Tin thế giới sáng thứ Năm

Tổng thống Pháp kêu gọi Trung Quốc tiếp tục “cân đối lại” quan hệ với Liên Âu

Thanh Phương

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh LHCA, Bruxelles, Bỉ, ngày 22/10/2021. REUTERS – POOL

Theo thông báo của điện Elysée, trong một cuộc điện đàm hôm 26/10/2021, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “tiếp tục cân đối lại” quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu  với Trung Quốc, nhất là trong việc tiếp cận thị trường.

Vào lúc chỉ còn vài ngày nữa là đến thượng đỉnh của nhóm G20 ở Roma và thượng đỉnh khí hậu COP 26 ở Glasgow, hai lãnh đạo Pháp, Trung Quốc đã trao đổi với nhau về các hồ sơ lớn của quốc tế: Covid-19, khí hậu, thương mại, Afghanistan, hạt nhân Iran, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc.

Do Pháp sẽ nắm giữ chức chủ tịch Hội đồng của Liên Hiệp Châu Âu trong sáu tháng đầu năm 2022, tổng thống Macron kêu gọi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “ tiếp tục cân đối lại ” quan hệ Liên Âu-Trung Quốc, nhất là về mặt tiếp cận thị trường.

Ông Macron còn kêu gọi Bắc Kinh bãi bỏ các biện pháp trừng phạt đối với các nước thành viên Liên Âu và đối với các đại diện của các định chế châu Âu và Nghị Viện Châu Âu, nhằm trả đũa các trừng phạt của Liên Âu về việc Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ Hồi Giáo ở vùng Tân Cương.

 Riêng về vấn đề này, tổng thống Pháp thúc giục Bắc Kinh thực hiện cam kết phê chuẩn các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế về chống lao động cưỡng bức.    

Hai tổng thống Pháp-Mỹ gặp nhau tại Roma

Hôm qua, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan thông báo là tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron ngày thứ Sáu tuần này 29/10 nhân thượng đỉnh G20. Cuộc gặp sẽ diễn ra trong bối cảnh Washington đang cố xoa dịu Paris sau vụ khủng hoảng tàu ngầm Úc. 

Mỹ kêu gọi quốc tế ủng hộ Đài Loan gia nhập các tổ chức của Liên Hiệp Quốc

Trọng Thành

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc họp báo tại trụ sở bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Washington, Mỹ, ngày 03/09/2021. REUTERS – POOL

Đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Trung Quốc trở thành thành viên Liên Hiệp Quốc thế chỗ Đài Loan, hôm qua, 26/10/2021, chính quyền Mỹ đã kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ Đài Bắc gia nhập thêm nhiều tổ chức của Liên Hiệp Quốc.

Thông cáo của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh sự tham gia « đáng kể và mạnh mẽ của Đài Loan » vào hệ thống Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế là cần thiết trong bối cảnh thế giới đang đứng trước « những thách thức toàn cầu chưa từng có ». Bắc Kinh ngay lập tức đáp trả. Hôm nay, 27/10, người phát ngôn Văn phòng Sự vụ Đài Loan của chính phủ Trung Quốc, ông Mã Hiểu Quang (Ma Xiaoguang), đã bác bỏ lời kêu gọi của ngoại trưởng Mỹ, khẳng định : « Đài Loan không có quyền tham gia Liên Hiệp Quốc ». Phát ngôn viên Văn phòng Sự vụ Đài Loan nhấn mạnh rằng chỉ có các quốc gia có chủ quyền mới có quyền tham gia Liên Hiệp Quốc.

Thông tín viên RFI Guillaume Naudin từ Washington cho biết thêm:

“Ngày được chọn không hề là ngẫu nhiên. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken phát biểu sau ngày kỷ niệm 50 năm chế độ cộng sản Trung Quốc gia nhập Liên Hiệp Quốc thay thế Đài Loan. Trong thông điệp này, lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ giải thích : Đài Loan là một thành công về dân chủ và việc loại trừ Đài Loan đã gây tổn hại cho sứ mạng quan trọng của Liên Hiệp Quốc và các cơ quan thuộc định chế quốc tế này.

