Tin thế giới sáng thứ Bảy

Đồng USD đang mất gần 1% giá trị cứ sau mỗi 30 ngày

Chi Anh

Lãnh đạo thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy đã chỉ trích chính quyền Biden và ‘giới tinh hoa Mỹ’ vì vai trò của họ đối với mức lạm phát phi mã hiện nay. (Ảnh: Anna Moneymaker / Getty Images)

Tiền trong túi người dân Mỹ hiện đang mất gần 1% giá trị cứ sau mỗi 30 ngày, theo dữ liệu được công bố vào hôm thứ 4 (10/11) của Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS). Tổng thống Joe Biden tuyên bố đang nỗ lực để đảo ngược xu hướng này.

Hiện tại, chỉ số lạm phát của đồng USD đang ở mức cao nhất kể từ năm 1990. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo mức thay đổi trung bình hàng tháng của giá hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng chi trả, hồi tháng 10 đã tăng 0,9%, nhiều hơn gấp đôi so với mức tăng 0,4% của tháng 9.

Giá cả hàng hóa tăng 6,2% so với một năm trước. Đây là mức tăng lớn nhất hàng năm trong hơn 30 năm qua tại Mỹ.

Chi phí thực phẩm cũng tăng 5,3% trong tháng 10. Nguyên nhân chính đến từ khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu, với các vấn đề chưa từng có trong lịch sử.

Chi phí năng lượng, chỗ ở, thực phẩm, xe hơi và xe tải đã qua sử dụng, các loại xe mới,… đều tăng cao. 

Giá xe đã qua sử dụng tăng 2,5% trong tháng 10, trong khi giá xe mới tăng 1,4%.

“Chúng tôi biết rằng lạm phát sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi trở nên tốt hơn, nhưng chúng tôi không nghĩ nó lại tệ như thế này. Thật đáng buồn, giá thực phẩm đang tăng cao khi mà kỳ nghỉ lễ đang đến gần; giá năng lượng cũng tăng trong thời gian chúng ta có kế hoạch di chuyển, đi lại để sum họp gia đình”, ông Robert Frick, nhà kinh tế của tổ chức Liên minh Tín dụng Liên bang Hải quân, đã viết như vậy trong một nghiên cứu. 

Tuy nhiên, ông Frick cho rằng, cả 2 mức tăng kể trên có thể chỉ là tạm thời và dự báo rằng lạm phát sẽ giảm trong khoảng từ đầu đến giữa năm sau vẫn có vẻ đáng tin cậy. 

Trong khi đó, giá xăng dầu tăng 6,1% từ mức 1,2% trong tháng 9. Việc tăng giá này một phần đến từ việc giảm sản lượng dầu trong một nỗ lực có chủ đích của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Đồng thời, Mỹ cũng đã cắt giảm đáng kể sản lượng dầu theo lời hứa của Tổng thống Joe Biden là chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Vào hôm thứ 4, Tổng thống Biden nói với các phóng viên rằng, sau báo cáo của Bộ Lao động, ông đã chỉ đạo Hội đồng Kinh tế Quốc gia tập trung vào việc giảm chi phí năng lượng cho người tiêu dùng Mỹ.

“Báo cáo hôm nay cho thấy sự gia tăng [lạm phát] so với tháng trước. Lạm phát làm tổn hại đến túi tiền của người Mỹ, và việc đảo ngược xu hướng này là ưu tiên hàng đầu của tôi”, ông Biden nói trong một tuyên bố. “Phần chiếm tỷ trọng lớn nhất của việc tăng giá trong báo cáo này là chi phí năng lượng tăng”.

Tổng thống Biden cho biết ông đã chỉ đạo các trợ lý kinh tế hàng đầu của mình cố gắng “giảm hơn nữa những chi phí này”, tức là giá năng lượng. Ông cũng yêu cầu Ủy ban Thương mại Liên bang giải quyết vấn đề “thao túng thị trường hoặc nâng giá cơ hội trong lĩnh vực này”.

Vào đầu tuần, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy đã chỉ trích chính quyền Biden và ‘giới tinh hoa Mỹ’ (những tập đoàn hàng đầu và những người có thế lực ở Mỹ) vì vai trò của họ đối với mức lạm phát phi mã hiện nay. Động thái của ông McCarthy diễn ra sau khi có những dấu hiệu cho thấy các tập đoàn Mỹ đang trở nên ‘gần gũi’ hơn với Đảng Cộng hòa bởi đảng này đánh bại đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2021; và các tập đoàn có thể bắt đầu trao tiền vận động cho các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa.

