Quý Khải
Ngày 06/10/2021, Giải Nobel Hóa học 2021 được trao chung cho Benjamin List và David W.C. MacMillan vì đã khám phá ra chất xúc tác hữu cơ bất đối xứng. Thật tuyệt vời! Nhưng bạn có thể không hiểu rõ thành tựu này nếu không nắm vững Định luật Pasteur về tính Bất đối xứng của sự sống …
Trước hết, xin độc giả đọc thông cáo báo chí của Ủy ban Nobel về Giải Nobel Hóa học 2021
THÔNG CÁO BÁO CHÍ: GIẢI NOBEL HÓA HỌC 2021[1]
Ngày 6 Tháng 10 năm 2021
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển quyết định tặng thưởng Giải Nobel Hóa học 2021 cho:
Benjamin List, Viện Max-Planck về Than đá ở Mülheim an der Ruhr, Đức
David W.C. MacMillan, Đại học Princeton, Mỹ
“Vì việc phát triển chất xúc tác hữu cơ bất đối xứng”
Một công cụ tài tình để tạo dựng phân tử
Việc tạo dựng các phân tử là một nghệ thuật khó khăn. Benjamin List và David MacMillan được tặng Giải Nobel Hóa học 2021 vì việc phát triển của họ về một công cụ mới chính xác cho việc tạo dựng phân tử: chất xúc tác hữu cơ. Đây là một tác động lớn đối với những nghiên cứu dược phẩm, và làm cho công nghiệp hóa học trở nên xanh hơn[2].
Nhiều lĩnh vực nghiên cứu và ngành công nghiệp phụ thuộc vào khả năng của các nhà hóa học trong việc chế tạo ra các phân tử tạo thành các vật liệu đàn hồi và bền, tích trữ năng lượng trong pin hoặc ức chế sự tiến triển của bệnh tật. Công việc này đòi hỏi chất xúc tác – những chất kiểm soát và đẩy nhanh các phản ứng hóa học nhưng không trở thành một thành phần của sản phẩm cuối cùng. Ví dụ, chất xúc tác trong xe hơi biến các chất độc hại trong khói thải thành các phân tử vô hại. Cơ thể chúng ta cũng chứa hàng ngàn chất xúc tác dưới dạng các enzymes, chúng có thể tạo ra các phân tử cần thiết cho sự sống.
Do đó, chất xúc tác là công cụ cơ bản cho các nhà hóa học, nhưng từ lâu các nhà nghiên cứu tin rằng về nguyên tắc chỉ có hai loại chất xúc tác có thể dùng được: kim loại và enzymes. Benjamin List và David MacMillan được trao giải Nobel Hóa học 2021 vì vào năm 2000, độc lập với nhau, đã phát triển ra loại xúc tác thứ ba. Nó được gọi là chất xúc tác hữu cơ bất đối xứng (asymmetric organocatalysis) và hình thành trên những phân tử hữu cơ nhỏ.
“Khái niệm về chất xúc tác này vừa đơn giản vừa tài tình, và thực tế là nhiều người đã tự hỏi tại sao chúng ta không nghĩ ra nó sớm hơn”, chủ tịch Ủy ban Nobel Hóa học Johan Åqvist cho biết.
Chất xúc tác hữu cơ có một khuôn khổ ổn định của các nguyên tử carbon, mà các nhóm hóa học hoạt động hơn có thể gắn vào. Chúng thường chứa các nguyên tố phổ biến như oxy, nitơ, lưu huỳnh hoặc phosphorus. Điều này có nghĩa là những chất xúc tác này vừa thân thiện với môi trường lại vừa rẻ để sản xuất.
Sự mở rộng nhanh chóng trong việc sử dụng các chất xúc tác hữu cơ chủ yếu là do khả năng của chúng trong việc thúc đẩy xúc tác bất đối xứng[3]. Khi các phân tử đang được tạo dựng, thường xảy ra tình huống là hình thành hai dạng phân tử đối xứng gương với nhau, giống như hai bàn tay của chúng ta, chúng là hình ảnh phản chiếu gương của nhau. (Nhưng) các nhà hóa học thường chỉ sử dụng một trong hai dạng đó, đặc biệt trong ngành sản xuất dược phẩm.
