Tin thế giới sáng thứ Sáu

Hàng chục người trong đoàn tùy tùng của Putin bị nhiễm coronavirus

Nguyên Hương

Hàng chục người trong đoàn tùy tùng của Putin bị nhiễm coronavirus

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, hàng chục nhân viên tùy tùng của ông bị nhiễm coronavirus và ông sẽ tiếp tục tự cách ly.

Theo tin từ AP,  vào đầu tuần này, Điện Kremlin thông báo rằng ông Putin sẽ tự cách ly sau khi một người trong đoàn tùy tùng của ông bị nhiễm COVID-19. Ông Putin đã xét nghiệm âm tính với virus, cũng đã tiêm phòng đầy đủ với Sputnik V.

“Các trường hợp nhiễm coronavirus đã được xác định trong môi trường sống của tôi, và đây không phải là một, không phải hai mà là vài chục người. Bây giờ chúng tôi phải tuân thủ chế độ tự cách ly trong vài ngày”, ông nói qua đường dẫn video tới hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức An ninh Hiệp ước Tập thể do Nga dẫn đầu.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng những người bị lây nhiễm “chủ yếu là những người trong đoàn tùy tùng có trách nhiệm đảm bảo an ninh cho công việc và hoạt động của nguyên thủ quốc gia”. Ông cho biết, không có trường hợp nào là nghiêm trọng.

Reuters đưa tin, ông Putin, 68 tuổi buộc phải hủy chuyến kế hoạch ​​tới Tajikistan trong tuần này để tham dự các cuộc họp an ninh khu vực, dự kiến ​​tập trung vào Afghanistan. Thay vào đó, ông Putin sẽ tham gia hội nghị trực tuyến qua video.

Điện Kremlin đã có một chế độ nghiêm ngặt được thiết kế để giữ cho ông Putin, người sẽ bước sang tuổi 69 vào tháng tới, khỏe mạnh và tránh xa bất kỳ ai mắc bệnh COVID-19.

Các vị khách đến thăm Điện Kremlin phải đi qua các đường hầm khử trùng đặc biệt, các nhà báo tham dự sự kiện của ông phải trải qua nhiều cuộc xét nghiệm COVID và một số người ông gặp được yêu cầu cách ly trước và làm xét nghiệm.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết tốc độ làm việc của Putin sẽ không bị ảnh hưởng.

“Nhưng đó chỉ là các cuộc gặp trực tiếp sẽ không diễn ra trong một thời gian. Nhưng điều đó không ảnh hưởng đến tần suất của họ và tổng thống sẽ tiếp tục hoạt động của mình thông qua hội nghị video”.

Các nhà lãnh đạo thế giới khác, bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson, cũng đã buộc phải tự cách ly trong đại dịch.

Mặc dù Nga là quốc gia đầu tiên triển khai tiêm vaccine coronavirus, nhưng chưa đến 30% dân số quốc gia này được tiêm chủng đầy đủ.

Lực lượng đặc nhiệm chống virus coronavirus Liên bang Nga cho biết, khoảng 7,2 triệu ca nhiễm COVID-19 đã được ghi nhận tại quốc gia 145 triệu dân này, với 195.835 trường hợp tử vong, theo AP.

Thứ Hai ngày 13/9, sau khi tiếp Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Điện Kremlin, Putin đã quyết định tự cách ly.

Ấn Độ-Thái Bình Dương: Mỹ thành lập liên minh chiến lược mới chống Trung Quốc

Thanh Hà

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd J. Austin ( thứ hai, bên trái), trong một chuyến thăm Bộ Tư Lệnh Hoa Kỳ vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, ngày 30 tháng 4 năm 2021 tại căn cứ Trân Châu Cảng, Hickam phía tây Honolulu. (Ảnh minh họa) AP – Cindy Ellen Russell

Trung Quốc trong tầm ngắm của liên minh an ninh mới vừa được Hoa Kỳ, Úc và Anh Quốc thành lập hôm 15/09/2021. Trong cuộc họp qua cầu truyền hình, lãnh đạo ba bên thông báo liên minh AUKUS tăng cường an ninh trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tránh trực tiếp nêu đích danh Trung Quốc, tổng thống Biden nhấn mạnh thỏa thuận « lịch sử » này cho phép các bên « đối phó tốt hơn trước những mối đe dọa hiện tại và tương lai ».