Ông McCarthy viết trên Twitter: “Nếu giới tinh hoa Mỹ cho rằng việc chạy theo trào lưu [ám chỉ động thái ngả sang ủng hộ Đảng Cộng hòa] sau cuộc bầu cử hôm thứ 3 và trước khi làn sóng đỏ sắp xảy ra [ám chỉ khi Đảng Cộng hòa giành chiến thắng] sẽ khiến những người bảo thủ [những đảng viên Đảng Cộng hòa] quên đi vai trò của họ [giới tinh hoa] trong việc buộc Hoa Kỳ mở cửa biên giới và làm lạm phát tăng cao kỷ lục, thì họ đã nhầm to”.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed và Nhà Trắng bấy lâu nay luôn cho rằng lạm phát sẽ giảm bớt khi các nút thắt trong chuỗi cung ứng được khắc phục.

Chi Anh Theo The Epoch Times

Kỷ lục 60 năm do bão tuyết ở Nội Mông: Tầng 1 biến mất, gia súc chết cóng, 27 báo động đỏ

Phụng Minh

Ảnh: Youtube/SEASKY海阔天空

Khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc đã có tuyết rơi 5 ngày liên tục kèm theo bão tuyết. Độ dày tuyết dày nhất lên tới 68 cm, không chỉ phá kỷ lục trong vòng 60 năm trở lại đây, mà tuyết dày còn gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và gây bất tiện cho người dân địa phương.

Một cư dân họ Bá cho hay, cô sống ở thành phố Thông Liêu, sáng ngày 9 khi thức dậy cô phát hiện ra tầng một của tòa nhà đối diện với nhà cô đã bị tuyết vùi lấp hoàn toàn và gần như là biến mất trong không khí. Nhà đối diện chỉ nhìn thấy tầng hai. Video được cô đăng tải đã khiến dư luận không thế không chú ý.

Tờ “Jimu News” đưa tin, cô Bá nhìn ra ngoài qua cửa sổ chỉ thấy một mảng trắng xóa, tầng một của tòa nhà dân cư đối diện đã bị tuyết vùi lấp hoàn toàn, biến mất tăm tích. Cô vừa quay video vừa thốt lên: “A! Đối diện là tầng hai, chúng ta đang ở tầng ba, vậy tầng một ở đâu? Tầng một đã bị chôn vùi, tuyết rơi dày quá”.

Cô cũng cho biết thêm, ngày hôm đó mẹ cô cũng gọi điện báo cho cô biết rằng ở quê bò bị trơn trượt ngã xuống đất bị thương nhưng sau đó được chữa trị kịp thời, không xảy ra vấn đề gì” .

Tính đến ngày 9, đợt tuyết rơi mạnh ở Thông Liêu, Nội Mông đã kéo dài trong khoảng 46 giờ. Có hai ngày liên tiếp có bão tuyết lớn, độ dày tuyết bao phủ đã phá vỡ kỷ lục 60 năm trở lại đây kể từ năm 1951.

Ngoài ra, ở Thông Liêu, không chỉ có các đồng cỏ bị tuyết vùi dập mà nhiều loại gia súc cũng mất nơi trú ngụ vì giá lạnh, lượng lớn tuyết rơi khiến nông nghiệp ở khu vực phía Nam bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ xuống thấp và thiệt hại do giá rét “. Nếu tuyết không tan nhanh, nó sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, nguồn dự trữ thức ăn chăn nuôi của các khu vực chăn nuôi và bán chăn nuôi cũng nhanh chóng cạn kiệt. Thậm chí tuyết rơi nhiều còn có thể gây ra thảm họa trắng.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông nhà nước TQ, từ ngày 5 đến ngày 9 tháng 11, bão tuyết xảy ra ở thành phố Thông Liêu, thành phố Xích Phong và những nơi khác gây thiệt hai nặng nề, thiệt hại kinh tế ước tính là 143,4 triệu NDT.

Kể từ ngày 7/11, các tỉnh Liêu Ninh, vùng Nội Mông, Cát Lâm, Hắc Long Giang đã ban hành tổng cộng 27 báo động đỏ về bão tuyết, mức cao nhất trong thang cảnh báo của Trung Quốc.