Phát biểu của ngoại trưởng Mỹ có nguy cơ chọc giận Bắc Kinh, khi chế độ cộng sản Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với Đài Loan, và không bỏ lỡ dịp nào để khẳng định sẽ sáp nhập hòn đảo, kể cả bằng vũ lực. Đầu tháng này, nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh của chế độ cộng sản, Bắc Kinh đã đưa số lượng kỷ lục phi cơ quân sự xâm nhập vùng nhận dạng hàng không của Đài Loan liên tục trong nhiều ngày.

Nỗi lo Đài Loan bị Trung Quốc xâm chiếm gia tăng. Trong số các căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, Đài Loan là vấn đề duy nhất được coi là có thể dẫn đến một xung đột vũ trang. Hồi tuần trước, Bắc Kinh đã kêu gọi tổng thống Mỹ thận trọng, sau khi nguyên thủ Joe Biden giải thích rằng Washington sẽ can thiệp trong trường hợp Đài Loan bị Trung Quốc tấn công, và đã có một cam kết về việc này.

Phát biểu của tổng thống Biden có thể được hiểu như là đã có sự tiến triển trong học thuyết mập mờ về chiến lược mang tính lịch sử của Mỹ đối với đảo Đài Loan. Ngay lập tức chính quyền Mỹ đã giải thích là không có gì thay đổi”.

Trong thông cáo nói trên, ngoại trưởng Mỹ cũng lưu ý là việc Đài Loan tham gia vào hệ thống Liên Hiệp Quốc hoàn toàn « không phải là một vấn đề chính trị, mà là một vấn đề thực tiễn », và nhấn mạnh rằng sự tham gia của Đài Loan vào Liên Hiệp Quốc phù hợp với lập trường chính thức của nước Mỹ đối với Đài Loan và Hoa Lục. Ngoại trưởng Mỹ cũng nhắc lại việc trong nửa thế kỷ qua, Đài Loan vẫn tiếp tục là thành viên của một số tổ chức của Liên Hiệp Quốc, tuy nhiên, « gần đây » Đài Loan đã không có cơ hội tham gia vào nhiều tổ chức như Tổ chức Y tế Thế giới hay Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, do sự phản đối ngày càng mạnh từ phía Trung Quốc, tuy không chỉ đích danh Bắc Kinh.

ASEAN tổ chức Thượng Đỉnh Đông Á trực tuyến

Thanh Phương

TT Nga Vladimir Putin tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á (EAS) từ tư dinh Novo-Ogaryovo vùng ngoại ô Mátxcơva (Nga) ngày 27/10/2021. Thượng Đỉnh Đông Á mở ra trong khuôn khổ Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN. AP – Evgeniy Paulin

Thượng đỉnh Đông Á do ASEAN tổ chức trực tuyến diễn ra tối nay, 27/10/2021, với sự tham dự của lãnh đạo 18 quốc gia để bàn về các tranh chấp trong khu vực.

Theo hãng tin AP, tham dự thượng đỉnh Đông Á lần này, dưới sự chủ tọa của Brunei, nước hiện giữ chức chủ tịch ASEAN, đặc biệt có tổng thống Mỹ Joe Biden, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và tổng thống Nga Vladimir Putin.

Đây là lần đầu tiên từ 4 năm qua, một tổng thống Mỹ dự thượng đỉnh với các nước ASEAN trong khuôn khổ thượng đỉnh Đông Á, cũng như trong khuôn khổ thượng đỉnh Hoa Kỳ – ASEAN.

