Angela Merkel từ giã chính trường

Nguồn Time of India 

Trong lá thư tòa soạn của tuần báo Time công bố lý do chọn nữ thủ tướng Angela Merkel của Ðức là Nhân Vật của Năm cho 2015,  tờ báo đã viết rằng, “Vào thời điểm mà phần lớn thế giới một lần nữa tham gia vào cuộc tranh luận dữ dội về sự cân bằng giữa an toàn và tự do, Thủ Tướng Merkel hết lòng kêu gọi người dân Ðức cũng như cả thế giới còn lại,  hãy trở thành tấm gương trong việc đón nhận di dân. Hãy hoan nghênh. Ðừng sợ hãi. Hãy tin rằng những nền văn minh cao cả là xây những chiếc cầu nối chứ không phải những bức tường ngăn cách và những cuộc chiến được chiến thắng là cả trên và ngoài chiến trường. Khi xem những người tị nạn là những nạn nhân cần cứu giúp hơn là những kẻ xâm chiếm cần đánh dạt, người phụ nữ lớn lên đàng sau Bức Màn Sắt chia cắt đang đánh cuộc về tự do. Người con gái một vị mục sư dùng lòng thương xót như một vũ khí. Bạn có thể đồng ý với bà hay không, nhưng hẳn bà ta không đi con đường dễ dàng. Những người lãnh đạo chỉ được sát hạch khi người khác không muốn làm theo mình. Bởi việc dám làm của bà, bởi sự cứng rắn trước bạo quyền, cũng như  bởi sự thiết thực và sự lãnh đạo đức hạnh đầy kiên định mà thế giới đang thiếu hụt, Angela Merkel là Nhân Vật của Năm do Time bầu chọn”.

Thật vậy, nhìn vào phong cách lãnh đạo của Thủ Tướng Merkel, có lẽ cũng ghi nhận đường lối lãnh đạo của bà khi đưa nước Ðức từ một quốc gia thủ cựu, lạnh lùng và cao ngạo trở thành một quốc gia phóng khoáng, nhân đạo và bao dung hơn. Nhất là về chính sách nhập cư nhân đạo do bà cổ súy trước vấn đề khủng hoảng di dân luôn có nguy cơ làm Châu Âu chia rẽ do những bất đồng trong chính sách đón nhận giữa các quốc gia với nhau. Việc chấp thuận đón nhận hơn một triệu người tị nạn từ các quốc gia Syria, Iraq, Afghanistan và các quốc gia khác hồi 2015 đến 2016 dù là một chính sách gây tranh cãi và quyết định không dễ dàng, nhưng đó là một trong những lý do bà Markel được chọn là “Nhân vật của năm” và là một trong những quyết định quan trọng được ghi nhận trong 16 năm nắm quyền của bà.

Tờ Time bảo rằng, phong cách chính trị của bà là có một không hai. Không tinh tế, không hoa mỹ, không thu hút mà chỉ là một ý thức sắc bén về quyền lực và sự dốc lòng của một khoa học gia với dữ liệu.  Hay nói khác hơn, bà Markel là một chính khách kết hợp giữa chính trị và khoa học.

Angela Merkel, 3 tuổi , năm 1957 – nguồn businessinsider.com/

Các hồ sơ về bà cho thấy cha bà là một mục sư có những sự ủng hộ đến đảng cầm quyền nên gia đình bà cũng có những ưu đãi trong một thể chế cộng sản vốn chỉ dành những đặc quyền cho những gia đình, con cái đảng viên mà con cái những người truyền giáo vốn thường chẳng được phép theo học ở những trường tốt.

Gia đình bà có xe hơi, được phép cho về Tây Ðức thăm thân nhân và bà được theo học những trường danh giá, dù thật ra bà đã là một học sinh xuất sắc, rất giỏi toán, khoa học và sinh ngữ, có thể nói chuyện lưu loát cả tiếng Nga và tiếng Anh từ khi còn sinh viên vì mẹ bà là một giáo sư Anh ngữ. Theo học Vật Lý tại Ðại Học Leipzig, một đại học lâu đời và danh tiếng của Ðức, sau đó làm việc và nghiên cứu rồi lấy bằng tiến sĩ về hóa học lượng tử tại Học Viện Khoa Học Berlin, cuộc đời của bà xem ra như đã được sắp đặt để làm một khoa học gia hơn là một chính trị gia.

