Thanh Hải
Nhóm bảo vệ quyền lợi người lao động cho biết, hàng chục ngàn công nhân Trung Quốc cũng đang tuyệt vọng tương tự bởi dự án “Vành đai và Con đường” tại Indonesia.
Theo báo Wall Street Journal, một công nhân người Trung Quốc tên Zhang Qiang lên đường đến Indonesia vào tháng 3 để làm việc cho một nhà máy sản xuất thép của Trung Quốc. Sau 6 tháng, anh bất chấp lội qua vùng biển ngoài khơi Malaysia cùng với 4 người đàn ông khác, trốn chạy khỏi cái mà anh ta gọi là lừa đảo.
Zhang cho biết anh đã bị thu hút đến Indonesia bởi lời hứa về một công việc được trả lương cao hơn, nhưng hộ chiếu của anh đã bị lấy ngay khi anh xuống máy bay. Anh và những công nhân khác được yêu cầu ký hợp đồng với mức lương thấp hơn, và thời hạn dài hơn như đã hứa hẹn.
Theo số liệu chính thức của Chính phủ, khoảng 600.000 lao động nhập cư Trung Quốc đã làm việc ở nước ngoài vào cuối tháng 8, nhiều người trong số họ làm việc cho các công ty Trung Quốc trong các dự án liên quan đến sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường.
China Labour Watch, một tổ chức bảo vệ quyền lợi lao động có trụ sở tại New York, cho biết, những trải nghiệm như của Zhang và các đồng nghiệp của anh không phải là hiếm.
Dựa trên các cuộc phỏng vấn với khoảng 200 công nhân ở 12 quốc gia, và thông tin từ một nguồn tin ẩn danh tố giác trong Bộ Thương mại Trung Quốc, tổ chức này ước tính rằng hàng chục ngàn công nhân ở nước ngoài đang được trả lương thấp hơn họ được hứa hẹn, hoặc bị bóc lột theo những cách khác.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời yêu cầu bình luận. Bắc Kinh đã thừa nhận sự tồn tại của các hoạt động phái cử lao động bất hợp pháp và không có giấy phép trong những năm qua. Năm 2012, Bộ Thương mại Trung Quốc ban hành quy định mới nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động ở nước ngoài, và tới năm 2016 đã yêu cầu chính quyền địa phương đẩy mạnh thực thi quy định do tiếp tục vi phạm.
Tiến thoái lưỡng nan, không thể về nước
Được khởi động vào năm 2013, Sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá hàng nghìn tỷ USD nhằm kết nối các quốc gia trên thế giới với nền kinh tế Trung Quốc, thông qua một mạng lưới đường bộ, đường sắt, cảng, nhà máy điện và nhà máy mới.
Các công ty Trung Quốc đã đầu tư ít nhất 12,7 tỷ USD vào các dự án thép và niken của Indonesia kể từ năm 2013, bởi trữ lượng niken lớn của nước này, theo báo cáo của Wall Street Journal về các dự án như vậy.
“Hành trình” của anh Zhang bắt đầu vào giữa tháng 3, khi anh nhìn thấy một quảng cáo về việc làm ở Indonesia, trong một nhóm nhắn tin trò chuyện dành cho người lao động nhập cư. Bị thu hút bởi lời hứa về việc tăng lương, anh đã liên hệ với nhà tuyển dụng đã đăng quảng cáo và sắp xếp hành lý vào một chiếc vali, trấn an gia đình rằng việc ra nước ngoài lao động đi sẽ mang lại cuộc sống tốt hơn, theo vợ anh, Wang Lan kể lại.
Wang cho biết chồng cô đã không được đưa cho hợp đồng để ký trước khi rời đi và không nghĩ đến việc yêu cầu công ty cung cấp bằng chứng về giấy phép.
Đến Indonesia, Zhang và các công nhân khác được tuyển dụng từ Trung Quốc được yêu cầu bỏ hộ chiếu của họ vào hộp, theo một tài khoản đăng trên WeChat của Zhang và các công nhân khác hồi đầu tháng 9.
Sau đó, họ được đưa đến một địa điểm luyện kim loại ở Morowali do Công ty Jiangsu Delong Nickel tổ chức, một nhà sản xuất thép thuộc sở hữu tư nhân tại Indonesia, và được mô tả là yếu tố mấu chốt của Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Tại Morowali, họ được mời làm công việc thợ xây với mức lương 10.000 Nhân dân tệ (NDT)/tháng – thay vì 15.000 NDT như đã hứa. Và họ bị yêu cầu làm việc nhiều giờ hơn, phải xuất trình hợp đồng lao động và trả 1.000 NDT tiền mặt hàng tháng, phần lương còn lại họ được giữ cho đến khi hoàn thành dự án vào một ngày không xác định trong tương lai.
Những người lao động Trung Quốc ở Papua New Guinea, Indonesia và Serbia nói với The Wall Street Journal rằng, rất ít công nhân mới đến thay thế họ, nên những công nhân hiện tại bị cản trở hoặc không muốn quay về nước. Bởi những người muốn rời đi thường phải bỏ những khoản tiền lớn để trả tiền vé máy bay và kiểm dịch, có thể kéo dài từ hai đến bốn tuần, những người lao động cho biết.
Người lao động thường được hứa hẹn về vé máy bay cho việc đi lại của họ đến và đi từ các quốc gia, nhưng trong thời kỳ đại dịch, nhiều trường hợp đã bị người sử dụng lao động giữ lại vé máy bay khứ hồi để họ ở lại làm việc lâu hơn.
Một công nhân xây dựng đường trong dự án Vành đai và Con đường ở Papua New Guinea, cho biết khoảng một nửa trong số 100 công nhân của dự án đã hết hạn hợp đồng 3 năm và họ không thể trở về nước.
Anh này nói giá vé về nước đã tăng hơn gấp 3 lần lên 65.000 NDT trong năm nay sau khi chính phủ Trung Quốc ra phán quyết rằng công dân chỉ có thể trở về nhà bằng các chuyến bay thẳng. Tuy nhiên, không có chuyến bay thẳng từ Papua New Guinea, công nhân cần phải bay đến Lào và kiểm dịch ở đó trước khi quay trở lại Trung Quốc.