Cuộc chiến của ông Tập Cận Bình trong nội bộ Bộ Công an

Lý Khung

Ngày 30/9, Tôn Lập Quân, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã bị khai trừ đảng và công chức. Vào ngày 2/10, Phó Chính Hoa, từng giữ chức Thứ trưởng thường trực Bộ Công an, Chủ nhiệm Phòng 610 của ĐCSTQ, và Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đã bị cách chức. Hai đại án chấn động này cho thấy cuộc đấu đá khốc liệt trong nội bộ ĐCSTQ trước Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ.
Giới quan sát cho rằng trong hệ thống công an của ĐCSTQ dường như có một phong trào chống ông Tập Cận Bình. Trong những năm gần đây, đặc điểm mới của thế lực chống Tập trong ĐCSTQ là cái mà ông gọi là “sự đan xen giữa các vấn đề chính trị và kinh tế”. Và ông Tập đang cố gắng phá hủy nền tảng chính trị và kinh tế của các đối thủ của mình trong đảng.

Hoành Hà: Hệ thống công an xảy ra một phong trào chống Tập có tổ chức

Bắt đầu từ năm 2020, hệ thống chính trị và luật pháp của ĐCSTQ bắt đầu một cuộc thanh lọc lớn với danh nghĩa “chỉnh đốn”. Các quan chức chính trị và pháp luật cấp cao như Tôn Lực Quân, Đặng Khôi Lâm, Cung Đạo An, Lý Tân Vân và Vương Lập Khoa lần lượt “ngã ngựa”. Từ tội danh được thông báo chính thức, những người này đều có liên quan đến “kéo bè kết phái”. Tôn Lực Quân thậm chí còn bị báo cáo là “dã tâm chính trị và bành trướng cực độ”, “thành lập các nhóm kiểm soát các bộ phận quan trọng”, và “gây nguy hại nghiêm trọng đến an ninh chính trị”.

Nhiều nhà quan sát cho rằng những tội danh này đồng dạng như “đảo chính”.

Chuyên gia về vấn đề Trung Quốc Hoành Hà chia sẻ với Epoch Times rằng, thông báo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương về Tôn Lực Quân trong đó có một bộ phận là chống Tập. Thông báo nói Tôn Lực Quân “có dã tâm chính trị và bành trướng cực độ”, điều này là rất hiếm thấy.

“Trước đây, từ này được dùng cho Chu Vĩnh Khang là điều bình thường, bởi vì ông ta là Thường ủy Bộ Chính trị, có thể nói là một tuyến tranh đấu quyền lực, có dã tâm chiếm đoạt quyền lực.” Ông Hoành Hà nói, “Trung Quốc khác với các nước khác, không có quá nhiều khả năng xảy ra một cuộc đảo chính, tức đoạt chính quyền, do quan quân cấp trung tiến hành. Tại Trung Quốc cần phải là do một người cấp thường ủy tiến hành thì mới được. Cho nên ủy viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai rất khó phát động đảo chính, cần phải có một người cấp Thường ủy Bộ Chính trị giống Chu Vĩnh Khang mới được.”

“Hiện tại, Tôn Lực Quân với cấp bậc như thế thì vẫn còn xa, cho nên mới nói tội danh này của ông ta là rất nặng, ngược lại chính là cho thấy rất có khả năng ông ta thực sự tham dự vào một âm mưu nào đó.”

Ông Hoành Hà cho rằng còn một cách nói khác nữa cũng quan trọng là Tôn Lực Quân “kéo bè kết phái, tạo dựng thế lực cá nhân, hình thành tập đoàn lợi ích để kiểm soát các cơ quan quan trọng”. Trong các quan chức “ngã ngựa” đều không có câu này. “Cũng tức là nói ông ta lợi dụng chức vụ của mình để chống ông Tập Cận Bình, là hành động có tính tổ chức. Ông ta không chỉ dừng lại ở tư tưởng, hoặc ngôn luận, ở đằng sau oán thán bất bình, mà biến những điều đó thành một hành động có kế hoạch.”

“Tôn Lực Quân đứng thứ năm trong số các thứ trưởng của Bộ Công an. Ông ta không thể kiểm soát Bộ Công an, nhưng ông ta là cục trưởng của Cục 1 có thể kiểm soát Cục 1, và Cục 1 là cục mạnh nhất và quyền lực nhất trong Bộ Công an, chuyên về đấu tranh chính trị. Rất có thể cáo buộc ông ta đã kiểm soát Cục 1 hoặc một số cá nhân thuộc Bộ Công an. Đó là một hành động có tổ chức. Đối với Tập Cận Bình, đó là một hành động có tổ chức.”

Ông Hoành Hà cho biết, một phần nội tình trong việc này có lẽ ĐCSTQ sẽ không bao giờ công bố.

