Thanh Hà
Ngày 11/11/2021 gần 400 ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Cộng Sản Trung Quốc thông qua nghị quyết về lịch sử mang tên « Những thành tựu quan trọng và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm phấn đầu của Đảng ». Đâu là nội dung và mục đích của văn bản đó và học thuyết lịch sử Đảng dưới sự dẫn dắt của ông Tập Cận Bình có gì khác so với hai nghị quyết dưới thời Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình?
RFI trả lời các câu hỏi trên với phần phân tích của ba nhà Trung Quốc học: giáo sư Chloé Froissart Viện Ngôn Ngữ Đông Phương INALCO, chuyên gia Jean-Philippe Béja cựu giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế CERI trường Khoa Học Chính Trị Sciences Po. Paris và Antoine Bondaz thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS.
Chủ tịch Tập Cận Bình là lãnh đạo Trung Quốc thứ ba đưa ra nghị quyết về lịch sử Đảng. Kết thúc bốn ngày họp Ban Chấp hành Trung ương, tài liệu quan trọng này nêu bật một số điểm như sau: “kêu gọi duy trì quan điểm đúng đắn về lịch sử Đảng” ; nhấn mạnh đến những thành tích, công lao của Đảng “trong 100 năm phấn đấu” và điểm thứ ba theo như tin được Tân Hoa Xã loan báo, Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi “toàn đảng, toàn quân và nhân dân các dân tộc đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, lấy đồng chí Tập Cận Bình làm nòng cốt, thực hiện đầy đủ thời đại mới của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Hoa của Tập Cận Bình”. Hãng tin Mỹ Bloomberg xem “nghị quyết” này là một thắng lợi của ông Tập Cận Bình, mở đường cho việc lãnh đạo đất nước mãn đời sau Đại Hội Đảng năm 2022.
Công cụ để loại trừ các đối thủ chính trị
Về câu hỏi “học thuyết lịch sử Đảng” trong con mắt của ông Tập có gì mới so với hai văn bản tương tự mang nặng dấu ấn của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, Jean- Philippe Béja nguyên giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu về Quan Hệ Quốc Tế CERI trường Sciences Po Paris nhắc lại: Năm 1945, bốn năm trước khi giành được chính quyền và đó cũng là thời điểm chấm dứt chiến tranh với Nhật Bản, kết thúc Thế Chiến Thứ Hai, Mao đã áp đặt nghị quyết thứ nhất về lịch sử đảng. Với tài liệu đó, Mao Trạch Đông đã “đăng quang” trước Đại Hội Đảng năm 1946. Tư tưởng Mao đã được đưa vào sử sách của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Điểm quan trọng cuối cùng là nghị quyết này cho phép ông « lãnh đạo Đảng » mãn đời.
Giáo sư Viện Ngôn Ngữ Đông Phương INALCO, bà Chloé Froissart lưu ý thêm: Học thuyết lịch sử Đảng của năm 1945 đã cho phép Mao Trạch Đông “thanh trừng cánh theo chủ nghĩa Stalin trong hàng ngũ của đảng Cộng Sản Trung Quốc thời đó”.
Đóng lại tranh luận xét xử “công” và “tội” của Mao
Năm 1981 Đặng Tiểu Bình đi vào lịch sử với “nghị quyết thứ nhì”. Jean- Philippe Béja nhắc lại bối cảnh chung tại Trung Quốc: công luận tập trung vào “công” và “tội” của Mao Trạch Đông. Nghị quyết mang tên họ Đặng đi đến kết luận rằng Mao là người có công với đất nước ngoại trừ 10 năm cuối đời và cần phải nhìn nhận những sai lầm trong quãng 10 năm cuối đời đó của Mao chủ tịch. Vẫn theo phân tích của chuyên gia Pháp Jean- Philippe Béja: Trung Quốc không thể “hạ bệ” Mao Trạch Đông như điều Liên Xô đã từng làm với Stalin, bởi vì đảng Cộng Sản Liên Xô có hai gương mặt nổi bật là Lênin và Stalin. Lênin là “ánh sáng” là “thiện tính” là nét “tích cực” của chủ nghĩa Cộng Sản, Stalin là “ông ác”. Nhìn nhận những sai lầm của Stalin không đe dọa tính chính đáng của đảng Cộng Sản Liên Xô.
Trái lại, Trung Quốc chỉ có một lãnh tụ là Mao mà thôi.
Động chạm đến Mao là động chạm đến uy tín của Đảng. Thế nhưng không thể phủ nhận những tác động tai hại từ cuộc Cách Mạng Văn Hóa và Bước Đại Nhẩy Vọt cho nên « nghị quyết lịch sử » năm 1981 là cách tốt nhất để “Đặng Tiểu Bình khẳng định lại tính chính đáng của Đảng, cản đường phe có khuynh hướng chỉ trích Mao, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp cải tổ”.
Giáo sư Froissart trường INALCO cũng cho rằng đây là phương tiện tốt nhất để ông Đặng Tiểu Bình xúc tiến cải tổ kinh tế, đồng thời “loại trừ những thành phần thuộc cánh tả cứng rắn nhất” trong nội bộ Đảng.
