Thấy gì trước phiên tòa xử nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương?

Mỹ Hằng

BBC

Hai nhà hoạt động dân chủ Trịnh Bá Phương và Phạm Đoan Trang dự kiến sẽ hầu tòa trong hai ngày 3 và 4/11. Tuy nhiên thân nhân cho hay chưa từng được gặp mặt họ lần nào. Trong khi tình hình sức khỏe của Phạm Đoan Trang được cho là “nghiêm trọng”.

Gia đình chưa được gặp Trịnh Bá Phương

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt sáng 23/10, Đỗ Thị Thu, vợ nhà hoạt động Trịnh Bá Phương cho hay, sau nhiều đơn thư kiến nghị, hôm 21/10, gia đình bà nhận được thư của TAND TP Hà Nội, gửi đến ban giám thị trại tạm giam số 1 công an TP Hà Nội “để giải quyết theo đúng pháp luật”.

“Theo tôi được biết thì theo đúng pháp luật, tôi phải được gặp chồng. Nhưng ngày 22/10, khi tôi đến trại tạm giam số 1 thì cán bộ Ngọc Anh ra nói không được gặp vì lý do dịch bệnh,” bà Thu nói.

“Cán bộ trại giam ban đầu nói có văn bản quy định không được gặp, nhưng sau đó lại nói là không có, rồi lại đưa ra một văn bản cũ từ ngày 30/4.

“Trong khi hiện nay chính phủ đã cho mở cửa trở lại các hoạt động rồi. Nhưng họ vẫn lấy lý do dịch bệnh để không cho gia đình tôi thăm gặp anh Phương. Chỉ còn 10 ngày nữa là phiên tòa xử anh ấy diễn ra.”

“Trừ một lần duy nhất luật sư được gặp chồng tôi trong trại tạm giam vào 20/7, tới nay chúng tôi không được nghe thêm tin tức gì của anh Phương. Anh cũng không được gọi điện về.”

Bà Thu cho hay gia đình bà tiếp tục gửi đơn tới tòa án và trại giam số 1, và sẽ quay lại trại giam vào ngày 25/10 để đòi được gặp ông Phương.

Về phiên tòa sắp diễn ra, bà Thu nói gia đình đã làm đơn xin được tham dự. Thông tin từ tòa án cho hay đây là phiên tòa ‘mở’, nhưng bà không chắc gia đình mình có được phép vào hay không.

Bà Thu mong muốn cộng đồng trong và ngoài nước cùng các tổ chức quốc tế quan tâm theo dõi phiên tòa và tình hình của ông Trịnh Bá Phương.

Trịnh Bá Phương bị bắt ngày 24/6/2020 cùng mẹ là bà Cấn Thị Thêu và em trai Trịnh Bá Tư. Trước đó, cả gia đình làm nông, trở thành nhà hoạt động đấu tranh đòi quyền đất cho cả thôn Dương Nội, Hà Nội, khi chính phủ tịch thu đất ruộng của họ và đền bù với giá rẻ.

Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư cũng là những người tiên phong trong việc cung cấp thông tin về sự việc Đồng Tâm hồi tháng 1/2020 cho báo chí trong và ngoài nước.

Tháng 6/2020, truyền thông Việt Nam đưa tin rằng ba người đã “soạn thảo, đăng tải, phát tán các video, bài viết có nội dung bịa đặt với mục đích chống phá nhà nước”, trong đó có việc “thường xuyên đăng tải, livestream thông tin liên quan vụ án xảy ra tại Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.”

Gia đình mong gặp Phạm Đoan Trang trước phiên tòa

Cùng “cảnh ngộ”, ông Phạm Chính Trực, anh trai nhà hoạt động Phạm Đoan Trang nói với BBC hôm 23/10 rằng từ khi bà Trang bị bắt giam tới nay đã một năm nhưng gia đình chưa một lần được gặp.

“Gia đình đã gửi rất nhiều đơn từ đến các cơ quan như Viện Kiểm sát, Tòa án… Nhưng tới nay không có phản hồi. ,

“Trong giai đoạn điều tra, họ nói thẳng là không được gặp thì chúng tôi đã chấp nhận. Nhưng khi kết thúc điều tra họ vẫn không cho gặp. Các yêu cầu, chất vấn của tôi bị chuyển từ cơ quan này sang cơ quan khác, như quả bóng đá từ chân người này sang người khác vậy.”

Ông Trực cho hay, mới đây, nhóm luật sư bào chữa cho bà Trang đã trao đổi với gia đình ông về vấn đề sức khỏe của bà Trang, được cho là “nghiêm trọng”, trong tù.

Ông Trực nói ông mong muốn sự việc này sẽ sớm được giải quyết. Tuy nhiên ông không hi vọng nhiều bởi theo ông, quyền cơ bản nhất là được thăm thân gia đình ông cũng chưa được đáp ứng thì không dám mong gì các kiến nghị “xa xỉ” khác được chấp nhận.

Cũng theo ông Trực, mẹ ông là bà Thiện Căn, năm nay đã 80 tuổi, luôn canh cánh bên lòng kể từ khi Đoan Trang bị bắt.