Chất xúc tác hữu cơ đã phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc kể từ năm 2000. Benjamin List và David MacMillan vẫn là những nhà lãnh đạo trong lĩnh vực này, và đã chỉ ra rằng các chất xúc tác hữu cơ có thể được sử dụng để thúc đẩy nhiều phản ứng hóa học. Bằng cách sử dụng những phản ứng này, các nhà nghiên cứu giờ đây có thể tạo ra bất cứ thứ gì hiệu quả hơn từ dược phẩm mới đến các phân tử có thể hấp thụ ánh sáng trong pin mặt trời. Bằng cách này, các chất xúc tác hữu cơ đang mang lại lợi ích lớn nhất cho loài người. (Hết Thông cáo).
ĐỐI XỨNG VÀ BẤT ĐỐI XỨNG
Để hiểu rõ ý nghĩa của Giải Nobel Hóa học 2021, cần phải hiểu rõ khái niệm đối xứng và bất đối xứng của phân tử vật chất. Khái niệm này được mô tả lần đầu tiên bởi Louis Pasteur vào năm 1848, khi ông nghiên cứu tinh thể của acid tartaric (đại diện cho sự sống) và của acid paratartaric (sản phẩm do con người chế tạo ra, đại diện cho vật chất không sống).
Nghiên cứu này đã dẫn tới việc khám phá ra một đặc trưng vô cùng quan trọng của sự sống: Trong khi phân tử của vật chất không sống là đối xứng thì phân tử của vật chất sống lại bất đối xứng. Nói ngắn gọn: Sự sống là bất đối xứng!
Nói rõ hơn:
● Vật chất không sống luôn bao gồm 2 dạng phân tử có cấu trúc không gian đối xứng gương với nhau, như 2 bàn tay trái (L) và phải (D) đối xứng gương với nhau, với số lượng cân bằng nhau: tỷ lệ (L)/(D) = 50/50.
● Vật chất sống chỉ bao gồm một dạng phân tử, hoặc tất cả đều thuận tay trái (L), hoặc tất cả đều thuận tay phải (D). Nói cách khác, sự sống đã được định hướng – phân tử của sự sống có xu hướng thiên về một tay, hoặc thiên về trái, hoặc thiên về phải.
Ngày nay khoa học đã biết rõ rằng tất cả các acid amin cần cho sự sống đều là acid amin thuận tay trái (L); tất cả các nucleotide tạo dựng nên DNA đều là nucleotide thuận tay phải (D)[4].
Những kết luận nói trên cho thấy đặc trưng bất đối xứng của sự sống là một định luật phổ quát, đúng trong mọi trường hợp. Pasteur tuyên bố:
“Mọi chất hóa học, tự nhiên hoặc nhân tạo, đều thuộc một trong hai loại chủ yếu, tùy theo đặc trưng hình dạng không gian của nó. Sự khác biệt giữa hai loại này là ở chỗ một loại có một mặt phẳng đối xứng (của các phân tử) và một loại thì không. Loại thứ nhất (có mặt phẳng đối xứng) thuộc thế giới không sống, loại thứ hai (không có mặt phẳng đối xứng) thuộc thế giới sống”[5] .
Pasteur cho rằng tính bất đối xứng của sự sống bắt nguồn từ tính bất đối xứng của vũ trụ. Đó là một kết luận táo bạo. Ông nói:
“Vũ trụ là bất đối xứng và tôi tin chắc rằng sự sống, như chúng ta biết, là kết quả trực tiếp của tính bất đối xứng của vũ trụ hoặc một hệ quả gián tiếp của nó. Vũ trụ là bất đối xứng.”[6]
Vậy vũ trụ có bất đối xứng không? Câu trả lời là CÓ! Vật lý học thế kỷ 20 đã chứng minh Pasteur đúng:
● Theo lý thuyết vật lý hạt cơ bản, số lượng vật chất và phản vật chất phải cân bằng. Nhưng thực tế cho thấy vật chất hiện hữu lấn át phản vật chất.
● Tính đối xứng chẵn-lẻ trong thế giới hạt cơ bản bị vi phạm (khám phá của Dương-Lý đoạt Giải Nobel vật lý năm 1957)
Độc giả nào cần tìm hiểu kỹ về Định luật Pasteur về tính bất đối xứng của sự sống, xin đọc cuốn “Định lý Gödel, Nền tảng của Khoa học Nhận thức Hiện đại” của Phạm Việt Hưng, NXB Tri Thức 2019, trang 254-272, hoặc đọc các bài sau đây trên PVHg’s Home:
05/07/2015 PASTEUR and GOD / PASTEUR và CHÚA
22/08/2015 Why is life Asymmetrical? Tại sao sự sống bất đối xứng?
