Tin thế giới sáng thứ Ba

G7 lần đầu tiên kêu gọi hòa bình và ổn định cho vùng eo biển Đài Loan

Trọng Thành

Thượng đỉnh G7 họp ba ngày, khép lại hôm qua, Chủ Nhật 13/06/2021. Giới quan sát ghi nhận một thay đổi đang chú ý trong lập trường của G7 trong quan hệ với Trung Quốc tại thượng đỉnh này. Lần đầu tiên các vấn đề liên quan đến eo biển Đài Loan được nêu ra trong một bản tuyên bố chung của G7, kể từ khi khối thành lập năm 1975.

image.png
Hội nghị bàn tròn tại thượng đỉnh G7 mở rộng đến một số nước được mời tham dự như Úc, Hàn Quốc … ở Cornwall, miền nam nước Anh. Ảnh ngày 12/06/2021. AP – Leon Neal

Tuyên bố chung, được đưa ra sau thượng đỉnh G7 tại Cornwall, « nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan, và cổ vũ cho một giải pháp hòa bình cho các vấn đề giữa hai bờ eo biển ». Ngay sau Tuyên bố chung của G7, phát ngôn viên Phủ tổng thống Đài Loan Xavier Chang (Trương Đôn Hàm) đã bày tỏ sự tri ân sâu sắc, ghi nhận sự ủng hộ của G7, việc lần đầu tiên khối bảy cường quốc công nghiệp nhấn mạnh đến tầm quan trọng của « hòa bình và ổn định tại eo biển » Đài Loan. Phủ tổng thống Đài Loan khẳng định Đài Bắc sẽ « cương quyết duy trì chế độ dân chủ và bảo vệ các giá trị phổ quát của nhân loại ».

Nội dung liên quan đến Đài Loan trong Tuyên bố chung của G7 được đặt trong phần về chủ trương xây dựng một « vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở, không loại trừ ai, và dựa trên luật pháp ». Cũng trong mục này, khối G7 bày tỏ « quan ngại sâu sắc về tình hình tại biển Hoa Đông và Biển Đông, và lên án mạnh mẽ bất cứ nỗ lực đơn phương nào làm thay đổi nguyên trạng và làm gia tăng căng thẳng », ngụ ý nhắc đến các tham vọng bành trướng của Trung Quốc.

Cũng liên quan đến Trung Quốc, khối G7 kêu gọi Bắc Kinh « tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản, đặc biệt liên quan đến vùng Tân Cương, cũng như nhân quyền, các quyền tự do, và quy chế tự trị của Hồng Kông, được khẳng định trong Tuyên bố chung Anh – Trung Quốc, và Luật Cơ bản » của Hồng Kông.

Trung Quốc lên án Tuyên bố chung của G7

Đài Loan, Tân Cương, Hồng Kông là những vấn đề nhạy cảm của Trung Quốc, đặc biệt là Đài Loan. Hôm nay, 14/06, đại sứ quán Trung Quốc tại Anh cho biết rất bất bình và kiên quyết phản đối các nội dung liên quan đến Tân Cương, Hồng Kông và Đài Loan, bị tố cáo là xuyên tạc sự thật.

Đại sứ quán Trung Quốc nhấn mạnh rằng những vấn đề nói trên « thuộc công việc nội bộ » của Trung Quốc, và khẳng định Trung Quốc « sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống bất cứ hành vi bất công và xâm phạm đối với Trung Quốc ».

Dự án 100 tỉ đô la/năm
Cũng về Trung Quốc, bên cạnh các lĩnh vực nhân quyền, an ninh, Tuyên bố chung khối G7 hôm qua thông báo quyết định của khối đầu tư 100 tỉ đô la/năm cho dự án đối trọng với « Những Con đường Tơ lụa Mới » của Bắc Kinh. Đặc phái viên Clea Broadhurst tường trình từ Cornwall :

« Bắc Kinh chính thức trong tầm ngắm của các lãnh đạo G7. Cách nay 3 năm, Trung Quốc không được dẫn ra trong các thông điệp của thượng đỉnh G7, giờ đây Bắc Kinh rõ ràng được chỉ ra như một đối thủ, một thế lực cạnh tranh, thậm chí một địch thủ.

