Tin thế giới sáng thứ Năm: Đảng Dân Chủ mất Virginia, một cú “shock” của TT Biden

Bầu cử Mỹ: Đảng Dân Chủ mất tiểu bang Virginia, vố đau với tổng thống Biden

Trọng Thành| Thu Hằng

Ứng cử viên Cộng Hòa Glenn Youngkin phát biểu sau khi có kết quả bầu cử, Chantilly, Virginia, Hoa Kỳ, ngày 03/11/2021. REUTERS – JONATHAN ERNST

Ngày 02/11/2021, cử tri bang Virginia, miền đông Hoa Kỳ, bầu thống đốc mới. Ứng cử viên đảng Cộng Hòa Glenn Youngkin đã giành chiến thắng trước đối thủ đảng Dân Chủ Terry McAuliffe.

Doanh nhân Glenn Youngkin, 54 tuổi, vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, được coi là một người « không có kinh nghiệm chính trị », theo AFP. Ứng cử viên đảng Dân Chủ Terry McAuliffe, 64 tuổi, từng đảm nhiệm chức thống đốc bang Virginia từ năm 2014 đến 2018. Thất bại của đảng Dân Chủ tại Virginia cũng là một vố đau với tổng thống Biden, người đã trực tiếp tham gia vận động tranh cử và tin tưởng vào thắng lợi cho đến phút chót.

Thông tín viên Guillaume Naudin tường trình từ Washington:

Chúng ta sẽ chiến thắng ».Trước khi rời Glasgow và thượng đỉnh COP26, tổng thống Joe Biden lại một lần nữa thể hiện thái độ lạc quan cố hữu. Thế nhưng, khi ông trở về Washington, bang Virginia đã mất. Thế mà, chỉ mới một năm trước, trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2020, ông Joe Biden đã giành chiến thắng tại bang sát phía nam thủ đô, vượt Donald Trump đến 10 điểm.

Từ đó đến nay, đảng Dân Chủ đã không mang lại các kết quả gì bất chấp những hứa hẹn mà họ đã từng cam kết với cử tri. Các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, chi phí cho các vấn đề xã hội và khí hậu vẫn chưa được thông qua do các tranh chấp trong nội bộ của phe Dân Chủ tại Quốc Hội. Thất bại nói trên có ý nghĩa chiến lược đối với đảng Dân Chủ. Điều này càng đáng buồn vì tổng thống Biden đã đính thân tham gia vận động cho ứng cử viên Dân Chủ tại bang Virginia. Như vậy, đây cũng là một thất bại đối với cá nhân tổng thống.

Cuối cùng, ngoài ông Joe Biden, còn nhiều chính trị gia nặng ký khác của đảng Dân Chủ, trong đó có Barack Obama, Kamala Harris, đã tham gia cuộc vận động tranh cử tại Virginia. Tất cả có cùng một cách tấn công : đồng nhất ứng cử viên đảng Cộng Hòa với cựu tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, điều đó giờ không còn đủ nữa, và cho dù cựu tổng thống Donald Trump có cảm ơn các cử tri truyền thống của ông đã tích cực đi bỏ phiếu, trên thực tế, ứng cử viên Glenn Youngkin đã thành công trong việc thu hút thêm nhiều cử tri”.

Bầu thị trưởng New York:  Chính trị da đen thắng với 70% phiếu
Tuy thất bại tại Virginia, nhưng cũng hôm qua, đảng Dân Chủ đã giành được một chiến thắng tại thành phố New York. Ứng cử viên  Dân Chủ Eric Adams, 61 tuổi, được bầu vào chức thị trưởng với 70% phiếu bầu, vượt xa đối thủ Curtis Sliwa (23%). Eric Adams trở thành thị trưởng da đen thứ hai trong lịch sử New York.

Ông Eric Adams xuất thân trong một gia đình nghèo ở Brooklyn, và bản thân từng tham gia vào các hoạt động tội phạm ở tuổi vị thành niên, trước khi đầu quân vào cảnh sát, rồi trở thành chỉ huy cảnh sát trong 22 năm. Người kế nhiệm ghế thị trưởng New York của Bill de Blasio sẽ quản lý ngân sách lớn nhất trong số các thành phố nước Mỹ, với hơn 98 tỉ đô la (năm tài khóa 2021 – 2022). Theo AFP, dự kiến tân thị trưởng Eric Adams sẽ phải tiến hành nhiều cải cách trong lực lượng cảnh sát New York, vốn thường xuyên bị cáo buộc làm ngơ cho nhiều hành động bạo lực, kỳ thị chủng tộc, tham nhũng của nhân viên. Lực lượng cảnh sát New York hiện có 36.000 nhân viên.

