Trận chiến Mỹ-Trung về chất bán dẫn

Antonio Graceffo

Một người đàn ông đang tham quan Hội nghị Bán dẫn Thế giới 2020 ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, ở phía đông Trung Quốc hôm 26/08/2020. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images) Bình luận

Chất bán dẫn là trung tâm của cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc để giành vị trí tối cao về công nghệ. Chất bán dẫn đắt tiền và rất quan trọng, và chính quyền Trung Quốc đã thề sẽ chi vượt Hoa Kỳ với tỷ lệ gần 50-1 trong việc phát triển chất bán dẫn.

Chất bán dẫn, hay “các vi mạch”, là một thành phần không thể thiếu của các sản phẩm công nghệ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Chúng thường được làm từ các tinh thể có kích thước nano (cỡ một phần tỷ), trong đó phổ biến nhất là silicon. Còn được gọi là tấm silicon, chất bán dẫn mỏng hơn một sợi tóc người và chứa tới 40 tỷ thành phần.

Chỉ có một số ít các công ty có khả năng sản xuất chất bán dẫn chất lượng cao nhất, vốn cực kỳ phức tạp. Ngoài việc đòi hỏi kiến ​​thức khoa học tiên tiến, việc sản xuất chúng cũng cần hết sức nhiều vốn – rất tốn kém để phát triển và sản xuất chất bán dẫn.

Các mạch tích hợp (IC), được tạo thành từ vật liệu bán dẫn, được sử dụng trong các sản phẩm điện tử tiêu dùng, bao gồm máy tính, điện thoại di động/điện thoại thông minh, máy ảnh kỹ thuật số, máy chủ trung tâm dữ liệu, TV, máy giặt, tủ lạnh, xe hơi và máy chơi game.

Chất bán dẫn cũng rất quan trọng đối với thiết bị phần cứng dùng trong quân sự và quốc phòng, và được sử dụng trong viễn thông, hệ thống dẫn đường tên lửa, hệ thống định vị, thiết bị mô phỏng vũ khí, thiết bị tìm tầm bắn, và thiết bị điều khiển tên lửa nổ. Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng Mỹ (DARPA), cơ quan chịu trách nhiệm phát triển các công nghệ mới nổi dùng cho quốc phòng, cần chất bán dẫn cho các chương trình tác chiến điện tử của mình.

Trung Quốc là đối thủ chính của Hoa Kỳ trong cuộc chiến về chất bán dẫn. Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Cộng kêu gọi tự chủ sản xuất chất bán dẫn. Ngay sau khi kế hoạch được công bố, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã xác định đầu tư vào các công nghệ cốt lõi, bao gồm vi mạch, trí tuệ nhân tạo (AI), và 5G, như một cách để bắt kịp Hoa Kỳ.

Trung Cộng đang bơm tiền vào việc mua vũ khí, cũng như nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn và công nghệ tiên tiến, để hiện đại hóa quân đội của mình. Mặt khác, Hoa Kỳ đã cắt giảm mạnh ngân sách nghiên cứu và phát triển kể từ khi Chiến tranh Lạnh với Liên Xô kết thúc.

Trong 20 năm qua, các nhà sản xuất vi mạch Trung Quốc đã nhận được hơn 50 tỷ USD trợ cấp của chính phủ. Do đó, năm 2019, xuất khẩu vi mạch của Trung Quốc đạt 101 tỷ USD. Trung Cộng đã thành lập một quỹ đầu tư chất bán dẫn trị giá 58 tỷ USD, trong khi các chính quyền địa phương đã cam kết đầu tư thêm 60 tỷ USD. Ngoài ra, các công ty bán dẫn được miễn thuế doanh nghiệp 10 năm.

Chính quyền Trung Quốc cũng mua lại các nhà sản xuất vi mạch và săn lùng nhân tài từ các nhà phát triển vi mạch ngoại quốc, đặc biệt là từ Đài Loan. Hơn nữa, Bắc Kinh cung cấp các khoản trợ cấp và ưu đãi để thu hút các nhà sản xuất vi mạch ngoại quốc chuyển đến Trung Quốc.

Đài Loan là quốc gia dẫn đầu thế giới về chất bán dẫn—chịu trách nhiệm về 63% thị trường toàn cầu. Trung Cộng sẽ làm hầu hết mọi thứ để có được tài năng và công nghệ từ đảo quốc này. Các cuộc tấn công trong lĩnh vực mạng đang tái diễn với Đài Loan là một ví dụ về sự nỗ lực của Trung Cộng, để đánh cắp công nghệ vi mạch của Đài Loan. Đáp lại, bốn thành viên quốc hội Đài Loan, đại diện cho Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP), đã đề nghị thắt chặt luật bí mật thương mại của nước này để ngăn chặn việc Trung Cộng có được công nghệ bán dẫn hoặc nhân lực của Đài Loan. Bốn nhà lập pháp cho rằng việc Bắc Kinh quan tâm đánh cắp công nghệ của Đài Loan không chỉ vì động cơ tài chính mà còn là một nỗ lực khiến Đài Loan trở nên nghèo nàn và yếu kém, và dễ bị ép buộc hơn.