04/07/2016 On the Law of Asymmetry of Life / Về Định luật sự sống bất đối xứng
29/01/2018 “The Universe is Asymmetric” / “Vũ trụ là bất đối xứng”
26/07/2021 A Huge Article on Evolution / Một bài báo khổng lồ về thuyết tiến hóa
10/08/2021 Pasteur and Mendel on Giants’ Shoulders/ Pasteur và Mendel trên vai người khổng lồ
04/09/2021 Pasteur in the eyes of a NASA scientist / Pasteur trong mắt một nhà khoa học của NASA
Tóm lại, xin khẳng định một lần nữa, rằng đặc trưng bất đối xứng của sự sống là một định luật. Từ điển “Dictionary of Medical Eponyms” (Từ điển danh nhân được đặt tên trong y khoa) gọi định luật đó là “Pasteur’s Law” (Định luật Pasteur), và phát biểu như sau:
“Tính bất đối xứng phân biệt thế giới hữu cơ với thế giới vô cơ. Nói cách khác, các phân tử bất đối xứng luôn luôn là sản phẩm của lực sống” (Asymmetry differentiates the organic world from the mineral world. In other words, asymmetric molecules are always the product of life forces)[7].
BÀI HỌC TỪ GIẢI NOBEL HÓA HỌC 2021
Từ Thông cáo của Ủy ban Nobel về Giải Nobel Hóa học 2021, chúng ta học được những bài học sau đây:
1. Việc chế tạo ra các phân tử hóa học là một nghệ thuật khó khăn.
2. Trong nghệ thuật này đòi hỏi phải có chất xúc tác. Tức là, để thúc đẩy các phản ứng hóa học xảy ra và mang lại những sản phẩm hóa học mong muốn, phải có chất xúc tác tham gia vào các phản ứng đó. Chất xúc tác là chất giám sát và thúc đẩy phản ứng hóa học xảy ra nhưng không có mặt trong sản phẩm cuối cùng.
3. Trước năm 2000, tức là trước khám phá của List và MacMillan, các nhà khoa học chỉ biết 2 loại chất xúc tác là kim loại và enzymes. Trong năm 2000, List và MacMillan, hoàn toàn độc lập với nhau, cùng khám phá ra một chất xúc tác thứ ba, đó là “chất xúc tác hữu cơ bất đối xứng”.
4. Chất xúc tác hữu cơ vô cùng đơn giản, vì nó được tạo dựng nên từ các phân tử hữu cơ nhỏ, nhưng lại rất tài tình, vì nó thúc đẩy việc hình thành các phân tử bất đối xứng mà các nhà hóa học mong muốn. Đây là ý nghĩa quan trọng nhất của khám phá đoạt Giải Nobel Hóa học 2021.
5. Thông thường, công nghiệp hóa học chỉ chế tạo ra 2 dạng phân tử đối xứng gương với tỷ lệ 50-50 (vì xác suất hình thành phân tử thuận tay trái và thuận tay phải bằng nhau). Nhưng các nhà hóa học lại cần có phân tử bất đối xứng để sử dụng cho các mục đích khác nhau (nhất là trong công nghiệp dược phẩm, cần phải có những phân tử bất đối xứng cho nhiều loại thuốc khác nhau). Vì thế, trước năm 2000, tức là trước khi List và MacMillan khám phá ra chất xúc tác hữu cơ, người ta thường phải sản xuất ra những phân tử đối xứng, rồi tách 2 loại phân tử trái và phải thành 2 nhóm riêng biệt, rồi chọn lựa một trong 2 nhóm để sử dụng, tùy theo từng nhu cầu thực tế.
6. Nhưng với chất xúc tác hữu cơ bất đối xứng do List và MacMillan khám phá, phân tử được chế tạo ra không theo tỷ lệ 50-50 nữa, mà trội về một tay, hoặc trái, hoặc phải. Nói cách khác, chất xúc tác hữu cơ đã có tác động định hướng quá trình hình thánh phân tử, phá vỡ tính đối xứng, tạo nên những phân tử bất đối xứng theo tỷ lệ vượt trội mong muốn. Một cách sinh động, có thể mô tả điều này là dường như chất xúc tác hữu cơ đủ “thông minh” để phân biệt phải/trái , do đó biết định hướng để tạo ra những phân tử bất đối xứng theo mong muốn. Tại sao chất xúc tác hữu cơ có khả năng đó, và cụ thể nó tác động như thế nào để tạo ra các phân tử bất đối xứng theo mong muốn? Đó là bí mật tuyệt vời để khoa học tiếp tục khám phá, nhưng Giải Nobel Hóa học 2021 đã xác nhận thành tựu của List và MacMillan là một đột phá cách mạng trên cả 2 phương diện lý thuyết và ứng dụng.
