Trung Quốc sẽ không thể thực thi Luật An toàn Giao thông Hàng hải trên Biển Đông

Trần Vạn Giã (RFA)

Trung Quốc ban hành luật hàng hải mới

Trung Quốc mới đây đã đưa ra luật hàng hải mới, theo đó yêu cầu các tàu thuyền chở những loại hàng hóa nhất định phải cung cấp thông tin chi tiết cho giới chức nước này khi đi qua vùng biển mà Bắc Kinh gọi là những “vùng lãnh hải” của họ. Động thái này vẫn thuộc kiểu hành động “kinh điển” của Trung Quốc là muốn “làm luật” ở những vùng biển quốc tế, nơi nước này có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với các nước Đông Nam Á khác.

Đầu năm 1992, Trung Quốc cũng ban hành luật yêu cầu tàu quân sự nước ngoài cần có giấy phép do Trung Quốc cấp mới được đi qua “vùng lãnh hải” của Trung Quốc, tàu ngầm khi đi qua “vùng lãnh hải” đó cần phải nổi trên mặt nước, còn tàu thuyền chở vật liệu độc hại cần phải có những giấy tờ theo yêu cầu. Tháng 1/2021, Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh mới và đến tháng 4/2021, Trung Quốc thông qua Luật An toàn Giao thông Hàng hải. Giờ đây, theo Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc), các tàu thuyền nước ngoài – bao gồm tàu lặn và tàu hạt nhân, tàu chở nguyên vật liệu phóng xạ, dầu, chất hóa học, khí thiên nhiên hóa lỏng và các chất độc hại khác – “đều phải cung cấp thông tin chi tiết khi đi qua cái mà Trung Quốc gọi là ‘vùng lãnh hải’ của nước này”. Bắc Kinh ngày càng mập mờ trong động thái của mình. Tương ứng với đó là tương lai của tranh chấp biển Đông ngày càng khó đoán định.

Một số chuyên gia nhận định Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi mà Trung Quốc vừa công bố khó có thể thực thi và những nước có tranh chấp hoặc thách thức yêu sách của Trung Quốc trên biển nhiều khả năng bất chấp quy định này như đã từng phản ứng với Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Bắc Kinh tuyên bố trên Biển Hoa Đông. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, động thái lần này của Trung Quốc nguy hiểm hơn nhiều so với việc họ tuyên bố ADIZ ở Biển Hoa Đông.

ADIZ gần như không thực thi được ở Biển Hoa Đông

Năm 2013, Trung Quốc công bố ADIZ ở Biển Hoa Đông, khẳng định rằng máy bay nước ngoài, ngay cả trong không phận quốc tế, phải thông báo với nhà chức trách Trung Quốc. ADIZ là vùng trời do một quốc gia tự ấn định và đòi hỏi mọi máy bay dân sự xâm nhập vùng này phải nhận dạng và chịu sự kiểm soát của quốc gia đó. Tuy nhiên, ADIZ không được quy định rõ bởi bất kỳ hiệp ước quốc tế nào và không được coi là một không phận lãnh thổ quốc gia. Vì vậy, việc bắn hạ máy bay xâm nhập ADIZ là hành động bất hợp pháp và vô nhân đạo, chưa kể trên các máy bay luôn có những thiết bị định vị, nên nếu một máy bay bị bắn hạ, không khó để xác định vị trí máy bay bị bắn hạ có thuộc không phận của quốc gia thực hiện hành động bắn hạ máy bay hay không. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc bắn hạ một máy bay bị nước này cho là xâm nhập ADIZ của họ, đặc biệt là máy bay dân sự, sẽ gây hậu quả thảm khốc về người và của, đồng thời sẽ vấp phải sự chỉ trích kịch liệt của cộng đồng quốc tế, thậm chí còn có thể dẫn đến hành động quân sự đáp trả của quốc gia có máy bay bị bắn hạ. Chính vì vậy, đến giờ Trung Quốc vẫn gần như chưa làm được gì trong việc thực thi ADIZ ở Biển Hoa Đông.

Nguy cơ Trung Quốc bắn chìm tàu dân sự ở Biển Đông

Tuy nhiên, khác với việc nổ súng vào máy bay dân sự trên bầu trời, việc nổ súng vào một con tàu bị Trung Quốc cho là xâm phạm lãnh hải của nước này lại là điều hoàn toàn khác. Hồi đầu năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Luật Hải cảnh, chính thức có hiệu lực từ tháng 2/2021. Đạo luật nguy hiểm này đã trao cho lực lượng Hải cảnh Trung Quốc quyền nổ súng vào tàu thuyền của các nước khác trong một số trường hợp ở khu vực mà Bắc Kinh có yêu sách chủ quyền, một động thái vấp phải sự chỉ trích dữ dội của cộng đồng quốc tế.

