Chuyện cưới hỏi thời Covid-19 : Vị đắng trong tuần trăng mật

Tuấn Thảo

image.png

Các ngọn kim tự tháp đứng hiên ngang giữa sa mạc Ai Cập mênh mông, thác nước hoành tráng Iguazu đổ ào giữa biên giới Argentina và Brazil, một ngôi nhà sàn thơ mộng cắm chân trên dòng nước biển Maldives trong vắt ….. Đó là những phong cảnh lý tưởng mà các cặp uyên ương tại Pháp mong chờ được tận hưởng, sau ngày thành hôn. Chỉ có điều là mùa hè năm nay vẫn chưa phải là lúc để cô dâu chú rể hưởng tuần trăng mật, ở những phương trời xa.

Kể từ ngày 30/06 trở đi, tất cả các hàng quán và các tụ điểm giải trí ở Pháp đều có thể mở cửa toàn diện để phục vụ khách tại chỗ. Một cách tương tự, các dịch vụ đám cưới cũng có thể được tổ chức bên trong hay bên ngoài mà không còn bị hạn chế về số người tham dự, số thực khách ngồi cùng một bàn, cũng như quy định đeo khẩu trang.

Nếu như một số công ty chuyên về dịch vụ cưới hỏi tỏ ra lạc quan vì số hợp đồng ngày càng cao (bên cạnh số đám cưới trong năm nay, còn có thêm các lễ cưới từng bị khất lại từ hồi năm ngoái), thì bên cạnh đó cũng có nhiều doanh nghiệp đang đau đầu, chủ yếu cũng vì tình hình tài chính còn bấp bênh, mảng kinh doanh dịch vụ ”tuần trăng mật” vẫn còn bị bế tắc.

Ngành dịch vụ cưới hỏi vẫn chưa thoát nạn
Theo số liệu của cơ quan thống kê Insee, dịch Covid-19 đã làm giảm đến gần một phần ba số đám cưới tại Pháp trong năm qua. Nhìn chung, chỉ có 155.000 cặp đã làm hôn lễ trong năm 2020 so với 227.000 cặp trong năm 2019. Tuổi thành hôn trung bình là 36 tuổi đối với phụ nữ, còn phái nam là 38,6 tuổi. Trong năm nay, số các cặp làm lễ cưới bắt đầu tăng trở lại so với năm 2020, nhưng vẫn chưa đạt tới mức ”bình thường” của năm 2019. Nhìn chung, ngành dịch vụ cưới hỏi bị mất khoảng 40% doanh thu trong năm 2020, còn khâu dịch vụ chuyên tổ chức các kỳ nghỉ ”lune de miel” (tuần trăng mật) thì coi như đã mất gần một năm hoạt động, do các cặp uyên ương dù có làm lễ cưới cũng không được đi đâu xa trong mùa dịch.

Vào lúc nước Pháp đang dỡ bỏ hầu như mọi biện pháp phong tỏa, thì việc xuất ngoại du lịch, vẫn còn nhiều ràng buộc, 18 tháng sau khi dịch Covid-19 bắt đầu. Có lẽ cũng vì vậy, đa số người Pháp năm nay có tâm lý chọn đi nghỉ hè không quá xa nhà và nhất là thủ tục đi lại không phức tạp rườm rà. Vấn đề là đối với những cặp uyên ương đã từng làm đám cưới hồi mùa hè năm ngoái, giữa hai đợt phong tỏa tháng 3 và tháng 10, thì việc dỡ bỏ các quy định phòng dịch vẫn chưa cho phép họ đi xa để tận hưởng tuần trăng mật.

Hiện giờ các công ty du lịch chuyên hợp tác với ngành dịch vụ cưới hỏi ”trọn gói” buộc phải đề nghị với khách thay đổi điểm đến, do biên giới của nhiều quốc gia vẫn còn khép kín, họ đi tìm những giải pháp thay thế sao cho vừa lòng cô dâu chú rể. Theo cô Cassia Williamson, giám đốc thương mại tại công ty du lịch Maisons du Voyage, đa số các cặp vợ chồng mới cưới đều đã dành nhiều công sức và thời gian để tổ chức tuần trăng mật sau ngày kết hôn, vì thế cho nên phần lớn đều muốn trì hoãn thêm vài tháng hoặc dời lại cho tới năm sau, thay vì phải thay đổi điểm đến.

Châu Á vẫn chưa phải là điểm đến lý tưởng
Tuy nhiên, đối với những cặp chấp nhận thay đổi kế hoạch, thì các lãnh thổ hải ngoại của Pháp như Tahiti (Polynésie) hay Saint Barthélemy (quần đảo Antilles), tuy có giá cao hơn, nhưng vẫn có thể thay thế cho Úc, Colombia, Nam Phi hay Brazil, vì lý do này hay lý do khác vẫn chưa rộng mở cánh cửa đón nhận du khách Pháp.

