Thiên Kim
Chúng ta không biết tương lai sẽ ra sao. Nhưng có thể, nếu chúng ta không giận dữ với những gì dường như là số phận của chúng ta, nếu thay vào đó chúng ta tự hỏi bản thân về cách mà chúng ta sẽ phản ứng với hoàn cảnh của mình và cân bằng nó, đó là cách tiếp cận bình tĩnh và hợp lý đối với những gì có vẻ như không thể tránh khỏi, có thể số phận sẽ buông tha cho chúng ta những tác hại của việc rước những con ngựa thành Troy vào trong cuộc sống của mình.
Đôi khi, mọi thứ dường như quá tốt để trở thành sự thật. Sự nguy hiểm và độc hại có thể được che đậy bởi những lời hứa về vẻ đẹp và niềm vui.
Gần đây tôi đã suy nghĩ rất nhiều về những lời hứa dành cho những điều không tưởng trên thế gian và những lời hứa này trong lịch sử đã dẫn đến đổ máu như thế nào. Những ý thức hệ như vậy thường mang lại cho những người đi theo chúng cảm giác vượt trội dựa trên nền tảng của một chủ nghĩa chuyên chế về đạo đức, từ chối bất kỳ quan điểm đối lập nào, và khi làm như vậy, kẻ thù được tạo ra từ những người mà lẽ ra là bạn của nhau..
Tại sao chúng ta liên tục chấp nhận những ý thức hệ dẫn đến bạo lực và nguy hại? Có phải chỉ đơn giản là vì bề ngoài chúng có vẻ tốt? Suy nghĩ về việc chấp nhận những điều ban đầu có vẻ tốt nhưng hóa ra lại có hại dẫn tôi đến câu chuyện sử thi về Con ngựa thành Troy.
Thành Troy sụp đổ như số mệnh của nó
Trong phần II cuốn sách “Aeneid” của Virgil, Aeneas buồn bã kể câu chuyện về sự sụp đổ của thành Troy dưới góc nhìn của một người thành Troy. Troy và Hy Lạp đã xảy ra chiến tranh trong một thời gian. Quân Hy Lạp đang thua nhưng đã đưa ra một kế hoạch để cố gắng xoay chuyển cuộc chiến có lợi cho họ.
Những người lính Hy Lạp quyết định chế tạo một con ngựa gỗ khổng lồ để họ có thể ẩn náu và nhân cơ hội hoàn hảo này tấn công thành Troy. Họ để con ngựa ở cổng thành Troy, và quân Troy chết lặng trước sự xuất hiện dường như ngẫu nhiên của con ngựa gỗ.
Người thành Troy tìm thấy một thanh niên Hy Lạp, tên là Sinon, cùng với con ngựa khi họ đi điều tra. Sinon nói với họ rằng quân Hy Lạp đã bỏ chạy sau khi trận chiến thất bại.
Người thành Troy hỏi Sinon ý nghĩa của con ngựa, và anh ta nói với họ rằng đó là lễ vật dâng lên nữ thần Minerva. Nếu quân Troy làm hại con ngựa, Minerva sẽ làm hại họ, và nếu họ mang con ngựa vào thành phố của họ, Minerva sẽ ban phước cho họ.
Vị tư tế thành Troy, Laocoon, đã cảnh báo người dân thành Troy rằng đó là một trò bịp bợm và ném giáo của mình vào con ngựa để phản đối. Hai con rắn khổng lồ nhô lên từ biển và nhấn chìm Laocoon và hai con trai của ông. Người Troy coi đó như một dấu hiệu từ Minerva, và họ cho con ngựa lớn qua cổng và vào thành phố của họ.
Đêm đó, trong khi tất cả quân Troy đang nghỉ ngơi, Sinon mở bụng con ngựa gỗ để thả những quân lính Hy Lạp đang ẩn náu, và họ đã dành cả đêm để tàn phá thành phố một cách bất ngờ.
Sự chuyển động trong bức tranh của Tiepolo
Họa sĩ kiêm thợ in người Ý ở thế kỷ 18, Giovanni Tiepolo, đã vẽ một bức tranh tràn đầy năng lượng nhưng bố cục chỉnh thể cân bằng như một nghiên cứu có tiêu đề “Cuộc rước ngựa thành Troy” và bức tranh này hiện đã bị thất lạc. Phần bên trái của bức tranh có cảm giác nặng hơn bên phải vì kích thước của con ngựa gỗ. Kích thước và độ tương phản của con ngựa làm cho nó trở thành tâm điểm của bức tranh.
Các nhân vật ở dưới cùng bên trái của bức tranh giúp đẩy ngựa vào thành phố và các nhân vật ở phía dưới bên phải giúp kéo ngựa vào.
Mặc dù phần bên trái của bức tranh có cảm giác nặng hơn bên phải, nhưng bố cục vẫn duy trì sự cân bằng vì có cảm giác chuyển động xảy ra từ trái sang phải.
Sự chuyển động từ trái sang phải này là một yếu tố thiết kế kiểu cử chỉ ‘gestalt-type’, trong đó toàn bộ bố cục có tác động lớn hơn tổng thể các bộ phận của nó. Nói cách khác, tâm trí của chúng ta bị tác động bởi ấn tượng chuyển động mà toàn bộ bố cục mang lại cho chúng ta thay vì cảm giác mất cân bằng có thể được gợi ý bởi phần bên trái nặng hơn.
