Trần Kiên
Nhà phân tích Chu Hiểu Huy đã có bài phân tích về tin đồn gần đây, một quan chức cấp cao của chính quyền Trung Quốc đã đào tẩu ra nước ngoài. Bài viết được đăng tải trên tờ Epochtimes.
Gần đây, một số tờ báo của phương Tây như DailyBeast, Spytalk, Redstate (Mỹ) hay Dailymail (Anh) và các tờ Hoa ngữ hải ngoại đưa tin rằng, ông Đổng Kinh Vĩ (Dong Jingwei), thứ trưởng Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc, đã đào tẩu sang Mỹ cùng con gái.
Các tờ này khẳng định ông Đổng là quan chức cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc từng đào tẩu sang Mỹ. Do đó, sự việc bí mật đến nỗi không cơ quan tình báo nào ở Mỹ biết được, ngoại trừ Cục Tình báo quân đội.
Tờ Redstate còn tiết lộ chi tiết về các tài liệu mật mà ông Đổng đem theo khi bỏ trốn, trong đó có những thông tin liên quan nguồn gốc COVID-19, cách thức tình báo Trung Quốc xâm nhập Cục Tình báo trung ương Mỹ và những người ở Mỹ đang làm việc cho Bắc Kinh.
Liệu có phải là ông Đổng Kinh Vĩ đào tẩu hay không, dựa trên thông tin hạn chế, chúng ta chưa thể đưa ra kết luận hiện tại. Nhưng có một điều chắc chắn là, nếu như ông Đổng, với tư cách là quan chức cấp cao nhất của chính quyền Trung Quốc đào tẩu thì ông phải nắm được những thông tin tình báo tối mật của Bắc Kinh. Cho dù đó là virus, vũ khí sinh học hay các khía cạnh khác, một khi thông tin được kích hoạt, đòn giáng vào chính quyền Trung Quốc sẽ rất lớn, thậm chí là đòn chí mạng.
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng, sự thay đổi đột ngột gần đây của chính quyền Biden, các phương tiện truyền thông cánh tả, một số nhà khoa học và tiến sĩ Fauci về vấn đề nguồn gốc của virus, đều có liên quan mật thiết đến điều này.
Đương nhiên, về danh tính của kẻ đào tẩu và những bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong tay ông ta, các nhà chức trách Bắc Kinh nhận thức rõ rằng, phải có một cuộc thanh trừng ở cấp cao nhất của Đảng mà thế giới bên ngoài không biết đến. Một người khác ở nước ngoài từng tố giác rằng, một giám đốc của Ngân hàng Dân Sinh, vốn nhận hậu thuẫn của các chức sắc, gần đây cũng đã bỏ trốn ra nước ngoài.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc phong tỏa tin tức về việc các quan chức cấp cao ở Trung Quốc đào tẩu ra nước ngoài, nhưng trong giới quan trường Trung Quốc, những người biết các tin tức này chưa chắc là thiểu số. Trong số quan chức của ĐCSTQ, có bao nhiêu người muốn trốn chạy ra nước ngoài?
Trong bối cảnh đó, không có gì ngạc nhiên khi ông Tập Cận Bình nhắc lại vấn đề “lòng trung thành” và đặc biệt đề cao vấn đề “không bao giờ phản bội chính quyền Bắc Kinh”.
Vào ngày 8/6, trong khi đến kiểm tra ở Thanh Hải, ông Tập đã đưa ra yêu cầu “ủng hộ phẩm chất tốt trung thành với đảng Cộng sản Trung Quốc”; yêu cầu các đảng viên không được quên “lời thề trung thành và không bao giờ phản bội chính quyền Trung Quốc”.
Vào ngày 11/6, tạp chí Cầu Thị đã đăng một bài bình luận về chủ đề “Tôn trọng mỹ đức trung thành với Đảng [Cộng sản Trung Quốc]”. Vào ngày 15/6, tờ Nhân Dân Nhật báo đã xuất bản một bài báo với tiêu đề tương tự và tiếp tục những lời sáo rỗng. Bài báo này chỉ ra những biểu hiện của lòng trung thành gồm có trung thành với đức tin, tổ chức, lý luận, đường lối, nguyên tắc và chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Điều này cũng giống như việc cấp cao của Bắc Kinh thường xuyên đề cập đến “an ninh chính trị”. Cách nói này tương đương với nói rằng, “an ninh của Tập Cận Bình” không được đảm bảo, và các phe phái khác nhau của Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn đang đe dọa an ninh của ông ấy.
