSTQ sẽ trả đũa.
Thứ ba: Chạy đua về vaccine để cạnh tranh vị trí lãnh đạo quốc tế
Kể từ đầu tháng 6, các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đã phát động một chiến dịch tuyên truyền “ Ngoại giao Vắc-xin ” quy mô lớn , tuyên bố rằng Trung Quốc hiện có 21 loại vắc xin đang được thử nghiệm lâm sàng, và đã cung cấp hơn 350 triệu liều vắc xin cho các quốc gia trên toàn thế giới. Vâng, đây là những lời tuyên truyền chính thống một chiều, suy cho cùng, có rất nhiều nghi ngờ về hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G7, ông Biden tuyên bố sẽ tặng 500 triệu liều vắc xin Pfizer cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới vô điều kiện. Lãnh đạo của 7 nước cũng tuyên bố sẽ cùng nhau tài trợ 1 tỷ liều vắc xin cho các nước nghèo, bao gồm 500 triệu liều của Hoa Kỳ và Anh quốc cam kết hỗ trợ 100 triệu liều.
Vậy tại sao Châu Âu, Hoa Kỳ và ĐCSTQ lại tranh nhau về “vắc-xin”? Tại sao Mỹ và Nhật Bản lại đặc biệt viện trợ gần 2 triệu liều vắc xin cho Đài Loan cách đây vài ngày? Đó là bởi vì, ĐCSTQ đang sử dụng vắc-xin như một vũ khí ngoại giao để tiếp tục thúc đẩy mặt trận thống nhất quốc tế hòng “tìm kiếm bá chủ thông qua bệnh dịch”, buộc nhiều quốc gia xích lại gần họ để mua vắc-xin, rồi buộc các quốc gia đó phải tuân theo ĐCSTQ, từ đó mở rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trên trường quốc tế.
Thực tế, Châu Âu và Hoa Kỳ cũng nhận thấy điều này, nên một mặt họ chỉ trích ĐCSTQ thực hiện chính sách này, đồng thời cũng vội vã tặng một lượng lớn vắc xin cho các nước có thu nhập thấp và trung bình để chống lại.
Thứ tư: Đối đầu về địa chính trị; Cạnh tranh trong vấn đề Châu Âu, Nga và Đài Loan
Cuộc đối đầu địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã lan rộng khắp thế giới. Chiến trường quan trọng nhất hiện nay có ba khu vực chính:
Chiến trường đầu tiên, Liên minh Châu Âu và Vương quốc Anh. Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đang nỗ lực để giành được các nước châu Âu với tư cách là đồng minh, đặc biệt là sau khi Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu. Hiện Trung Quốc đã thâm nhập sâu rộng vào các nước châu Âu bằng nhiều phương thức khác nhau. Vì vậy, Hoa Kỳ muốn thông qua hội nghị này để kết nối lại các đồng minh.
Chiến trường thứ hai là Nga. Mặc dù ông Biden đã tuyên bố rõ rằng, ĐCSTQ và Nga là đối thủ chính của Hoa Kỳ, tuy nhiên Washington khó có thể cùng lúc chiến đấu cùng một lúc trên cả hai mặt chống lại ĐCSTQ và Nga. Do đó, ông Biden sẽ tới Thụy Sĩ, sau Hội nghị thượng đỉnh G7 để gặp ông Putin.
Chiến trường địa chính trị thứ ba là eo biển Đài Loan. Vị trí của Đài Loan rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến giao thương toàn cầu. Hôm 11/6, Ngoại trưởng Mỹ Blinken một lần nữa nhấn mạnh với Dương Khiết Trì rằng, ĐCSTQ nên ngừng gây áp lực lên Đài Loan.”
Cuối cùng: Đọ sức về công nghệ trong kỷ nguyên mới của nền kinh tế
Một trong những lý do chính khiến chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bắt đầu, là do ĐCSTQ đã đánh cắp tài sản trí tuệ và công nghệ của Mỹ trong thời gian dài, điều này không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho Mỹ, mà còn gây ra sơ hở trong an ninh quốc gia của Mỹ.
Quốc hội Hoa Kỳ cũng đã ban hành một báo cáo nghiên cứu chỉ ra rằng, ĐCSTQ đã sử dụng sáu phương pháp để đánh cắp công nghệ của Mỹ. Do đó, Hoa Kỳ đã liên tiếp đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt công nghệ và cấm vận sản phẩm, để hạn chế quân đội của ĐCSTQ và các công ty Trung Quốc có được các công nghệ quan trọng của Hoa Kỳ, chẳng hạn như sản xuất chất bán dẫn, thiết kế chip, đồng thời tăng cường đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ mới.
ĐCSTQ tất nhiên rất khó chịu khi nghe điều đó, bởi Bắc kinh đã bị Mỹ cắt đứt nguồn công nghệ, với nhiều lệnh trừng phạt khác nhau và sự phát triển công nghệ đang gặp khó khăn. Giờ đây, Mỹ lại đầu tư rất nhiều vào công nghệ, điều này sẽ không chỉ nới rộng sức mạnh công nghệ và kinh tế của Hoa Kỳ so với Trung Quốc, mà Hoa Kỳ cũng có thể áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt khoa học và công nghệ đối với Trung Quốc. Do đó, ĐCSTQ đã mạnh mẽ bày tỏ sự không hài lòng của mình, và vội vàng thông qua Đạo luật Chống trừng phạt nước ngoài nhằm ngăn chặn Mỹ.
Do đó, tại hội nghị thượng đỉnh G7 lần này, công nghệ cũng được xem trọng tâm quan sát, bởi vì điều này là một trận chiến quan trọng liên quan đến khả năng cạnh tranh kinh tế trong tương lai của các quốc gia.