Dấu ấn một Hội thảo khoa học

Dấu ấn một Hội thảo khoa học

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thế giới có nhiều điểm nóng; Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) lần thứ 11 và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ 9 (EAMF) vừa diễn ra trước đó (16-17/11), Hội thảo vẫn thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ.

60 diễn giả là chuyên gia uy tín từ 30 quốc gia trên các châu lục; 180 đại biểu họp trực tiếp, 400 đại biểu họp trực tuyến; 90 đại biểu từ cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam (có 15 Đại sứ), nhiều chính khách đến từ Anh, Australia, Ấn Độ, Indonesia, Liên minh châu Âu (EU)… Những con số minh chứng thuyết phục tầm quan trọng của Biển Đông, ý nghĩa của Hội thảo. Học giả quốc tế quan tâm đến Hội thảo, là coi trọng quan điểm, vai trò của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.

Học viện Ngoại giao lựa chọn trúng chủ đề, chuẩn bị công phu, sử dụng công nghệ, tổ chức phiên bình luận theo dòng sự kiện với hàng trăm lượt thảo luận, tranh luận, tương tác. Hội thảo phát huy tính khoa học, toàn diện, đa chiều, thẳng thắn, cởi mở, thực chất, xây dựng.

Điểm nổi bật của Hội thảo là nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, phấn đấu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Hội thảo trao đổi thẳng thắn tư liệu lịch sử của thiền sư Xu Shillun (Trung Quốc) về Biển Đông. Đặc biệt, hội thảo dành một phiên về Hiệp ước San Francisco năm 1951. Qua đó, góp phần phản biện, bác bỏ luận điệu sai trái về chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Hội thảo rút ra bài học từ quá khứ, đề xuất cách tiếp cận mới, giải pháp hướng tới tương lai tươi sáng hơn. Đó là tăng cường đối thoại, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ, giám sát minh bạch, hệ thống thông tin đầy đủ, toàn diện, được kiểm chứng…; đề cao trách nhiệm của các nước trong thực hiện cam kết.

Giáo sư Carl Thayer (Australia) đánh giá Việt Nam đã tạo một diễn đàn mở cho các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách có liên quan vấn đề Biển Đông cùng thảo luận, đưa ra đóng góp giải quyết vấn đề. Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao ghi nhận các đề xuất, kiến nghị góp phần nâng cao nhận thức về duy trì hợp tác, hòa bình tại Biển Đông.

Hội thảo đề cập toàn diện về Biển Đông

Hội thảo đề cập toàn diện, chuyên sâu về Biển Đông, trong đó có những điểm nhấn, với sự đồng thuận đa số và một vài ý kiến khác biệt.

Một là, gốc rễ của tranh chấp phức tạp ở Biển Đông. Biển Đông tiềm ẩn những lo ngại mới, gia tăng cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế, địa quân sự giữa các nước lớn (nhất là Mỹ và Trung Quốc); xuất hiện cơ chế hợp tác mới (AUKUS), đặt ra vấn đề mới đối với cấu trúc khu vực đang định hình, nhất là vai trò trung tâm của ASEAN.

Chuyên gia Derek Grosman thuộc tổ chức nghiên cứu RAND (Mỹ) chỉ rõ, chính sách, hành động của Trung Quốc trên Biển Đông (cải tạo đảo, đẩy mạnh quân sự hóa, sửa đổi Luật Hải cảnh cho phép nổ súng vào tàu nước ngoài…) làm gia tăng vòng xoáy căng thẳng, đi ngược lại luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, ảnh hưởng đến an ninh, cản trở đàm phán COC…

Theo Tiến sĩ Derek Grosman, trước phản ứng quốc tế, gần đây Trung Quốc có điều chỉnh chút ít, ngoại giao hơn, nhưng cốt lõi không thay đổi. Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd đồng tình, cho rằng mục tiêu độc chiếm Biển Đông không thay đổi. Điều đó gây lo ngại, hoài nghi của khu vực, thế giới đối với chính sách, hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.

Mỹ, đồng minh gia tăng hiện diện, hoạt động tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông, nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc, tranh giành lợi ích tại địa bàn chiến lược trọng yếu. Nhưng cũng có ý nghĩa phản đối yêu sách chủ quyền Biển Đông không có cơ sở của Trung Quốc, song trùng với lợi ích của các nước trong khu vực.

Nhiều học giả ủng hộ FONOP. Có người đề xuất các nước nên tăng cường hiện diện phi quân sự, tránh leo thang căng thẳng. Học giả Shuxian Luo (Viện Brookings, Mỹ) cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều cần hành động để giảm căng thẳng. Bắc Kinh cần cam kết không lập vùng nhân diện phòng không (ADIZ), không cải tạo, đưa thêm lực lượng, phương tiện quân sự đến các thực thể chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa, Trường Sa, tôn trọng quyền tự do đi lại. Mỹ cần giảm tần suất FONOP, cam kết không triển khai tên lửa đạn đạo đến chuỗi đảo thứ nhất (bắt đầu từ Nam Nhật Bản).

Chuyên gia Trung Quốc Ding Duo nói Mỹ và các nước đang xâm phạm “không chỉ chủ quyền của Bắc Kinh mà còn các bên khác trong khu vực”. Tranh chấp Biển Đông là vấn đề giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) năm 2016 và sự can dự của các nước bên ngoài không thể giải quyết được sự phức tạp hiện nay.

Related posts