Ông Tập liên tục đề cập đến “lòng trung thành”, cho thấy có không ít quan chức cấp cao không “trung thành với Tập Cận Bình” . Điều này cho thấy ông Tập nhận thức rõ về sự chia rẽ nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhiều lần phải đưa ra cảnh báo.
Mọi người biết rằng, rất ít quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc “trung thành”. Bởi vì nếu họ trung thành với Bắc Kinh, họ sẽ không chuyển tài sản của mình sang nước ngoài. Họ cũng sẽ không cho phép người nhà mình trở thành công dân phương tây. Mọi người có thể thấy họ biểu hiện như thế nào “Mắng mỏ nước Mỹ là công việc, Đến Mỹ là cuộc sống”.
Lấy một ví dụ. Dương Khiết Trì là Ủy viên Quốc vụ phụ trách đối ngoại của Trung Quốc. Vài tháng trước, ông ta đã mắng mỏ Hoa Kỳ theo kiểu “sói chiến” tại buổi khai mạc cuộc họp cấp cao Trung-Mỹ. Sau đó, lập tức có tin đồn rằng, ông đã đến Đại học Yale ở Mỹ thăm con gái đang học ở đó, khối tài sản ở Mỹ do vợ và con gái ông sở hữu cũng ngay lập tức bị phanh phui.
Một cuộc khảo sát do Ban Tổ chức Trung Quốc thực hiện năm 2011 cho thấy, trong vài năm qua, hơn một triệu người là gia đình và con cái của các cán bộ cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhập cư ra nước ngoài. Danh sách này bao gồm con trai của cựu Ủy viên Bộ Chính trị Tăng Khánh Hồng nhập cư vào Úc năm 2008, và hai con trai của cựu Ủy viên Bộ Chính trị Cổ Khánh Lâm đã đến Úc.
Ngoài ra, vào tháng 4/2019, tỷ phú lưu vong Quách Văn Quý đã tiết lộ thông tin rằng cháu trai của Giang Trạch Dân là Giang Chí Thành sống ở Hồng Kông và có tài sản ít nhất là 500 tỷ đô-la Mỹ. Gia tộc Giang Trạch Dân ở nước ngoài nắm giữ tài sản ít nhất 1 nghìn tỷ đô-la Mỹ.
Theo báo cáo, có hàng nghìn doanh nghiệp do gia đình Giang kiểm soát, bao gồm các tổ chức tài chính, tập đoàn và công ty. Đương nhiên, gia đình của các quan chức cấp cao khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chẳng hạn như Cổ Khánh Lâm, Lý Trường Xuân và La Cán, cũng sở hữu những ngôi nhà và tài sản sang trọng ở nước ngoài.
Những quan chức cấp cao của Trung Quốc, những người đã cam kết “trung thành” với Bắc Kinh, đã phơi bày suy nghĩ thật sự của họ thông qua những hành động ngược lại, bởi vì họ không tin hệ thống và “đường lối” của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ biết Đảng Cộng sản Trung Quốc là tàn ác và có thể lật mặt, cũng có thể thấy được số phận sụp đổ của nó. Để lưu lại cho mình một lối thoát, họ đã chuyển tài sản của mình ra nước ngoài và để con cái của họ di cư.
Năm ngoái, báo chí đưa tin, chính phủ Hoa Kỳ đã từ chối nhập cảnh đối với hơn 90 triệu đảng viên của Bắc Kinh và gia đình của họ. Điều này khiến nhiều quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc các cấp khiếp sợ.
Không còn nghi ngờ gì nữa, điều này không chỉ cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, mà còn cho thế giới biết rằng “lòng trung thành với đảng” của các quan chức cấp cao của Bắc Kinh chỉ là trung thành với quyền lực, với bè phái, với tiền bạc và với sự an toàn của bản thân.
Thật vậy, không chỉ những quan chức cấp cao, mà rất nhiều người dân Trung Quốc cũng đã ngày càng hiểu rõ bản chất của Đảng Cộng sản Trung Quốc và khó mà “trung thành” với nó. Ngày nay đã có tới 380 triệu người Trung Quốc xin rút khỏi các tổ chức mà Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát. Thật khó để đạt được điều mà ông Tập nói là trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc và trung thành với ông ta, bởi vì nếu thật sự “trung thành son sắt” với Bắc Kinh, thì kết cục sẽ vô cùng xót xa.