Về mặt lý thuyết, nó có thể mở ra những bí mật tiếp theo của đặc trưng bất đối xứng của các phân tử của sự sống.
Về mặt thực tiễn, như Thông cáo của Ủy ban Nobel đã nói rõ, khám phá này có tác động vô cùng to lớn và hiệu quả đối với công nghiệp hóa học:
● Thúc đẩy các phản ứng hóa học xảy ra nhanh hơn, có định hướng hơn (tạo ra các phân tử bất đối xứng phù hợp với mong muốn hơn).
● Làm giảm ô nhiễm đáng kể, vì trước đây chất xúc tác chủ yếu là kim loại, gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Với chất xúc tác hữu cơ, ô nhiễm giảm xuống mức rất thấp.
● Chi phí sản xuất cũng giảm xuống đáng kể, vì chất xúc tác hữu cơ rất rẻ.
MỘT CÂU HỎI NẨY SINH
Như chúng ta đã biết, Thuyết Tự Sinh (Abiogenesis) của Thuyết tiến hóa cho rằng sự sống đầu tiên đã ra đời một cách ngẫu nhiên từ vật chất vô sinh. Thí nghiệm Urey-Miller năm 1953 được tiến hành nhằm biến giấc mơ của Thuyết Tự Sinh thành hiện thực. Nhưng thí nghiệm này đã thất bại, vì chỉ chế tạo ra được một vài loại acid amin đối xứng (cân bằng trái/phải với tỷ lệ 50/50). Đó không phải là acid amin của sự sống, vì tất cả các acid amin của sự sống đều là acid amin thuận tay trái!
Từ 1953 tới nay, nhiều thí nghiệm lặp lại Thí nghiệm Urey-Miller cũng thất bại tương tự. Ngày nay các nhà tiến hóa hóa học đã biết rằng giấc mơ chế tạo ra sự sống là vô vọng. Họ đang cố gắng chứng minh rằng sự sống đầu tiên đến trái đất từ vũ trụ. Tức là họ muốn chuyển bài toán nguồn gốc sự sống từ trái đất lên vũ trụ. Có nghĩa là câu hỏi về nguồn gốc sự sống chỉ thay đổi địa chỉ chứ không thay đổi về bản chất. Vô vọng vẫn là vô vọng!
Nhưng phải chăng, với thành tựu đoạt Giải Nobel Hóa học 2021, hy vọng chế tạo ra sự sống lại được nhen nhóm lên, vì có khả năng từ nay khoa học có thể chế tạo ra các phân tử bất đối xứng như mong muốn?
Câu trả lời là KHÔNG! Vì nhiều lý do:
● Thuyết Tự sinh nói rằng sự sống ra đời một cách NGẪU NHIÊN từ vật chất vô sinh. Việc sử dụng chất xúc tác hữu cơ bất đối xứng để tác động vào quá trình sản xuất ra các phân tử bất đối xứng không phải là ngẫu nhiên, mà là kết quả của một hành động có ý thức của nhà hóa học, sau đó là tác động định hướng của chất xúc tác!
● Trong một kịch bản ngẫu nhiên, làm thế nào để có chất xúc tác đúng với mong muốn?
● Và rất nhiều câu hỏi khác mà kịch bản ngẫu nhiên không thể trả lời được.
VỀ ĐỊNH LUẬT PASTEUR
Năm 2015, lần đầu tiên giới thiệu Định luật Pasteur về tính bất đối xứng của sự sống trên PVHg’s Home, tôi gọi đó là “ĐỊNH LUẬT THỨ NHẤT: TÍNH BẤT ĐỐI XỨNG CỦA SỰ SỐNG”[8]. Sau này tôi thường gọi đó là “Định luật Bất Đối xứng của sự sống”.