Trước đó, vào ngày 16/9, tạp chí Cầu Thị – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đã đăng một bài viết nhấn mạnh rằng lịch sử thành lập ĐCSTQ là “đảng chỉ huy súng“, nhắc đến Lâm Bươu (nhân vật số 2 trong đảng, chính phủ, và quân đội thời Cách mạng Văn hóa) một cách hiếm thấy, và gọi Lâm Bươu là người “lên kế hoạch đảo chính vũ trang”. Bài viết đã gây ra rất nhiều đồn đoán vào thời điểm đó.

Đường Tĩnh Viễn: Mối quan hệ giữa 2 vụ án Tôn Lực Quân và Phó Chính Hoa

Tạp chí Caijing tại Đại Lục trích dẫn nguồn tin giấu tên cho biết, ngày 1/10, khi Bộ Công an ĐCSTQ triệu tập hội nghị liên quan đến Tôn Lực Quân, từng nhắc đến Phó Chính Hoa.

Nhà bình luận thời sự Đường Tĩnh Viễn cho rằng, xét từ góc độ chính quyền ràng buộc hai vụ việc Tôn Lực Quân và Phó Chính Hoa lại, thì 2 vụ án này là có mối liên hệ. Vì để ổn thỏa nên chính quyền trung ương đã chọn cách làm tiêu giảm quyền lực của Phó Chính Hoa từng bước, dùng thời gian 2 năm để dần dần cho ông ta ra rìa, và bóc tách thế lực ra. Cho đến sau khi điều chuyển đến Ủy ban chính hiệp nhậm chức ‘ngồi chơi xơi nước’ thì mới bắt đầu chính thức tiến hành điều tra.

Ông Đường Tĩnh Viễn nói, “Chúng ta biết rằng Tôn Lực Quân là một vụ án liên quan đến dã tâm chính trị đoạt quyền loạn chính. Vụ án như thế này, những người liên quan đến Tôn Lực Quân chắc chắn không chỉ có cấp bậc như Phó Chính Hoa, mà còn liên quan đến cấp bậc cao hơn.”

Viên Hồng Băng: Trong nội bộ đảng có quá nhiều người muốn loại bỏ Tập Cận Bình

Ông Viên Hồng Băng, một luật gia ở Úc, nói với Epoch Times: “Có quá nhiều người trong ĐCSTQ muốn loại bỏ ông Tập. Ông Tập Cận Bình đã quyết định thanh trừng hoàn toàn hệ thống công an.”

Theo ông, đó là do Vương Tiểu Hồng, bạn thân của ông Tập ở Bộ Công an, đã phát hiện ra người trong Bộ Công an đã nhiều lần ám sát ông Tập Cận Bình. Những người này không phải là những người ở tầng cao trong hệ thống chính trị và pháp luật, mà phần lớn là cấp cục trưởng Cục Công an một số địa phương. Vì người trong phe phái của họ bị thanh trừng nên họ rất thù hận ông Tập.

Ông Viên Hồng Băng nói, thông tin mà ông có được đến từ một người bạn ở cao tầng trong ĐCSTQ và đã nghỉ hưu.

Vào giữa tháng 9 năm nay, Trung Quốc Đại Lục đã công bố một cách không chính thức rằng, có các quan chức công an cấp cao có mưu đồ “đối với các nhà lãnh đạo chính của đất nước”, còn đề cập đến việc cựu Cục trưởng Cục Công an thành phố Trùng Khánh Đặng Khôi Lâm câu kết với nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Huarong Lại Tiểu Dân.

Ngày 14/9, trang tin Sohu và trang tin 163 đăng bài viết có tựa đề “Nắm đấm sắt đối với những kẻ hám lợi mất khôn!” Bài viết nói về cuộc họp báo do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc mở, để thông báo về các vấn đề liên quan đến “bang tư pháp” Giang Tô do nguyên đội trưởng đội cảnh sát hình sự thuộc Phòng Công an tỉnh Giang Tô La Văn Tiến đứng đầu. Trong đó nhắc đến La Văn Tiến và Đặng Khôi Lâm là người cùng quê Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc, “bù đắp cho nhau, tùy tiện thảo luận về trung ương”, “nhục mạ lãnh đạo chính của đất nước. Thậm chí có kế hoạch gây rối khi lãnh đạo tổ chức hoạt động kỷ niệm tại Nam Kinh, nhưng đã bị nhân viên cơ quan an ninh ngăn chặn.”

