Grant Newsham
Khoảng hơn một tuần trước, Bắc Kinh đã điều khoảng 150 phi cơ quân sự – oanh tạc cơ, chiến đấu cơ, phi cơ trinh sát và phi cơ chống tàu ngầm – bay qua vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Tuy ADIZ không phải là lãnh thổ hợp pháp của Đài Loan, nhưng Đài Bắc tuyên bố có thẩm quyền giám sát và kiểm soát những vật thể bay qua đó.
Các phi cơ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) thường xuyên xâm phạm ADIZ của Đài Loan, nhưng lần này số lượng nhiều chưa từng thấy. Và sự phối hợp sử dụng các loại phi cơ lần này tương tự như trong các hoạt động tác chiến.
Lý giải toàn bộ điều này như thế nào? Chiến tranh sắp nổ ra ở Đài Loan hay đó chỉ là chuyện bé xé ra to? Chiến tranh trong ngắn hạn khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, có một số lý do khiến [chúng ta] cần phải xem xét những vụ xâm nhập này một cách nghiêm túc.
Tăng cường khả năng của PLA
Tập Cận Bình có ý định này khi ông ta nói rằng sẽ đánh chiếm Đài Loan – thông qua đe dọa hoặc trực tiếp dùng vũ lực. Trên thực tế, PLA đã được lệnh chinh chiến trong nhiều thập kỷ – từ rất lâu trước khi ông Tập xuất hiện: Sẵn sàng đánh chiếm Đài Loan và đánh bại lực lượng Hoa Kỳ. Các yếu tố chính gồm huấn luyện, [trang bị] vũ khí, và tăng cường hoạt động của PLA đã được thiết kế đặc biệt dành cho những nhiệm vụ này. Trong khoảng hơn 15 năm qua, PLA đã cải thiện đáng kể khả năng của mình để phục vụ cho một cuộc xâm lược hoặc tấn công vũ trang vào Đài Loan – và họ cho rằng mình có thể thành công.
Trong bối cảnh đó, một loạt các cuộc xâm nhập gần đây nhất của Trung Quốc có lẽ tốt hơn cả nên được xem như là một “màn thể hiện” đồng thời cũng là một “bài diễn tập định hình”. Có một số điều đang cùng diễn ra trong lần này như:
- Các cuộc tập trận này là các buổi diễn tập tuyệt vời trong đời thực cho lực lượng không quân PLA – và đang diễn ra ngay tại khu vực mà họ có ý định đánh vào.
- Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) đang khủng bố Đài Loan và làm suy yếu khả năng phòng thủ của nước này, đồng thời khiến người dân ở Đài Loan (và Hoa Thịnh Đốn) trở nên vô cảm trước ý tưởng phi cơ của PLA thường xuyên bay gần Đài Loan. Điều này còn giúp ích cho việc nắm bắt được phản ứng của người dân Đài Loan và gây ra được bất ngờ vào ngày mà Bắc Kinh quyết định nổ súng.
- Ông Tập không chỉ xem xét phản ứng của Đài Loan mà còn xem phản ứng của Hoa Kỳ, Nhật Bản và các quốc gia tự do khác – cả về phương diện hành động lẫn chính trị – trước sự gây hấn của Trung Quốc đối với Đài Loan. Một nhà quan sát lâu năm lưu ý rằng “những cuộc xâm nhập trên không này… mang lại cho PLA cơ hội để đo lường và đánh giá về hiệu năng yểm hộ phòng thủ của Đài Loan và Hoa Kỳ cộng lại… [đó là] một cuộc diễn tập ứng phó với tình huống khẩn cấp trong thời gian thực, trong không gian ba chiều, để đánh giá một số khả năng yểm hộ phòng thủ nhất định của Đài Loan-Hoa Kỳ.”
- Bắc Kinh thường cử Lực lượng Không quân và Hải quân PLA để đáp trả các sự kiện mà họ cảm thấy khó chịu như các cuộc tập trận chung gần đây của hải quân cao cấp Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh Quốc, Hà Lan, New Zealand và Canada ở Biển Philippines trong đó có sự tham gia của ba hàng không mẫu hạm. Sự xuất hiện của các chính trị gia Pháp và cựu Thủ tướng Úc là ông Tony Abbott tại Đài Bắc chắc hẳn đã khiến Bắc Kinh phật lòng, cũng như thỏa thuận AUKUS giữa Hoa Kỳ, Úc và Anh Quốc. Điều này cho phép Bắc Kinh đổ lỗi rằng những hành động của những quốc gia khác là nguyên nhân cho các hành vi gây hấn mà họ sẽ tiến hành bất kể có như thế nào.