Việc đặt tên nói trên trước hết xuất phát từ nhận thức của tôi rằng đặc trưng bất đối xứng của sự sống là một quy luật phổ quát của sự sống, không có ngoại lệ, và do đó đặc trưng ấy ắt phải mang tính định luật. Trải qua 6 năm, từ ngày tôi đặt tên như thế đến nay, tên gọi này vẫn hoàn toàn chính xác về mặt khoa học và nhận thức luận.
Sau này tôi thấy nhiều tài liệu khoa học cũng khẳng định đặc trưng đó là một định luật. Chẳng hạn, trong Tiểu sử Louis Pasteur của Viện Pasteur ở Paris viết:
“Năm 1847: Nghiên cứu về phân tử bất đối xứng. Sau nhiều năm nghiên cứu tinh thể học, hoá học và quang học, Louis Pasteur đã thiết lập được mối liên hệ giữa hình dạng bên ngoài của một tinh thể với cấu tạo phân tử của nó và tác động của nó đối với ánh sáng phân cực: các tinh thể bất đối xứng làm quay mặt phẳng ánh sáng phân cực trong khi những tinh thể đối xứng không làm quay ánh sáng. Ông thiết lập nên một định luật có tầm quan trọng bậc nhất: “Chỉ những sản phẩm sinh ra dưới ảnh hưởng của sự sống thì mới bất đối xứng, bởi vì bản thân những lực vũ trụ điều khiển chúng là bất đối xứng”. Tính bất đối xứng là ranh giới phân biệt thế giới sống với thế giới vô sinh”[9].
Trang Prezi viết trong Tiểu sử Pasteur: “Tính bất đối xứng phân biệt thế giới hữu cơ với thế giới vô cơ. Nói cách khác, các phân tử bất đối xứng luôn luôn là sản phẩm của lực sống”[10] (nhận định này giống hệt như phát biểu về Pasteur’s Law trong Từ điển danh nhân được đặt tên trong y khoa đã nói ở trên).
Tiểu sử Louis Pasteur trên trang “Bảo tàng Khoa học” (Museum der Wissenschaft) cũng viết: “Pasteur cũng là người sáng lập ra một ngành khoa học mới, hóa học lập thể. Ông đã đưa ra một định luật cơ bản: tính bất đối xứng phân biệt thế giới hữu cơ với thế giới khoáng vật”[11].
Cuối cùng thì Từ điển các danh nhân được đặt tên trong y khoa đưa ra tên gọi ngắn gọn, đó là “Định luật Pasteur” (Pasteur’s Law).
Vậy tên gọi Định luật Pasteur về tính bất đối xứng của sự sống mà tôi đã nghĩ ra và sử dụng trong nhiều năm qua là hoàn toàn chính xác!
Có độc giả kết tội tôi “đã bịa ra định luật đó”. Thậm chí độc giả này còn nói đại ý rằng “nếu Pasteur mà sống lại ông sẽ lấy làm buồn vì tại sao hậu thế lại có kẻ lợi dụng tên tuổi ông để thực hiện những mục đích không trong sáng”. Thật nực cười. Tôi buộc lòng phải suy diễn:
● Khả năng 1: Độc giả này thiếu kiến thức, không biết gì về đặc trưng bất đối xứng của sự sống. Đúng ra độc giả này phải cám ơn tôi mới đúng, vì nhờ tôi mà biết được sự thật về Định luật Pasteur.
● Khả năng 2: Độc giả này biết rõ đặc trưng bất đối xứng của sự sống, nhưng không dám thừa nhận đó là một định luật, vì biết rằng định luật ấy chặn đứng tham vọng của Thuyết Tự Sinh.
Hiện nay, với những bằng chứng quá đủ để thấy đặc trưng bất đối xứng là một định luật. Ai phủ nhận sự thật này sẽ giống con đà điểu rúc đầu xuống cát từ chối sự thật.
Cũng có người thừa nhận đó là sự thật, nhưng né tránh nhắc đến chữ “định luật” (law) chỉ vì ngại va chạm. Điều đó có thể thông cảm được, nhưng thái độ này cũng thể hiện tinh thần kém khoa học, vì khoa học luôn tự hào là trung thực và khách quan.
Về phía tôi, tôi cũng đã trải qua sai lầm ấu trĩ để trưởng thành dần rồi đạt tới sự thật chính xác. Đó là việc có lúc tôi đã gọi tên Định luật Pasteur là “Định luật sự sống thuận tay trái”.