Đây cũng là thượng đỉnh Đông Á đầu tiên có sự tham gia của 2 trong số 3 thành viên của liên minh AUKUS là  Hoa Kỳ và Úc (cùng với Anh Quốc). Việc thành lập liên minh này đã gây lo ngại đặc biệt cho hai quốc gia ASEAN là Malaysia và Indonesia, vì Kuala Lumpur và Jakarta sợ rằng việc nước Úc mua tàu ngầm hạt nhân của Mỹ sẽ khởi động một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Một số nước Đông Nam Á cũng sợ rằng liên minh AUKUS và cuộc tranh đua Mỹ-Trung sẽ gây tổn hại cho vai trò trung tâm của khối ASEAN trong khu vực.

Hôm qua, Nhà Trắng ra thông cáo cho biết nhân cuộc họp thượng đỉnh Đông Á lần này, tổng thống Biden sẽ tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với các cấu trúc khu vực do ASEAN đứng đầu và bàn về hợp tác với các đối tác và đồng minh để giải quyết các vấn đề mà vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương đang đối phó.

Riêng trong cuộc họp thượng đỉnh Hoa Kỳ – ASEAN hôm qua, tổng thống Joe Biden đã thông báo một kế hoạch 102 triệu đôla để tăng cường đối tác chiến lược với các nước Đông Nam Á. Số tiền này sẽ được dành cho các chương trình về y tế, khí hậu, kinh tế và giáo dục. Trong cuộc họp này, ông Biden đã tuyên bố quan hệ giữa Hoa Kỳ với ASEAN là một mối quan hệ mang tính “thiết yếu”.

Còn theo hãng tin Kyodo, trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến với ASEAN hôm qua, thủ tướng Lý Khắc Cường đã bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác giữa  với các nước Đông Nam Á trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ trên nhiều vấn đề khu vực, trong đó có Biển Đông, vùng biển mà Bắc Kinh khẳng định chủ quyền hầu như toàn bộ.

Nhân cuộc họp này, ông Lý Khắc Cường đã kêu gọi các nước ASEAN nhanh chóng kết thúc các cuộc đàm phán về Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông. Thủ tướng Trung Quốc cũng tuyên bố Bắc Kinh vẫn xem ASEAN là “một ưu tiên” trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.

Lần đầu tiên đại diện cho Nhật Bản trong cuộc họp thượng đỉnh với ASEAN hôm nay, thủ tướng Fumio Kishida cam kết sẽ làm việc cùng với các nước Đông Nam Á để bảo đảm “một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và hòa bình.”

Thượng Đỉnh Mỹ-ASEAN: TT Biden lo ngại về bạo lực ‘‘tàn khốc’’ tại Miến Điện

Trọng Thành

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tham dự Thượng Đỉnh Mỹ-ASEAN trực tuyến ngày 26/10/2021. Nicholas Kamm AFP

Miến Điện là hồ sơ trọng tâm trong dịp thượng đỉnh ASEAN lần thứ 38 và thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ, lần đầu tiên tiên có sự tham dự của một tổng thống Mỹ kể từ 4 năm nay.

Tại thượng đỉnh trực tuyến với khối ASEAN hôm qua, 26/10/2021, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã bày tỏ « mối quan ngại sâu sắc » đối với tình trạng bạo lực ở Miến Điện, mà ông đánh giá là « tàn khốc ». Nhà Trắng đã ra một thông cáo kêu gọi tập đoàn quân sự Miến Điện « ngừng ngay lập tức các bạo lực, trả tự do cho những người bị giam giữ bất công, phục hồi tiến trình chuyển tiếp sang dân chủ tại Miến Điện ».

Miến Điện cùng là chủ đề trọng tâm của thượng đỉnh lần thứ 38 của khối ASEAN cùng ngày, được tổ chức trực tuyến trong bối cảnh đại dịch, dưới sự chủ trì của Bruneil, quốc gia đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên. Kết thúc hội nghị, chủ tịch luân phiên của khối ra thông cáo chung, một lần nữa kêu gọi Miến Điện nhanh chóng thực thi “Đồng thuận 5 điểm” giữa các lãnh đạo ASEAN ngày 24/04/2021, chấm dứt ngay bạo lực, các bên kiềm chế tối đa, và tập đoàn quân sự cần để cho đặc phái viên của khối “gặp gỡ các bên liên quan”.

