Cập nhập tin COVID tại VN sáng thứ Sáu: Thêm 4,992 ca COVID-19 trong 24 giờ qua

Hiểu Minh

Thêm 4.992 ca COVID-19

Người lao Động – Bộ Y tế sáng 30/7 cho biết nước ta ghi nhận 4.992 ca mắc COVID-19, trong đó 5 ca nhập cảnh và 4.987 ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM (2.740), Bình Dương (1.284), Tiền Giang (242), Đồng Nai (203), Đồng Tháp (90), Tây Ninh (88), Bến Tre (79), Khánh Hòa (78), Hà Nội (63), Cần Thơ (23), Long An (21), Phú Yên (17), Bình Định (17), Kiên Giang (17), Vĩnh Long (15), Thái Nguyên (3), Đắk Nông (2), Hà Tĩnh (2), Lạng Sơn (2), Nam Định (1); trong đó có 987 ca trong cộng đồng.

Đến nay, Việt Nam có 133.405 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.213 ca nhập cảnh và 131.192 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 129.622 ca, trong đó có 29.006 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế xem xét, sớm cấp phép vắc-xin Nanocovax

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Bộ Y tế xem xét cấp phép sớm để đưa vắc xin nội địa Nanocovax tiêm chủng cho người dân.

Theo Dantri, đề nghị của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được đưa ra vào chiều 29 tháng 7, khi ông tới thăm trụ sở công ty Nanogen (Khu Công nghệ cao, thành phố Thủ Đức, TP.HCM). Ông Phúc cũng yêu cầu an toàn là số một nhưng thủ tục phải làm nhanh trong tình hình cấp bách hiện nay.

Về phía công ty Nanogen, ông Hồ Nhân, giám đốc công ty này cho biết vắc-xin đã thử nghiệm trên hàng ngàn người và cho thấy tính an toàn, không có trường hợp phản ứng, có diễn biến phức tạp. Một vài người tiêm có biểu hiện sốt nhẹ với tỷ lệ rất thấp, không có trường hợp tử vong. Ông Nhân cũng cho biết, vắc-xin đã được thử nghiệm 2 giai đoạn và đã hoàn thành một phần của giai đoạn 3.

Sài Gòn đã có 929 bệnh nhân COVID-19 tử vong

Tuoitre – Tối 29 tháng 7, Bộ Y tế đã công bố thêm 2.877 ca nhiễm COVID-19  tại Sài Gòn. Nâng tổng số ca nhiễm trong ngày ở thành phố này lên 4.592 trường hợp.  

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Sài Gòn đã có tổng cộng 81.781 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố. 

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính đến ngày 28/7, thành phố đã có 929 bệnh nhân COVID-19 tử vong.

Thừa Thiên Huế dừng đón người dân từ Sài Gòn về

VnExpress – Sau khi hoàn thành 3 đợt đưa người dân từ Sài Gòn về bằng máy bay, tàu hỏa, Thừa Thiên Huế sẽ tạm dừng đón người dân từ vùng dịch.

Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Thừa Thiên Huế ra thông báo trên, tối 29/7. Lý do đưa ra là các khu cách ly của địa phương đang dần quá tải và nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng rất dễ xảy ra. Địa phương cũng cần tập trung nguồn lực chữa trị hơn 30 ca nhiễm, trong đó trên 20 ca là người từ TP.HCM trở về cách ly tập trung.

Tổng quy mô các khu cách ly toàn tỉnh đạt hơn 10.000 chỗ, hiện đang cách ly hơn 8.000 người từ vùng dịch trở về và dự kiến vài ngày tới sẽ hết công suất. Do vậy, Thừa Thiên Huế cũng khuyến cáo người dân đang học tập và làm việc ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16; không di chuyển về quê trong giai đoạn này để đảm bảo an toàn cho bản thân, cho cộng đồng và quê hương.

Tuy nhiên, Thừa Thiên Huế vẫn sẽ đón nhận và đưa vào các khu cách ly tập trung đối với người dân tự đi xe máy, ôtô, tàu hỏa từ TP.HCM và các tỉnh có dịch về quê.

Vingroup xây dựng nhà máy công suất 100-200 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19/năm ở Hà Nội

Tuoitre – UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản cho phép 5 công trình/dự án trọng điểm cấp bách được phép hoạt động trong thời gian giãn cách. Trong số này có dự án nhà máy sản xuất vắc xin của Vingroup, đặt tại Hòa Lạc, Hà Nội.

Tại cuộc họp với Thủ tướng cuối tuần trước, Bộ Y tế cho biết Việt Nam hiện đang nghiên cứu, hoàn thiện 2 vắc xin là Nano Covax (Công ty Nanogen) và Covivac (Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang), đồng thời nhận chuyển giao công nghệ 2 vắc xin khác từ Mỹ và Nhật.

Trong số này, vắc xin do Vingroup nhận chuyển giao công nghệ từ Công ty Acturus, Hoa Kỳ, dự kiến thử nghiệm lâm sàng trên người từ tháng 8-2021. Sau khi hoàn thành thử nghiệm sẽ triển khai sản xuất tại nhà máy ở Hòa Lạc, thành phẩm sẽ có mặt trên thị trường dự kiến vào năm 2022.

Bộ Y tế cho biết nhà máy có công suất 100 – 200 triệu liều vắc xin/năm, vắc xin sản xuất bằng công nghệ mRNA. Đây là công nghệ tương tự việc sản xuất vắc xin Pfizer và cũng là vắc xin dạng đông khô giống Pfizer, nhưng nhiệt độ bảo quản 2-8 độ C, khác với Pfizer bảo quản ở nhiệt độ âm sâu (âm 75 đến âm 85 độ C).

Related posts