Hàm ý của lập luận ‘gây hấn có lý’
Trung Quốc hiện đang nếm trải một số vấn đề thực sự vốn tích tụ đã lâu và khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trông thật kém cỏi. Chẳng hạn như tình trạng mất điện trên diện rộng gần đây là một nỗi hổ thẹn rất lớn – đặc biệt là khi Trung Quốc đã phải nới lỏng lệnh cấm đối với than đá của Úc để giải quyết vấn đề này. Sự sụp đổ của công ty bất động sản Evergrande là một vấn đề đau đầu nữa đối với Trung Nam Hải.
Và hãy nhớ rằng ngoài tất cả các tòa nhà chọc trời sáng loáng ở Thâm Quyến và Thượng Hải, thì khoảng 600 triệu người Trung Quốc vẫn đang phải sống ở mức khoảng 5 USD mỗi ngày. Việc gây hấn ở bên ngoài và kích động đám đông theo chủ nghĩa dân tộc là đặc trưng chuẩn mực của các thể loại chính quyền độc tài này. Chẳng khác mấy việc chính quyền quân đội của Argentina đã gây chiến với Anh Quốc vì quần đảo Falkland vào năm 1982, trong khi nền kinh tế của Argentina đang tuột dốc.
Các hoạt động này giúp ông Tập chứng tỏ “sự tín nhiệm của công chúng đối với việc thống nhất Đài Loan” theo chủ nghĩa dân tộc của mình ở trong nước và cũng giúp củng cố địa vị của ông ta trước Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vào năm tới, thời điểm mà ông ta kỳ vọng sẽ nắm được toàn quyền đến chừng nào ông ta còn sống. Ngay cả khi đó là một vụ gây hấn, thì những gì mà họ làm là đặt định rằng việc xâm lược Đài Loan là một yếu tố cốt lõi cho tính hợp pháp chính trị của một nhà lãnh đạo ĐCSTQ ở trong nước.
Việc phi cơ của Trung Quốc bay vào vùng ADIZ của Đài Loan thay vì vùng không phận ‘hợp pháp’ của đảo quốc này có ý nghĩa gì
Các phi cơ của PLA bay xuống đầu phía nam của ADIZ – nằm giữa Formosa (đảo chính của Đài Loan) và quần đảo Đông Sa (Pratas) – nhưng gần quần đảo Đông Sa hơn. Một số trong các phi cơ này cũng tiến một phần vào phía đông của Đài Loan.
Việc bay xuống đầu phía nam của ADIZ không giống như việc bay đến gần Formosa – hoặc vào không phận hợp pháp của Đài Loan – hay bay qua chính Đài Loan. Đây là một quyết định có chủ ý của Bắc Kinh – và nhiều nhà phân tích cùng các nhà bình luận cho rằng điều này chứng tỏ rằng ông Tập không muốn đi quá xa.
Tuy nhiên, nhà phân tích các vấn đề khó lường của Trung Quốc, ông Richard Fisher nhận định một cách thích đáng rằng, mặc dù phi cơ của PLA có thể đã không xâm phạm không phận hợp pháp trên thực tế của Đài Loan, nhưng “những vũ khí mà họ mang theo chắc chắn có thể và là yếu tố thực tế để đo lường bất kỳ mức độ đe dọa nào”.
Ông chỉ ra một cách chính xác rằng, chẳng hạn như các oanh tạc cơ của Trung Quốc đã góp mặt trong những chuyến bay mang theo hỏa tiễn tầm xa có thể bao phủ toàn bộ Đài Loan. Và hỏa tiễn không đối không của các oanh tạc cơ Trung Quốc cũng không kém phần đáng gờm, có thể vượt xa hỏa tiễn tương đương của các oanh tạc cơ của Không quân Đài Loan. Do đó, cần phải lưu ý rằng chiến đấu cơ của CHND Trung Hoa có thể gây ra rất nhiều rắc rối ngay cả từ một khoảng cách xa.
Một nhà phân tích khác chỉ ra rằng trong khi các chuyến bay đó đã diễn ra ở khu vực phía nam ADIZ của Đài Loan và trên Biển Đông, điều đó có thể là do không có quốc gia nào gần đó sẽ can thiệp. Nhưng hãy thử quấy rối Đài Loan từ phía bắc của quốc đảo này mà xem, và PLA sẽ thấy mình phải đối đầu với các lực lượng của Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Rốt cuộc, phi cơ của Trung Quốc sẽ di chuyển ngày càng gần Đài Loan, và một ngày nào đó (có thể là trong tương lai không quá xa) sẽ bay qua lãnh thổ Đài Loan – và thách thức Đài Loan bắn hạ – và để Hoa Thịnh Đốn phải hành động gì đó trước điều này.