La Văn Tiến đã nghỉ hưu vào tháng 7/2018. Vào ngày 31/7/2020, La đã bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật tỉnh Giang Tô thông báo điều tra. Bài báo nói trên tiết lộ rằng nửa tháng trước khi La Văn Tiến bị điều tra, cựu phó kiểm sát viên thường trực của Viện kiểm sát tỉnh Giang Tô là Nghiêm Minh “ngã ngựa”, đã khai ra những trao đổi bất hợp pháp giữa La Văn Tiến, Đặng Khôi Lâm và Lại Tiểu Dân. Khoảng hai tháng sau phiên tòa xét xử La Văn Tiến, sếp cũ của La Văn Tiến là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Giang Tô, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật, cựu Trưởng phòng Công an Giang Tô Vương Lập Khoa cũng chủ động đầu thú.

Nhiều phân tích chỉ ra “lãnh đạo chính của đất nước” được nhắc đến là chỉ ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc sau đó đã chặn bài viết này, cũng không lên tiếng để trả lời về những nghi ngờ của ngoại giới.

Ông Viên Hồng Băng nói với Epoch Times rằng, “Nguyên Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Phòng Công an tỉnh Giang Tô La Văn Tiến là người phe Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng, thực tế chính là Tăng Khánh Hồng và cháu Giang Trạch Dân là Ngô Chí Minh (nguyên Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật thành phố Thượng Hải) cùng bồi dưỡng và đưa lên.”

Lý Lâm Nhất: Hệ thống chính trị và pháp luật có quyền, có súng cộng thêm có tiền, trở thành đại họa của Tập Cận Bình

Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương hồi tháng Một năm nay, ông Tập Cận Bình lần lượt nói: “Các vấn đề chính trị và kinh tế đan xen, đe dọa an ninh chính trị của đảng và đất nước“; chống tham nhũng cần “tập trung và các vụ án tham nhũng đen xen giữa vấn đề chính trị và vấn đề kinh tế”; cần “nghiêm túc điều tra xử lý những người không trung thành với đảng và kẻ hai mặt, bằng mặt không bằng lòng”.

Những nhân vật cấp cao trong giới kinh doanh bị Bắc Kinh chỉnh đốn, có không ít người đằng sau có bóng dáng của những gia tộc quyền quý, đặc quyền đặc lợi.

Cuối tháng 1/2017, Tiêu Kiến Hoa của Tomorrow Holding bị bắt đến nay vẫn chưa rõ sống chết. Công ty sau đó cũng bị yêu cầu thành lý tài sản. Truyền thông đưa tin rộng rãi nói rằng Tiêu Kiến Hoa là “găng tay trắng” của Tăng Khánh Hồng.

Huarong là một trong những công ty nhà nước về quản lý tài sản lớn nhất của ĐCSTQ, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty này là Lại Tiểu Dân đã bị thi hành án tử hình vào đầu năm nay. Năm 2012, Lại Tiểu Dân từng bán công ty con của Huarong với giá rẻ cho Fantasia Holdings do gia tộc Tăng Khánh Hồng nắm giữ.

Alibaba, công ty đã bị thanh trừng từ cuối năm ngoái, bị cáo buộc có quan hệ mật thiết với những người thuộc phe Giang, người đứng sau đầu tư của Ant Group thuộc Tập đoàn Alibaba gồm có cháu của Giang Trạch Dân là Giang Chí Thành thành lập Boyu Capital năm 2010, còn có Lý Bá Đàm – con rể của Giả Khánh Lâm, v.v.

Ông Hứa Gia Ấn của Tập đoàn Evergrande đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, cũng được coi là “túi tiền” của gia đình Tăng Khánh Hồng. Tờ Sydney Morning Herald tiết lộ, vào đầu năm 2015, ông Hứa Gia Ấn đã cho con trai của Tăng Khánh Hồng là Tăng Vĩ mượn căn biệt thự sang trọng để tổ chức tiệc, từ đó ông ta bám vào gia đình Tăng Khánh Hồng.

Nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất nói rằng: “Hệ thống chính trị và luật pháp của ĐCSTQ luôn giúp ĐCSTQ duy trì chế độ và bức hại người dân. Giờ đây nó đã trở thành đại họa của ông Tập Cận Bình. Quan chức cấp cao trong hệ thống chính trị pháp luật có quyền, có súng, về cơ bản đều liên quan đến tham nhũng, họ còn cấu kết với những doanh nhân, có trao đổi lợi ích. Sự hậu thuẫn lớn hơn của họ là các gia đình quyền lực của ĐCSTQ, là cơ sở kinh tế và chính trị để chống lại ông Tập.”

“Một trong những mục đích của việc ông Tập làm sạch vấn đề quan – thương cấu kết, là để loại bỏ mối đe dọa đối với quyền lực của chính mình.” Ông Lý Lâm Nhất nói, “Sở dĩ hiện tại hệ thống chính trị và luật pháp đang được thanh lọc quá nhiều là vì ông Tập luôn lo lắng mức độ trung thành của hệ thống chính trị và pháp luật đối với bản thân ông.”

