Lê Học Lãnh Vân
Chúng ta biết người phương Tây quý chó. Dưới mắt họ mười ba con chó bị giết là dã man. Quá dã man! Tôi hiểu cảm xúc đó.
Người ra lệnh giết chó, trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam, có những nền tảng suy nghĩ và lập luận khác người phương Tây. Con người là sản phẩm của xã hội, tôi không kịch liệt lên án họ.
Những tấm hình vợ chồng chủ nghèo vượt thoát đường xa mưa gió, vẫn nâng niu đưa đàn chó về nhà. Chúng gợi lên trên thế giới lòng yêu đời thiết tha, lòng yêu sinh vật, nét đẹp bừng lên trong cảnh gieo neo khốn khó. Tấm hình khiến lòng yêu thương và quý mến đổ về cho người Việt.
Chuyện đàn chó bị tiêu huỷ trong chớp mắt khiến nhiều người nước ngoài ghê sợ. Ghê sợ vì lệnh giết đàn chó dễ thương được ban ra quá dễ dàng! Ghê sợ vì người ra lệnh giết chó không màng tới nỗi đau và quyền sở hữu của vợ chồng chủ!
Nhà đầu tư sẽ hỏi:
Xã hội không màng tới nỗi đau thương và quyền sở hữu công dân, xã hội sẵn sàng vứt bỏ, xâm phạm quyền công dân, xã hội ấy có tôn trọng quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư? Có an lành để sống? Có ổn định để đầu tư?
Bài học về tạo thương hiệu: không phải chúng ta làm gì, mà cách người ta cảm nhận gì mới quan trọng!
Câu chuyện giết chó trưng lên hình ảnh gì, khiến thế giới cảm nhận gì về người Việt, nước Việt? Ngoài chuyện giết chó này, đã bao nhiêu chuyện khác cộng hưởng khiến người ta cảm nhận người Việt, nước Việt như thế nào? Xét cho cùng, chuyện giết chó không phải là chuyện lớn lắm đâu nếu so với nhiều chuyện khác, tuy nhiên nó ảnh hưởng rất xấu tới thương hiệu quốc gia!
Xin đừng hằn học với một người giết chó. Xin cùng nhau tạo hình ảnh nước Việt thương yêu chăm sóc, bao dung không hận thù, giống với số đông các quốc gia trên thế giới một cách chân thành trung thực! Bài viết này nghĩ rằng đó là cách căn bản nhất đưa hình ảnh cộng đồng tiến về vùng tươi đẹp.
Lại bài học về tạo thương hiệu: thương hiệu bền vững phải đi từ giá trị đạo đức cốt lõi của xã hội!
Ngày 10 tháng 10 năm 2021