Lần đầu tiên một phái đoàn Nghị Viện Châu Âu đến thăm Đài Loan

Thu Hằng

Raphaël Glucksmann, dẫn đầu phái đoàn nghị sĩ châu Âu được một thứ trưởng Ngoại Giao Đài Loan đón tiếp tại sân bay quốc tế Đào Viên, Đài Bắc, ngày 03/11/2021. AFP – STR

Lần đầu tiên một phái đoàn nghị sĩ châu Âu đã được chính quyền Đài Bắc đón tiếp ngày 03/11/2021. Chuyến thăm kéo dài ba ngày được bộ Ngoại Giao Đài Loan đánh giá mang ý nghĩa « quan trọng » trong lịch sử hòn đảo và là một bước tiến mới trong việc thắt chặt quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu.

Chuyến đi do Ủy Ban đặc biệt về can thiệp của nước ngoài của Nghị Viện Châu Âu tổ chức. Theo thông cáo của nghị sĩ người Pháp Raphaël Glucksmann, dẫn đầu phái đoàn, Đài Loan có « kinh nghiệm độc nhất về cách đối phó với các vụ tấn công liên tiếp và tinh vi qua việc huy động toàn xã hội và không hạn chế nền dân chủ của họ ».

Thông tín viên RFI Adrien Simorre Đài Bắc giải thích về ý nghĩa của chuyến thăm:

Một tín hiệu ủng hộ mạnh mẽ đối với nền dân chủ Đài Loan». Đây là ý nghĩa của chuyến công du được nghị sĩ châu Âu Raphael Glusckmann, dẫn đầu phái đoàn, nhấn mạnh.

Chuyến thăm của nhóm nghị sĩ châu Âu diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc gây áp lực ngày càng mạnh với chính quyền Đài Bắc. Vào tháng trước, bộ trưởng Quốc Phòng Khâu Quốc Chính (Chiu Kuo Cheng) thậm chí còn nói rằng Đài Loan đang trải qua giai đoạn “khó khăn nhất từ 40 năm qua” sau khi Bắc Kinh điều chiến đấu cơ với số lượng kỉ lục thâm nhập vùng nhân dạng phòng không của Đài Loan. Trong bối cảnh này, đoàn nghị sĩ châu Âu sẽ gặp các nhà lãnh đạo chủ chốt của Đài Loan, trong đó có tổng thống Thái Anh Văn, người kiên quyết chống lại mưu toan của Trung Quốc thâu tóm hòn đảo.

Chuyến thăm này là cử chỉ mới nhất trong loạt hoạt động nhằm đưa Bruxelles và Đài Bắc xích lại gần nhau. Đầu tháng 10, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết ủng hộ một thỏa thuận thương mại với Đài Loan. Vào tuần trước, ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp đã có chuyến công du châu Âu và lần đầu tiên ông đã đến Bruxelles.

Giờ thì chờ phản ứng từ phía Trung Quốc về chuyến công du của các nghị sĩ châu Âu. Trước đó, đại sứ quán Trung Quốc đe dọa sẽ có « phản ứng » trong trường hợp các nghị sĩ này đến Đài Loan. Tuy nhiên, ông Raphael Glucksmann đã cảnh báo « không một lời đe dọa nào, không biện pháp trừng phạt nào tác động được đến tôi ». Nghị sĩ người Pháp nằm trong danh sách trừng phạt của Trung Quốc hồi tháng Ba”.

Khủng hoảng tầu ngầm Úc-Pháp lại căng thẳng với một tin nhắn của TT Macron bị tiết lộ

Thu Hằng

Thủ tướng Úc Scott Morrison phát biểu tại thượng đỉnh COP26, Glasgow, Scotland, ngày 01/11/2021. AP – Ian Forsyth

Pháp tiếp tục khẳng định không được Úc báo trước về việc hủy hợp đồng tầu ngầm, trong bối cảnh tại Úc, một tin nhắn được tổng thống Emmanuel Macron gửi cho thủ tướng Scott Morrison, hai ngày trước thông báo chính thức thành lập liên minh AUKUS, bị tiết lộ ngày 02/11/2021.

Liệu tôi phải chờ tin tốt hay tin xấu về tham vọng tầu ngầm chung của chúng ta?” Theo truyền thông Úc, tin nhắn này được ông Macron gửi ông Morrison vào khoảng giữa tháng 9 và là bằng chứng cho thấy Pháp biết ý định hủy hợp đồng của Úc. Phía điện Elysée khẳng định “tin nhắn đó càng cho thấy ngược lại, tổng thống không biết phía Úc sẽ hủy hợp đồng”.

Trước đó, trả lời một nhà báo Úc ngày 30/10, ông Macron khẳng định “biết” ông Scott Morrison nói dối về các cuộc đàm phán bí mật giữa Úc, Mỹ và Anh thành lập liên minh AUKUS và hủy hợp đồng tầu ngầm quy ước với Pháp.