Miến Điện vẫn là thành viên của gia đình ASEAN”

ASEAN tiếp tục gia tăng áp lực với tập đoàn quân sự với việc không để lãnh đạo tập đoàn quân sự tham gia hội nghị, tuy nhiên, thông cáo của chủ tịch ASEAN hôm qua cũng nhấn mạnh: “Miến Điện vẫn là một thành viên của gia đình ASEAN”, và khối ASEAN ghi nhận việc « Miến Điện cần cả thời gian và không gian chính trị để đối phó với nhiều thách thức phức tạp trong nước ».

Theo hãng tin Nhật Kyodo News, tại hội nghị thượng đỉnh hôm qua, thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết ông “rất đau buồn” trước những diễn biến gần đây ở Miến Điện. Thủ tướng Malaysia khẳng định “Miến Điện vẫn là một thành viên quan trọng của gia đình ASEAN. Malaysia mong đợi sự trở lại nền dân chủ ở Miến Điện và sự tham gia của Miến Điện ở cấp cao nhất trong các hội nghị thượng đỉnh trong tương lai”. Trả lời báo giới, bộ trưởng Ngoại Giao Indonesia Retno Marsudi cho biết tổng thống Joko Widodo lấy làm tiếc về “lập trường bất hợp tác” của Miến Điện, đồng thời nhấn mạnh Indonesia tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho Miến Điện.

Phản ứng của chính quyền quân sự Miến Điện

Sau hội nghị thượng đỉnh của khối, bộ Ngoại Giao của tập đoàn quân sự Miến Điện ra tuyên bố cho biết việc đề xuất hạ cấp tham gia và hạn chế vai trò của của Miến Điện trong các cuộc thảo luận và quyết định đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh nói trên là “trái với các nguyên tắc, thủ tục của Hiến chương ASEAN và tiền lệ của ASEAN”. Tuy nhiên, cơ quan Ngoại Giao của tập đoàn quân sự Miến Điện cũng khẳng định việc họ không cử một quan chức cao cấp của bộ Ngoại Giao Miến Điện, theo gợi ý của các nước ASEAN không có nghĩa là Miến Điện “chống lại ASEAN hay tẩy chay ASEAN”.

Nghị sĩ ASEAN kêu gọi khối Đông Nam Á gia tăng áp lực

Các nghị sĩ Đông Nam Á và đại diện đối lập Miến Điện tổ chức họp báo hôm nay, 27/10/2021. Theo Al Jazeera, nghị sĩ Malaysia, ông Charles Santiago, chủ tịch Hiệp hội các Nghị sĩ ASEAN vì Nhân quyền (APHR) cho biết APHR hoan nghênh quyết định “chưa từng có và quan trọng” của ASEAN loại tướng Min Aung Hlaing khỏi hội nghị thượng đỉnh khu vực hàng năm, tuy nhiên, theo ông, khối ASEAN cần phải làm nhiều hơn nữa “để giải quyết tình trạng bế tắc chính trị” hiện nay. Theo chủ APHR, uy tín của ASEAN bị đe dọa, nếu khối này không thể gây thêm áp lực buộc quân đội Miến Điện « chấm dứt bạo lực » đối với người dân nước này.

Liên Hiệp Quốc: Cam kết chống biến đổi khí hậu phải cao hơn gấp 7 lần

Thanh Phương

Nước cạn ở một nhánh sông Parana, thành phố Rosario, Argentina. Ảnh chụp ngày 17/09/2021. REUTERS – AGUSTIN MARCARIAN

Trong khi chỉ còn vài ngày nữa là đến hội nghị khí hậu COP26, Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh: nếu muốn hạn chế mức tăng nhiệt độ ở 1,5°C, các cam kết về cắt giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính phải cao hơn gấp 7 lần so với những cam kết hiện nay của các nước.

