Đài Bắc: Trung Quốc có khả năng làm tê liệt hệ thống quốc phòng Đài Loan

Thùy Dương

Binh sĩ Đài Loan tập trận tại huyện Tân Trúc (Hsinchu) ngày 19/01/2021, dùng xe tăng, súng cối chống lại cuộc tấn công giả định của quân Trung Quốc. AP – Chiang Ying-ying

Chỉ vài ngày sau khi Taliban chiếm quyền kiểm soát Afghanistan, ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp ngày 21/08/2021 nhận định Trung Quốc có ý định « bắt chước » lực lượng Taliban nhưng Đài Bắc « có ý chí và phương tiện để phòng vệ ». Thế nhưng, bộ Quốc Phòng Đài Loan ngày 01/09 tiết lộ Trung Quốc hiện giờ có khả năng làm « tê liệt » các cơ sở, trang thiết bị quốc phòng của Đài Loan và có khả năng liên tục theo dõi, giám sát các chuyển động của quân đội Đài Loan.

Trên trang mạng châu Á The Asialyst ngày 03/09, chuyên gia về Trung Quốc, Pierre-Antoine Donnet, nhận định đó là một sự thừa nhận chưa từng có từ chính phủ Đài Loan, theo đó một cuộc xâm lược của Trung Quốc có nhiều nguy cơ xảy ra hơn bao giờ hết. RFI tổng hợp hai bài phân tích của tác giả Donnet đăng trên trang mạng The Asialyst : « Theo Đài Bắc, Trung Quốc có khả năng làm tê liệt quốc phòng Đài Loan »« Khi Bắc Kinh xích lại gần Taliban, Washington và Đài Bắc thắt chặt các mối liên hệ ».

Những hình ảnh một chiến đấu cơ phòng thủ nội địa (IDF) do Đài Loan chế tạo đã cho thấy quá trình Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tập trận mô phỏng cuộc xâm lược ở vùng Bình Đông (Pingtung), cực nam Đài Loan. Thông tin này nằm trong báo cáo thường niên bộ Quốc Phòng Đài Loan trình lên Quốc Hội và được hãng tin Anh Reuters trích dẫn. Báo cáo cho thấy tình hình nghiêm trọng hơn nhiều so với tình hình mà bộ Quốc Phòng Đài Loan đưa ra trong báo cáo năm 2020. Theo báo cáo năm ngoái, Trung Quốc còn xa mới có khả năng triển khai một cuộc xâm lược Đài Loan.

Trái lại, báo cáo quốc phòng năm nay giải thích Trung Quốc hiện đang khởi động một cuộc tấn công về điện tử trên nhiều phương diện, bao gồm cả việc phong tỏa toàn bộ thông tin liên lạc trên phần lớn lãnh thổ Đài Loan. Báo cáo của bộ Quốc Phòng Đài Loan cảnh báo là giờ đây, Bắc Kinh có thể kết hợp các hoạt động kỹ thuật số của quân đội Trung Quốc mà hậu quả ban đầu sẽ là làm tê liệt hệ thống phòng không, các trung tâm chỉ huy trên biển cũng như khả năng phản công của Đài Loan và những điều đó tạo nên một mối đe dọa vô cùng lớn đối với Đài Bắc.

Cuộc tấn công tiềm ẩn của gián điệp Trung Quốc

Báo cáo cho biết thêm các lực lượng quân sự của Trung Quốc đã cải thiện đáng kể năng lực trinh sát thực địa với việc sử dụng hệ thống định vị vệ tinh Beidou (Bắc Đẩu) của Trung Quốc, hệ thống được triển khai trong không gian từ năm 2020 và nay là một giải pháp thay thế cho hệ thống GPS của Mỹ. Với những khả năng quân sự mới kể trên của Trung Quốc, Bắc Kinh hiện giờ có thể giám sát mọi chuyển động xung quanh Đài Loan và tạo điều kiện thuận lợi cho quân đội Trung Quốc sử dụng máy bay trinh thám, máy bay không người lái và các con tàu được trang bị để thực hiện các hoạt động do thám.

Tuy nhiên, báo cáo của bộ Quốc Phòng Đài Loan cũng cho biết thêm là Trung Quốc vẫn chưa phải là đã sẵn sàng để có thể tiến hành một cuộc xâm lược quy mô lớn nhắm vào hòn đảo bởi lẽ Bắc Kinh vẫn thiếu khả năng vận chuyển cũng như về phương diện hậu cần. Thế nhưng, quân đội Trung Quốc hiện giờ cũng đang nỗ lực để củng cố và cải thiện năng lực trong lĩnh vực nói trên.

Quân đội Trung Quốc cũng sở hữu những loại tên lửa với độ chính xác « không gì sánh bằng », có thể tấn công bất cứ nơi nào trên đảo và cũng có thể làm « tê liệt » các trung tâm chỉ huy của Đài Bắc cũng như các cơ sở quân sự phục vụ cho các hoạt động trên không, trên biển và trên bộ của Đài Loan.