Tập Cận Bình tô hồng lịch sử
Giáo sư Chloé Froissart nhấn mạnh : Xưa kia Mao chủ tịch nhắm vào mục tiêu loại trừ những đối thủ chính trị muốn ngả theo Liên Xô, Đặng Tiểu Bình thì triệt thoái cánh bảo thủ trong nội bộ Đảng hoài niệm với di sản Mao Trạch Đông. Giờ đây, ông Tập Cận Bình “không có đối thủ” nào để loại thêm nữa, bởi vì những tiếng nói bất đồng, đã bị chiến dịch đả hổ diệt ruồi của ông Tập “vô hiệu hóa” từ khi ông này lên cầm quyền. Chủ đích của họ Tập là “tìm cho mình một chỗ đứng trong lịch sử của Đảng, trong lịch sử của Trung Quốc và chứng minh rằng ông là người hoàn thành nhiệm vụ của Đảng” đưa Trung Quốc trở thành một siêu cường thế giới.
Mao Trạch Đông dẫn dắt Trung Quốc “vùng lên”. Nhờ Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc trở nên thịnh vượng và với Tập Cận Bình nước đông dân nhất địa cầu trở thành « siêu cường quốc tế ». Để áp đặt được quan điểm của mình ông Tập, theo phân tích của giáo sư trường INALCO, Chloé Froissart đã không ngần ngại “viết lại, tô hồng lịch sử”, “phục hồi” danh dự cho Mao phần nào bị « lãng quên » trong những năm tháng Đặng Tiểu Bình. Đáng chú ý không kém là Tập Cận Bình lâu nay luôn xem “Bước Đại Nhẩy Vọt của Mao -với hậu quả là nạn đói kém làm đến 50 triệu dân thiệt mạng, là một yếu tố quan trọng và cần thiết để xây dựng xã hội chủ nghĩa” tại Trung Quốc. Vẫn chuyên gia người Pháp này cho rằng : Chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi của họ Tập” là bước kế tiếp của cuộc Cách Mạng Văn Hóa năm 1966-1976.
Tập là “yếu tố hạt nhân”
Có điều nghị quyết về lịch sử đảng Cộng Sản Trung Quốc mang màu sắc Tập Cận Bình được cho ra đời vào một thời điểm khá đặc biệt, như phân tích của Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp :
Văn bản vừa được thông qua hôm 11/11/2021 thực ra đã được “thai nghén” từ lâu vào lúc 2019 đánh dấu 70 năm ngày nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời ; đảng Cộng SảnTrung Quốc tròn 100 năm tuổi hồi tháng 7/2021 và năm tới Trung Quốc tổ chức Đại Hội Đảng lần thứ 20. Tham vọng nếu không muốn nói là nỗi ám ảnh ông Tập Cận Bình nhằm chứng minh tính chính để tiếp tục lãnh đạo Đảng và điều hành đạt nước. Nhân vật quyền lực nhất Trung Quốc đã liên tục đặt mình vào thế của một vị “cứu tinh”. Trung Quốc chỉ có thể thống lĩnh thế giới “dưới sự dẫn dắt sáng suốt” của Đảng mà ở trên đỉnh cao của tổ chức chính trị đó là ông Tập Cận Bình. Vẫn nhà nghiên cứu Bondaz nêu ra một hệ quả quan trọng từ việc họ Tập điều hành đất nước đến mãn đời : nếu tương tự như Mao và Đặng ông Tập Cận Bình cũng sẽ nắm giữ quyền lực đến hơi thở cuối cùng, thì liệu rằng Đảng có duy trì « giới hạn về tuổi tác » với các nhà lãnh đạo Trung Quốc nữa hay không ? Và nếu có thì có nghĩa là đảng này “còn lâu mới thâu nạp thêm những thành viên mới, trẻ tuổi hơn (…) Làm thế nào để giải thích tính chính đáng của Đảng trong mắt giới trẻ Trung Quốc” ?
Công nghệ số, đồng minh của Đảng
Câu hỏi cuối cùng: Tập Cận Bình có phương tiện nào để nắm giữ quyền lực suốt đời?
Cựu giám đốc trung tâm nghiên cứu CERI trường Khoa Học Chính Trị Paris, Jean –Philippe Béja trả lời: kiểm soát công luận luôn là « kim chỉ nam » trong đường lối của đảng Cộng Sản Trung Quốc từ 100 năm nay. Ở vào thời đại kỹ thuật số Bắc Kinh đã có thêm phương tiện để kiểm duyệt. Nhất cử nhất động của mỗi công dân Trung Quốc đều không thể qua mắt được chính quyền. Các phương tiện để kiểm soát dân tình đó tại quốc gia Cộng Sản này càng lúc càng tinh vi, hiệu quả và càng được “áp dụng ở quy mô lớn”.
Giáo sư Béja nhấn mạnh Trung Quốc là một “chế độ luôn hoài nghi về sự tự lập trong xã hội và luôn xem sự tự lập đó là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với tính chính đáng của Đảng” bởi đó là dấu hiệu báo trước một sự “vùng lên”. Cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân từng có câu nói bất hủ “Cần diệt trừ từ trong trứng nước trước mỗi khả năng phản kháng” trong công luận.