Hải quân Hoa Kỳ có một động thái rất hiếm hoi, răn đe mạnh Trung Quốc

Phụng Minh

Tàu tấn công hạt nhân dòng Seawolf của Mỹ (ảnh: Youtube/US Military News).

Kênh Forbes báo cáo rằng 3 tàu ngầm hạt nhân mạnh nhất của hải quân Mỹ đã cùng được triển khai tới Thái Bình Dương trong tháng bảy. Đây là một động thái hiếm có và mang nhiều ý nghĩa răn đe đối với Trung Quốc.

Forbes cho hay, tất cả tàu tấn công hạt nhân dòng Seawolf đang được triển khai ở Thái Bình Dương. Sự gia tăng Seawolf có ý nghĩa nghiêm trọng đối với chiến lược hải quân của Mỹ khi Trung Quốc cũng đang phát triển nhanh hạm đội của mình.

Forbes viết rằng: “Một chiếc Seawolf ở sân sau của bạn là một tin xấu cho kế hoạch chiến tranh. Ba chiếc là quá khó để có thể chống lại”.

USS Seawolf , USS Connecticut và USS Jimmy Carter đều xuất phát từ Bremerton, Washington. Đây là những loại tàu lớn nhất, nhanh nhất và được trang bị mạnh nhất trong số khoảng 50 tàu ngầm tấn công của hạm đội Hoa Kỳ.

Theo The National Interest, Hải quân Mỹ không muốn đề cập về các tàu ngầm của mình. Trong số khoảng 70 tàu ngầm của Mỹ, Seawolf cùng các tàu Connecticut và Jimmy Carter là một trong những tàu chiến bí ẩn nhất của Hải quân nước này.

Khi tìm kiếm trên Google về các tàu ngầm lớp Los Angeles của Hải quân Mỹ, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp những thông tin về chúng. Tuy nhiên, với các tàu lớp Seawolf, lượng thông tin thu thập được khi tìm kiếm là vô cùng ít ỏi.

Theo The National Interest, mỗi tàu Seawolf có giá trị lên đến gần 3 tỉ USD, trong đó hàng trăm triệu USD là dành cho các thiết bị “độc nhất vô nhị”. Hoạt động của tàu Seawolf là vô cùng bí mật, đến mức vợ của một thủy thủ trên tàu mô tả hành tung của chúng là “không thể đoán trước”. Nhiệm vụ thông thường của các tàu ngầm chủ yếu là thu thập thông tin tình báo, phóng tên lửa tấn công khủng bố,… song với Seawolf, không ai biết nhiệm vụ của chúng là gì.

Mỗi chiếc Seawolf với 50 ngư lôi và tên lửa có đủ hỏa lực để đánh chìm một đoàn tàu vận tải hoặc nhóm tàu ​​sân bay của đối phương. Tàu Jimmy Carter bí mật cũng tự hào có phần mở rộng thân tàu dài 100 feet cho phép nó có khả năng gián điệp và hoạt động đặc biệt.

Vào tháng 8 năm nay, một trong số chúng đã xuất hiện tại cảng Hải quân Yokosuka ở Nhật Bản, điều này cho thấy tàu ngầm hạt nhân dòng Seawolf đã tiến vào Biển Đông và Tây Thái Bình Dương để thực hiện nhiệm vụ.

Thông thường, các tàu trong một dòng cụ thể sẽ thay phiên nhau làm nhiệm vụ. Vì tất cả đều phụ thuộc vào cùng một cơ sở hạ tầng hậu cần và đào tạo, nên việc chia một dòng nhất định thành ba phần là bền vững nhất. Một phần ba đi tuần tra. Một phần ba ở lại đào tạo. Một phần ba được bảo trì. Mô hình đó giải thích tại sao Hải quân Hoa Kỳ sở hữu khoảng 300 tàu tiền tuyến nhưng chỉ triển khai một trăm chiếc cùng một lúc.

Nhưng lý tưởng nhất là các chỉ huy hạm đội có thể tăng cường cả một dòng tàu trong thời kỳ khủng hoảng chứ không chỉ 1/3. Để có cơ hội đánh bại hàng trăm tàu ​​chiến của Trung Quốc, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ chắc chắn sẽ phải gửi nhiều tàu hơn số thông thường của mình.

Việc triển khai rất khó, vì nó đòi hỏi sự đồng bộ của nhiều nguồn lực. Vì vậy, đó là một thành công và sự thị uy lớn khi một hạm đội chứng minh rằng họ có thể làm được và Hoa Kỳ đã đang chứng minh điều đó. Và sức đe dọa sẽ còn lớn hơn nữa khi các tàu được triển khai là một trong những tàu mạnh nhất trong bất kỳ lực lượng hải quân nào trên thế giới hiện nay.

Related posts