Giao thông ở tỉnh Liêu Ninh bị gián đoạn nghiêm trọng, phần lớn các trạm thu phí đường cao tốc phải đóng cửa ngày 9/11. Giới chức thành phố Thẩm Dương thuộc tỉnh Liêu Ninh đã phải huy động 24.000 người và 2.000 máy móc, thiết bị để dọn tuyết và thông các tuyến đường cao tốc.

Diễn đàn APEC họp thượng đỉnh với hồ sơ chính là khí hậu

Thanh Phương

Nữ thủ tướng New Zealand, Jacinda Ardern chủ trì hội nghị doanh nghiệp APEC ngày 11/11/2021. via REUTERS – APEC NEW ZEALAND

Hôm 12/11/2021, lãnh đạo 21 quốc gia thành viên diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), trong đó có tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến do New Zealand tổ chức.

Thượng đỉnh APEC năm nay diễn ra cùng lúc với hội nghị khí hậu COP26 tại Glasgow-Anh Quốc trên nguyên tắc kết thúc hôm nay, cho nên chủ đề thảo luận chính tại cuộc họp này là chống biến đổi khí hậu, nhất là vấn đề tài trợ cho các năng lượng hóa thạch, vốn phát thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính.

Cho tới nay quyết định quan trọng về khí hậu mà 21 nước thành viên APEC đưa ra là thỏa thuận nhằm thúc đẩy việc tạm ngưng tài trợ cho các nhiên liệu hóa thạch, ý tưởng mà các lãnh đạo APEC đã nêu lên từ cách đây 10 năm, nhưng chưa bao giờ thực hiện được.

Chủ trì thượng đỉnh APEC, thủ tướng New Zealand Jacinda Arden hôm nay đã kêu gọi các nước thành viên nên có nhiều tham vọng hơn, nhắc lại lập trường của New Zealand từ lâu vẫn là một thế giới không có tài trợ cho các nhiên liệu hóa thạch.

Theo hãng tin AFP, các lãnh đạo APEC ngày mai sẽ ra một thông cáo nêu chi tiết kết quả của thượng đỉnh, trong một cuộc họp báo do thủ tướng Arden chủ trì. AFP trích lời bà Lesley Hughes, thuộc tổ chức phi chính phủ Climate Council, cho rằng thông cáo nói trên phải vạch ra một lộ trình cho một sự thay đổi thật sự đến việc chấm dứt sử dụng các năng lượng hóa thạch, « nếu APEC muốn tỏ ra đáng tin cậy trên vấn đề này ».

Ngoài khí hậu, cuộc họp thượng đỉnh của diễn đàn APEC hôm nay còn thu hút sự chú ý bởi vì có sự tham dự của tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo dự kiến, lãnh đạo hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới sẽ phát biểu về thương mại và phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Sự tham dự của ông Joe Biden và Tập Cận Bình vào cuộc họp hôm nay được coi như là « khúc dạo đầu » cho thượng đỉnh Mỹ-Trung trực tuyến vào ngày 15/11/2021, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh trên vấn đề Đài Loan, nhân quyền và thương mại.

Hôm qua, trong một hội nghị trực tuyến về thương mại bên lề thượng đỉnh APEC, ông Tập Cận Bình đã cảnh báo về bối cảnh « không khác gì chiến tranh lạnh » ở vùng châu Á-Thái Bình Dương.

Cơ quan Dược phẩm châu Âu phê duyệt thuốc trị Covid-19

Thanh Phương

Ủy viên châu Âu đặc trách về Y Tế, bà Stella Kyriakides trong cuộc họp báo tại Bruxelles về Covid. Ảnh chụp ngày 06/05/2021. © Kenzo Tribouillard, Reuters

Hôm 11/11/2021, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) thông báo lần đầu tiên đã cho phép bán ra thị trường Liên Hiệp Châu Âu hai loại thuốc trị Covid-19 bằng kháng thể.

Cụ thể hai loại thuốc vừa được EMA phê duyệt là thuốc Ronapreve của hãng dược phẩm Thụy Sĩ Roche và thuốc Regkirona của công ty Hàn Quốc Celltrion. Trong thông cáo, EMA, trụ sở tại Amsterdam, nhấn mạnh : « Ronapreve và Regkirona là hai thuốc kháng thể đơn dòng (anticorps monoclonaux) đầu tiên được đánh giá là có hiệu quả trị Covid-19 ».