Cạnh tranh đang diễn ra : để thúc đẩy một nền kinh tế xanh, bảy cường quốc công nghiệp phát triển quyết định sẽ đầu tư mạnh, với 100 tỉ đô la/năm, vào các cơ sở hạ tầng của các nước nghèo tại châu Phi, châu Á, và kể cả châu Mỹ Latin.

Đây chắc chắn là một sáng kiến hướng đến một tương lai phát triển bền vững, nhưng cũng là một cách để ngăn chặn các bước tiến của Trung Quốc. Dự án 100 tỉ đô la/năm nói trên do tổng thống Mỹ khởi xướng sẽ cạnh tranh với dự án « Những Con đường Tơ lụa Mới », tức các đầu tư ồ ạt của Bắc Kinh nhằm gia tăng ảnh hưởng ở nước ngoài.

Dự án do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tung ra vào năm 2013. Theo các dữ liệu của các thị trường tài chính về cơ sở hạ tầng hồi năm ngoái, hơn 2.600 dự án với tổng cộng khoảng 3.000 tỉ euro liên quan đến dự án của Trung Quốc. Gần 100 quốc gia đã ký với Bắc Kinh các thỏa thuận về phát triển đường sắt, cảng biển, xa lộ, hay các loại cơ sở hạ tầng khác ».

Thượng đỉnh G7 tấn công vào hồ sơ khí hậu sau nỗ lực đoàn kết đối phó với Trung Quốc

Trọng Nghĩa

image.png
Một cuộc biểu tình tại công viên Falmouth, Cornwall, Anh Quốc, ngày 12/06/2021, kêu gọi các lãnh đạo G7 quan đẩy mạnh bảo vệ bầu khí hậu chung. AP – Alberto Pezzali

Trong ngày họp thứ ba và cuối cùng vào hôm nay, 13/06/2021, lãnh đạo 7 cường quốc thế giới trong nhóm G.7 tập trung thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu. Đây là một hồ sơ dễ đạt đồng thuận hơn vấn đề đối phó với các thách thức đến từ Nga, và nhất là từ Trung Quốc, trọng tâm các cuộc thảo luận chung cũng như song phương vào hôm qua. Tuy nhiên, các lãnh đạo G7 đã cố nêu bật quan điểm thống nhất của toàn khối đối với Nga và Trung Quốc.

Theo hãng tin Pháp AFP, hồ sơ khí hậu được thượng đỉnh G7 lần này đặc biệt chú ý trong bối cảnh nước chủ nhà Anh Quốc cũng là nước đứng ra tổ chức hội nghị lớn về khí hậu COP26 của Liên Hiệp Quốc vào tháng 11 tới đây (COP26). Để cụ thể hóa quyết tâm của mình trong lãnh vực bảo vệ môi trường, Luân Đôn sẽ thiết lập một quỹ trị giá 500 triệu bảng Anh (hơn 582 triệu euro) để bảo tồn đại dương và hệ sinh thái biển ở các quốc gia như Ghana hoặc Indonesia.

Về phần G7, giới lãnh đạo nhóm này đề ra mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm đa dạng sinh học vào năm 2030 bằng cách bảo vệ ít nhất 30% diện tích đất liền và biển. Các lãnh đạo cũng sẽ nhắc lại cam kết là từ nay đến năm 2030 sẽ giảm một nửa lượng khí gây hiệu ứng nhà kính thải ra, và chấm dứt việc dùng ngân sách công tài trợ cho các nhà máy điện than ngay trong năm nay.

G7 cũng sẽ xem xét vế khí hậu của kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu rộng lớn được trình bày vào hôm qua theo sáng kiến của tổng thống Mỹ Joe Biden, muốn G7 có một dự án cạnh tranh được với sáng kiến “Con Đường Tơ Lụa Mới” của Trung Quốc.

Bất đồng về đối sách Trung Quốc

Nếu các nước G7 đã đạt được đồng thuận trên kế hoạch hạ tầng cơ sở làm đối trọng với Con Đường Tơ Lụa của Trung Quốc trong bối cảnh bất đồng vẫn tồn tại giữa các thành viên trên vấn đề cần gởi một thông điệp mạnh mẽ đến Bắc Kinh trong lãnh vực nhân quyền.

Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, trong cuộc họp vào hôm qua, tổng thống Mỹ Joe Biden đã nêu bật các hành vi cưỡng bức lao động mà Trung Quốc áp dụng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương để thuyết phục các đồng nhiệm rằng G7 cần phải hình thành một mặt trận thống nhất hơn để đối phó với Bắc Kinh.

