Học giả: Nhật Bản đặc biệt coi trọng sự ổn định của eo biển Đài Loan

Vũ Dương

Theo phân tích của các học giả chiến lược, Nhật Bản không chỉ coi trọng an ninh của Đài Loan, mà còn coi trọng sự ổn định của eo biển Đài Loan, nguyên nhân là do nước này phải bảo đảm tính toàn vẹn của các tuyến liên lạc hàng hải. Trung Quốc đã gây ra trong khu vực những mối đe dọa trong những năm gần đây, dẫn đến sự thay đổi trong chiến lược Trung Quốc của Nhật Bản từ mơ hồ sang rõ ràng.

 Trong sách trắng “Quốc phòng Nhật Bản” được công bố hôm thứ Ba (13/7), Bộ Quốc phòng Nhật Bản (MOD) lần đầu tiên xóa Đài Loan khỏi bản đồ của Trung Quốc.

Trong những năm trước, sách trắng đã hợp nhất Đài Loan và Trung Quốc trong cùng một chương và bản đồ, điều này làm dấy lên sự chỉ trích từ những người Đài Loan sống ở Nhật Bản. Tuy nhiên, phiên bản mới nhất nhấn mạnh sự khác biệt giữa hai bên, cho thấy sự thay đổi chính sách của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi.

Trong quá khứ, Đài Loan đã được đề cập như một “khu vực” trong bản đồ của Trung Quốc trong Phần 1, Chương 2, Phần 2 có tiêu đề, “Sự khai triển và sức mạnh của Quân đội Trung Quốc”. Nhưng trong phiên bản mới, Đài Loan hoàn toàn tách khỏi bản đồ Trung Quốc và các chỉ huy chiến đấu của nước này.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh trong Sách trắng rằng, “Việc ổn định tình hình xung quanh Đài Loan là quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản và sự ổn định của cộng đồng quốc tế”.

Ông Lâm Dĩnh Hựu, trợ lý giáo sư tại Viện Chiến lược và Các vấn đề Quốc tế của Đại học Trung Chính, Đài Loan, trong một cuộc phỏng vấn đã chỉ ra rằng, đối với Nhật Bản mà nói, điều Nhật Bản coi trọng không hoàn toàn là “vấn đề an toàn của Đài Loan”, mà là “sự ổn định trong khu vực eo biển Đài Loan”. Trong Thế chiến thứ Hai, nguyên nhân Nhật Bản bị đánh bại là do hải quân và không quân Hoa Kỳ đã cắt đứt đường bay đến Đông Nam Á, và đường liên lạc này chắc chắn sẽ đi qua ngoại vi của eo biển Đài Loan, do đó, việc bảo đảm các đường liên lạc hàng hải đã trở thành một chiến lược an ninh quốc gia quan trọng của Nhật Bản.

Ông Lẫm Dĩnh Hựu đề cập rằng an ninh quốc gia hiện tại của Nhật Bản gắn liền với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. Điều trực tiếp nhất là quân đội Mỹ đóng tại thành phố Yokosuka và quần đảo Ryukyu của Nhật Bản. Do đó, các hành động của quân đội Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản. Trước đây, Nhật Bản đã triển khai lực lượng hạng nặng đến quận Hokkaido để đối phó với Liên Xô. Tuy nhiên, do môi trường chung đã thay đổi, trọng tâm của Nhật Bản giờ đã chuyển hướng sang eo biển Đài Loan và các đảo ở phía tây nam Nhật Bản.

Cựu Phó Tư lệnh Không quân kiêm giáo sư danh dự Đại học Đài Loan Trương Diên Đình tuyên bố rằng hơn 80% tàu chở dầu và tàu chở hàng của Nhật Bản phải đi qua eo biển Đài Loan. Nếu Đài Loan bị ĐCSTQ thống nhất, huyết mạch hàng hải của Nhật Bản chắc chắn sẽ bị đe dọa. Khi đó, sự phát triển kinh tế của Nhật Bản và sự phát triển quanh khu vực cũng bị ảnh hưởng.

Ông Trương Diên Đình đề cập rằng ĐCSTQ luôn muốn sánh ngang với Mỹ và chưa bao giờ từ bỏ việc thống nhất Đài Loan. Kể từ khi ĐCSTQ gia tăng tần suất sử dụng máy bay và tàu cảnh sát biển để xâm phạm môi trường xung quanh Nhật Bản trong những năm gần đây, các loại dấu hiệu cho thấy Nhật Bản đã nhận thức rõ về các mối đe dọa trong khu vực đến từ Trung Quốc, cộng với Hoa Kỳ tạo ra bầu không khí “thế giới chống lại ĐCSTQ”, chiến lược của Nhật Bản đối với Trung Quốc chắc chắn sẽ chuyển từ mơ hồ đến rõ ràng.

Ông Thư Hiếu Hoàng, chuyên gia tư vấn của Bộ Quốc phòng và là học giả của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Quốc gia Đài Loan, tin rằng những lo lắng của Nhật Bản về Trung Quốc và những thay đổi ở eo biển Đài Loan trước nay vẫn chưa bao giờ thay đổi, chỉ là trước đây nó khá mơ hồ. Kể từ sau khi ông Yoshihide Suga nhậm chức Thủ tướng, chính sách đã dần dần chuyển sang rõ ràng, nguyên nhân trong đó vẫn là do môi trường khu vực đã thay đổi, chính sách của Mỹ coi trọng quan hệ liên minh trong những năm gần đây, vậy nên Nhật Bản cần phải điều chỉnh lại chiến lược của mình, cộng thêm nhiều yếu tố như tình hữu nghị trong quan hệ Đài Loan và Nhật Bản, qua đó từng bước hình thành thế cục như hiện nay.

Related posts