Trần Kiên
Ngày 28/9, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành sách trắng về “Sự giàu có toàn diện của Trung Quốc”.
Tài liệu này ca ngợi những nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhấn mạnh tuyên bố “không ai bị bỏ lại phía sau”. Đồng thời, Sách Trắng nhấn mạnh một số thành tựu của chính phủ như đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh, cải thiện môi trường kinh doanh cho nhà đầu tư nước ngoài…
Trước những tuyên truyền rầm rộ, cựu giáo sư Đại học Bắc Kinh hiện sống ở Hoa Kỳ Hạ Nghiệp Lương (Xia Yeliang) đã phân tích rằng, cái gọi là xã hội Thịnh vượng Hài hòa chỉ là một lời nói dối của ĐCSTQ. Chỉ cần phân tích một chút thì lời nói dối này sẽ bị bộc lộ ngay, không đánh cũng tự đổ.
Chia sẻ với tờ Sound of Hope, Giáo sư Hạ nói rằng, mọi người không nên chỉ nhìn vào lời lẽ chính thức của ĐCSTQ rằng Trung Quốc từ đói nghèo tiến vào “xã hội thịnh vượng hài hòa”. Trong cuộc sống thực tế, người ta có thể dễ dàng nhìn thấy những ví dụ ngược lại. Ví dụ, trẻ em Trung Quốc buộc phải nghỉ học vì gia đình nghèo, trường tiểu học có phòng học dột nát, bữa ăn trưa không đảm bảo. Làm sao một hiện tượng như vậy lại có thể diễn ra phổ biến ở một đất nước đã bước vào thời kỳ “xã hội thịnh vượng hài hòa”?
Ông cũng đề cập rằng, ở ngoại ô của một số thành phố lớn, người ta có thể bắt gặp một lượng lớn người di cư ngoại tỉnh sống dưới gầm cầu vượt. Ban quản lý thành phố đôi khi đuổi họ đi, nhưng sau khi lực lượng chức năng rời đi, những người vô gia cư này lại quay sống ở gầm cầu vì họ không còn nơi nào để đi.
Ông Hạ đặt câu hỏi, làm sao ĐCSTQ có thể nói 1,4 tỷ người Trung Quốc đã bước vào thời kỳ xã hội thịnh vượng? Có thể tìm thấy những người nghèo ở mọi ngôi làng, mọi thành phố ở Trung Quốc. Nếu cộng dồn lại toàn bộ Trung Quốc thì số người nghèo là bao nhiêu? Vì vậy, trong trường hợp này, lời nói dối của ĐCSTQ rằng, 1,4 tỷ người Trung Quốc đã bước vào xã hội khá giả đã không đánh mà tự đổ.
Ngoài ra, ông Hạ tin rằng, đối với cộng đồng quốc tế thì chỉ số “khá giả” không chỉ là người dân có đủ cơm ăn, áo mặc, mà còn phải có phẩm giá và quyền cơ bản nhất của con người. Đây là sự cần thiết của luật pháp ở tất cả các quốc gia. Trung Quốc đã ký “Công ước Nhân quyền Quốc tế” từ rất sớm và hứa sẽ đạt được mục tiêu này, nhưng trong nhiều năm, ĐCSTQ luôn trốn tránh trách nhiệm. Bất cứ khi nào các tổ chức nhân quyền quốc tế và cộng đồng quốc tế chỉ trích các cách làm của ĐCSTQ về các vấn đề nhân quyền, Bắc Kinh luôn viện nhiều lý do để ngụy biện.
Ông Hạ nói, khi các quốc gia khác chỉ trích tình hình nhân quyền tồi tệ của Trung Quốc, ĐCSTQ luôn nói rằng Hoa Kỳ cũng có những tình huống nhân quyền tồi tệ và tự bảo vệ mình bằng những lập luận lố bịch. Đôi khi, Bắc Kinh còn lớn giọng tuyên bố “mỗi quốc gia có tiêu chuẩn nhân quyền của mình”.
Ngoài ra, ĐCSTQ tự mình tuyên bố tình hình nhân quyền ở Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể. Nhưng không có chứng nhận của bên thứ ba và chứng nhận từ cơ quan quốc tế. Ông đặt câu hỏi, có biết bao nhiêu tổ chức nhân quyền trên thế giới, có bao nhiêu tổ chức “Phóng viên không biên giới”, tại sao [ĐCSTQ tuyên bố cải thiện nhân quyền nhưng] không để họ đánh giá [tình hình thực tế]?
Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã đàn áp, tước quyền tự do và quyền của người dân Hồng Kông, và cuộc đàn áp điên cuồng đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và nhiều dân tộc thiểu số. Do vậy, làm sao có thể nói Trung Quốc bước vào thời kỳ “thịnh vượng hài hòa”? Điều này cho thấy, khẩu hiệu của TQ chỉ là sự giả dối.