Ông Trực cũng kêu gọi cộng đồng trong và ngoài nước ủng hộ và theo dõi phiên tòa của Phạm Đoan Trang.

Phạm Đoan Trang bị bắt ngày 6/10/2020 với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định tại điều 88 Bộ luật hình sự 1999”.

Trước đó, bà Trang là nhà báo, đồng chủ biên Luật Khoa Tạp Chí. Bà xuất bản một số sách gây tiếng vang như Chính trị Bình dân, Cẩm nang nuôi tù, Phản kháng phi bạo lực. Bà cũng là đồng tác giả Báo cáo Đồng Tâm song ngữ Anh-Việt.

Bà Trang từng được nhận một số giải thưởng quốc tế về nhân quyền.

Báo Công an Nhân dân ngày 8/10/2020 có bài viết về nhà hoạt động dân chủ Phạm Đoan Trang, trong đó có đoạn:

“Phạm Thị Đoan Trang có mối liên hệ mật thiết với các tổ chức phản động lưu vong như “Việt Tân”, “VOICE”…, “nổi” lên là một trong những đối tượng cầm đầu nhóm “Mạng lưới blogger Việt Nam”.

Bài báo viết bà Trang đã “viết hàng trăm tài liệu nội dung xuyên tạc, phản động; thực hiện trên 50 lượt trả lời phỏng vấn các đài báo nước ngoài; viết, tán phát 10 cuốn sách có nội dung tuyên truyền xuyên tạc thực trạng dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, đả phá, bôi nhọ lãnh đạo Đảng.”

Ông Trịnh Hữu Long, đồng sáng lập, Tổng biên tập Luật Khoa Tạp Chí, hôm 19/10 bình luận với BBC rằng có khả năng bà Phạm Đoan Trang sẽ được nhận mức án nhẹ, dựa trên bản cáo trạng mà Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội vừa công bố.

Luật sư nói gì?

Các luật sư đại diện cho Phạm Đoan Trang mới đây đã có một văn bản kiến nghị gửi tới TAND TP Hà Nội, Trại giam số 1, Giám đốc Công an Hà Nội, về tình trạng sức khỏe của bà.

Theo đơn kiến nghị công bố trên Facebook luật sư Lê Văn Luân, hơn một năm qua, kể từ khi bị tạm giam bà Trang bị chảy máu kéo dài khiến bà bị thiếu máu. Huyết áp thấp khiến bà thường xuyên đau đầu, mệt mỏi, run tay, chân.

Vết thương cũ ở hai chân của bà nhiều lần đau nhức khiến cho việc di chuyển hết sức khó khăn nhất là trong thời tiết lạnh giao mùa. Các vấn đề này kéo dài một năm qua mà không được điều trị kịp thời khiến sức khỏe của bà Trang suy giảm. Hiện tại cân nặng của bà chỉ còn 48kg (sụt 10kg so với thời gian mới bị tạm giam).

Sau khi tiếp nhận thông tin từ bà Trang, nhóm luật sư đã tham vấn ý kiến bác sỹ và nhận được thông tin rằng đây có thể là dấu hiệu một số bệnh nguy hiểm như rối loạn máu và hormone, bệnh tuyến giáp, tổn thương tử cung và nhiều bệnh khác, nhưng nguy hiểm hơn đây có thể là dấu hiệu của bệnh u nang buồng trứng (ung thư).

Luật sư cho hay bà Trang đã nhiều lần trực tiếp trao đổi với phía trại tạm giam về vấn đề này nhưng không được phản hồi, thăm khám đúng mức.

Việc này, theo các luật sư, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của bà Trang. Trong khi theo Hiến pháp Việt Nam và các luật hiện hành, quyền được bảo hộ về sức khỏe và được chăm sóc y tế của bị can, bị cáo phải được đảm bảo.

Qua đó, các luật sư đề nghị các cơ quan liên quan thực hiện việc thăm khám sức khỏe cho bà Trang hoặc đưa bà đi khám chữa bệnh tại các cơ sở ý tế.

Quốc tế nói gì?

Ngay sau khi Phạm Đoan Trang bị bắt, New York Times có bài viết đề cập đến bức thư bà Trang để lại, trong đó đề nghị những người ủng hộ bà không tổ chức chiến dịch đòi trả tự do cho bà, mà tiếp tục đấu tranh cho tự do bầu cử và chấm dứt chế độ độc đảng ở Việt Nam.

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) được trích lời trong bài báo của New York Times, nói: “Bà Trang là kiểu nhà văn và nhà tư tưởng đầy nội lực mà chính phủ Việt Nam không muốn được tự do. Họ sẽ trừng phạt bà nặng nhất có thể và bà sẽ không thỏa hiệp.”

Ông John Sifton, Giám đốc vận động châu Á của HRW thì nhận định rằng gia đình Trịnh Bá Phương là “Những người bảo vệ nhân quyền dám thẳng thắn lên tiếng ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam nên lắng nghe những người như gia đình dũng cảm này, không nên đẩy họ vào tù.”.

Related posts