Lễ Độc Lập & Tổng Thống James Monroe

Đinh Yên Thảo

Ngày lễ Độc Lập Hoa Kỳ cũng trùng vào ngày giỗ của 3 trong 5 vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, trong đó có tổng thống thứ năm của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ là James Monroe. Là một thành viên trong nhóm Quốc phụ sáng lập nước Mỹ, từng là Thượng Nghị Sĩ, Đại Sứ, Ngoại Trưởng, Bộ Trưởng Quốc Phòng của Tổng thống tiền nhiệm James Madison, Tổng thống James Monroe không được biết và nhắc đến nhiều như những nhân vật khác. Nhân lễ Độc Lập năm nay, chuyên mục xin tổng lược và giới thiệu đôi điều về ông.

Bất kể Tổng thống James Monroe đã đóng góp điều gì cho nước Mỹ mà nhiều người không biết đến thì người dân Florida nói riêng cũng nên biết điều này: ông là vị tổng thống có công đầu trong việc mua lại tiểu bang Florida từ triều đình Tây Ban Nha.

Hiệp ước Adams-Onis, được đặt theo tên Ngoại trưởng John Quincy Adams – là người được Tổng thống Monroe ủy nhiệm để thương thuyết cùng Sứ vụ ngoại giao triều đình Tây Ban Nha bấy giờ là Luis de Onis y Gonzalez-Vara vào năm 1819, thuộc nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Monroe. Hiệp ước này còn được gọi là Hiệp Ước Sang Nhượng Florida, từng được Monroe thương thuyết khi ông còn là Ngoại trưởng nước Mỹ trước khi trở thành tổng thống nhằm giải quyết những bất đồng và tranh chấp lãnh thổ giữa hai quốc gia.

Sinh năm 1758 trong một gia đình trung lưu, chủ đồn điền tại tiểu bang Virginia, Monroe đã phải bỏ học năm 16 tuổi để trông coi đồn điền và chăm sóc cho các em khi cả cha mẹ ông sớm qua đời. Cậu  ruột của ông, Joseph Jones là một nghị viên của nghị viện Virginia trở thành người giám hộ của Monroe, đưa ông vào lại đại học và dắt ông đến gặp những giới lập pháp Virginia uy tín lúc bấy giờ như George Washington, Thomas Jefferson, Patrick Henry… những nhân vật về sau trở thành nhóm “Quốc Phụ” hay tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên, cũng là những người có ảnh hưởng đến Monroe.

James Monroe 18 tuổi tham gia trận đánh Trenton dưới sự chỉ huy của tướng Washington – nguồn wikimedia

Monroe  là một thanh niên yêu nước nhiệt thành từ những ngày còn trẻ. Ông tham gia vào các nhóm sinh viên phản đối các cuộc đàn áp của Anh cùng thống đốc thuộc địa. Ông bỏ học vào nửa năm thứ nhì để tham gia quân đội, trở thành một Trung Úy nhờ từng là một sinh viên. Chàng sinh viên 18 tuổi tham gia trận đánh Trenton dưới sự chỉ huy của tướng Washington tưởng đã chết trong trận đánh này khi bị trúng đạn từ quân Ðức tiếp viện cho Anh trong cuộc cách mạng Hoa Kỳ.Xem thêm:   “Dễ thương” hay “đáng thương”?

Sự can đảm và thông minh cùng những thương tích chiến tranh và các huy chương chiến công đã nhanh chóng đưa Monroe được thăng cấp khá nhanh trong cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ. Ông xuất ngũ với cấp bậc Ðại Tá khi chỉ mới 22 tuổi và bắt đầu theo học luật với Thomas Jefferson.

Học luật và muốn dấn thân vào chính trường, Monroe đắc cử vào Hạ Viện ngay trong thời gian còn đang theo học luật này, khi chỉ mới 24 tuổi. Một năm sau, ông đắc cử vào quốc hội liên bang, tiền thân của Quốc Hội Hoa Kỳ. Thất bại khi tranh cử vào Quốc Hội Hoa Kỳ khóa đầu tiên (First Congress), Monroe lại có cơ hội trở thành một thượng nghị sĩ được thống đốc chỉ định để thay thế  cho cho vị TNS đương nhiệm của Virginia qua đời.