Theo lời Ủy viên Y tế châu Âu Stella Kyriakides, việc phê duyệt hai loại thuốc nói trên là một « bước quan trọng » trong công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19. Cho tới nay, Liên Hiệp Châu Âu chỉ dựa vào 4 loại vac-xin ngừa Covid để tiêm ngừa cho người dân các nước thành viên nhằm ngăn chận đà lây lan của virus corona, nhất là của biến thể Delta. Ủy viên Y tế châu Âu cho biết mục tiêu đề ra là từ đây đến cuối năm 2021 sẽ phê duyệt tổng cộng 5 loại thuốc mới trị Covid-19.

Kháng thể là một trong những thành phần cơ bản của hệ thống miễn dịch của chúng ta. Khi có một yếu tố nguy hiểm xâm nhập vào, chẳng hạn như một virus, cơ thể của chúng ta sẽ tự tạo ra kháng thể để tiêu diệt virus và bảo vệ cơ thể. Cơ thể nào có khả năng hình thành kháng thể càng mạnh thì khả năng miễn dịch chống lại các bệnh nhiễm virus càng cao.

Nguyên tắc của thuốc trị bằng kháng thể là người ta chọn lọc những kháng thể tự nhiên và sản xuất chúng một cách nhân tạo, rồi sau đó đưa vào cơ thể, thường là tiêm qua tĩnh mạch.

Về vaccin ngừa Covid-19, một nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học The Lancet hôm 11/11/2021 xác nhận hiệu quả của vac-xin Ấn Độ Covaxin. Vac-xin này vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt cách đây vài ngày và đã được nhiều nước nghèo cấp phép sử dụng khẩn cấp, trong đó có Việt Nam. Ưu điểm của Covaxin là có thể được  cất giữ trong tủ lạnh bình thường, thích hợp với các nước đang phát triển.

Quốc tế họp tại Paris nhằm giúp Libya ổn định trở lại

Thanh Phương

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì hội nghị về Libya tại Paris bên lề Diễn đàn hòa bình thế giới từ ngày 11 đến 13/11/2021. © Nigeria presidency

Mười năm sau khi chế độ Kadhafi sụp đổ, hôm nay, 12/11/2021, cộng đồng quốc tế họp tại Paris để một lần nữa tìm cách giúp cho Libya ổn định trở lại, với bước đầu tiên là tổ chức thành công bầu cử ngày 24/12/2021.

Tham dự hội nghị do tổng thống Emmanuel Macron chủ trì có khoảng 30 lãnh đạo, trong đó có thủ tướng Đức Angela Merkel, thủ tướng Ý Mario Draghi và hai lãnh đạo của Libya. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng tham dự, nhưng qua video.

Hội nghị tại Paris cũng quy tụ lãnh đạo của các nước có liên quan đến khủng hoảng Libya hoặc đến việc giải quyết khủng hoảng này, trong đó có phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sissi và ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov.

Theo thông cáo của điện Elysée, mục tiêu của hội nghị quốc tế này là “mang lại sự yểm trợ của quốc tế cho việc tiếp tục tiến tình chuyển tiếp chính trị và cho việc tổ chức bầu cử đúng theo lịch trình dự kiến”. Vấn đề là cuộc bầu cử tổng thống ngày 24/12/2021 và cuộc bầu cử Quốc Hội một tháng sau đó không chắc là sẽ được tổ chức suông sẻ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa các phe kình chống nhau và tình trạng an ninh không được bảo đảm.

Liên Hiệp Quốc hy vọng là các cuộc bầu cử này sẽ chấm dứt một thập niên hỗn loạn ở Libya kể từ khi chế độ Kadhafi sụp đổ năm 2011, cũng như chấm dứt cảnh chia rẽ, đấu đá giữa hai phe đối địch, một phe ở miền tây Libya và phe kia ở miền đông. Hiện giờ phe nào cũng nghi ngờ phe kia muốn thu lợi về phía mình.

Chính phủ Pháp hy vọng hội nghị Paris lần này sẽ thông qua kế hoạch triệt thoái các lực lượng nước ngoài và lính đánh thuê nước ngoài ra khỏi Libya.

Tổng thống Pháp Macron đã từng tổ chức hai hội nghị về Libya vào năm 2017 và 2018, nhưng đều đã thất bại. Ông bị trách là đã ủng hộ thống chế Khalifa Haftar, nhân vật đang kiểm soát miền đông Libya và cũng được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất yểm trợ, hơn là phe thân Thỗ Nhĩ Kỳ, hiện đang nắm quyền ở Tripoli.