Có độc giả đã phản đối tên gọi này, vì có phân tử của sự sống không thuận tay trái, mà thuận tay phải, chẳng hạn phân tử đường mía. Tôi đã tiếp thu ý kiến này và từ đó tôi đã từ bỏ tên gọi sai lầm này. Trên trang PVHg’s Home, tôi đã xóa bỏ tất cả những cụm từ “Định luật sự sống thuận tay trái” hoặc “Tại sao sự sống thuận tay trái?”. Nếu còn sót, xin độc giả chỉ giáo cho. Nhân đây, tôi xin chân thành cảm ơn vị độc giả đã nhắc nhở tôi về sai lầm nói trên.
Sai lầm này có nguồn gốc từ một số tài liệu tham khảo mà tôi chịu ảnh hưởng, thí dụ bài báo:
- “Life: It is All Left-Handed, and We Don’t Know Why” (Sự sống: Tất cả đều thuận tay trái, và chúng ta không biết tại sao) của Joshua Filmer trên Tạp chí Futurism ngày 17/06/2014
- “Why Life on Earth is Left-Handed?” (Tại sao sự sống trên trái đất thuận tay trái?) của Jeremy Hsu, trên tạp chi Space.com ngày 24/03/2009
Tuy nhiên, sai lầm chủ yếu thuộc về tôi, vì hồi ấy, 2015, tôi mới bắt đầu nghiên cứu sinh hóa, tôi chưa có đủ kiến thức sâu sắc về tính bất đối xứng của sự sống. Sau 6 năm, hiện nay tôi đã có quá nhiều tài liệu sâu sắc về chủ đề này. Một dịp nào đó tôi sẽ công bố những tài liệu sinh hóa mà tôi có trong tay để những độc giả yêu sinh học tha hồ mà đào xới, nghiên cứu. Các bạn sẽ thấy rõ Pasteur và Mendel mới là những nhà khoa học vĩ đại đích thực của thế kỷ 19, hai nhà khoa học đã biến sinh học từ một học thuyết mô tả trở thành khoa học đúng nghĩa, với những thí nghiệm có thể kiểm chứng và những định luật chính xác không thể tranh cãi. Trong hàng đống thông tin về Giải Nobel Hóa học 2021, tôi không thấy ai nhắc đến Louis Pasteur với tư cách là người đầu tiên mô tả tính chất bất đối xứng của các phân tử của sự sống. Chẳng lẽ các nhà khoa học chóng quên lịch sử như thế sao? Phải chăng người ta ngại nhắc đến Pasteur, vì Định luật Pasteur về tính bất đối xứng của sự sống là bức tường không thể vượt qua của Thuyết tự sinh (Abiogenesis)? Có lẽ thói hay quên này của các nhà sinh hóa cũng tương tự như việc người ta quên không giới thiệu Định lý Bất toàn của Gödel, để cho định lý này bị chìm nghỉm suốt từ khi nó ra đời (1931) mãi cho đến cuối thế kỷ 20 mới được “tái khám phá” …
KẾT LUẬN
1. Tôi rất vui khi nghe tin Giải Nobel Hóa học 2021. Người báo tin cho tôi là Tiến sĩ Phan Chí Thành, Chuyên gia Thẩm định Giáo dục Quốc tế. Anh là người có hiểu biết sâu rộng trong nhiều lĩnh vực khoa học, có nhiều quan điểm đồng thuận với tôi về vũ trụ, sự sống và con người. Xin chân thành cảm ơn TS Phan Chí Thành.
2. Tôi đặc biệt thích thú Giải Nobel Hóa học 2021 vì nó đụng tới cái mà tôi đã dành rất nhiều công sức để giới thiệu với cộng đồng Việt ngữ trong 6 năm qua, đó là Định luật Pasteur về tính bất đối xứng của sự sống – một chủ đề rất “nhạy cảm” đối với các nhà tiến hóa, vì định luật này chặn đứng tham vọng chứng minh Thuyết Tự sinh.
3. Đến hôm nay mà ai còn cố cãi rằng đặc trưng bất đối xứng của sự sống không phải là một định luật thì xem ra người ấy không hiểu gì về khoa học, hoặc ngoảnh mặt với sự thật. Nhưng dù chối cãi thế nào thì đặc trưng ấy đã được các nhà khoa học toàn thế giới thừa nhận để áp dụng vào công nghệ sản xuất hóa học.