James Monroe mua lại tiểu bang Florida từ Tây Ban Nha

Ông ủng hộ cuộc Cách Mạng Pháp và sau đó được bổ nhiệm làm Ðại sứ Hoa Kỳ tại Pháp. Năm 1799, ông đắc cử Thống Ðốc Virginia. Sau nhiệm kỳ, ông lại được cử sang Pháp và nằm trong phái đoàn thương thuyết mua lại tiểu bang Louisiana. Ông tham gia nội các của Tổng thống tiền nhiệm James Madison trong vai trò Ngoại Trưởng rồi Bộ Trưởng Chiến Tranh, tức Bộ Quốc Phòng hiện nay trong cuộc chiến 1812 với Anh.

Năm 1816 ông đã quyết định ra tranh cử tổng thống và đắc cử với số phiếu cử tri đoàn áp đảo, trở thành Tổng thống thứ năm của Hoa Kỳ trong hai nhiệm kỳ, từ năm 1817 đến 1825. Ông đã cố hàn gắn quốc gia sau chiến tranh cùng các bất đồng đảng phái, được xem là người ủng hộ và khởi xướng một “kỷ nguyên cảm xúc đẹp” (Era of good feelings). Chính vì vậy, việc bổ nhiệm nội các của ông cũng cân bằng về mặt địa lý và đảng phái.Xem thêm:   Du lịch không gian

Về đối ngoại, Tổng thống James Monroe cũng chủ xướng các chính sách liên minh bên ngoài và đoàn kết nội bộ quốc gia. Ông nối lại mối quan hệ với Anh đã lạnh lùng từ sau cuộc chiến 1812. Học thuyết Monroe (Monroe Doctrine) nhằm chống lại các chủ nghĩa thực dân lên các quốc gia Châu Mỹ cũng như các thế lực ngoại bang can dự vào nội tình các quốc gia thuộc địa vẫn được các nhà ngoại giao nhắc nhở hay áp dụng theo các cách khác nhau trong thời đại mới.

Mua lại Louisiana. Hầu tước de Barbé-Marbois (đứng), Bộ trưởng Ngân khố Pháp, đưa bản đồ cho Bộ trưởng Hoa Kỳ Robert Livingston (phải) và Bộ trưởng đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ James Monroe (giữa). nguồn britannica.com

Từng xuất thân trong một gia đình chủ đồn điền và sở hữu nhiều nô lệ, cũng như mang theo nô lệ làm công việc phục dịch trong thời gian đương nhiệm vì Quốc Hội Hoa Kỳ lúc bấy giờ chưa có chính sách cung cấp nhân viên cho tổng thống Mỹ, Tổng thống Monroe vẫn là một người cấp tiến, xem chế độ nô lệ như một sự tệ hại cần phải xóa bỏ.  Ông cũng tham gia vào các nhóm ủng hộ các thuộc địa bên ngoài nước Mỹ và cho những người nô lệ tự do được sang đó. Tổ chức của ông đã cho hàng ngàn người nô lệ da đen được tự do sang Liberia tại Châu Phi. Chính vì lẽ đó mà thủ đô nước này đã được đặt theo tên ông khi giành được độc lập cho đến nay: thủ đô Monrovia của Liberia.Xem thêm:   Nghĩa địa máy bay lớn nhất thế giới

Một điều trùng hợp khá lạ thường là cả ba nhà lập quốc và là những Tổng thống Mỹ đầu tiên của nước Mỹ đều chết trong ngày lễ Ðộc Lập 4 tháng Bảy. Tổng thống thứ nhì là John Adams và thứ ba là Thomas Jefferson cùng mất trong ngày 4 tháng Bảy năm 1826. Tổng thống James Monroe thì mất ngày 4 tháng Bảy năm 1831 ở tuổi 73. Sống hào hùng, chết cũng trong vinh quang khi ngày giỗ của những vị này là một ngày lễ lớn của nước Mỹ.

Cách này hay cách khác, mỗi đời tổng thống Hoa Kỳ đã có những đóng góp to lớn từ thời lập quốc cho đến sự phát triển hùng mạnh của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ hiện nay.

Dù không nổi tiếng và được nhắc đến nhiều như những nhân vật trong nhóm sáng lập nước Mỹ, Tổng thống James Monroe cũng đã đóng góp cho quốc gia rất nhiều, bằng một tinh thần ái quốc mạnh mẽ từ những ngày còn rất trẻ. Lễ Ðộc Lập năm nay, ắt cũng là cơ hội để đọc lại đôi chút lịch sử qua câu chuyện của Tổng thống James Monroe, người đã góp phần vào việc xây dựng nước Mỹ từ những ngày đầu tiên.

Từ trái: Những Tổng Thống Hoa Kỳ chết trong ngày Lễ Độc Lập 4/7. John Adams, Thomas Jefferson và James Monroe

Related posts