Biden ký đạo luật gia tăng hạn chế cấp phép thiết bị của các công ty viễn thông Trung Quốc

Chi Phương

Một nhân viên Hoa Vi (Huawei) trình diễn công nghệ 5G tại một cuộc triển lãm ở Bắc Kinh, ngày 26/09/2018. AP – Mark Schiefelbein

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Năm 11/11/2021, đã ký ban hành một đạo luật mới ngăn chặn việc cấp phép dùng các thiết bị mới của các công ty viễn thông Trung Quốc như Hoa Vi (Huawei), ZTE.

Đạo luật mới, còn được gọi là “Đạo luật Thiết bị An toàn”, đã được Quốc Hội lưỡng viện Mỹ thông qua trong tháng 10 vừa qua, quy định là Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ ( FCC) không xem xét hoặc cấp phép sử dụng các thiết bị viễn thông mới được xác định là đe dọa an ninh quốc gia.

Theo Reuters, đây là nỗ lực mới nhất của chính phủ Mỹ trong việc ngăn cản các công ty công nghệ viễn thông Trung Quốc hoạt động trên lãnh thổ của Hoa Kỳ.

Ông Brendan Carr, thuộc FCC, cho biết, Ủy ban đã phê duyệt hơn 3000 đơn xin cấp phép bán thiết bị của Hoa Vi kể từ năm 2018. Bộ luật mới này sẽ “bảo đảm là các thiết bị không an toàn từ các công ty như Hoa Vi và ZTE, sẽ  không thể được đưa vào sử dụng trong mạng lưới truyền thông của Hoa Kỳ.”

Tháng 3 năm 2021, chính quyền Washington đã nêu ra 5 công ty Trung Quốc là mối đe dọa cho an ninh Hoa Kỳ. Tiếp đó, vào tháng 10 /2021, FCC đã thu hồi giấy phép hoạt động của công ty con của China Telecom tại Hoa Kỳ với cùng lý do.

Phát ngôn viên của bộ Ngoại giao Trung Quốc nhận định rằng Hoa Kỳ “không có bất kỳ bằng chứng nào”, chỉ là viện dẫn “lý do an ninh” để “trấn áp các công ty Trung Quốc”.

Tổng thống Mỹ ký ban bố văn bản luật này vài ngày trước cuộc hội đàm trực tuyến với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kiến vào thứ Hai 15/11/2021, trong bối cảnh quan hệ song phương vẫn tiếp tục căng thẳng về thương mại, nhân quyền và các hoạt động quân sự.

Tổ chức nhân quyền lâu đời nhất ở Nga có nguy cơ bị xóa sổ

Tổng thư ký của Hội Đồng Châu Âu, bà Marija Pejcinovic Buric (AFP)

Số phận tổ chức phi chính phủ Memorial ở Nga sẽ được quyết định vào ngày 25/11/2021 tại Tòa Án Tối Cao Nga. Trong thông cáo công bố hôm qua, 11/11, Memorial cho biết Viện Công Tố đã kháng nghị lên Tòa Án Tối Cao, đòi giải thể tổ chức bảo vệ nhân quyền và chuyên điều tra tội ác của chế độ  Xô Viết.  

Chính quyền Nga trong thời gian qua liên tục gia tăng áp lực đối với các tổ chức phi chính phủ, các phương tiện truyền thông độc lập và đối lập và coi họ là những tác nhân, tổ chức ngoại quốc vì được các quỹ nước ngoài tài trợ.

Hôm 12/11/2021 tổng thư ký của Hội Đồng Châu Âu, bà Marija Pejcinovic Buric chỉ trích việc giải thể tổ chức nhân quyền lâu đời nhất nước Nga là “một đòn tấn công tàn khốc đối với xã hội dân sự, đây vốn là trụ cột thiết yếu của bất kỳ nền dân chủ nào”. Bà kêu gọi giới chức Nga xem xét lại vụ việc.  

Từ Moscow, thông tín viên RFI Jean-Didier Revoin giải thích thêm :

Nằm trong danh sách các tác nhân ngoại quốc từ năm 2014, tổ chức phi chính phủ Memorial bị Viện Công Tố cáo buộc đã vi phạm liên tục các nghĩa vụ phải tự giới thiệu quy chế này trong các ấn phẩm, kể cả các bài viết đăng trên mạng xã hội. Memorial cho rằng đó là một quyết định chính trị nhằm giải thể tổ chức nhân quyền này, đồng thời cũng nhắc lại rằng ngay từ ban đầu, tổ chức này đã tố cáo luật về các tác nhân ngoại quốc đã được đưa ra để đàn áp các tổ chức độc lập.

