Thanh Hải
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 25/10 đã kêu gọi hòa bình thế giới và hợp tác toàn cầu, bất chấp thực tế Bắc Kinh ngày càng gây hấn khiến cộng đồng quốc tế lo ngại, theo Epoch Times.
Cụ thể, trong bài phát biểu đánh dấu kỷ niệm 50 năm Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đại diện cho Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, ông Tập nói Bắc Kinh sẽ luôn là “người xây dựng hòa bình thế giới” và “người bảo vệ trật tự quốc tế”, theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Phát biểu của ông Tập được đưa ra trong bối cảnh phương Tây đang gia tăng chỉ trích về một loạt hành động gây hấn của ĐCSTQ, từ lạm dụng thương mại đến vi phạm nhân quyền, vấn đề Biển Đông, Đài Loan.
Ông Tập không nêu quốc gia nào nhưng nói rằng Trung Quốc phản đối “tất cả các hình thức chính trị bá quyền và cường quyền, cũng như mọi hình thức chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ”. Theo các nhà phân tích, phát biểu này được cho là nhắm vào vị trí thống trị của Hoa Kỳ trong trật tự thế giới.
Nhà lãnh đạo ĐCSTQ cũng nói rằng cần “cải cách và phát triển hệ thống quản trị toàn cầu” khi kêu gọi thế giới thực hành cái mà ông gọi là “chủ nghĩa đa phương thực sự”.
Ông Tập nói với những người tham dự, bao gồm đại diện các tổ chức toàn cầu và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres: “Các quy tắc quốc tế chỉ có thể được đưa ra bởi 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc cùng nhau, chứ không phải các quốc gia hoặc khối quốc gia riêng lẻ quyết định”.
Vài ngày trước bài phát biểu của ông Tập, các quan chức Hoa Kỳ đã gặp những người đồng cấp Đài Loan để thảo luận về cách hỗ trợ “khả năng tham gia có ý nghĩa vào Liên Hiệp Quốc” của hòn đảo. Đài Loan mất ghế tại Liên Hiệp Quốc vào tay ĐCSTQ vào năm 1971, Bắc Kinh, vốn coi Đài Bắc dân chủ là một phần lãnh thổ không thể tách rời, tuy nhiên Đài Loan tuyên bố họ đã là quốc gia độc lập.
Doong Sy-chi, phó tổng điều hành của cơ quan tư vấn chính sách cho Đài Loan, cho biết khi ĐCSTQ được bầu vào Liên Hợp Quốc, nhiều quốc gia kỳ vọng rằng sự tham gia của Bắc Kinh vào hệ thống quốc tế sẽ thúc đẩy họ tuân thủ trật tự dựa trên quy tắc. Nhưng mọi thứ không diễn ra theo cách đó.
Ông Doong trao đổi với The Epoch Times rằng, Bắc Kinh đang tận dụng ảnh hưởng kinh tế của mình để đạt được chương trình hành động chính trị của riêng mình trong hệ thống quốc tế. Ông cũng cho biết thêm rằng sau nửa thế kỷ, nhiều quốc gia bắt đầu nhận thấy “những mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra đối với dân chủ, tự do và nhân quyền”.
Vào ngày 21/10, hơn 40 quốc gia đã lên tiếng bày tỏ quan ngại tại Liên Hợp Quốc về việc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.
43 quốc gia cho biết trong một tuyên bố: “Đã có những hành vi vi phạm nhân quyền, tra tấn, cưỡng bức triệt sản, bạo lực tình dục và cưỡng ép tách trẻ em [với cha mẹ] một cách tổng thể và có hệ thống”.
Lee Yeau-tarn, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Phát triển Sau đại học của Đại học Quốc gia Chengchi Đài Loan thì cho biết “mặc dù ĐCSTQ có thể công khai kêu gọi những ý tưởng tốt đẹp như hợp tác và hòa bình thế giới, nhưng các hành động của chế độ này đã cho thấy thực tế, ĐCSTQ đang nghiêng về quyền bá chủ toàn cầu”.
“Những gì ông Tập nói ngày hôm nay, chẳng hạn như “cộng đồng thế giới, chủ nghĩa đa quốc gia, hòa bình, … là vô căn cứ”, ông Lee nói: “Cả thế giới đều biết về sự hung hăng của ĐCSTQ”.
Ông Lee cũng chỉ ra chiến dịch ráo riết của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn các quốc gia thiết lập quan hệ với Đài Loan và ngăn chặn việc hòn đảo này tham gia vào các tổ chức quốc tế. Kể từ năm 2017, Bắc Kinh đã cấm Đài Loan tham gia với tư cách là quan sát viên trong cơ quan ra quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới, Đại hội đồng Y tế Thế giới.