Hải Đăng
Tại lễ kỷ niệm 110 năm Cách mạng Tân Hợi hôm 9/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục nói về vấn đề Đài Loan. Tuy nhiên, lần này ông Tập không nhấn mạnh việc xâm chiếm Đài Loan bằng vũ lực, mà muốn thống nhất hòn đảo này trong hòa bình. Có phân tích chỉ ra rằng, ông Tập phải đối mặt với áp lực từ nội bộ. Quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang trên bờ vực một cuộc binh biến, bởi vì các tướng và quan chức cấp cao trong quân đội lo lắng hậu quả “mũi kiếm đi lệch” của ông Tập, điều này dường như buộc ông phải đưa ra một tuyên bố mềm mỏng về vấn đề Đài Loan.
Suy nghĩ của ông Tập về vấn đề Đài Loan
Tại lễ kỷ niệm 110 năm Cách mạng Tân Hợi hôm 9/11, ông Tập hứa sẽ thực hiện mục tiêu “thống nhất hòa bình” với Đài Loan. Sau một tuần gây hấn khiến tình hình hai bờ eo biển leo thang đỉnh điểm, ông Tập không đề cập đến việc sử dụng vũ lực để thâu tóm hòn đảo này. Trong tuyên bố, ông nói rằng người dân Trung Quốc có “truyền thống vẻ vang” trong việc chống lại chủ nghĩa ly khai.
Ông Tập còn nói: “Chủ nghĩa ly khai độc lập Đài Loan là trở ngại lớn nhất trong việc thống nhất đất nước, là mối tiềm ẩn nghiêm trọng nhất đối với việc hồi sinh đất nước”.
Vào tháng 7/2021, ông Tập từng đe dọa sẽ “nghiền nát” mọi nỗ lực đòi Đài Loan độc lập. Theo Reuters, ông Tập cũng từng đe dọa sẽ chiếm Đài Loan bằng vũ lực vào năm 2019.
Tháng 9/2021, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên viết trên Twitter rằng: “Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Trung Quốc nhất định và chắc chắn sẽ thống nhất Đài Loan. Xu hướng lịch sử này không thể bị ngăn cản bởi bất kỳ lực lượng nào. Chúng tôi cảnh báo chính quyền Đài Loan rằng, mọi nỗ lực tìm kiếm độc lập và từ chối thống nhất chắc chắn sẽ thất bại”.
Ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, cũng cảnh báo rằng: “Nếu quân đội Mỹ hiện diện trên đảo Đài Loan, Trung Quốc sẽ dùng vũ lực nghiền nát họ”.
Ông Tập lo lắng nội bộ xuất hiện vấn đề
Nhiều người sẽ cho rằng, việc Mỹ can thiệp tranh chấp Trung Quốc – Đài Loan đang áp chế sự ngạo mạn của ông Tập. Trên thực tế, các vấn đề của ông Tập rất có thể đến nhiều hơn từ nội bộ. Bởi vì ông Tập sợ quân đội Trung Quốc “tạo phản” hơn là quân đội Mỹ hùng mạnh.
Hơn một năm trở lại đây, quân đội Trung Quốc đã có những biểu hiện bất mãn, thậm chí có dấu hiệu “tạo phản”. Năm ngoái, quân đội ĐCSTQ và một số chính quyền địa phương dường như không đồng ý với chính sách liên tục xâm phạm vùng biển Nhật Bản gần quần đảo Senkaku. Theo tờ The Japan Times đưa tin năm ngoái, các ngư dân Trung Quốc cho biết khi đó rằng, chính quyền hai tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang đã thông báo với họ về việc không được phép đi lại trong phạm vi 55 km quanh quần đảo không có người sinh sống Senkaku. Tờ báo này dẫn lời một ngư dân Trung Quốc 40 tuổi nói rằng quần đảo Senkaku “thực sự do Nhật Bản kiểm soát”.
Tương tự, về tranh chấp ở Biển Đông, ĐCSTQ dường như lo lắng xảy ra các cuộc xung đột ngoài ý muốn với máy bay chiến đấu của Mỹ. SCMP dẫn lời một nguồn tin cho biết vào mùa hè năm ngoái rằng, trước tình hình căng thẳng quân sự gia tăng ở Biển Đông, hải quân và không quân ĐCSTQ nhận được lệnh rằng, duy trì kiềm chế “không nổ phát súng đầu tiên”.
Bất đồng về Đài Loan
“Nguyên tắc Một Trung Quốc” và việc thống nhất Đài Loan sẽ trở thành chương trình nghị sự được ưu tiên hàng đầu trong chính sách của ĐCSTQ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thường đề cập đến vấn đề Đài Loan, nhưng các tướng đã nghỉ hưu của quân đội ĐCSTQ luôn cảnh báo ông Tập rằng không nên có bất kỳ kế hoạch nào trong việc dùng vũ lực thâu tóm Đài Loan.
Năm ngoái, Thiếu tướng Không quân đã nghỉ hưu, Giáo sư Kiều Lương (Qiao Liang) cho biết trong một cuộc phỏng vấn với SCMP rằng: “Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc không phải là thống nhất Đài Loan, mà là thực hiện phục hưng dân tộc để 1,4 tỷ người dân Trung Quốc có một cuộc sống tốt đẹp. Điều này liệu có thể thực hiện được thông qua việc thu hồi Đài Loan không? Dĩ nhiên là không”.
Giáo sư Đới Húc (Dai Xu), cựu Đại tá của Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc từng chỉ trích gay gắt đối với ĐCSTQ vào năm ngoái. Ông Đới đã viết bài “Bốn điều bất ngờ của Mỹ và mười điểm nhận biết”, như một cuộc kiểm tra thực tế “tàn khốc” đối với ĐCSTQ, cho thấy Mỹ có khả năng gây ra tổn thất cho Trung Quốc. Ông viết: “Hãy nhớ rằng: Hôm nay đế quốc Mỹ áp thuế quan lên 30 tỷ đối với thương mại của chúng ta, và ảnh hưởng phát sinh của nó chắc chắn sẽ là 60 tỷ, 90 tỷ hoặc nhiều hơn nữa. Đây chính là điều chúng ta nhìn thấy từ đế quốc Mỹ hùng mạnh; Chúng ta phải thay thế tức giận bằng lý trí, phải chiến đấu bằng lý trí và lòng dũng cảm”.
Tại sao quân đội lại ghét các chính sách của chính quyền?
Quân đội ĐCSTQ đang đứng trước bờ vực một cuộc binh biến, bởi vì các tướng và quan chức cấp cao của ĐCSTQ lo lắng hậu quả “mũi kiếm đi lệch” của ông Tập. Theo India Today đưa tin, do sự hiếu chiến của chính quyền, quân đội ĐCSTQ buộc phải đụng độ với quân đội Ấn Độ tại Thung lũng Galwan, phía đông Ladakh vào năm ngoái, khiến ít nhất 40 binh lính ĐCSTQ thiệt mạng.
CNN-News18 gần đây đưa tin rằng, các quan chức cấp cao của chính phủ Ấn Độ cho biết, tại biên giới Bum La, huyện Tawang, tỉnh Arunachal Pradesh,
sau khi 200 binh sĩ Trung Quốc vượt qua Đường kiểm soát thực tế (LAC) và cố gắng xâm nhập vào nước này, họ đã bị ngăn chặn và bị tạm giữ.
Đây rõ ràng là những nguyên nhân khiến quân đội ĐCSTQ đang đứng trước bờ vực một cuộc binh biến và cũng là căn nguyên của bài phát biểu mềm mỏng của ông Tập đối với Đài Loan.
Hải Đăng