Phụng Minh
Sáng kiến của Hoa Kỳ về một hiệp định thương mại kỹ thuật số nhằm thắt chặt mối quan hệ với các nền kinh tế châu Á, hiện đang đối mặt với một kết quả không chắc chắn khi một số quốc gia trong khu vực lo ngại sáng kiến này sẽ kích động một sự đối đầu với Trung Quốc, quốc gia vốn coi thỏa thuận này là một nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm lôi kéo các thành viên chống lại Bắc Kinh, trang Nikkei cho hay.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ám chỉ sáng kiến này của chính quyền ông Biden trong hội nghị thượng đỉnh khu vực vào tháng trước.
Các quốc gia nên “làm việc vì một môi trường kinh doanh kỹ thuật số cởi mở, công bằng và không phân biệt đối xử”, ông Tập nói trong một bài phát biểu được ghi âm trước tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của các nhà lãnh đạo từ Khối Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương gồm 21 thành viên vào ngày 16/7. Ông nói, đối đầu và chia rẽ sẽ chỉ dẫn đến ngõ cụt.
Đề xuất của Washington bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia từ Châu Đại Dương và Đông Nam Á tham gia trong một hiệp ước nhằm bảo đảm trao đổi thông tin kỹ thuật số tự do. Điều đáng chú ý là Trung Quốc không nằm trong danh sách.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên ngày 13/7 gọi ý tưởng này là một “âm mưu nhằm chống lại Trung Quốc, ngăn cản sự phát triển của TQ và cản trở sự phát triển chung của các nước trong khu vực.” Ông Triệu nói rằng một kế hoạch như vậy “chắc chắn sẽ thất bại.”
Một số người đã mong đợi Tổng thống Mỹ Joe Biden giải thích ý tưởng này tại hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo APEC ngày 16/07, nhưng ông đã không đề cập đến nội dung này.
Mục tiêu kinh tế của sáng kiến này là phát triển các quy tắc cho lĩnh vực kỹ thuật số bao gồm các lĩnh vực như luồng dữ liệu xuyên biên giới, bảo vệ quyền riêng tư và sử dụng trí tuệ nhân tạo. Thỏa thuận sẽ tạo ra nền tảng cho một không gian kỹ thuật số cho phép các công ty hoạt động trơn tru hơn.
Ngoài ra, sáng kiến này còn có tác dụng tập hợp các quốc gia cùng chí hướng đứng lên chống lại chế độ Bắc Kinh. Một thỏa thuận về tự do thương mại kỹ thuật số đương nhiên sẽ khiến Trung Quốc bị cô lập, nơi mà nhà nước kiểm soát gắt gao dữ liệu người dùng và hoạt động của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Washington có thể đưa các quốc gia khác vào hiệp định ở mức độ nào thì vẫn còn phải quan sát. Những người theo chân Mỹ nên lường trước sức ép từ Trung Quốc.
Một quan chức thương mại Nhật Bản cho biết: “Nhật Bản và Australia sẽ tích cực hỗ trợ, nhưng Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á có thể sẽ giữ thái độ quan sát”.