Anh Vũ
Mùa đông đang đến gần, châu Âu vốn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu, đang chứng kiến giá năng lượng tăng chóng mặt. Chính sách năng lượng đang là mối quan tâm hàng đầu trong các cuộc họp lớn của Liên Hiệp Châu Âu, nhưng các cuộc thảo luận dường như chỉ càng làm rõ thêm những bất đồng, chia rẽ trong 27 nước thành viên.
Sau hai hội nghị thượng đỉnh hôm 06/10 tại Slovenia và ngày 21 và 22/10 tại Bruxelles, đến lượt các bộ trưởng phụ trách về năng lượng của các nước thành viên Liên Âu, hôm qua 26/10/2021 đã có cuộc họp bất thường tại Luxembourg để tìm ra một chính sách chung để sao cho năng lượng không làm ảnh hưởng tới các kế hoạch phục hồi kinh tế sau khủng hoảng dịch Covid1-9. Một lần nữa 27 nước châu Âu lại chia rẽ sâu sắc, các giải pháp dài hạn đồng bộ vẫn không thể có được.
Về trước mắt, các nước đều có quan điểm chung duy nhất là không thể trông đợi gì vào chính sách chung của Liên Âu, từng quốc gia phải hành động theo cách riêng của mình, như giảm thuế, trợ cấp cho các đối tượng khó khăn hay tự xoay sở tìm nguồn cung ứng. Trái lại về chính sách năng lượng dài hạn nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và làm chủ được thị trường thì các thành viên chia rẽ thành ba khối rõ rệt, sau cuộc họp các bộ trưởng EU ngày hôm qua.
Nhóm nước thứ nhất, bao gồm các nước ở phía bắc của Liên Hiệp Châu Âu. Đó là những nước, như Áo, Đức, Đan Mạch, Hà Lan hay Luxembourg cho rằng tình trạng giá năng lượng tăng vọt hiện nay chỉ mang tính tình huống nhất thời, thị trường sẽ tự điều chỉnh, vì thế cứ giữ nguyên trạng không cần phải cải cách, điều chỉnh.
Quan điểm này trái ngược với nhóm nước thứ 2, bao gồm Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Rumani hay Cộng Hòa Séc, chủ trương phải cải cách lại thị trường khí đốt và điện sao cho phối hợp cung ứng được tốt nhất để làm chủ được tình hình khi xảy ra gián đoạn cung ứng.
Nhóm nước thứ 3, chủ yếu các nước ở phần đông Âu, dẫn đầu là Ba Lan. Nhóm này lấy cớ khủng hoảng năng lượng để lật lại các quy định pháp lý chung nhằm đưa Liên Âu tiến tới mục tiêu cam kết trung hòa các-bon vào năm 2050. Để bỏ dần năng lượng hóa thạch các nước này đòi được hỗ trợ tài chính nhiều hơn. Theo nhóm nước còn lệ thuộc nhiều vào than đá, việc chuyển tiếp sang năng lượng sạch sẽ càng làm giá thành tăng cao.
Trong bối cảnh chia rẽ như vậy, Ủy Ban Châu Âu không thể có quyết định nào khác ngoài chủ trương giữ nguyên trạng tình hình.
Yếu tố Nga gây tranh cãi
Bên cạnh những bất đồng về chủ trương chính sách, cuộc khủng hoảng năng lượng đã làm dấy lên một cuộc tranh luận khác trong 27 nước thành viên, mang tính địa chính trị là mối quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Nga, hiện đang là nhà cung cấp khí đốt chủ yếu cho Liên Âu. Trong các nước châu Âu, Ba Lan là nước có thâm thù và luôn ngờ vực Nga, lo ngại các thành viên trong EU sẵn sàng quay sang Matxcơva để giảm bớt căng thẳng về năng lượng hiện nay.
Trong khi đó, tổng thống Nga Vladimir Putin luôn sẵn sàng tạo điều kiện về giá cả để thu hút các nước ký hợp đồng lâu dài với tập đoàn khí đốt Nga Gazprom. Đề nghị của Nga hồi tháng 9, sẵn sàng hỗ trợ châu Âu giữ ổn định nguồn cung ứng và giá khí đốt được đón nhận với thái độ thận trọng vì vẫn còn tồn tại không ít lo ngại sẽ bị lệ thuộc Nga và sợ rằng Matxcơva sẽ sử dụng khí đốt như một thứ vũ khí địa chính trị gây sức ép với châu Âu về các hồ sơ khác về lâu dài.
Trong hội nghị thượng đỉnh Liên Âu hôm 21/10 vừa rồi, thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã lớn tiếng kêu gọi Ủy Ban Châu Âu mở điều tra về thao túng thị trường và lạm dụng ưu thế trong cách làm ăn của Gazprom. Tất nhiên tiếng nói của Ba Lan trở nên yếu ớt trước thái độ của Đức, nước có nguồn cung ứng khí đốt trực tiếp từ Nga qua đường ống dẫn khí đốt North Stream 2 vừa hoàn thành, cũng như Hungary hay Cộng Hòa Séc, những nước vốn vẫn có thiện cảm với Nga.
Mùa đông đang đến gần, giá khí đốt và điện tiếp tục xu hướng tăng đều. Đầu tháng tới, hội nghị khí hậu toàn cầu COP 26 mở ra đòi hỏi các nước phải có những cam kết mạnh mẽ hơn về chuyển đổi năng lượng, trong lúc này 27 nước thành viên Liên Âu vẫn loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán năng lượng. Hồ sơ nóng này lại phải chờ đến hội nghị thượng đỉnh Liên Âu vào tháng 12 tới mà không có kỳ vọng gì nhiều.