Theo hãng tin Anh Reuters, AUKUS cho phép Anh, Mỹ và Úc chia sẻ những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực phòng thủ, quốc phòng, kể cả trong lĩnh vực công nghệ đóng tàu ngầm hạt nhân và chế tạo tên lửa. Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng cùng với thủ tướng Anh và Úc qua cầu truyền hình, tổng thống Mỹ, Joe Biden giải thích Washington sẽ cùng với Canberra và Luân Đôn « tăng cường khả năng của mỗi bên » về công nghệ quốc phòng. Theo lời một quan chức tại Washington, hiệp định AUKUS còn bao hàm cả các lĩnh vực « từ trí thông minh nhân tạo đến an ninh mạng ».

Về phần thủ tướng Úc, ông Scott Morrison nhấn mạnh đây là đối tác giữa ba quốc gia tôn trọng những giá trị « tự do và luật pháp » góp phần bảo đảm an ninh khu vực trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Giới quan sát cho rằng lời lẽ này trực tiếp nhắm vào Trung Quốc. Tuy nhiên mục tiêu mà Canberra đang nhắm tới là là hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực công nghệ đóng tàu ngầm sử dụng năng lượng nguyên tử. Sau quyết định hợp tác với Hoa Kỳ, Úc đã hủy hợp đồng mua tàu ngầm quy ước với Pháp, trị giá gần 90 tỷ đô la Úc (60 tỷ đô la Mỹ).

Cũng trong cuộc họp qua cầu truyền hình hôm qua với hai lãnh đạo Anh và Mỹ, thủ tướng Úc thông báo mua tên lửa Tomahawk của Mỹ.

Về phần thủ tướng Anh, Boris Johnson nhìn nhận AUKUS là một thỏa thuận « gắn kết ba quốc gia liên quan đến nhiều thế hệ ». Kể từ sau thỏa thuận duy nhất ký với Anh Quốc năm 1958, Hoa Kỳ chưa ký thỏa thuận chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân nào với nước khác.

Hợp tác về an ninh giữa Anh, Úc và Mỹ mặc nhiên đẩy Pháp ra ngoài khu vực. Thủ tướng Úc không đả động đến việc hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp. Riêng Hoa Kỳ xoa dịu Paris với tuyên bố vẫn muốn « làm việc chặt chẽ » với Pháp, « đồng minh then chốt » của Washington trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Không chắc phủ tổng thống Pháp hài lòng với những lời lẽ khéo léo này của chủ nhân Nhà Trắng. Trên đài RFI sáng nay, bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly đánh giá việc Úc hủy hợp đồng quân sự với Pháp là một quyết định « nghiêm trọng về phương diện địa chính trị và chính trị quốc tế ». Qua việc này, Paris thấy rõ cách « cư xử của Mỹ với cách đồng minh ».

Tuy nhiên mọi chú ý hướng về phía Bắc Kinh : Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên sáng nay tuyên bố AUKUS « đe dọa ổn định và hòa bình của khu vực » đồng thời đẩy châu Á vào một cuộc « chạy đua vũ trang ». Vẫn theo quan điểm của Bắc Kinh, việc ba nước Anh, Mỹ và Úc tăng cường khả năng phòng thủ, trang bị tàu ngầm nguyên tử là một động thái « vô trách nhiệm ».