Dù từng nắm giữ vị trí một bí thư đoàn của FDJ, con đường chính trị của bà Merkel thay đổi một cách bất ngờ và trở thành một hiện tượng chính trị tại Ðức và chính trường thế giới từ sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ vào năm 1989. Ðây là một năm quan trọng trong lịch sử, đánh dấu sự sụp đổ của các quốc gia cộng sản Ðông Âu và chủ nghĩa cộng sản nói chung. Ở tuổi 35, bà Merkel bắt đầu tham gia vào phong trào cổ vũ dân chủ và đã góp phần dẫn đến việc phá vỡ tường Bá Linh, khởi đầu cho việc thống nhất nước Ðức. Chủ Tịch Ðảng Liên Minh Dân Chủ Ki-tô CDU tại Ðông Ðức là Lothar de Maiziere là người đã đưa bà vào con đường chính trị khi kết nạp bà vào CDU, rồi sau đó bổ nhiệm bà vào chức vụ phát ngôn viên cho chính phủ Ðông Ðức lâm thời do ông đứng đầu trong tiến trình chuẩn bị cuộc tổng tuyển cử tại Ðức hơn một năm sau.

Chân dung Angela Merkel qua năm tháng – nguồn spiegel.de

Con đường chính trị của bà bắt đầu rực sáng, từng bước đưa bà trở thành Chủ Tịch của CDU và đắc cử vào chức vụ Thủ Tướng Ðức từ năm 2005 cho đến nay. Trở thành thủ tướng Ðức ở tuổi 51, Angela Merkel là một hiện tượng chính trị với vô số những kỷ lục. Bà là người phụ nữ đầu tiên nắm quyền lãnh đạo nước Ðức và cũng là người trẻ nhất từ sau Ðệ Nhị Thế Chiến nắm quyền lãnh đạo, thuộc thế hệ sinh sau Ðệ Nhị Thế Chiến. Bà cũng là một khoa học gia đầu tiên và đến từ Ðông Ðức đã lãnh đạo nước Ðức thống nhất. Và không phải điều cuối cùng, bà người lãnh đạo nước Ðức lâu nhất trong thời cận đại và tự mình quyết định nghỉ hưu, từ bỏ quyền lực để trao lại cho người kế nhiệm trong cuộc bầu cử đang diễn ra tại Ðức.

Dù tính cách khác biệt với cựu Thủ Tướng Anh “Bà Ðầm Sắt” Margaret Thatcher, người ta cũng ví bà như một người phụ nữ thép của Châu Âu với những quyết định cứng rắn và đầy ảnh hưởng của mình nhằm duy trì quyền lực nước Ðức tại Châu Âu và trên thế giới. Nắm quyền lãnh đạo nước Ðức từ năm 2005, liên tục trong gần chục năm liên tiếp, tạp chí Forbes đã bầu chọn bà là Người Phụ Nữ Quyền Lực Nhất Thế Giới.

Những nỗ lực cải tổ kinh tế của bà đã giúp nước Ðức ổn định và giảm tỉ lệ thất nghiệp trong cơn khủng hoảng. Bà cũng là kiến trúc sư trong việc các khủng hoảng tài chính tại các quốc gia Châu Âu, đẩy sức mạnh đồng Euro so với đô la. Công du và gặp gỡ tìm sự hợp tác và phát triển giữa các nước đồng minh, bà đã sang Mỹ  nhiều lần trong mỗi đời tổng thống Mỹ. Bà cũng được xem là đã giúp nước Ðức chống trả cơn đại dịch Covid thành công so với các quốc gia phát triển khác. Bà được xem là một cấp lãnh đạo thận trọng, thực tế và luôn tìm sự đồng thuận trong các quyết định và chính sách. Cứng rắn trên chính trường nhưng điều sẽ còn được nhắc đến là chính sách nhân đạo của bà và nước Ðức khi tiếp nhận và giúp đỡ người tị nạn. Rất nhiều gia đình người tị nạn đã lấy tên bà để đặt tên cho con cái mình như một sự ghi ơn.

Trên mạng đã từng chia sẻ những bài viết, tấm ảnh ghi lại một đời sống đơn giản, thanh bạch và khiêm cung của Thủ Tướng Markel khi chính bà tự tay đi chợ, mua hàng, đẩy xe. Bà vẫn sống trong căn phòng của tòa chung cư 5 tầng tại Berlin mà bà từng sống trước khi trở thành thủ tướng. Cuộc thăm dò của Pew hồi năm 2018 cho thấy người dân thế giới đã tín nhiệm và kính trọng bà nhất trong số các lãnh đạo thế giới.

Giới sử gia và người dân Ðức sẽ là những người đánh giá di sản cùng những gì bà đã làm cho họ trong 16 năm qua nhưng bất luận thế nào, hình ảnh một lãnh đạo quốc gia như nữ Thủ Tướng Angela Markel quả cũng hiếm có trên chính trường thế giới.

Related posts