Trong quá khứ, đã có nhiều tàu cá Việt Nam bị các tàu chấp pháp của Trung Quốc nổ súng, gây nhiều thiệt hại về người và của. Vì vậy, có thể thấy nhiều khả năng tàu dân sự của các nước bao gồm Việt Nam, đặc biệt là những tàu đánh cá nếu không tuân thủ yêu cầu của Trung Quốc về việc khai báo thông tin khi đi vào những vùng biển mà nước này trắng trợn yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, sẽ trở thành mục tiêu để các tàu Hải cảnh Trung Quốc đe dọa sử dụng vũ lực hoặc thậm chí nổ súng cảnh cáo, hay nghiêm trọng hơn là bắn chìm. Trong khi đó, một số tàu cá Việt Nam thường tắt các thiết bị giám sát hành trình khi đánh bắt trên biển. Nếu những tàu cá này đánh bắt ở các vùng biển mà Trung Quốc đang yêu sách chủ quyền sẽ rất dễ trở thành mục tiêu nổ súng bắn chìm.

So với việc bắn hạ một máy bay dân sự trên bầu trời trong ADIZ mà Trung Quốc tuyên bố thiết lập trên Biển Hoa Đông, thì việc nổ súng bắn chìm một tàu dân sự ở những vùng biển như Biển Hoa Đông hay Biển Đông, sẽ ít gây ra rủi ro hơn, bởi vì thiệt hại về người khi một máy bay dân sự bị bắn hạ là điều không thể kiểm soát được, trong khi lực lượng Hải cảnh hoàn toàn có thể hạn chế thiệt hại về người trong trường hợp họ nổ súng vào một tàu dân sự trên biển. Chính vì vậy, lực lượng Hải cảnh sẽ không e dè khi nổ súng vào một tàu dân sự ở những vùng biển mà Trung Quốc đã ngang ngược biến thành “ao nhà” của họ.

Chiến lược “tằm ăn dâu trên biển”

Có thể thấy, việc Trung Quốc yêu cầu tàu thuyền nước ngoài phải khai báo thông tin khi đi vào “các vùng biển của Trung Quốc” là một ví dụ khác về âm mưu leo thang dần dần của Trung Quốc đối với quyền tài phán trên biển, đặc biệt là khu vực Biển Đông. Động thái này nằm trong chiến lược “tằm ăn dâu trên biển” của Trung Quốc, theo đó Bắc Kinh duy trì liên tục những hành động nhỏ, không đủ để tạo ra một biến cố gây ra chiến tranh, nhưng theo thời gian biến các vùng biển không có tranh chấp thành có tranh chấp, và biến các vùng biển có tranh chấp thành cái gọi là “lãnh hải của Trung Quốc”.

Chiến thuật này dần dẫn đến những sự chuyển hóa chiến lược có lợi cho Bắc Kinh. Bằng các biện pháp xâm lược âm thầm theo chiến lược “tằm ăn dâu trên biển” như vậy, Trung Quốc âm mưu hạn chế đáng kể lựa chọn của các nước đối thủ tranh chấp gây nhiễu loạn những kế hoạch ngăn chặn của Bắc Kinh và khiến họ khó triển khai hành động đáp trả một cách thích hợp hoặc hiệu quả.

Hầu hết các chuyên gia về Biển Đông đều cho rằng yêu cầu mới của Trung Quốc chắc chắn sẽ vấp phải thách thức và khó khăn lớn từ những nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông và những nước có quyền lợi liên quan ở vùng biển này, bao gồm các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu. Những nước này sẽ không tuân theo quy định của Trung Quốc, bởi họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả lớn nếu để Trung Quốc biến Biển Đông thành “ao nhà”. Tuy nhiên, yêu cầu mới của Trung Quốc thực sự là một thách lớn đối với những nước có tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, như Việt Nam. Bởi vì các tàu thuyền của Việt Nam nếu tuân thủ yêu cầu của Trung Quốc ở những vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc tham lam tranh chấp thì sẽ vô hình chung chấp nhận quyền kiểm soát trên thực tế của Trung Quốc ở vùng biển đó, còn trong trường hợp không chấp nhận, các tàu thuyền Việt Nam rất dễ trở thành mục tiêu tấn công của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc.

Related posts