Tuy nhiên ý kiến của Mỹ đã vấp phải thái độ dè dặt của một số nước châu Âu. Theo hai quan chức cấp cao trong chính quyền Biden xin giấu tên thì đề nghị của ông Biden đã được Anh, Pháp và Canada tán thành, trong khi Đức, Ý và Liên Hiệp Châu Âu tỏ thái độ rất thận trọng.

Theo AP, bản thông cáo chung đúc kết hội nghị đang được soạn thảo và nội dung sẽ chỉ được biết khi được công bố khi thượng đỉnh kết thúc. Một số quan chức Nhà Trắng vào tối hôm qua đã tỏ ý tin chắc rằng, dưới một hình thức nào đó, Trung Quốc sẽ bị vạch mặt chỉ tên về các “chính sách phi thị trường và vi phạm nhân quyền”.

2020 : Năm hãm phanh đà giảm vũ khí hạt nhân

Minh Anh

image.png
Báo cáo của Viện SIPRI 2021. © spire

Đà giảm vũ khí hạt nhân trên thế giới kể từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc một lần nữa bị chựng lại trong năm 2020. Đây là ghi nhận từ bản báo cáo của Viện Nghiên cứu Quốc tế về Hòa bình (Sipri), công bố ngày 14/06/2021.

Theo ước tính của viện nghiên cứu có trụ sở tại Stockholm -Thụy Điển này, từ đầu năm 2021, chín quốc gia có « bom nguyên tử » (Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Bắc Triều Tiên) nắm giữa đến 13.080 đầu đạn hạt nhân, ít hơn so với đầu năm 2020 là 320 đơn vị.

Tuy nhiên, con số này có tính đến cả những đầu đạn hạt nhân « đang đợi được dỡ bỏ ». Nếu loại trừ số đầu đạn này ra, kho vũ khí hạt nhân của thế giới tăng lên, từ 9.380 lên 9.620 trong cùng một giai đoạn.

Báo cáo cũng ghi nhận số lượng vũ khí hạt nhân trên thực tế đã được triển khai ở các loại tên lửa hay trong các lực lượng tác chiến, cũng nhiều hơn, tăng từ 105 đơn vị lên thành 3.825 đầu đạn trong vòng có một năm. Trong đó, có khoảng 2.000 là trong « tình trạng báo động tác chiến cao » nghĩa là có thể được phóng đi trong vòng vài phút.

AFP nhắc lại năm 1986 được cho là đỉnh điểm tuyệt đối với hơn 70.000 đầu đạn hạt nhân. Kể từ đó, số lượng vũ khí nguyên tử giảm mạnh, giảm xuống còn có 22.600 đơn vị trong năm 2010, theo như số liệu của Sipri.

Nếu như con số tổng cộng trong năm 2021 bề ngoài cho thấy là mức thấp nhất tính từ cuối những năm 1950, thì theo Sipri, « đà giảm kho vũ khí hạt nhân mà chúng ta đã quen từ khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt dường như đang chựng lại ».

Sipri cho rằng chính « các chương trình hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới và tại tất cả những nước có sở hữu vũ khí hạt nhân trong chiến lược quân sự của những nước đó đã góp phần làm tăng đáng kể số vũ khí hạt nhân nói trên ». Trong số này, Nga và Mỹ là hai nước đi đầu bảng xếp hạng.

Nhật Bản hoan nghênh Đức và Pháp quyết tâm can dự vào Ấn Độ-Thái Bình Dương

Trọng Nghĩa

image.png
Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga và phu nhân Mariko dự một buổi tiếp tân tại G7 ở Cornwall, Anh Quốc ngày 11/06/2021. AP – Jack Hill

Bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 tại Anh Quốc, thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga vào hôm qua 12/06/2021 đã tranh thủ cuộc họp song phương với đồng nhiệm Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Emmanuel Macron để hoan nghênh chủ trương của Berlin và Paris dấn thân mạnh mẽ hơn vào khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Theo hãng tin nhật bản Kyodo, trong cuộc tiếp xúc trực tiếp với ông Suga, thủ tướng Đức Merkel đã xác nhận rằng Ấn Độ-Thái Bình Dương là một khu vực quan trọng đối với Berlin và nước Đức muốn tăng cường hợp tác song phương với Nhật trong lĩnh vực an ninh và các lĩnh vực khác. Đức đang có kế hoạch cử một tàu hải quân đến khu vực vào mùa hè này.

