Ngọc Minh
Giám đốc điều hành của hãng thời trang Zilingo, Ankiti Bose, mới đây đã nhận xét rằng: Kinh tế Việt Nam đã “hoàn toàn sụp đổ” do các chính sách phong tỏa nghiêm ngặt trong thời kỳ đại dịch.
Bà cho biết đây là “thời điểm không tốt cho Việt Nam” vì các lô hàng trong mùa lễ hội “cần phải thực hiện ngay lập tức”. “Bangladesh, Ấn Độ, Sri Lanka và Indonesia đều là những lựa chọn tốt”, bà nói.
Cho đến nay, Việt Nam đã phải đóng cửa nhiều nhà máy sản xuất quần áo và giày dép do số lượng ca nhiễm Covid vẫn đang gia tăng và tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Bà Joyce Chang, trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu tại JPMorgan, cho biết: “Bất chấp chính sách kiểm dịch hà khắc, các trường hợp nhiễm Covid-19 mới của Việt Nam vẫn tăng cao và căng thẳng kinh tế vĩ mô đang lan sang lĩnh vực sản xuất”.
Nhà phân tích Camilo Lyon của BTIG cho biết việc ngừng hoạt động của nhà máy ở Thành phố Hồ Chí Minh đã khiến các công ty may mặc và sản xuất giày dép của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
BTIG tuần trước đã hạ cấp cổ phiếu của Nike. Những thách thức về chuỗi cung ứng dự kiến sẽ là trọng tâm chính trong báo cáo quý sắp tới của gã khổng lồ giày thể thao này.
Hiện tại, có nhiều dữ liệu cho thấy bức tranh kinh tế Việt Nam đang xấu đi từng ngày.
Xuất khẩu hải quan, sản xuất công nghiệp và thu mua chế tạo đều giảm mạnh trong tháng 8, khiến JPMorgan phải cắt giảm dự báo GDP quý 3 của Việt Nam xuống 3% từ mức 4,1%.
Về phần mình, hãng Zilingo của Singapore đang chạy đua với thời gian để giúp khách hàng chuyển đơn hàng sang các trung tâm sản xuất khác. “Bangladesh và Ấn Độ đã trải qua những đợt bế tắc lớn”, bà Bose nói, “nhưng hầu hết mọi thứ đều trở lại bình thường về mặt sản xuất chỉ trong vòng vài tuần”, điều này đã giảm thiểu ảnh hưởng đến các thương hiệu sản xuất tại các quốc gia đó.
Chưa đến 10% nhà cung cấp của Zilingo ở Việt Nam. Tuy nhiên, hãng này đã thiết lập chuỗi sản xuất chuyên về một loại vật liệu ở Việt Nam, khiến quốc gia trở thành cơ sở sản xuất quan trọng. “Việt Nam chuyên về sợi tổng hợp và Trung Quốc là lựa chọn thay thế nhanh chóng nhất ở thời điểm hiện tại”, bà Bose nói.
Rủi ro cũng đang rình rập với các nhà bán lẻ do chuỗi cung ứng bị đình đốn trong thời gian giãn cách kéo dài, thậm chí một số công ty phải cân nhắc lại quyết định chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Theo một phân tích của BTIG, các công ty bán lẻ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thị trường Việt Nam là Deckers Outdoor của Ugg và Hoka, công ty mẹ của Michael Kors, Capri Holdings, Columbia Sportswear, Nike, chủ sở hữu Coach Tapestry, Under Armour và Lululemon.
“Nhiều thương hiệu đã chủ động cắt giảm đơn đặt hàng do lo ngại sẽ phải hạn chế công suất và giải quyết nốt các đơn còn tồn đọng khi các nhà máy hoạt động trở lại”, nhà phân tích Camilo Lyon của BTIG lưu ý.
Theo BTIG, thường các hãng mất khoảng 3 tháng để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng ở các nước trong khu vực châu Á, nay mất thêm 12 tuần vì tồn đọng hàng.
“Có thể mất 5 đến 6 tháng để các nhà máy hoạt động bình thường trở lại sau giãn cách”, ông Lyon cho biết. “Trong đó có 4 đến 5 tuần do chậm trễ nhận nguyên liệu từ và thêm 8 tuần nữa để một nhà máy xử lý các công việc tồn đọng”.
BTIG cho biết các nhà máy ở Việt Nam cũng sẽ gặp khó khăn trong việc đưa công nhân trở lại sau khi chính quyền dỡ bỏ lệnh phong tỏa.
Cô Donna Dellomo, Giám đốc tài chính của công ty nội thất Lovesac, cho biết công ty đã chuyển các đơn đặt hàng ra khỏi Việt Nam và quay trở lại Trung Quốc để cố gắng giảm thiểu rủi ro.
“Chúng tôi biết rằng hàng tồn kho đến từ Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi thuế quan, nhưng nó cho phép chúng tôi giữ lại hàng trong kho của mình, điều này cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi, cũng như đối với khách hàng của chúng tôi”, cô nói trong một hội nghị vào đầu tháng này.
Trong khi đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng xác nhận rằng, trong tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc giảm 9,2% so với cùng kỳ.
Nghiêm trọng hơn, hiện tại đang là thời điểm phát triển mẫu cho mùa sau nhưng doanh nghiệp đã không thực hiện được đơn hàng. Có nghĩa là, sang năm 2022, các doanh nghiệp sẽ không có đơn hàng để duy trì hoạt động. Theo các doanh nghiệp, để lấy được 1 đơn hàng, doanh nghiệp phải đầu tư và phát triển mẫu trước ít nhất 6 tháng và phải cạnh tranh với rất nhiều đối thủ, nếu để mất một mùa thì sẽ mất luôn khách hàng và thị trường.
Ngọc Minh
Theo CNBC