Trung Quốc cấm cửa tàu chiến Đức

Thanh Hà

Khu trục hạm Bayern của Hải Quân Đức. Ảnh chụp năm 1975. © wikipedia

Căng thẳng giữa Bắc Kinh với Berlin có nguy cơ bùng lên sau tiết lộ Trung Quốc từ chối cho tàu chiến của Đức ghé cảng Thượng Hải. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Đức hôm 15/09/2021 cho biết như trên. Bộ Quốc Phòng Trung Quốc không bình luận về thông tin này.

Họp báo tại Berlin, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Đức mà Maria Adebahr cho biết tàu khu trục Bayern đã rời cảng Wilhelmshaven hôm 02/08/2021, trực chỉ khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương trong khuôn khổ một chiến dịch bảo vệ tự do an ninh hàng hải kéo dài trong sáu tháng. Berlin tăng cường hiện diện trong khu vực, đi qua Biển Đông, nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với nhiều quốc gia trong vùng. Tàu chiến của Đức yêu cầu được quá cảnh ở Thượng Hải, nhưng đã bị Bắc Kinh từ chối sau một thời gian « suy nghĩ ».

Trước khi tàu của Đức khởi hành, bộ trưởng Quốc Phòng Annegret Kramp Karrenbauer đã nhấn mạnh đây là động thái nhằm « hỗ trợ các đồng minh » của Berlin trong mục đích bảo vệ tự do hàng hải, « bốn đối tác của Đức đang có mặt trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương. Thực tế cho thấy là trong tương lai vùng biển này sẽ không còn được mở rộng và an toàn, một số những đòi hỏi về chủ quyền muốn đặt mọi người trước chuyện đã rồi ».

Tuy nhiên Berlin tránh nêu đích danh Trung Quốc và khẳng định việc điều tàu khu trục Bayern sang Ấn Độ-Thái Bình Dương « không nhắm vào một quốc gia nào ». Đức luôn mở rộng các hải cảng đón tàu Trung Quốc nhằm « duy trì đối thoại ».  

Trả lời báo chí sáng nay 16/09/2021 khi được hỏi về sự cố ngoại giao lần này với Đức, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã đưa ra những phát biểu chung chung kêu gọi các quốc gia ngoài khu vực đóng một « vai trò xây dựng và tôn trọng những nỗ lực của các bên liên quan nhằm duy trì ổn định và hòa bình ». Riêng bộ Quốc Phòng Trung Quốc từ chối bình luận về tin này với Reuters.


Bắc Triều Tiên xác nhận bắn tên lửa đạn đạo từ tàu lửa

Anh Vũ

Ảnh do hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA cung cấp ngày 16/09/2021 cho thấy một tên lửa được phóng từ một đoàn tàu hỏa vào ngày 15/09/2021 tại một địa điểm không được tiết lộ trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng khẳng định đã thành công trong việc phóng tên lửa đạn đạo lần đầu tiên từ một đoàn tàu, một ngày sau khi hai miền Triều Tiên đều thử nghiệm tên lửa cách nhau vài tiếng đồng hồ. AP

Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, Bắc Triều Tiên ngày 16/09/2021 thông báo: Vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn một hôm trước (15/09) được tiến hành từ một đơn vị tên lửa đường sắt  và tên lửa được bắn lên từ một đoàn tàu hỏa.

Yonhap dẫn hãng tin chính thức Bắc Triều Tiên KCNA cho biết: “Một trung đoàn tên lửa đường sắt đã tham gia vào bài tập đánh vào mục tiêu ở cách 800 km, sau khi đơn vị được di chuyển về hướng vùng núi miền trung vào sáng sớm ngày 15/09″.

KCNA còn nói rõ miền Bắc đã bắn trúng mục tiêu trên vùng biển phía Đông. Trên các ảnh do hãng tin Bắc Triều Tiên phổ biến thấy các tên lửa đã được phóng đi từ một đoàn tàu lửa chứ không phải trên một bệ phóng riêng.

Những vụ bắn thử được thực hiện để khẳng định “tính linh hoạt dễ điều khiển của hệ thống tên lửa đường sắt được đưa vào hoạt động lần đầu tiên”. Vụ thử cũng nhằm đánh giá tình hình sẵn sàng chiến đấu để có thể “làm chủ tình hình trong trường hợp có chiến tranh”, truyền thông Bắc Triều Tiên bình luận.