Đối mặt với số phận của con ngựa thành Troy
Thật không may, sẽ khó hơn nhiều để nhìn tổng thể cuộc sống của chúng ta theo cùng một cách mà tâm lý học Gestalt gợi ý rằng chúng ta thấy một bố cục. Chúng ta dường như có xu hướng phân chia các khía cạnh của bản thân mà chúng ta đặc biệt thích hoặc không thích, và do đó chúng ta phân tích bản thân theo từng phần thay vì toàn bộ.
Ví dụ, chúng ta có thể phân tích tài chính, sức khỏe hoặc các mối quan hệ, trình độ học vấn, tinh thần của chúng ta, v.v.
Nhưng chúng ta là ai về mặt tổng thể? Chúng ta có thể không nhìn thấy toàn bộ bản thân vì chúng ta khó nhớ mọi khía cạnh của quá khứ và chúng ta không biết tương lai của mình. Điều này có khiến chúng ta dễ mắc phải những niềm tin và hành động sai lầm mà nếu biết chúng ta đã không làm, hay không? Điều này có khiến chúng ta dễ dàng chấp nhận “con ngựa thành Troy” vào cuộc sống của chính mình không?
Sự thật đáng tiếc về con ngựa thành Troy là không ai trong chúng ta biết đó là con ngựa thành Troy cho đến khi quá muộn. Đôi khi chúng ta chấp nhận những thứ — đồ vật, ý tưởng, con người — vào cuộc sống của mình có vẻ tốt, có lợi, vui vẻ, thú vị, v.v. và chỉ sau này, chúng ta mới thấy rằng những thứ này không như chúng ta nghĩ ban đầu.
Những người trong chúng ta bày tỏ mối quan tâm chân thành về những hậu quả nguy hiểm tiềm tàng của việc chấp nhận một số đồ vật, ý tưởng và con người nhất định vào cuộc sống của mình, đôi khi thấy mình đang gặp phải phản ứng dữ dội mà chúng ta không ngờ tới. Có lẽ ngay cả khi chúng ta có thể nhìn thấy cái ác ở giữa chúng ta, như Laocoon đã làm, thì sự tức giận – việc ông ta ném ngọn giáo – không phải là một phản ứng khôn ngoan. Nó có thể dẫn đến những tác hại khác và những hậu quả không mong muốn.
Đối với tôi, con ngựa thành Troy là hình ảnh thu nhỏ của sự nguy hiểm bất ngờ, nhưng nó cũng là số phận. Liệu người dân thành Troy có thể tránh được số phận này không? Tại một thời điểm trong sử thi của Virgil, Venus nói với Aeneas rằng sự sụp đổ của thành Troy là ý muốn của các vị Thần.
Chúng ta có thể không kiểm soát được số phận, và những nỗ lực để làm như vậy có thể dễ dàng bị lừa bởi những tư duy thao túng như tham lam, ghen tị, v.v. Và những lối tư duy này trở thành con đường cho những điều xấu xâm nhập vào cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của những người xung quanh chúng ta.
Những gì chúng ta có thể làm là kiểm soát cách chúng ta phản ứng với những gì xảy ra trong cuộc sống. Và đây là những gì tôi học được từ bức tranh của Tiepolo: sự cân bằng. Tiepolo vẽ lại những gì đã định sẵn sẽ xảy ra: Người dân thành Troy đã rước con ngựa được định sẵn sẽ hủy diệt họ, và không có gì ngăn cản được. Trọng lượng bên trái sẽ sớm trở thành bên phải và con lắc sẽ chuyển động theo ý muốn.
Tiepolo đã vẽ sự kiện này với rất nhiều chuyển động đến nỗi chúng ta không thể chỉ ngắm nhìn bức tranh mà không liên tưởng đến những điều không thể tránh khỏi. Tất cả những người dân, bằng nỗ lực của riêng họ, đẩy và kéo con ngựa là điều không thể tránh khỏi. Mọi người, bất kể họ ở bên phải hay bên trái của con ngựa, đều có một tay trong sự sụp đổ của thành Troy.
Ít nhất chúng ta đã có một năm 2020 đầy sự kiện. Có thể, vì sự thiếu cân bằng trong cách tiếp cận cuộc sống, không ai trong chúng ta là vô tội: Có thể tất cả chúng ta đều góp phần làm cho những sự kiện này diễn biến tốt hơn hoặc xấu hơn.
Chúng ta không biết tương lai sẽ ra sao. Nhưng có thể, nếu chúng ta không giận dữ với những gì dường như là số phận của chúng ta, nếu thay vào đó chúng ta tự hỏi bản thân về cách mà chúng ta sẽ phản ứng với hoàn cảnh của mình và cân bằng nó, đó là cách tiếp cận bình tĩnh và hợp lý đối với những gì có vẻ như không thể tránh khỏi, có thể số phận sẽ buông tha cho chúng ta những tác hại của việc rước những con ngựa thành Troy vào trong cuộc sống của mình.
Nghệ thuật có một khả năng đáng kinh ngạc là chỉ ra những gì không thể nhìn thấy để chúng ta có thể hỏi “Điều này có ý nghĩa gì đối với tôi và đối với tất cả những người nhìn thấy nó?”; “Nó đã ảnh hưởng như thế nào đến quá khứ và nó có thể ảnh hưởng đến tương lai như thế nào?” ;“Nó gợi ý gì về trải nghiệm của con người?”. Đây là một số câu hỏi tôi cân nhắc trong loạt bài “Nghệ thuật truyền thống chạm tới trái tim”.
Giới thiệu về tác giả: Eric Bess là một nghệ sĩ theo trường phái tả thực người Mỹ và hiện đang là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Tiến sĩ về Nghệ thuật Thị giác (Institute for Doctoral Studies in the Visual Arts – IDS)
Thiên Kim