Lê Minh
Trong một tháng qua, tỷ phú người Mỹ gốc Nam Phi Elon Musk đã ít nhất hai lần thốt lên “Trung Quốc thật là tuyệt” bất chấp sự thật rằng Trung Quốc đang duy trì chế độ chính trị hà khắc nhất hành tinh với rất nhiều tội ác chống lại loài người mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cần phải che giấu. Tại sao Elon Musk, một tỷ phú trẻ tự thân, có vẻ không thích các chính trị gia có thẩm quyền, lại cố gắng ‘quyến rũ’ Trung Quốc?
Elon Musk đã trở thành vị tỷ phú giàu nhất thế giới, khối tài sản của ông lớn hơn GDP của cả Việt Nam năm 2020 vừa qua và bằng cả tài sản của Bill Gates và Buffett cộng lại. Khác với nhiều tỷ phú khác, Elon Musk là tỷ phú công nghệ tự thân.
Là một nhà phê bình thẳng thắn đối với chính phủ Hoa Kỳ, Musk dường như ghét bỏ bất kỳ nhân vật có thẩm quyền nào. Hầu như bất kỳ ai.
Nhưng Elon Musk đã dành thời gian khen ngợi, ít nhất là 2 lần trong 1 tháng vừa qua, cho ĐCSTQ – chế độ chuyên chế nhất hành tinh. Theo Musk, “Trung Quốc thật tuyệt”, bất chấp sự thật khủng khiếp về quốc gia ‘thật là tuyệt’ đó.
Cuộc tấn công ‘quyến rũ’ của Musk dành cho Trung Quốc
Trên thực tế, cuộc tấn công quyến rũ lấy cảm hứng từ Trung Quốc của Elon Musk đã xảy ra khá lâu. Đầu năm nay, doanh nhân người Mỹ gốc Nam Phi này đã ca ngợi các kế hoạch khí hậu của Trung Quốc, mặc dù nước này đang khai thác nhiều than hơn bao giờ hết.
Sau đó, vào tháng 9, tại một sự kiện do Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc tổ chức, Musk tuyên bố cam kết ‘bất diệt’ của Tesla đối với thị trường Trung Quốc. Ông hứa sẽ đầu tư thêm vào quốc gia này.
Một người không cần phải là một chuyên gia chiến lược cũng nhận ra rằng Elon Musk rất ngọt ngào với Trung Quốc, và Trung Quốc cũng rất ngọt ngào với ông ấy. Đất nước, nơi sinh sống của 1,4 tỷ người, hiện là thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Musk sẽ thu được rất nhiều tiền nếu ông ấy bước được chân vào thị trường này. Không ngạc nhiên khi Elon Musk sẽ nói bất cứ điều gì cần thiết để thâm nhập thị trường Trung Quốc, ngay cả khi Trung Quốc tiếp tục đánh cắp dữ liệu từ Tesla.
Thật thú vị (nhưng không có gì đáng ngạc nhiên), nhà sản xuất Hoa Kỳ vừa công bố kế hoạch xây dựng cả một trung tâm nghiên cứu và một trung tâm dữ liệu riêng biệt tại Thượng Hải. Ngay cả hành vi trộm cắp dữ liệu có giá trị cũng không phải là điều có thể ngăn cản được.
Câu hỏi đặt ra là: Người Mỹ nên cảm thấy thế nào về việc Musk rất ngọt ngào với Trung Quốc? Tất nhiên, một số người có thể tranh luận rằng đó không phải việc của tôi. Elon Musk không nợ chúng ta hay Hoa Kỳ. Ông ấy là một kẻ nổi loạn, một tỷ phú tự thân; vị tỷ phú này đang kiếm những khoản tiền không thể lường được. Trung Quốc cho ông ấy cơ hội để làm đầy thêm túi của mình và ông ấy có mọi quyền để thâm nhập vào thị trường béo bở đó.
Tuy nhiên, có lý do để đẩy lùi các nhận định như vậy. Dù là tỷ phú tự thân nhưng Musk không hoàn toàn ‘thân lập thân’; ông ấy không hề hoàn toàn tự lập, rời khỏi ưu ái của Mỹ mà vẫn trở nên giàu có.