Theo Kyodo, Nhật Bản hiện đang tìm cách tăng cường quan hệ an ninh với Hoa Kỳ và các quốc gia cùng chí hướng khác, trong đó có Đức, vào thời điểm mà Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự và đẩy mạnh yêu sách lãnh thổ ở vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Thái độ lo ngại về Trung Quốc càng gia tăng sau vụ Bắc Kinh ban hành luật an ninh hàng hải mới vào tháng 2 vừa qua, cho phép tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công tàu nước ngoài trong vùng biển mà Bắc Kinh coi là lãnh hải của họ.

Tháng Ba vừa qua Tokyo và Berlin đã ký một thỏa thuận cung cấp cho nhau thông tin tình báo bí mật liên quan đến an ninh. Và qua tháng Tư, trong cuộc đối thoại an ninh Đức-Nhật 2+2 đầu tiên, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của hai nước đã cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng song phương và nhấn mạnh quyết tâm của họ về một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Trong cuộc hội đàm với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Nhật Bản Suga cũng đánh giá cao sự dấn thân ngày càng mạnh hơn của Pháp ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, chẳng hạn như thông qua việc phái chiến hạm đến tuần tra và hoạt động trong khu vực.

Theo bộ Ngoại Giao Nhật Bản, nhân cuộc tiếp xúc bên lề thượng đỉnh G7, lãnh đạo hai nước đã nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong khu vùng Ấn Độ Thái Bình Dương.

Về phần mình, tổng thống Pháp Macron đã tuyên bố ủng hộ Thế Vận Hội Tokyo dự kiến bắt đầu vào tháng tới trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra. Tổng thống Pháp cho biết ông rất mong được đến Tokyo tham dự lễ khai mạc hế vận hội ngày 23 tháng 7 sắp tới.

G7: Emmanuel Macron và Joe Biden trao đổi tăng cường quan hệ Âu – Mỹ

Thùy Dương

image.png
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) trao đổi với tổng thống Mỹ Joe Biden bên ngoài cuộc họp thượng đỉnh G7 tai vịnh Carbis, Anh Quốc, ngày 12/06/2021. © AP – Patrick Semansk

Trong ngày thứ hai của thượng đỉnh G7 tại Anh Quốc, bên lề cuộc họp đa phương hôm qua 12/06/2021 là các cuộc tiếp xúc riêng giữa các lãnh đạo, trong đó có cuộc trao đổi giữa nguyên thủ Pháp – Mỹ, Emmanuel Macron và Joe Biden.

Đặc phái viên RFI tại Cornwall, Clea Broadhurst, cho biết thêm chi tiết :

« Rõ ràng là bầu không khí có thay đổi – tất cả mọi người đều cảm nhận được sự thay đổi hoàn toàn so với không khí xáo động thời Donald Trump. Trên hết, tổng thống Pháp rất vui mừng về việc Hoa Kỳ quay trở lại thành một đối tác hợp tác giữa các nền dân chủ phương Tây.

Tổng thống Emmanuel Macron nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự trở lại nói trên của Mỹ khi nhìn vào những thay đổi và khủng hoảng mà các nước sẽ phải đối mặt trong những tháng sắp tới, dù là về các nỗ lực thoát khỏi đại dịch hay rất nhiều thách thức phải giải quyết liên quan tới tình trạng khẩn cấp về khí hậu.

Còn nguyên thủ Mỹ Joe Biden nhắc lại một lần nữa : “America is back” – “Nước Mỹ đã trở lại”. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương và sự gắn kết trong NATO. Ông Biden cũng lưu ý rằng đối với ông Liên Hiệp Châu Âu là “một thực thể hết sức mạnh mẽ, không chỉ có khả năng quản lý kinh tế mà còn có thể là cơ sở của NATO”.