Đó sẽ là một vấn đề lớn. Như đã lưu ý, Bắc Kinh hiện đang đánh giá phản ứng của Hoa Kỳ đối với các cuộc xâm nhập vào ADIZ trong tuần trước. Nếu Hoa Thịnh Đốn phản ứng một cách yếu ớt – hoặc thậm chí chỉ bằng cách bày tỏ “mối lo ngại nghiêm trọng” lặp đi lặp lại như thường lệ – trên thực tế, điều này sẽ chỉ bảo đảm rằng cuối cùng thì chiến đấu cơ của PLA sẽ bay thẳng vào Đài Loan, cùng với tất cả các mối nguy hiểm kéo theo đó.
Nguy cơ xảy ra biến cố dẫn đến chiến tranh
Có thể là một biến cố, chẳng hạn như một vụ va chạm giữa không trung hoặc một viên phi công ngứa ngáy chân tay muốn khai hỏa, có thể dẫn đến xung đột lớn hơn. Nhưng vòng xoáy xung đột đó sẽ chỉ xảy ra nếu Bắc Kinh muốn vậy.
Tác giả bài viết này cảm thấy lo ngại hơn rằng, hoạt động trên không mới đây nhất này là một phần trong chiến lược dài hạn của Trung Quốc nhằm dần dần bóp nghẹt Đài Loan – buộc Đài Loan phải “đầu hàng” dưới áp lực của chiến tranh chính trị, nhưng sẵn sàng chuyển sang sử dụng vũ lực quân sự nếu cần thiết. Mọi thứ đang tiến dần đến hồi kết.
Điểm mấu chốt
Người ta đã phải rất lo lắng. Không phải là lo rằng một cuộc tấn công sẽ xảy ra vào ngày mai, mà lo rằng CHND Trung Hoa đang lớn mạnh nhanh chóng và có ý định đạt được những gì họ muốn bằng vũ lực. Đã từ lâu, không phải từ những năm 1940, thế giới tự do đã phải đối mặt với một cường quốc lớn đang tìm cách xâm chiếm lãnh thổ – và cả chế độ dân chủ nữa – cũng như công khai gia nhập vào một chế độ độc tài phát xít.
Một số nhà quan sát cho rằng những lo ngại như vậy là bị thổi phồng quá mức và PLA không đủ khả năng để đánh chiếm Đài Loan. Họ cho rằng quân đội Trung Quốc đã không thực hiện các cuộc tập trận phức tạp cần thiết để [có thể] tiến hành một cuộc xâm lược trên quy mô toàn diện và do đó không thể – và có lẽ là sẽ không – tấn công Đài Loan.
Điều đó có thể đúng hoặc không, nhưng có một lưu ý rằng Taliban là những thành viên bộ lạc đầu quấn khăn được trang bị súng AK-47, RPG (súng phản lực chống tăng nhỏ) và xe bán tải – và với nhận thức về xã hội loài người ở thế kỷ 12. Tuy nhiên, họ đã khá cừ khi đối đầu với quân đội hùng mạnh nhất thế giới – một phần là do Hoa Thịnh Đốn đã không sẵn sàng đánh giá thích đáng và đối phó với mối đe dọa này. PLA thực sự có nhiều vấn đề. Quân đội nào cũng vậy. Nhưng quý vị sẽ phải tự lãnh hậu quả nếu đánh giá thấp Trung Quốc.
Hành động mới nhất của CHND Trung Hoa đối với Đài Loan có thể là một kiểu hù dọa, nhưng ngay cả khi như vậy, nó vẫn nguy hiểm. Hành động này nói lên rằng: Chúng tôi muốn có được Đài Loan. Chúng tôi đang trang bị [vũ khí] và tập huấn [quân đội] để chiếm đánh Đài Loan. Chúng tôi không quan tâm rằng liệu có ai biết việc này hay không. Quý vị sẽ làm gì trước việc đó?
Hãy mở rộng phạm vi của tâm trí và hướng đến một vài năm tới, và có lý do chính đáng để [chúng ta] lo ngại về những gì sắp tới. Hy vọng rằng chính phủ của Tổng thống Biden hiểu được điều này.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tác giả Grant Newsham là một sĩ quan Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã về hưu, đồng thời là một cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ và là nhà điều hành kinh doanh, người từng sống và làm việc nhiều năm ở khu vực Á Châu/Thái Bình Dương. Ông từng là trưởng ban tình báo dự bị của Lực lượng Thủy quân Lục chiến Thái Bình Dương, và là tùy viên Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tokyo trong hai lần. Ông là thành viên cao cấp của Trung tâm Chính sách An ninh.
Doanh Doanh biên dịch