Covid & tương lai

Vũ Hiến

Nhìn lại quá trình lịch sử, tất cả mọi trận đại dịch cuối cùng rồi cũng phải chấm dứt. Covid-19 cũng đang đi vào con đường đó và sẽ từ từ trở thành một căn bệnh mang tính địa phương hay khu vực. Con vi khuẩn corona sẽ tiếp tục lưu hành và biến đổi trong nhiều năm tới, và sẽ còn là sự đe doạ đến sức khoẻ của người già và người sẵn yếu đuối về thể chất. Nhưng theo nhận định của một số chuyên gia y tế công cộng, nó ít có khả năng gây thiệt mạng ở quy mô khủng khiếp như trong suốt gần hai năm qua.

Covid rồi sẽ hết – nguồn The Guardian

Thế giới đã từng trải qua nhiều trận đại dịch trước đây. Trong đợt bùng phát bệnh dịch tả vào thập niên 1830, gần 3% dân số Paris chết vì căn bệnh này chỉ trong một tháng. Cuối thế kỷ 19 có khoảng 1 triệu người có thể đã thiệt mạng do bệnh cúm phát xuất từ Nga mà một số chuyên gia y tế cho rằng do một loại vi khuẩn corona gây ra. Dịch cúm Tây Ban Nha xảy ra vào năm 1918 đã giết chết khoảng 50 triệu người chỉ trong vài năm.

Nay Covid-19 cũng nằm trong danh sách nói trên. Theo một cuộc lượng định, trận đại dịch có thể đã gây thiệt mạng từ 10 tới 19 triệu người trên thế giới. Nếu con số ước tính trên đúng thì Covid-19 chưa phải là trận dịch nguy hiểm nhất mà nhân loại đã gặp phải. Nhiều người bị nhiễm bệnh thậm chí không biết là họ đã nhiễm bệnh. Tuy nhiên, đây là bệnh dịch mới và hiện hữu ở khắp nơi. Khi nó xuất hiện, cả thế giới đều bị ảnh hưởng. Do sự hiểu biết quá ít về căn bệnh vào lúc ban đầu, cộng với bản chất của chính con vi khuẩn, phần nào giải thích về tốc độ lây lan quá nhanh và hậu quả khủng khiếp của nó.

Nhưng tới một thời điểm nào đó đại dịch Covid-19 sẽ chậm lại và chấm dứt nhờ số lượng người đạt được khả năng miễn dịch ngày càng đông khiến vi khuẩn corona không thể xâm nhập với tốc độ lây lan cần thiết để có thể duy trì sự phát triển của chúng. Tuy nhiên, cho tới nay chỉ có một căn bệnh duy nhất của nhân loại là đã hoàn toàn bị xoá sổ: bệnh đậu mùa. Những căn bệnh khác, như cúm, sởi và dịch tả, đã dần trở thành những dịch bệnh mang tính địa phương, là một phần của bối cảnh dịch bệnh trên toàn thế giới, là nhờ thuốc chủng và sự tiến bộ trong các phương pháp điều trị mà nay đã có thể kiểm soát được nhưng vẫn chưa thể hoàn toàn loại bỏ.Xem thêm:   Khủng hoảng năng lượng

Trên phương diện đó, Covid-19 cũng không ngoại lệ. Cái ngoại lệ của trận đại dịch lần này là sự tiến triển rất nhanh của khoa học – trong cả hai nỗ lực tìm ra thuốc chủng và phương pháp điều trị – sẽ giúp rút ngắn giai đoạn chuyển thể từ đại dịch qua thành dịch bệnh địa phương. Câu hỏi là mức độ nhanh bao nhiêu và thế giới sẽ như thế nào khi Covid-19 trở thành một thứ dịch bệnh địa phương.

Tập sống với Covid – nguồn BBC

Hầu hết các chính phủ trên thế giới nay đã phải chấp nhận một thực tế rằng việc hoàn toàn loại bỏ Covid là điều không thể. Quốc gia cuối cùng trên thế giới vẫn còn theo đuổi chiến lược hoàn toàn xoá sổ Covid là Trung Quốc. Nhưng ngay cả khi một số ít quốc gia khác từng theo đuổi chính sách “xoá sổ” này, như Úc, Tân Tây Lan và Tân Gia Ba, nay cũng đã phải nới lỏng các biện pháp giới hạn sinh hoạt của người dân. Việc diệt trừ con vi khuẩn đã trở nên bất khả thi ngay sau khi đại dịch xuất hiện là vì biện pháp ngăn chặn của mỗi nước mỗi khác, đó là chưa kể Trung Quốc ngay từ lúc đầu đã tìm cách giấu cho đến khi dịch bệnh vượt khỏi tầm kiểm soát.