Cũng theo báo cáo, các điệp viên Trung Quốc hoạt động trên đất Đài Loan có khả năng phát động « một cuộc tấn công nhằm mục đích tiêu diệt các cơ quan đầu não » về cơ sở hạ tầng chính trị và kinh tế của Đài Loan. Theo bộ Quốc Phòng Đài loan, nghiêm trọng hơn nữa là cùng với việc triển khai các tên lửa tầm trung và tầm xa cũng như hoạt động của các tàu sân bay, Trung Quốc « cố gắng tạo cho mình khả năng trì hoãn bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài » trong trường hợp Bắc Kinh xâm lược hòn đảo.

Cuộc xâm lược quân sự của Trung Quốc là khó tránh ?
Chưa bao giờ chính phủ Đài Loan lại lên tiếng báo động tình hình nghiêm trọng đến như vậy. Mối lo về khả năng phòng vệ chống sự xâm lăng của Trung Quốc đang phủ bóng tối lên Đài Loan. Lời thừa nhận của bộ Quốc Phòng Đài Loan dường như chủ yếu là thông điệp hướng tới Hoa Kỳ, bởi theo đạo luật được Quốc Hội Mỹ thông qua vào đầu năm 1979, Washington cam kết cung cấp vũ khí cho Đài Loan với số lượng đủ để đảm bảo quốc phòng cho hòn đảo chống lại mọi cuộc tấn công từ bên ngoài. Đạo luật Quan hệ Đài Loan (Đạo luật Taiwan Relations Act) được thông qua cùng lúc với việc Mỹ công nhận Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa Washington và Đài Bắc.

Tuy nhiên, sau khi thông qua luật này, Washington thận trọng tạo một khoảng trống cho sự nghi ngờ : liệu các lực lượng vũ trang của Mỹ có sự can thiệp trực tiếp cùng với Đài Loan trong trường hợp hòn đảo bị xâm lược hay không ? Đó là một « chính sách mơ hồ chiến lược » mà Washington chưa không bao giờ muốn từ bỏ.

Vẫn theo chuyên gia Pierre-Antoine Donnet trên trạng Asialyst ngày 28/08, khi Trung Quốc khẳng định Mỹ cũng sẽ bỏ rơi Đài Loan như đã làm với Afghanistan, tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh nếu Bắc Kinh tấn công Đài Loan, Washington sẽ đáp trả. Không viện dẫn Đạo luật Quan hệ Đài Loan, tổng thống Mỹ hôm 18/08 viện dẫn điều khoản số 5 của Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Dương NATO về việc hỗ trợ lẫn nhau nếu một thành viên NATO bị tấn công. Tổng thống Mỹ khẳng định điều này cũng được áp dụng nếu các đồng minh của NATO bị tấn công, kể cả đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Mỹ đã có hiệp ước phòng thủ với Nhật và Hàn Quốc, nhưng đây là lần đầu tiên nguyên thủ Mỹ nhắc tới Đài Loan về vấn đề này.

Chuyên gia Pierre-Antoine Donnet đặt câu hỏi liệu có phải Biden muốn đánh tín hiệu về sự thay đổi cơ bản trong chính sách của Mỹ với Đài Loan. Thế nhưng, chỉ hai ngày sau phát biểu của tổng thống Mỹ, một quan chức cấp cao trong chính quyền Biden lại lưu ý là không nên suy diễn từ những phát biểu nói trên của tổng thống là Washington có sự thay đổi trong chính sách với Đài Loan. Quan chức này tuyên bố : « Chính sách của Mỹ về chủ đề này vẫn không thay đổi » và ngụ ý ông Biden diễn đạt không rõ nghĩa. Đài Bắc sau đó cám ơn tổng thống Mỹ Biden nhưng khẳng định Đài Loan cần cảnh giác trong trường hợp đó là do nguyên thủ Mỹ diễn đạt không đúng ý.

Đài Loan – Nhật Bản xích lại gần nhau
Liên quan tới Nhật Bản, mối đe dọa về một cuộc xâm lược của Trung Quốc đã đưa Nhật Bản và Đài Loan xích lại gần nhau hơn. Ví dụ minh họa mới nhất là nhận xét của bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Kishi Nobuo trong ngày 12/08, theo đó « sự ổn định quân sự » trong khu vực có tầm quan trọng sống còn không chỉ đối với Nhật Bản mà còn đối với toàn thế giới.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Úc The Sydney Morning Herald vào tháng trước, bộ trưởng Quốc Phòng Kishi Nobuo, anh trai của cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, cho biết khoảng cách quân sự giữa Đài Loan và Trung Quốc ngày càng « tăng sau mỗi năm ». Theo ông, trong trường hợp xảy ra sự đối đầu giữa Đài Loan và Trung Quốc, tình hình sẽ « xấu đi vô cùng nhiều » cho Đài Bắc và theo hướng « có lợi cho Bắc Kinh ».

Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản cho biết thêm là từ vài năm nay Trung Quốc đã nỗ lực để thay đổi cán cân sức mạnh quân sự ở châu Á theo hướng có lợi cho Bắc Kinh. Do đó, Úc và các nước đồng minh khác phải làm mọi cách để bảo đảm là sự thống trị quân sự của Trung Quốc trong khu vực không trở thành điều tất yếu.

Related posts