Hiệp định Paris về khí hậu đã đề ra mục tiêu giữ cho mức tăng nhiệt độ Trái đất không vượt quá 2°C, nếu có thể không quá 1,5°C, so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhưng trong báo cáo được công bố hôm qua, 26/10/2021, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc ghi nhận là những cam kết mới nhất của các nước chỉ giúp giảm được 7,5% lượng khí phát thải vào năm 2030, trong khi để kềm chế mức tăng nhiệt độ ở 1,5°C, cần phải cắt giảm đến 55% lượng khí phát thải.

Nói cách khác, theo lời tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres trong cuộc họp báo hôm qua, thế giới phải có tham vọng cao hơn gấp 7 lần so với hiện nay để giữ cho nhiệt độ không tăng thêm quá 1,5°C. Với những cam kết như hiện nay, nhiệt độ Trái đất sẽ tăng thêm ít nhất 2,7°C. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc báo động: “ Chúng ta vẫn đang tiến đến một thảm họa khí hậu.” Ông cho rằng tiếp tục đi theo mô hình dựa trên các năng lượng hóa thạch chẳng khác gì ký “bản án tử hình” đối với toàn bộ các nền kinh tế của thế giới.

Cũng theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại: sau khi giảm 5,4% trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng khí phát thải được dự báo sẽ tăng rất mạnh trong năm nay, nếu các quốc gia không tranh thủ cơ hội đề ra các kế hoạch phục hồi kinh tế để đẩy nhanh việc chuyển tiếp sang nền kinh tế “xanh”.

Sudan: Tổng đình công trong cả nước chống đảo chính quân sự

Anh Vũ

Binh lính Sudan bên ngoài dinh tổng thống ở Khartum, Sudan, ngày 16/10/2021. REUTERS – EL TAYEB SIDDIG

Hai ngày sau cuộc đảo chính, các công đoàn và các ủy ban kháng chiến nhân dân tại Sudan kêu gọi tổng đình công và được đông đảo người dân hưởng ứng. Cả nước bị tê liệt, người dân đang chuẩn bị một cuộc biểu tình lớn vào ngày Chủ nhật tới để chống lại cuộc đảo chính quân sự, đòi tái lập chế độ dân sự.

Đặc phái viên RFI, Eliott Brachet tại Khartoum ghi nhận tình hình tại chỗ:

“Ở khắp các góc phố trong thủ đô, người biểu tình dựng các chiến lũy bằng gạch đá, đốt lốp xe hơi để cản bước tiến của các quân nhân. Như hồi 2019, sau đàn áp thảm khốc cuộc biểu tình tọa kháng trước tổng hành dinh quân đội, người dân công khai tỏ thái độ bất tuân dân sự.

Một người đàn ông trong đám đông cho biết: “Hôm nay không một ai đi học, đi làm. Chúng tôi đang chuẩn bị. Chúng tôi sẽ không rời khỏi đây chừng nào các yêu cầu của chúng tôi không được lắng nghe. Tôi không sợ. Nhiều người cảm tử của thế hệ chúng tôi đã ngã xuống. Giờ đây hoặc người ta tôn trọng các quyền của tôi, hoặc là tôi sẵn sàng chết”.

Trong nhiều giờ, internet đã được nối lại rồi lại bị ngắt. Những người biểu tình đã có thể trao đổi với nhau về bước hành động tiếp theo. Abdelkhalik, thành viên của một ủy ban kháng chiến nói : « Ngày 30 tháng 10 sẽ là ngày huy động đồng loạt trong cả nước để lật đổ chính quyền của các tướng lĩnh và phần còn lại của chế độ al-Bachir. Chúng tôi giữ liên lạc với các đồng nghiệp trong tất cả các vùng của đất nước ».

Khó có thể biết phản ứng của giới quân nhân sẽ ra sao. Những dấu hiệu đêm trước không có gì tốt lành. Người ta vẫn còn nghe thấy tiếng súng nổ và còi xe cấp cứu. Do cắt mạng internet, rất khó để có được thông tin tức thì. Một điều chắc chắn là trấn áp vẫn tiếp diễn”.

Related posts