Được thành lập bởi nhà đối lập Andrei Sakharov trong thời kỳ cải tổ (Perestroika) từ 1986 đến 1991 của Liên Xô, Memorial là tổ chức nhân quyền lâu đời nhất và mang tính biểu tượng nhất ở Nga. Do vậy tổ chức nhận được rất nhiều ủng hộ.

Ông Nikolaï Svanidze, thành viên Hội đồng cố vấn tổng thống Nga về Nhân quyền và Xã hội Dân sự, cho rằng yêu cầu của Viện Công Tố thật đáng xấu hổ. Ông cũng giải thích là sẽ phụ trách hồ sơ này nhưng không thể bảo đảm có được sự ủng hộ của toàn Hội đồng. Vậy phải chờ xem liệu ông Svanidez có đủ sức để chống lại các nhóm bảo thủ và giành thắng lợi trong vụ này hay không. Do đó, phải đợi đến thứ Năm tới, ngày mà Tòa Án Tối Cao đưa ra phán quyết về vụ này.”

Luật tác nhân ngoại quốc được thông qua vào năm 2012, bắt buộc các tổ chức nhận tài trợ từ nước ngoài phải đăng ký với bộ Tư Pháp Nga và phải đính kèm từ này (tác nhân ngoại quốc) trên tất cả các ấn phẩm của họ. Danh sách các tác nhân ngoại quốc sau đó được mở rộng, nhắm đến các cá nhân, nhà báo hoặc blogger.

Theo AFP, nhãn mác tác nhân ngoại quốc làm gợi nhớ đến nhãn mác “kẻ thù của nhân dân” trong thời Xô Viết, nhằm ám chỉ những người nhận “tài trợ nước ngoài” và thực hiện “hoạt động chính trị”. 


Đối lập Cuba duy trì biểu tình bất chấp lệnh cấm của chính quyền

Chi Phương

Biểu tình tại thủ đô La Habana, Cuba ngày 11/07/2021. REUTERS – Alexandre Meneghini

Phe đối lập Cuba ngày 11/11/2021, đã quyết định vẫn giữ nguyên ngày tổ chức biểu tình dự kiến vào thứ Hai, ngày 15/11/2021 bất chấp lệnh cấm của chính quyền La Habana.

Ban tổ chức biểu tình xác nhận, biểu tình sẽ diễn ra tại thủ đô La Habana và 6 tỉnh thành khác để đòi trả tự do cho các tù nhân chính trị, mặc dù chính quyền đã ra lệnh cấm biểu tình và đe dọa khởi tố hình sự đối với những người vi phạm. Trên mạng xã hội Twitter, ông Unior Garcia Agulera, người đứng đầu ban tổ chức, cho biết đã quyết định “sẽ tuần hành một mình” một ngày trước cuộc biểu tình vào 15/11, “nhân danh tất cả công dân mà chế độ này tước quyền biểu tình”.  

Trả lời AFP, ông lo ngại rằng chính quyền La Habana sẽ huy động lực lượng, dùng bạo lực để đàn áp người tuần hành.  

Trong khi đó, La Habana cáo buộc Hoa Kỳ muốn gây bất ổn cho Cuba thông qua các cuộc biểu tình, đồng thời cũng nhấn mạnh “Cuba có đủ người làm cách mạng để đối phó với tất cả các thể loại biểu tình”.  

Hôm 11/11/2021, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc phụ trách về quyền tự do hội họp hòa bình và tự do hiệp hội, ông Clément Nyaletsosso Voule, đã nhắc nhở về nghĩa vụ của chính quyền Cuba, không sử dụng bạo lực và “phải bảo vệ, tạo điều kiện cho phép các cuộc biểu tình ôn hòa”.  

Lời kêu gọi biểu tình diễn ra 5 tháng sau cuộc biểu tình ngày 11/07. Khi đó, hàng nghìn người Cuba xuống đường hô vang biểu ngữ “Tự do”, “Đả đảo chế độ độc tài!” hoặc “Chúng tôi đói!” “. Cuộc biểu tình đã bị chính quyền đàn áp tàn bạo. Theo tổ chức phi chính phủ nhân quyền Cubalex, hàng chục người bị thương và 1.175 người bị bắt trong đó 612 người vẫn đang bị giam giữ. 

Related posts