Khả năng lây truyền quá nhanh của biến thể Delta đã khiến mục tiêu trên càng vượt xa khỏi tầm với hơn. Các biện pháp đóng cửa kéo dài và cách ly nghiêm ngặt cho tới nay vẫn là những giải pháp duy nhất. Người dân tại các quốc gia trên thế giới sẽ không thể chấp nhận tình trạng sinh hoạt trong cuộc sống của họ bị hạn chế mãi được. Và cuối cùng thì điều thực tế đó cũng sẽ xảy ra ngay tại Trung Quốc. Thay vào đó, tất cả mọi quốc gia sẽ phải tìm cách để sống chung với Covid.Xem thêm:   Sài Gòn mở mắt

Khi các chuyên gia y tế nói đến dịch bệnh mang tính cách địa phương (endemic), điều đó có nghĩa là con vi khuẩn lưu hành ở một mức độ ổn định. Tình trạng nhiễm bệnh đôi khi tăng hoặc giảm nhưng sự lây truyền nói chung không thay đổi, ổn định và có thể đoán được. Dịch bệnh không quá áp đảo và cũng không hẳn biến mất. Sự lây nhiễm đạt đến trạng thái cân bằng khi tỷ lệ dân số trở nên khả dĩ cân bằng với khả năng lây truyền của căn bệnh. Việc tiêm chủng có thể đẩy điểm cân bằng đó xuống thấp hơn.

Lấy thí dụ về hai căn bệnh bại liệt và sởi trước đây từng có sức huỷ diệt ghê gớm mà sau đó đã trở thành những dịch bệnh mang tính cách địa phương trong thế kỷ 20 và nay đã bị diệt trừ tại nhiều khu vực trên thế giới. Các chiến dịch tiêm chủng cho hai căn bệnh trên đạt được kết quả cao là vì người dân đã chứng kiến cả hai loại vi khuẩn trên gây thiệt hại sinh mạng cho rất nhiều trẻ em khi mà hệ miễn dịch của các em còn quá yếu. Covid không chắc sẽ đi theo con đường tương tự, không chỉ vì nó tương đối gây ít tác hại cho trẻ nhỏ, mà còn vì những người được tiêm chủng vẫn có thể mắc bệnh và lây truyền bệnh, mặc dù các trường hợp thường nhẹ.

Chiến dịch cổ động chích ngừa cho mọi người – nguồn UN

Covid cũng không giống như cúm mà nguyên do của sự lây lan thường là từ các em nhỏ. Và trong khi thuốc chủng ngừa cúm đạt hiệu quả cao nhất vào khoảng 40-60% để ngăn ngừa các trường hợp bệnh đủ nặng để phải đi khám bác sĩ, và thuốc cần được điều chỉnh mỗi mùa tuỳ theo các biến thể mới, thì thuốc chủng ngừa Covid đạt hiệu quả cao hơn nhiều trong việc ngăn ngừa tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng và tử vong và cho đến nay chưa cần phải cập nhật thuốc mới. Tuy nhiên thuốc chủng ngừa Covid có thể vẫn cần phải được chích định kỳ đối với những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao, như người già chẳng hạn, và một số nhà dịch tễ học nghĩ rằng tử vong do Covid gây ra trong tương lai có thể sẽ không cao như bệnh cúm.Xem thêm:   DEFCON và các hệ thống báo động quốc gia

Mặc dù với tiên đoán Covid rồi đây sẽ trở thành dịch bệnh địa phương, thế giới vẫn chưa đạt tới tình trạng đó. Con số người nhập viện và tử vong đang tăng cao tại khu vực Ðông Âu nơi mà các chiến dịch tiêm chủng còn rất lỏng lẻo. Phần lớn dân số tại Tân Tây Lan và Úc, nơi mà tỷ lệ nhiễm bệnh thấp do kết quả của các biện pháp đóng cửa nghiêm ngặt nhưng việc thực hiện tiêm chủng lại tương đối chậm, nên mức độ miễn dịch cộng đồng vẫn còn khá thấp. Còn rất đông người dân trên thế giới vẫn chưa được tiêm chủng hoặc có được kháng thể sau khi khỏi bệnh. Và một khi con vi khuẩn corona len lỏi được vào những khu vực chưa đạt được tình trạng miễn dịch, con số trường hợp nhiễm bệnh và tử vong chắc chắn sẽ tăng vọt.

Thậm chí khi đại dịch Covid-19 bắt đầu chuyển sang giai đoạn dịch bệnh địa phương, thế giới vẫn còn một chặng đường khá dài phía trước cần phải vượt qua. Ðó là cần phải huy động và sử dụng tất cả các biện pháp có trong tay – tiêm chủng cho tất cả những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất, che mặt, giữ khoảng cách an toàn, lắp đặt hệ thống lọc gió trong nhà – để có thể chấm dứt tình trạng đại dịch và chuyển thành dịch bệnh một cách nhanh nhất và an toàn nhất có thể. Covid cuối cùng rồi sẽ trở thành thứ dịch bệnh mang tính cách địa phương. Tuy vậy, nó vẫn sẽ đặt ra nhiều thử thách trong những năm tháng sắp tới. Con đường để đến được cuộc sống bình thường mới có thể còn nhiều gập ghềnh.

Người Úc tắm nắng trên một ngọn đồi với một tấm biển yêu cầu ngăn cách xã hội ở bãi biển Bondi, Sydney ngày 1 tháng 9 năm 2021- REUTERS / Loren Elliott

Related posts