Kể từ ngày 01/07 trở đi, nhiều quốc gia ngoài khối Liên hiệp châu Âu từng bước mở cửa đón tiếp du khách Pháp, nhưng tốc độ vẫn còn chậm và có khả năng biến đổi tùy theo tình hình dịch bệnh tại chỗ. Theo ông Guillaume Linton, giám đốc công ty Asia chuyên bán các tour du lịch châu Á, tình hình vẫn còn khá phức tạp, nhiều khách có vé đi Bali hay Kyoto từ năm ngoái, nhưng vẫn được khuyên là chờ đợi thêm. Thái Lan bắt đầu mở cửa đón du khách với chương trình Phuket Sandbox, nhưng dự án này có rất nhiều ràng buộc kể cả việc lưu trú ở một khu nghỉ dưỡng duy nhất trong vòng 14 ngày, đóng tiền bảo hiểm y tế cao và trải qua hai đợt xét nghiệm PCR. Sau 14 ngày, thì lúc đó khách mới có thể đi tham quan chỗ khác. Với những điều kiện như vậy, thì cô dâu chú rể có thể sẽ hưởng một tuần ”trăng”, nhưng chưa chắc gì đã còn ”mật”.

Đối với công ty Asia, các điểm đến quan trọng từ trước tới nay vẫn là Bali, Tahiti, Úc, Thái Lan, Hàn Quốc hay là Nhật Bản. Vấn đề là mỗi quốc gia có quyền áp dụng các quy định hạn chế của riêng mình. Nhật và Úc vẫn chưa chịu đón nhận khách du lịch từ Pháp, Bali thì chuẩn bị mở cửa kể từ tháng 9 hoặc tháng 10 nhưng hẳn chắc là với điều kiện. Trong bối cảnh đó, các công ty lữ hành chuyển sang khai thác quần đảo Seychelles. Với hơn 100 hòn đảo thơ mộng, thiên đường du lịch này nằm ngoài khơi phía đông châu Phi, trên Ấn Độ Dương. Quần đảo Seychelles đã mở cửa đón khách trước đảo Maurice, đảo Réunion thuộc Pháp, hay là quần đảo Maldives.

Theo ông Matthieu Mariotti, giám đốc tiếp thị tại công ty du lịch Kuoni, 90% doanh thu của công ty này là nhờ các hải đảo đẹp như mơ Maldives và Seychelles, kế đến nữa là quần đảo Caribê và Polynésie. Trong tâm trí của du khách, một ngôi nhà sàn trên bãi cát trắng mịn và chân trời xanh ngát như màu nước biển vẫn là khung cảnh lý tưởng cho mùa trăng mật (cũng như màu khăn voan trắng đối với cô dâu trong ngày cưới), tuy nhiên giá sinh hoạt ở Maldives và Seychelles đều cực kỳ đắt, không chỉ riêng các khu nghỉ dưỡng mà còn do chi phí các chuyến bay bằng thủy phi cơ nối liền các hải đảo tí hon. Đó là một trong những kiểu tuần trăng mật, nhưng chưa chắc gì hợp với mọi đối tượng.

Xu hướng lấy vé giờ chót rồi đi ngay ngày càng phổ biến
Theo cô Marie-Louise Noujaim, nhà sáng lập công ty Tselana Travel, tính trung bình, giá của một kỳ ”honeymoon” là 9.000 euro, cao cấp hơn nữa là 20.000 (Seychelles hay là Kenya), chuyến đi gọi là tuần trăng mật nhưng có thể kéo dài đến 10 ngày. Do các gia đình tại Pháp đã trải qua nhiều đợt phong tỏa, không được đi đâu xa, cho nên dân Pháp bây giờ muốn tìm lại thú vui đi du lịch, và thậm chí họ sẵn sàng trả giá cao hơn mức bình thường.

Tuy nhiên, trong trường hợp của các cặp mới cưới, thì sau thời gian phong tỏa, một số lại yêu cầu các công ty du lịch tổ chức tuần trăng mật cho họ vào giờ phút chót. Theo ông Matthieu Mariotti, giám đốc công ty Kuoni, trước khi có dịch Covid-19, việc mua vé đặt phòng vài ngày trước khi khởi hành là chuyện hiếm thấy, nhưng giờ đây khi Pháp bắt đầu dỡ bỏ phong tỏa, thì lại có rất nhiều khách yêu cầu được đi chơi xa vào giờ chót. Cô dâu và chú rể mở một ”giỏ quyên tiền’‘ tại công ty du lịch, gia đình và bạn bè mỗi người góp vào một chút. Khi có đủ tiền, vợ chồng mới cưới rủ nhau đi ngay, chứ không còn cân nhắc chuẩn bị lâu như trước. Xu hướng này đang trở nên phổ biến hơn, dù chỉ là nhất thời.

Đối với những cặp đã từng kết hôn cách đây hơn một năm, có thể họ đã chờ quá lâu, vì thế họ chọn thay đổi điểm đến để hưởng tuần trăng mật, thành phần này theo giới chuyên ngành chọn những nơi có nhiều phong cảnh thiên nhiên thơ mộng hữu tình, và nhất là không thu hút quá nhiều khách du lịch. Còn đối với các cặp cô dâu chú rể nào chờ đợi được thêm, thì họ được khuyên nên dời lại chuyến đi sang năm sau (2022) hoặc là trong hai năm nữa (2023), đó là cách để cho các cặp vợ chồng mới cưới được dịp tận hưởng một mùa trăng mật đúng y như điều mà họ hằng mơ ước.

Related posts