Đại sứ Pháp tại Canberra Jean-Pierre Thebault tái khẳng định trước báo giới ngày 03/11 là Úc “có chủ đích”. Thủ tướng Scott Morrison, đang tham dự COP26 tại Glasgow, đã từ chối bình luận phát biểu của đại sứ Pháp. Ông phát biểu: “Những tuyên bố đã được đưa ra và một số thông tin thì đã bị bác. Điều mà chúng tôi cần làm hiện nay là hướng về phía trước”.

Theo trang LCI, phương pháp của thủ tướng Morrison cũng bị đối lập chỉ trích. Trên mạng Twitter, ông Kevin Rudd, cựu thủ tướng Úc và là cựu lãnh đạo Công Đảng Úc, viết: “Hai tổng thống Mỹ và Pháp khẳng định rằng Morrison là một kẻ nói dối. Toàn bộ chính sách đối ngoại của Úc bị rơi xuống điểm thấp nhấp trong suốt 120 năm lịch sử ngoại giao. Hoan nghênh Morrison đã hủy hoại thương hiệu Úc”.

Còn bà Penny Wong, phát ngôn viên của Công Đảng Úc, phụ trách đối ngoại, cáo buộc ông Morrison “sẵn sàng phá hoại các liên minh và đối tác chỉ vì những lợi ích chính trị cá nhân, thay vì đơn giản nhìn nhận rằng lẽ ra vụ việc đã được xử lý tốt hơn”. Bà cũng yêu cầu thủ tước Úc giải thích về tin nhắn bị rò rỉ trên.

Mỹ nghi ngờ Trung Quốc âm mưu phóng tên lửa hạt nhân tầm xa

Chi Phương

Ảnh tư liệu chụp ngày 01/10/2019, xe quân sự chở tên lửa đạn đạo DF-41 trong cuộc diễu binh mừng Quốc Khánh Trung Quốc. AP – Mark Schiefelbein

Theo báo cáo mới nhất của các chuyên gia Liên Đoàn các nhà Khoa Học Mỹ (FAS), được đăng tải trên trang CNN hôm qua, 02/11/2021, Trung Quốc đã xây dựng 3 hầm chứa trong thời gian ngắn ở phía tây nước này, có thể được dùng để phóng tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân.

Dựa trên các hình ảnh vệ tinh thương mại do Maxar Technologie và Planet Labs cung cấp, các chuyên gia Mỹ nghi ngờ là ngoài ba hầm được cho là chứa tên lửa hạt nhân, Trung Quốc có vẻ như đang xây dựng thêm khoảng 300 hầm chứa khác. Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc cũng đang xây dựng các công trình khác xung quanh các hầm chứa. Các công trình này có kích thước gần bằng một sân vận động.

Theo trang CNN, Trung Quốc liên tục phát triển các hầm chứa tên lửa trong bối cảnh nước này đang củng cố sức mạnh quân sự của mình. Các báo cáo gần đây khiến quan chức Mỹ lo ngại về tiến trình phát triển quân sự nhanh chóng của quốc gia 1,4 tỷ dân. Cuối tháng 6/2021, Trung Quốc bị nghi ngờ đã xây dựng hầm chứa tên lửa đầu tiên và xây thêm hầm chứa thứ hai vào cuối tháng 7/2021.

Chuyên gia Matt Korda và Hans M.Kristensen, tác giả của báo cáo, nhận định: “Đây có thể là một hầm chứa tên lửa hạt nhân chưa từng có ở Trung Quốc”. Nhưng ông lưu ý rằng các hầm chứa tên lửa này “cần nhiều năm nữa mới có thể đi vào hoạt động hoàn toàn”, và cần phải xem Trung Quốc “sẽ trang bị và vận hành nó như thế nào”.

Từ lâu Trung Quốc đã cam kết thực hiện chính sách “răn đe tối thiểu”, nghĩa là giữ kho vũ khí hạt nhân ở mức tối thiểu cần thiết để ngăn chặn kẻ thù tấn công.

Theo ông Benjamen Friedman, giám đốc chính sách của tổ chức tư vấn Defenses Priorities, có trụ sở ở Washington, về cơ bản, Trung Quốc không thay đổi các chính sách hạt nhân, mà chỉ “ tăng cường hơn một chút so với trước đây”. Ông nhận định rằng chính phủ Hoa Kỳ từ lâu đã “theo đuổi khả năng tấn công đầu tiên” nhằm chống lại các đối thủ có vũ khí hạt nhân. Tức là có đủ vũ khí và nhất là vũ khí hạt nhân để phá hủy toàn bộ kho vũ khí của kẻ thù trong một lần . “Trung quốc có lẽ muốn có thêm bảo đảm trước viễn cảnh Mỹ tấn công trước ngăn chặn vũ khí của kẻ thù vì nhiều lý do khác nhau.”