Nhưng đương nhiên ông Biden không sử dụng ngôn từ về chủ quyền châu Âu, một khái niệm rất quan trọng đối với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nhưng Mỹ lại không ủng hộ. Về phần mình, nguyên thủ Pháp đáp lại là đồng nhiệm Mỹ Biden đã chứng tỏ “một vai trò lãnh đạo, một quan hệ đối tác thực thụ”, với ngụ ý là các nước châu Âu thực sự muốn được coi trọng. »

Israel có chính phủ mới, khép lại 12 năm cầm quyền của Netanyahu

Trọng Thành

image.png
Naftali Bennett, tân thủ tướng Israel sau cuộc biểu quyết ở Quốc Hội hôm 13/06/2021. AP – Ariel Schalit

Hôm 14/06/2021 (giờ Sydney), Quốc Hội Israel bỏ phiếu chấp thuận một chính phủ mới, được 8 đảng phái hậu thuẫn, bao gồm hai đảng cánh tả, hai đảng cánh hữu, hai đảng cánh trung và một đảng của người Israel gốc Ả Rập. 60 nghị sĩ bỏ phiếu thuận, 59 bỏ phiếu chống.

Tân thủ tướng Israel là chính trị gia Naftali Bennett, một cựu đồng minh của thủ tướng cánh hữu Benjamin Netanyahu cầm quyền liên tục tại Israel từ 12 năm nay. Hoa Kỳ – đồng minh thân cận nhất của Israel – là quốc gia đầu tiên có phản ứng, ngay sau khi kết quả được công bố. Tổng thống Mỹ Joe Biden chúc mừng thủ tướng Naftali Bennett và cho biết « nóng lòng được làm việc » với tân lãnh đạo Israel.

Chính trường Israel chìm trong bất ổn từ hai năm nay. Bốn cuộc bầu cử Quốc Hội không cho phép lập được một chính phủ. Đầu tháng 6/2021, lãnh đạo đối lập Yaïr Lapid, thuộc cánh trung, đã thành công trong gang tấc trong việc lập ra được liên minh 8 đảng phái. Để có được sự ủng hộ của chính trị gia Naftali Bennett, lãnh đạo đảng cánh hữu Yamina, thủ lĩnh đối lập Yaïr Lapid đã chấp nhận để ông Bennett đảm nhiệm chức thủ tướng trong vòng hai năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Trong thời gian này, ông Yaïr Lapid làm ngoại trưởng Israel.

Tuy nhiên, cựu thủ tướng Netanyahu không chấp nhận thua cuộc. Ngay trong tối hôm qua, tại diễn đàn Quốc Hội Israel, ông tuyên bố sẽ nỗ lực « lật đổ » chính phủ mới. Buổi ra mắt chính phủ mới của Israel diễn ra trong không khí hỗn loạn. Thông tín viên Sami Boukhelifa tường trình từ Jérusalem :

« Bị la ó phản đối dữ dội, tân thủ tướng Israel Naftali Bennett đã gặp khó khăn để phát biểu. Những lời thóa mạ, chửi bới bùng lên tại Knesset, tức nhà Quốc Hội Israel. Tân thủ tướng bị lên án là kẻ dối trá, lừa đảo, đặc biệt bởi các nghị sĩ của Likoud, đảng của cựu thủ tướng Benjamin Netanyahu. Ông Naftali Bennett đã cố gắng tỏ ra là một lãnh đạo quốc gia có khả năng đoàn kết. Tuy nhiên, sau chừng 20 phút, tân thủ tướng đã hết kiên nhẫn, buộc phải rời khỏi diễn đàn. Hướng đến những người lên án mình, ông Naftali Bennett phẫn nộ : ‘‘Các vị muốn gì ? Năm, sáu hay 10 cuộc bầu cử đây ? Bỏ phiếu mãi mãi sao ?’’.

Cử tri Israel, bị sa lầy vào một trong các cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất trong lịch sử đất nước, đã bỏ phiếu bầu Quốc Hội bốn lần, trong vòng hai năm gần đây, nhưng đã không có một đa số rõ ràng nào cho phép lập được chính phủ, cho đến tối hôm qua, Chủ Nhật 13/06.

Công việc khó khăn này đã hoàn tất, tuy nhiên, Israel vẫn có nguy cơ không tránh khỏi một cuộc bỏ phiếu lần thứ năm trong những tháng tới, theo ông Netanyahou. Cựu thủ tướng Israel giờ đây trở thành thủ lĩnh đối lập. Sẵn sàng chiến đấu, ông khẳng định cương quyết ‘‘lật đổ chính phủ này’’ và lấy lại ghế thủ tướng ».

Related posts