KCNA còn cho biết thêm, vụ bắn thử tên lửa này do ông Park Jong Chon, ủy viên Bộ Chính Trị đảng Lao Động chỉ đạo cùng các sĩ quan cao cấp. Lãnh đạo Kim Jong Un không tham dự vào vụ bắn thử.

Ông Park cho biết việc triển khai hệ thống tên lửa đường sắt, theo chủ trương hiện đại hóa quân đội đề ra trong Đại Hội Đảng lần thứ 8, mang ý nghĩa lớn để nâng cao khả năng răn đe chiến tranh của đất nước.  

Các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cấm Bắc Tiều Tiên bắn các loại tên lửa đạn đạo. Vụ bắn hôm 15/09 là vụ thử thứ 2 tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên trong năm nay và nếu tính các các tên lửa hành trình thì đây là vụ thứ 5.

Du lịch không gian với SpaceX

Thanh Hà

Từ phải sang trái: Hayley Arceneaux, Jared Isaacman, Sian Proctor and Christopher Sembroski, bốn du khách đầu tiên thám hiểm không gian với phi thuyền SpaceX, ngày 15/09/2021, Trung tâm Không gian Kennedy, thuộc NASA. AFP – –

Bốn du khách đầu tiên thám hiểm không gian với phi thuyền SpaceX đã khởi hành lúc 20 giờ tối ngày 15/09/2021 từ trạm không gian ở bang Florida. Không một ai trong bốn hành khách này là phi hành gia chuyên nghiệp. Hành trình thám hiểm không gian dự trù kéo dài trong ba ngày.

Trên nguyên tắc, phi thuyền bay cao hơn và xa hơn cả so với trạm không gian quốc tế ISS, cách Trái Đất 575 km. Mỗi ngày, chiếc phi thuyền này bay 15 vòng chung quanh Địa Cầu. Toàn bộ chuyến bay do nhà tỷ phú Jared Isaacman, 38 tuổi, tài trợ. Là một doanh nhân thành đạt trong ngành tài chính, Isaacman còn là một phi công nhiều kinh nghiệm nhưng ông không được đào tạo như một phi hành gia chuyên nghiệp.

Ba hành khách tháp tùng nhà tỷ phú này bao gồm Hayley Arceneaux, một trợ tá y tế 29 tuổi, bà từng bị ung thư thời thơ ấu. Chris Sembroski, 42 tuổi, là một cựu quân nhân của Không Quân Hoa Kỳ và hành khách thứ tư là nữ giáo sư Sian Proctor, 51 tuổi, người duy nhất có một chút kinh nghiệm với tập đoàn NASA.

Để được tham gia chuyến du hành đầu tiên lên quỹ đạo, cả bốn hành khách đã phải trải qua nhiều thử thách trong sáu tháng. Toàn bộ chuyến bay được điều khiển từ xa và có bộ lái tự động, nhưng bốn du khách này cũng được đào tạo để kiểm soát tổ lái trong trường hợp cần thiết.

SpaceX tới nay đã đưa 10 phi hành gia lên trạm không gian quốc tế. Nếu thành công, chuyến du lịch thám hiểm không gian lần tới của tập đoàn này dự trù diễn ra vào đầu tháng Giêng 2022.

Trung Quốc không chịu lép vế

Tân Hoa Xã ngày 16/09/2021 loan báo ba phi hành gia Trung Quốc vừa hoàn thành nhiệm vụ xây dựng trạm không gian. Bản tin không nói rõ về thời điểm các phi hành gia Trung Quốc trở lại Trái Đất. Chỉ biết rằng nhiệm vụ của họ đã bắt đầu cách nay 90 ngày và đây là chương trình công tác dài ngày nhất của các chuyên gia Trung Quốc ngoài hành tinh.

Related posts