Yahoo! giã biệt Trung Quốc vì “môi trường tư pháp khó khăn”

Thu Hằng

Quảng cáo cho Yahoo! trong đường tàu điện ngầm ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 17/03/2006. AP – Anonymous

Yahoo và ứng dụng trò chơi điện tử Fortnite lần lượt thông báo rời Trung Quốc. Trong một thông cáo không đề ngày, Yahoo! cho biết kể từ ngày 01/11/2021, người sử dụng « không truy cập được (dịch vụ của Yahoo) từ Hoa lục ». Ngay từ năm 1999, Yahoo! đã mở công cụ tìm kiếm với hy vọng chính phục được thị trường một tỉ dân, nhưng cuối cùng đã phải từ bỏ, do « môi trường thương mại và tư pháp ngày càng khó khăn ở Trung Quốc ».

Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh:

“Yahoo! rời hẳn Trung Quốc, nhưng trước đó trên thực tế, công cụ tìm kiếm nổi tiếng thời đầu Internet chẳng còn gì nhiều ở quốc gia này. Cho tới thứ Hai 01/11, công ty Sunnyvale chỉ còn một ứng dụng dự báo thời tiết và vài trang đăng bài báo bằng tiếng nước ngoài.

Từ giờ người sử dụng sẽ không thể truy cập được bất kỳ dịch vụ nào của Yahoo! từ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Một quyết định được biện minh là do « môi trường khó khăn ». Đây là cách nói tránh như Microsoft vào tháng trước khi giải thích mạng LinkedIn phải rời khỏi Trung Quốc. Đây là mạng xã hội lớn nhất cuối cùng của nước ngoài phải rời khỏi thị trường hơn 1 tỉ người sử dụng.

Lược lại lịch sử của Yahoo! tại Trung Quốc thì có thể thấy, sau thời kỳ đầu bị cáo buộc thỏa hiệp với chính sách kiểm duyệt ở Trung Quốc, Yahoo! đã phải đóng cửa dịch vụ trao đổi trực tuyến (Chat) và trang web, sau đó là công cụ tìm kiếm và phát triển ở Bắc Kinh vào năm 2015. Quyết định giã từ được đưa ra sau khi chính quyền Trung Quốc muốn kiểm soát những đại tập đoàn công nghệ của họ, trong đó có Alibaba từng được phép khai thác Yahoo! Trung Quốc – và nhìn chung là trong bối cảnh “cải cách sâu rộng” đối với nền kinh tế công nghệ cao và “cuộc cách mạng kỹ thuật số”.

Có hiệu lực từ ngày 01/11/2021, luật mới về bảo vệ dữ liệu cá nhân, được soạn thảo để bảo vệ tính bảo mật thông tin người sử dụng, đã tác động nghiêm trọng đến các nền tảng thương mại trực tuyến hoặc trong lĩnh vực trò chơi điện tử trực tuyến. Đó là chưa nói đến biện pháp cải cách thuế sâu rộng được thông báo áp dụng từ đầu năm tới, được cho là nhằm tạo thế bình đẳng giữa các công ty nước ngoài và Trung Quốc”.

Trung Quốc phản đối Mỹ thu hồi giấy phép hoạt động của China Telecom
Chi nhánh tập đoàn viễn thông Trung Quốc China Telecom Americas phải ngừng hoạt động trong vòng 60 ngày tới. Thông tin được công bố ngày 02/11, nhưng vào tháng 10, Ủy Ban Truyền Thông Liên Bang Mỹ (FCC) từng nêu lý do “an ninh quốc gia” khi thông qua quyết định thu hồi giấy phép hoạt động của China Telecom ở Mỹ.

Ngày 03/11, bộ Công Nghiệp và Công Nghệ Thông Tin Trung Quốc “kịch liệt phản đối” và yêu cầu Washington rút lại quyết định này, đồng thời cáo buộc Mỹ luôn viện cớ an ninh quốc gia để trừng phạt nhiều doanh nghiệp Trung Quốc trong những năm qua.

Theo Nikkei Asia, vào tháng 04/2020, chính phủ Mỹ cáo buộc tập đoàn China Telecom, thông qua mạng di động ảo, theo dõi hơn 4 triệu người Mỹ gốc Hoa, 2 triệu khách du lịch Trung Quốc mỗi năm đến thăm Hoa Kỳ, 300.000 sinh viên Trung Quốc tại các trường ở Mỹ và hơn 1.500 doanh nghiệp Trung Quốc ở Mỹ.

Related posts