Một nhà máy của nhà sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC tại Công viên Khoa học Trung tâm Đài Loan ở Đài Trung, Đài Loan, hôm 25/03/2021. (Ảnh: Sam Yeh/AFP/Getty Images)

Trung Quốc đã có một số thành công trong việc phát triển chất bán dẫn của riêng mình. Các vi mạch AI được sử dụng trong điện toán đám mây đã được phát triển bởi Alibaba.  Vi mạch Kirin của Huawei, được sử dụng cho thiết bị 5G và điện thoại thông minh, được cho là tốt ngang với các vi mạch tương đương của Samsung và Qualcomm.

Nhưng Trung Quốc vẫn đứng sau Hoa Kỳ về sản xuất vi mạch. Các bộ vi mạch Kirin của Huawei thực chất được sản xuất bởi một công ty Đài Loan, Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), sử dụng công nghệ của Hoa Kỳ.

TSMC là công ty hàng đầu thế giới, chiếm 54% lượng chất bán dẫn toàn cầu. Thu nhỏ là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của sự phát triển vi mạch và TSMC hiện đang nghiên cứu quy trình sản xuất 3 nanomet (nm). Công ty cũng hy vọng sẽ có vi mạch 2 nm vào năm 2025.

Nhà sản xuất vi mạch lớn nhất Trung Quốc, Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn (SMIC) thuộc sở hữu nhà nước, chỉ bắt đầu sản xuất vi mạch 14 nm vào cuối năm 2019, khiến Trung Quốc tụt hậu hai thế hệ so với các công ty đầu ngành.

Một nhân viên an ninh đứng bên ngoài tòa nhà của Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn (SMIC) trong lễ khai trương tại Thượng Hải, Trung Quốc vào ngày 22 tháng 11 năm 2001. (Ảnh: Reuters)

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) [của Hoa Kỳ], Trung Quốc sẽ mất ít nhất 10 năm để bắt kịp Hoa Kỳ trong lĩnh vực sản xuất vi mạch. CSIS nói rằng khung thời gian có thể được kéo dài nếu Hoa Kỳ cắt đứt khả năng tiếp cận công nghệ và tài chính của Trung Quốc. CSIS khuyến nghị Hoa Kỳ chặn xuất cảng chất bán dẫn và thiết bị sản xuất chất bán dẫn, đồng thời ngăn Trung Quốc mua vi mạch sản xuất bằng thiết bị của Hoa Kỳ và thâu tóm các công ty sản xuất vi mạch của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ đã thực hiện một số bước để bảo vệ công nghệ bán dẫn của Hoa Kỳ và làm chậm bước tiến của Trung Quốc. Ủy ban An ninh Quốc gia về Trí tuệ Nhân tạo (NSCAI) đã khuyến nghị tăng cường luật pháp Hoa Kỳ để ngăn Trung Quốc có được công nghệ bán dẫn. Hoa Thịnh Đốn đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với SMIC của Trung Quốc vì vi mạch của họ có ứng dụng quân sự.

Về mặt nội địa, CSIS cho rằng việc chính phủ Hoa Kỳ đầu tư vào các nhà sản xuất vi mạch là rất quan trọng về mặt quốc phòng. Và đây là những gì Hoa Kỳ đang làm. Đạo luật Kiến tạo Khuyến khích Hữu ích để Sản xuất Chất bán dẫn (CHIPS) cho Hoa Kỳ là một dự luật được đề nghị tại Quốc hội nhằm khôi phục vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ trong ngành sản xuất chất bán dẫn, một mục tiêu có thể đạt được bằng cách cung cấp các động lực kinh tế dài hạn cho nghiên cứu và phát triển. Trong số các điều khoản tài trợ khác, dự luật này kêu gọi thành lập một quỹ trị giá 10 tỷ USD để khuyến khích đầu tư vào các cơ sở sản xuất chất bán dẫn.

Dự luật CHIPS đã được đưa vào Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng. Nó đã tạo ra một Trung tâm Công nghệ Bán dẫn Quốc gia, cung cấp tài chính cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của khu vực tư nhân. NSCAI đã đề xuất 35 tỷ USD viện trợ và tài trợ cho việc nghiên cứu và sản xuất vi mạch. Con số này bổ sung thêm cho 37 tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden đã hứa.

Trung Cộng đã thề sẽ chi nhiều hơn Hoa Kỳ với tỷ lệ 50 trên 1 trong việc phát triển chất bán dẫn, nhưng Hoa Kỳ là một quốc gia giàu có hơn nhiều. Năm 2019, Trung Cộng đã nhập khẩu 300 tỷ USD tiền vi mạch máy tính, nhiều hơn số tiền họ chi cho dầu lửa. Cuộc chiến bán dẫn trông rất giống với sự leo thang chi tiêu quân sự trong cuộc Chiến tranh Lạnh với Nga.

“Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc” và “Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”

Lưu Đức biên dịch

Related posts