4. Hiện tượng sự sống “ưa thích” bất đối xứng – hiện tương sự sống tuân thủ Định luật Pasteur về tính bất đối xứng của sự sống – nói lên rằng SỰ SỐNG ĐÃ ĐƯỢC THIẾT KẾ, hoặc ĐƯỢC ĐỊNH HƯỚNG THEO MỘT HƯỚNG XÁC ĐỊNH! Điều này hoàn toàn phù hợp với TIỀN ĐỀ THỨ TỰ (Axiom of Order) mà Tiến sĩ Vũ Hữu Như đã trình bày trong cuốn sách của ông: “Tiên đề Thứ Tự và Không Thời gian Sinh học”.
5. Mặc dù không biết tại sao sự sống “ưa” bất đối xứng – mặc dù không giải thích được tại sao sự sống bất đối xứng – những nhà khoa học khôn ngoan không cố tìm cách giải thích, mà lợi dụng đặc trưng đó để áp dụng vào sản xuất hóa học, mang lại ích lợi cho cuộc sống. Điều này các nhà vật lý đã làm. Trong vật lý lượng tử có nhiều hiện tượng không thể giải thích được, vì nó trái với logic nhị nguyên, nhưng các nhà vật lý đã lợi dụng các hiện tượng đó để nghiên cứu ứng dụng vào đời sống xã hội, điển hình như việc nghiên cứu áp dụng “tương tác ma quái” vào việc thông tin liên lạc tức thời.
Nói cách khác, trước một hiện tượng mà khoa học không thể giải thích, nhưng nó là một hiện thực khách quan, thì thay vì cố giải thích, hãy thừa nhận nó như một TIÊN ĐỀ, và ứng dụng tiên đề ấy vào đời sống thực tế, mang lại ích lợi cho loài người!
Đó chính là một ý nghĩa to lớn của công trình đoạt Giải Nobel Hóa học 2021, mà List và MacMillan là những người đi tiên phong!
DJP, Sydney, 08/10/2021
[1] https://www.nobelprize.org/prizes/chemistry/2021/press-release/ bản dịch của Phạm Việt Hưng
[2] tức là thân thiện với môi trường hơn.
[3] Tức là thúc đẩy việc tạo thành các phân tử bất đối xứng, thay vì tạo ra hai dang phân tử đối xứng gương với nhau (PVHg)
[4] Xem “Debunking Evolution”, John Michael Fisher http://www.newgeology.us/presentation32.html
[5] Every chemical substance, whether natural or artificial, falls into one of two major categories, according to the spatial characteristic of its form. The distinction is between those substances that have a plane of symmetry and those that do not. The former belong to the mineral, the latter to the living world https://todayinsci.com/P/Pasteur_Louis/PasteurLouis-Quotations.htm
[6] The universe is asymmetric and I am persuaded that life, as it is known to us, is a direct result of the asymmetry of the universe or of its indirect consequences. The universe is asymmetric. https://todayinsci.com/P/Pasteur_Louis/PasteurLouis-Quotations.htm
[7] Who named it? https://www.whonamedit.com/synd.cfm/3617.html
[8] Pasteur & God / Pasteur và Chúa https://viethungpham.com/2015/07/05/pasteur-and-god-pasteur-va-chua/
[9] He established a law of primary importance. ” Only products originating under the influence of life are asymmetrical because they developed under the influence of cosmic forces which were themselves asymmetrical. ” Asymmetry is the major dividing line between the organic and mineral worlds. https://www.pasteur.fr/en/institut-pasteur/history/early-years-1847-1862
[10] https://prezi.com/_1j8gdx48jqs/louis-pasteur/?frame=18e299bbfcb12dff0d8f67ef91eba8d801c71295
[11] Pasteur also was the founder of a new disciplin in science, the stereochemistry. He formulated a fundamental law: asymmetry differentiates the organic world from the mineral world. https://www.amuseum.de/medizin/htm/pasteur.htm
Tác giả: GS Phạm Việt Hưng
Giáo sư Phạm Việt Hưng từng giảng dạy các môn Toán Kinh tế; Cơ học Lý thuyết; Sức bền Vật liệu; Toán luyện thi đại học. Hiện ông đang thỉnh giảng Toán cao cấp tại một đại học ở Việt Nam. Ông đang có nhiều hoạt động báo chí với nhiều bài viết được đăng trên nhiều báo in và báo mạng, ví như Khoa học & Đời sống của Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Tạp chí Vật lý Ngày nay của Hội Vật lý Việt Nam, Tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trang mạng Vietsciences.