Ông Viên Hồng Băng nói, “Hàng triệu, hàng chục triệu quan chức tham nhũng trong những năm Giang Trạch Dân cầm quyền, họ muốn ám sát Tập Cận Bình, bởi vì Tập Cận Bình sẽ không để họ vơ vét. Tập Cận Bình muốn để người của mình vơ vét, ngăn cản người của Giang Trạch Dân vơ vét.”

“Bạn nghĩ những người như thế này có nhiều hay không? Cho nên Tập Cận Bình cần phá hủy điều này từ 2 góc độ là nền tảng kinh tế và nền tảng chính trị. Cuộc đấu tranh này còn lâu mới kết thúc,” ông nói.

“Điều tra ngược lại 30 năm” trong hệ thống chính trị pháp luật trước Đại hội 20 của ĐCSTQ

Vào tháng Sáu năm nay, Ủy ban Chính trị Pháp luật của ĐCSTQ đã ban hành một tài liệu nói về “điều tra ngược lại 30 năm” trong hệ thống chính trị và pháp luật, trong đó bao gồm các quan chức thời kỳ 10 năm Giang Trạch Dân cầm quyền. Từ đầu năm nay, chính quyền ĐCSTQ đã nhiều lần nhắc đến việc “thanh trừng sạch tàn dư của Chu Vĩnh Khang”.

Nhà bình luận thời sự Đường Tĩnh Viễn cho rằng, “Chu Vĩnh Khang là nhân vật cấp cao nhất trong hệ thống chính trị pháp luật thuộc phe Giang, Tập Cận Bình hiện giờ loại bỏ nguyên tắc “tập trung điều tra xử lý quan chức tham nhũng sau Đại hội 18’, để điều tra ngược trở lại thời Giang Trạch Dân, điều này có màu sắc tấn công phe phái rõ ràng.”

Vào đầu tháng Chín, Đoàn Giám sát Trung ương Bắc Kinh đã đến làm việc tại 6 cơ quan chính trị pháp luật trung ương gồm Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, Bộ Công an, Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sát Tối cao, Bộ An ninh Quốc gia, Bộ Tư pháp, và 31 cơ quan chính trị và pháp luật cấp tỉnh. Đến cuối tháng Chín và đầu tháng Mười, hai vụ án lớn là Tôn Lực Quân và Phó Chính Hoa đã liên tiếp được chính quyền tung ra.

Hội nghị toàn thể trung ương lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 19 đã ấn định sẽ họp vào tháng 11, Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ sẽ khai mạc vào mùa thu năm sau. Đại hội này liên quan đến vấn đề ban chấp hành trung ương khóa mới và vấn đề tái nhiệm của ông Tập Cận Bình.

Ông Lý Lâm Nhất cho rằng, “Trước Đại hội 20, ông Tập Cận Bình hy vọng về cơ bản sẽ hoàn thành công cuộc thanh trừng. Ít nhất là trong lĩnh vực chính trị pháp luật, quân đội và tài chính, về cơ bản là mong muốn hoàn tất. Điều có thể dự kiến được tại Đại hội 20 đó là thân tín của ông ấy sẽ tiếp tục lên nắm quyền.”

Ông nói, “Tuy nhiên, làm như thế này thì là con dao hai lưỡi. Mặc dù phe Tập Cận Bình sẽ mở rộng quyền lực trong nội bộ ĐCSTQ, nhưng người và phe phái mà họ đắc tội cũng mở rộng hơn. Có lẽ bây giờ thấy là ông Tập Cận Bình đã đạt được cân bằng quyền lực tạm thời trong đảng, nhưng xét về lâu dài, có lẽ đây là nguồn gốc sóng gió lớn.”

Ông Viên Hồng Băng nói, “Để cho ông Tập Cận Bình tiếp tục làm những điều trái ngược phương hướng phát triển, đến khi mất kiểm soát đến một mức độ nhất định, thì chính là tự hủy diệt mình, đây là suy nghĩ của những người thuộc giới quyền quý khác trong đảng. Bởi vì họ cảm thấy một khi ĐCSTQ chia rẽ, sau khi Trung Quốc chia rẽ, họ muốn lợi dụng thời cơ đó.”

Ông cho biết, “Vì sao họ ấy phải kiếm nhiều tiền thế? Mỗi một gia tộc đều đã nắm giữ nguồn tài nguyên kinh tế khổng lồ? Họ làm thế là vì sau khi ông Tập Cận Bình rớt đài trong tương lai, trong quá trình hỗn loạn thì sẽ biến những nguồn tài nguyên kinh tế này trở thành tài nguyên chính trị của gia tộc họ.”

Tuy nhiên ông Viên Hồng Băng nói, họ đang nằm mơ giữa ban ngày, “Tôi cho rằng người Trung Quốc chắc chắn sẽ thanh toán họ, thanh toán ĐCSTQ.”

Theo Lý Khung, Epoch Times

Related posts