Như Los Angeles Times đã đưa tin vào năm 2018, vị tỷ phú này “đã gây dựng được khối tài sản trị giá hàng tỷ USD” với “hàng tỷ USD trợ cấp từ chính phủ”. Các khoản trợ cấp này được tài trợ bằng tiền của người đóng thuế Mỹ. Báo cáo cho biết, tổng cộng, “Tesla Motors Inc., SolarCity Corp., và Space Exploration Technologies Corp. – được gọi là SpaceX, đã cùng nhau hưởng lợi từ khoản hỗ trợ ước tính lên đến 4,9 tỷ USD của chính phủ Mỹ”.
Như ông Dan Doley, một nhà phân tích tại Jefferies Equity Research, đã nói, Elon Musk có thói quen đi đến “nơi có tiền của chính phủ”. Không có lý do gì mà ông ấy không làm, đặc biệt là khi chính phủ Hoa Kỳ cung cấp cho ông ấy các khoản giảm thuế hào phóng và các khoản vay lãi suất thấp. Có điều gì đó rất khó tin khi nhận hàng tỷ USD từ chính phủ Hoa Kỳ, sau đó chọn ca ngợi đối thủ của Hoa Kỳ – Trung Quốc.
Mặc dù Elon Musk đã được hưởng lợi rất nhiều từ những khoản tài trợ như vậy, nhưng ông đã chỉ trích các khoản trợ cấp của chính phủ cho các công dân Hoa Kỳ khác, nhiều người trong số họ bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ thì Musk đã không thể trở thành người đàn ông như ngày nay; Tesla và SpaceX cũng không có lợi nhuận. Những khoản trợ cấp hào phóng đó đã đóng một vai trò to lớn trong việc mở rộng hoạt động ra quốc tế của Tesla, bao gồm cả việc thâm nhập thị trường Trung Quốc.
Điều này khiến lòng trung thành của Elon Musk đối với ĐCSTQ càng trở nên khó chịu hơn trong mắt nhiều người. Đáng buồn thay, một sự trung thành như vậy không có gì đáng ngạc nhiên. Nike, Starbucks, McDonald’s, NBA, bốn thương hiệu lớn này đều quỳ gối trước Trung Quốc — và nói chính xác là ĐCSTQ. Nhưng Elon Musk khác với bốn thương hiệu đó. Ông ấy chính là bộ mặt của Tesla, và ông ấy chính là bộ mặt của SpaceX. Tiếng nói của ông ấy có trọng lượng, hành động của ông ấy cũng vậy.
Mặc dù Elon Musk thể hiện mình là một người của mọi người, xuất hiện trên podcast và đăng những nhận xét dí dỏm, nhưng la bàn đạo đức của Musk dường như đã chệch hướng. Là người giàu nhất thế giới, Elon Musk không buộc phải cần Trung Quốc, ông ấy có thể dễ dàng chống lại một chế độ chuyên chế. Điều này nghe có vẻ như một giấc mơ không tưởng, nhưng đúng là như vậy.
Có gì sai khi mong đợi rằng những người có ảnh hưởng có thể vì chuẩn mực đạo đức cao hơn mà tiết chế bớt tham vọng của mình, đặc biệt là những người giàu hơn cả các nước nhỏ? Tại sao quan điểm đạo đức chỉ được đưa ra trong các bộ phim Hollywood? Có quá đáng khi yêu cầu Elon Musk đăng tweet về việc lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, hoặc đàn áp đang xảy ra ở Tây Tạng, hoặc đàn áp tự do ngôn luận đang diễn ra ở Hong Kong?
Nếu Enes Kanter của Boston Celtic, một người còn nhiều thứ để mất hơn Elon Musk, đủ dũng cảm để lên án ĐCSTQ, thì tại sao Giám đốc điều hành Tesla lại không thể làm như vậy?
Tất cả chúng ta đều biết tại sao: Tiền quan trọng hơn đạo đức, và lợi nhuận cao hơn con người. Elon Musk không đơn độc trong việc ủng hộ một triết lý thiếu đạo đức như vậy, nhưng điều đó không làm cho việc này trở nên dễ chấp nhận hơn.
Nếu Hoa Kỳ muốn coi trọng đạo đức, thì những người như Elon Musk, bản thân là một công dân Hoa Kỳ, phải làm nhiều hơn thế. Trong tương lai, hy vọng sẽ có nhiều người ở những vị trí có tầm ảnh hưởng hơn sẽ học từ Kanter, chứ không phải là từ Musk.
Tác giả John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và cây bút bình luận sắc sảo về các vấn đề kinh tế – chính trị trên các trang báo danh tiếng như như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US, và The American Conservative.
Lê Minh